Sự sụp đổ của Marine Le Pen và trận chiến lớn đang đến gần

Nguồn: Roger Cohen, “Marine Le Pen Falls to the Rule of Law and a Great Battle Looms,” New York Times, 31/03/2025

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Việc tòa án kết án nhà lãnh đạo cực hữu về tội tham ô và lệnh cấm bà ra tranh cử đã gây ra một cuộc khủng hoảng mới cho nước Pháp.

Năm ngoái, Marine Le Pen đã nói với vẻ đầy đe dọa về hậu quả có thể xảy ra sau phiên tòa xét xử bà về tội tham ô. “Ngày mai, có lẽ hàng triệu người Pháp sẽ thấy mình bị tước mất ứng viên tổng thống.”

Thứ hai tuần trước, sau khi tòa án ra phán quyết bà không đủ tư cách tranh cử chức vụ công trong vòng 5 năm, hàng triệu cử tri Pháp đã vô cùng tức giận. Pháp là một nền dân chủ pháp quyền, như phán quyết của tòa đã chứng minh. Nhưng không rõ liệu nền Cộng hòa thứ năm đầy chông gai của nước này có thể chống chọi nổi làn sóng phản đối chính trị không thể tránh khỏi trước cuộc bầu cử năm 2027 hay không.

Khác với Tổng thống Trump, người đã phải đối mặt với những lời buộc tội, cáo trạng, và vụ án hình sự trong hành trình đến chiến thắng bầu cử năm ngoái, thậm chí có lẽ còn được hưởng lợi từ sự đàn áp, Le Pen không thể tìm thấy con đường chính trị nào để vượt qua phán quyết của hệ thống pháp luật Pháp.

 “Sự độc lập của hệ thống tư pháp và sự phân chia quyền lực là cốt lõi trong nền dân chủ của chúng tôi,” Valérie Hayer, một nhà lập pháp trung dung tại Nghị viện châu Âu, khẳng định. “Không ai đứng trên luật pháp.”

Quan điểm đó chắc chắn sẽ bị chỉ trích dữ dội trong bối cảnh toàn cầu, khi mà việc đặt câu hỏi về tính chính danh của hệ thống pháp luật đã trở nên thường xuyên hơn – trên khắp châu Âu, nhưng đặc biệt là ở nước Mỹ của Trump. Tổng thống Mỹ đã kêu gọi luận tội những thẩm phán ra phán quyết chống lại ông và gọi họ là “những kẻ điên rồ.”

Sau khi phán quyết được đưa ra cho Le Pen, Elon Musk, trợ lý tỷ phú của Trump, nói rằng “Khi cánh tả cấp tiến không thể giành chiến thắng thông qua bỏ phiếu dân chủ, họ sẽ lạm dụng hệ thống pháp luật để bỏ tù những người đối lập.”

Le Pen trong cuộc bầu cử quốc hội năm ngoái. © Mauricio Lima, New York Times

Xét đến lịch sử của họ, các xã hội châu Âu rất nhạy cảm với sự hồi sinh của các phong trào cực hữu. Pháp, giống như Đức, có ký ức sâu sắc về sự mong manh của các thể chế dân chủ, và một khi pháp quyền không còn nữa, con đường đến chế độ độc tài sẽ rộng mở.

Alain Duhamel, một nhà khoa học chính trị nổi tiếng, nhận định: “Sau Le Pen, mục tiêu trực tiếp tiếp theo của một cuộc chiến chính trị lớn sẽ là nền pháp quyền. Sẽ có những lời cáo buộc rằng đây là một chính phủ của các thẩm phán, sẽ có những cuộc tấn công vào tòa án tối cao của chúng ta, không chỉ từ Đảng Mặt trận Quốc gia (RN) mà còn từ phe trung hữu,” ông nói, đồng thời nêu đích danh đảng của Le Pen.

Nhưng ông cũng thêm rằng “các thẩm phán người Pháp hoàn toàn độc lập.”

Jordan Bardella, người bảo trợ được Le Pen chăm sóc chu đáo, tuyên bố rằng nền dân chủ Pháp đã chết, đã bị tòa án giết chết. Sự thật không phải vậy, và Bardella chắc chắn sẽ thất bại trong nhiệm vụ lãnh đạo Đảng RN chống nhập cư trong kỳ bầu cử sắp tới, trừ phi đơn kháng cáo của Le Pen kịp thời giúp bà hủy bỏ lệnh cấm tranh cử.

Ở tuổi 29, Bardella vẫn còn quá trẻ để mơ đến chức vụ cao nhất, nhưng ông đã chứng tỏ được sức hấp dẫn rộng rãi và khả năng kiểm soát thông tin đáng kinh ngạc. Nhưng vẫn còn phải chờ xem ông sẽ tách biệt tham vọng của mình với Le Pen như thế nào. Cho đến nay, họ vẫn tránh được xung đột.

Le Pen và Jordan Bardella năm ngoái. © Bertrand Guay/Agence France-Presse – Getty Images

Trên khắp châu Âu, phe cực hữu đã nhanh chóng phản ứng với quyết định của tòa án.

Matteo Salvini, Phó Thủ tướng cực hữu của Ý, nói rằng những kẻ “sợ sự phán xét của cử tri” thường tìm kiếm sự trấn an từ phán quyết của tòa. Thủ tướng Hungary Viktor Orban thì khẳng định mình ủng hộ Le Pen.

Tại Moscow, Dmitri Peskov, người phát ngôn của Điện Kremlin, tuyên bố “Ngày càng nhiều thủ đô châu Âu lựa chọn vi phạm các chuẩn mực dân chủ.”

Tất nhiên, những lời chỉ trích nền dân chủ đến từ nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin không hề có sức thuyết phục. Nhưng trong trường hợp này, chúng trùng lặp đáng kể với quan điểm của phó tổng thống Mỹ, J.D. Vance, người vào tháng 2 đã chỉ trích các quốc gia châu Âu vì cố gắng kìm hãm phe cực hữu nhân danh việc bảo vệ nền dân chủ.

Dù muốn hay không, Le Pen giờ đây có thể trở thành một nhân tố trong lập luận của Vance-Musk về sự thất bại của nền dân chủ ở châu Âu. Tuy nhiên, sự thật là bà đã bị kết tội, sau một cuộc điều tra kéo dài với nhiều bằng chứng chi tiết, về tội biển thủ hàng triệu đô la tiền quỹ của Liên minh châu Âu, chi trả cho các nhân viên trong đảng bằng số tiền đáng lẽ phải được dùng để hỗ trợ các nhà lập pháp châu Âu.

Trong thập kỷ qua, Le Pen đã lãnh đạo một chiến dịch “phi ác quỷ hóa,” thay đổi hình ảnh của Đảng Mặt trận Quốc gia từ nguồn gốc phát xít bài Do Thái sang một đảng chính thống chống người nhập cư nắm giữ nhiều ghế trong Quốc hội Pháp hơn bất kỳ đảng nào khác.

Giờ đây, bà có thể chỉ đạo đảng của mình gây rắc rối.

Le Pen tại Quốc hội vào tháng trước. © Barshe Petit Tesson/EPA, qua Shutterstock

Cách trực tiếp nhất là lật đổ chính phủ trung dung của Thủ tướng François Bayrou bằng cách ủng hộ một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ngay trong năm nay, trên thực tế là nói với người dân Pháp rằng họ nên trở thành thẩm phán và đưa ra phán quyết trong cuộc bầu cử quốc hội.

Một sự chuyển hướng sang Đảng RN sẽ không mở đường cho Le Pen trở thành tổng thống, nhưng đó sẽ là một tuyên bố mạnh mẽ.

Nếu một cuộc bầu cử quốc hội được tổ chức, có thể là sau tháng 6, Le Pen có lẽ sẽ không thể bảo vệ chiếc ghế hiện tại của mình, nhưng chẳng gì có thể ngăn cản bà trở thành thủ tướng nếu Đảng RN giành chiến thắng lớn.

 “Toà án đã chứng minh ý chí chính trị của mình, không phải ý chí pháp lý mà là ý chí chính trị,” Wallerand de Saint-Just, cựu thủ quỹ của RN, người cũng bị kết án, nói.

Tuy nhiên, theo một loạt chính trị gia trung dung thì không phải vậy. Họ đã thể hiện rõ niềm tự hào của mình đối với hệ thống pháp luật của Pháp trong lúc Trump tấn công hệ thống tư pháp “bị vũ khí hóa” của Mỹ.

“Le Pen, dù được bầu hay là ứng viên, thì đều là công dân Pháp,” Sacha Houlié, một nhà lập pháp trung tả cho biết. “Luật của nước Cộng hòa phải được áp dụng.”

Roger Cohen là trưởng văn phòng tại Paris của New York Times, phụ trách đưa tin về Pháp và nhiều nước khác. Ông từng đưa tin về các cuộc chiến ở Lebanon, Bosnia, và Ukraine, cũng như giữa Israel và Gaza trong hơn bốn thập kỷ làm nhà báo. Tại New York Times, ông đảm nhiệm vai trò phóng viên, biên tập viên nước ngoài, và chuyên gia bình luận.