Nguồn: Michael Hirsh, “Tariffs Can Actually Work – if Only Trump Understood How,” Foreign Policy, 03/04/2025
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Một chính sách thương mại thông minh có thể giúp khôi phục việc làm, nhưng cách tiếp cận kiểu ném bom rải thảm của tổng thống lại báo hiệu thảm họa.
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động cuộc thương chiến toàn cầu mới vào thứ Tư ngày 02/04 – sự kiện mà ông gọi là “tuyên ngôn độc lập kinh tế” – ông đã phát biểu những lời có lẽ là câu chuyện hoang đường nhất về lịch sử kinh tế hiện đại từng được truyền đi từ Nhà Trắng.
Trump khẳng định nước Mỹ đã bị “vơ vét, tàn phá, xâm phạm, và chiếm đoạt” bởi “cả bạn và thù” trong “hơn 50 năm.” Ông tuyên bố một cách vô lý rằng “không có công ty nào của chúng ta được phép thâm nhập vào các quốc gia khác” dù kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ đã vượt quá 3 nghìn tỷ đô la vào năm 2024, sau khi đã tăng liên tục trong hai thập kỷ. Trump còn gợi ý vô lý hơn nữa rằng Đại Suy thoái đáng lẽ đã chẳng xảy ra nếu Washington không dỡ bỏ chính sách thuế quan của mình cách đây hơn 100 năm.
Và vào thứ Tư, bằng cách tái áp dụng mức thuế quan cứng rắn đối với hầu hết mọi quốc gia, Trump tuyên bố “việc làm và nhà máy sẽ phục hồi mạnh mẽ” để thúc đẩy một “thời kỳ hoàng kim” mới, và rằng “ngày 02/04/2025 sẽ mãi mãi được ghi nhớ là ngày mà ngành công nghiệp Mỹ tái sinh.”
Nhưng điều đó khó có thể xảy ra. Ngược lại, quả bom neutron mà Trump thả xuống hệ thống kinh tế toàn cầu vào ngày 02/04 có thể báo hiệu một vòng xoáy tử thần – đặc biệt là đối với các nhà sản xuất hàng đầu của Mỹ, những người phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tại Phố Wall, thị trường đã lao dốc vào thứ năm sau làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ.
Hơn nữa, khu vực doanh nghiệp Mỹ – cùng với phần còn lại của thế giới – đã phản ứng đầy kinh hoàng trước những phép tính đơn giản đằng sau các chính sách mới của Trump, cùng với những bất ổn cho đầu tư mà chúng tạo ra. Danh sách thuế quan mà Tổng thống công bố dường như dựa trên một công thức đơn giản mà trong đó thâm hụt thương mại hàng hóa (không phải dịch vụ) của Mỹ được chia cho lượng nhập khẩu – phản ánh ý tưởng sai lầm của ông rằng các quốc gia hoạt động như các tập đoàn, và thặng dư thương mại thực chất là lợi nhuận, trong khi thâm hụt là thua lỗ.
Hãy lấy Trung Quốc làm ví dụ. Nếu chia khoản thâm hụt 295,4 tỷ đô la của Mỹ với Trung Quốc vào năm 2024 cho lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ là 438,9 tỷ đô la, thì kết quả là 67%, đây chính là con số mà Trump nói vào thứ Tư, về cơ bản là mức thuế quan của Trung Quốc đối với hàng hóa của Mỹ. Sau đó, đội ngũ của Trump đã lấy xấp xỉ một nửa con số đó, xác định rằng mức thuế quan “có đi có lại” của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ là 34%.
Không có cơ sở kinh tế rõ ràng nào để ủng hộ điều này.
“Đây không phải là chính sách – mà là sự ngu ngốc,” nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz, người từ lâu cũng ủng hộ thương mại cấp tiến có áp dụng thuế quan, nhận xét.
Cách tiếp cận của Trump cho thấy rằng quan điểm trọng thương của ông về thâm hụt thương mại thời tiền Adam Smith, từng được ông áp dụng trong nhiệm kỳ đầu tiên, hoàn toàn không thay đổi. Điều này cũng cho thấy ông không mấy quen thuộc với lý thuyết kinh tế trong 250 năm qua, vốn đã chứng minh rõ ràng rằng thương mại không phải là trò chơi có tổng bằng không như Trump nghĩ, mà ngược lại, là cuộc chơi mà tất cả các bên đều có lợi.
Trump dường như hoài niệm về một quá khứ đã mất, một thời kỳ ngắn ngủi được thống trị bởi người hùng thập niên 1890 của ông, Tổng thống William McKinley, người – giống như Trump – từng tự gọi mình là “ngài thuế quan.” Đó là thời đại mà ngành sản xuất mạnh nhất hiện nay của Mỹ – công nghệ – vẫn chưa tồn tại, và chẳng một ai hay biết “dịch vụ” là gì.
“Điều này quả thật khó hiểu đối với các nhà kinh tế,” Stiglitz nói. “Nó hoàn toàn vô lý, đặc biệt là vì nó loại trừ các dịch vụ trong nền kinh tế thế kỷ 21, trong đó các dịch vụ như viễn thông, giáo dục, và tài chính chiếm 20% [GDP của Mỹ], còn sản xuất chỉ chiếm 10%.”
Adam Hersh thuộc Viện Chính sách Kinh tế, một tổ chức cấp tiến, người từ lâu đã ủng hộ thuế quan như một công cụ thương mại, cũng có tuyên bố không kém phần gay gắt.
Ông nói “Điều này sẽ đi vào lịch sử như là sai lầm tồi tệ nhất về chính sách kinh tế mà một nguyên thủ quốc gia từng mắc phải. Thật là thiếu suy nghĩ và liều lĩnh đến mức không thể hiểu nổi.”

Điều trớ trêu đáng buồn nhất trong tất cả những điều này là thứ mà Trump đã bỏ lỡ. Một chính sách thương mại thông minh và mang tính chiến lược – bao gồm các mức thuế quan được nhắm mục tiêu cụ thể, và các mối đe dọa trừng phạt thương mại khác – thực sự có thể đạt được những gì mà Tổng thống tuyên bố là một trong những mục tiêu chính của ông: thúc đẩy các nước khác đầu tư vào Mỹ và tạo ra việc làm cho người dân Mỹ.
Các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã chứng minh điều này cách đây nhiều thập kỷ, khi họ nhắm vào nền kinh tế khép kín được gọi là Nhật Bản (Japan Inc). Trong suốt thập niên 1980 và 1990, các chính quyền Cộng hòa và Dân chủ đã áp đặt hàng loạt làn sóng trừng phạt và buộc Tokyo phải tăng giá đồng yên. Ở Nhật Bản, giai đoạn này được gọi là gaiatsu (áp lực bên ngoài) – và nó đã giúp tái cấu trúc nền kinh tế. Sau nhiều năm, các tập đoàn khổng lồ của Nhật Bản quyết định từ bỏ một phần nền kinh tế tăng trưởng chậm và bắt đầu chuyển một lượng lớn hoạt động sản xuất sang Mỹ.
Kết quả là – ở một mức độ đáng kinh ngạc đối với nhiều người Mỹ – các công ty Nhật Bản đã trở thành “chúng ta” thay vì “họ.” Ba mươi năm trước, thái độ thù địch chính trị đối với các nhà sản xuất Nhật Bản gay gắt đến mức người dân thường khạc nhổ hoặc cào xước những chiếc xe Toyota và Nissan đang đậu trên đường. Ngày nay, xe hơi “Nhật Bản” xuất hiện trên khắp các đường phố Mỹ, và hầu như không ai quan tâm vì phần lớn chúng được sản xuất hoặc lắp ráp ngay tại Mỹ. Vào năm 2024, các nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản đã sản xuất hơn 3 triệu chiếc xe tại các cơ sở ở Mỹ, gấp đôi số xe nhập khẩu từ Nhật Bản.
Dù Mỹ vẫn có thâm hụt thương mại đáng kể (68 tỷ đô la) với Nhật Bản, nhưng con số này đã giảm dần theo thời gian. Khi Thủ tướng Shigeru Ishiba đến thăm Washington vào tháng 2, ông lưu ý rằng các công ty Nhật Bản đã giữ vị trí hàng đầu về tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Mỹ trong 5 năm qua. Hiểu rõ điều này sẽ gây ấn tượng với Trump, Ishiba nói thêm rằng Nhật Bản đang tìm cách đầu tư nhiều hơn vào Mỹ.
Nhưng, hồi tuần trước, sau khi Trump công bố mức thuế 25% đối với xe hơi và phụ tùng nhập khẩu, Ishiba đã than thở rằng quan điểm của Trump về thuế quan là “khó hiểu.”
“Rõ ràng là áp lực mà chúng ta gây ra cho Nhật Bản vào những năm 1980 và 1990 đã khuyến khích nhiều công ty Nhật Bản đầu tư nhiều hơn vào Mỹ,” Matthew Goodman thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, người từng là chuyên gia kinh tế quốc tế tại Bộ Tài chính Mỹ trong thời kỳ đó, bao gồm 5 năm làm tùy viên tài chính tại Đại sứ quán Mỹ ở Tokyo, cho biết. Ông cũng nói thêm: “Họ muốn đứng sau bất kỳ bức tường bảo hộ nào mà chúng ta dựng lên.”
Kỳ lạ thay, Trump dường như không biết đến diễn biến này, vì ông đã chỉ trích Nhật Bản trong bài phát biểu hôm thứ Tư và phàn nàn rằng “94% xe hơi ở Nhật Bản vẫn được sản xuất tại Nhật Bản.” Thế nên, để đảm bảo, ông đã áp thêm mức thuế 24% nữa lên Tokyo.


Tuy nhiên, Trump vẫn đang loay hoay trong bóng tối, mò mẫm hướng tới một mục tiêu tương tự, và ông có thể đạt được một số thành công hạn chế trong việc xây dựng “bức tường bảo hộ” của riêng mình.
Trước mối đe dọa về mức thuế quan cao hơn – và vì họ cần sự bảo trợ quốc phòng của Mỹ – Hyundai của Hàn Quốc vừa công bố khoản đầu tư 21 tỷ đô la bao gồm một nhà máy thép mới với hơn 1.400 nhân viên tại tiểu bang Louisiana. Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) và SoftBank của Nhật Bản cũng đã công bố các kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất sang Mỹ trong những tháng gần đây, nhằm tránh cơn thịnh nộ và thuế quan của Trump.
Một số công ty lớn của Mỹ cũng đang phản ứng bằng cách ra hiệu về việc chuyển hoạt động sản xuất về nước: Hồi tháng 2, Apple cho biết họ đang đầu tư hàng tỷ đô la vào các cơ sở sản xuất vi mạch ở Texas. Intel và Micron cũng cho biết họ sẽ sản xuất tại quê nhà.
Không phải là Trump đưa ra một lời phàn nàn bất hợp lý. Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống lưu ý rằng ông đã phàn nàn về tình trạng thâm hụt thương mại kinh niên trong 40 năm qua, kể từ khi ông còn làm trong ngành xây dựng ở Manhattan, cũng như mức độ không công bằng mà Mỹ đã hỗ trợ để giúp nền kinh tế toàn cầu ổn định.
“Chúng ta chăm sóc các quốc gia trên khắp thế giới,” ông nói. “Chúng ta trả tiền cho quân đội của họ. Chúng ta trả tiền cho mọi thứ họ phải trả. Và sau đó khi bạn muốn cắt giảm một chút, họ sẽ tức giận vì bạn không còn chăm sóc họ nữa. Nhưng chúng ta phải chăm sóc người dân của mình, và chúng ta sẽ chăm sóc người dân của mình trước, tôi rất tiếc phải nói điều đó.”
Thông điệp đó đã gây được tiếng vang lớn với các cử tri Mỹ đang lo ngại về thái độ hời hợt của cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đối với thương mại mở. Họ đã vô trách nhiệm thúc đẩy toàn cầu hóa và không làm gì để đền bù cho tầng lớp trung lưu khi các ngành công nghiệp và công việc cũ bị thay thế một cách thô bạo. Trong hai thế hệ, những nhà hoạch định chính sách dám đặt câu hỏi về thương mại tự do và thúc đẩy “thương mại công bằng” – yêu cầu nhiều thuế quan hơn, bảo hiểm thất nghiệp, và bảo vệ người lao động – đã bị loại khỏi cuộc thảo luận.
Washington cũng bãi bỏ hoàn toàn quy định đối với Phố Wall, cho phép dòng vốn đầu tư chảy vào để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển hoạt động sản xuất sang các quốc gia có mức lương thấp, đặc biệt là Trung Quốc.
Bộ trưởng Tài chính của Trump, Scott Bessent, thậm chí còn hồi sinh ý tưởng về Thỏa ước Plaza năm 1985 – một thỏa thuận giữa nhóm G5 khi đó, gồm Pháp, Đức, Mỹ, Anh, và Nhật, về việc can thiệp thị trường để làm mất giá đồng đô la, chủ yếu so với đồng yên Nhật.
Bessent và Stephen Miran, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng, đã đưa ra ý tưởng về một “Thỏa ước Mar-a-Lago” kết hợp thuế quan với việc phá giá đồng đô la, qua đó giúp sản phẩm của Mỹ có tính cạnh tranh hơn.

Trump dường như không nhận ra rằng bây giờ không phải là thập niên 1980. Ngày nay, không có quốc gia nào có thể chấp nhận một thỏa thuận theo kiểu Thỏa ước Plaza, đặc biệt là khi Trump đang muốn rút bảo trợ quốc phòng của Mỹ khỏi châu Âu và những nơi khác. Ngoài ra, đồng đô la mạnh còn là trụ cột cho sức mạnh toàn cầu của Mỹ. Việc đồng đô la là đồng tiền dự trữ của thế giới có nghĩa là, không giống như các loại tiền tệ khác, nó không thể bị phá giá để điều chỉnh mất cân bằng thương mại. Do đó, các nhà nhập khẩu vẫn có lợi thế hơn so với các nhà sản xuất trong nước của Mỹ – đây là một lý do khiến Mỹ phải chịu thâm hụt kinh niên.
Bây giờ cũng không phải là thập niên 1980, khi McKinley tuyên bố, “Tôi là ngài thuế quan, đứng trên một nền tảng thuế quan.” Trong bài phát biểu ngày 02/04, Trump đã nhắc lại khoảnh khắc “tỏa sáng” đó. Ông nói “Từ năm 1789 đến năm 1913, chúng ta là một quốc gia được hỗ trợ bởi thuế quan, và khi đó, Mỹ đã đạt đến mức giàu có nhất trong lịch sử.”
Nhưng vào thời điểm đó, Mỹ vẫn là một quốc gia đang phát triển, chuyên về công nghiệp nặng và nông nghiệp – và không phải duy trì trật tự toàn cầu. Chính bản thân McKinley cuối cùng cũng lên tiếng phản đối thuế quan. Môi trường kinh doanh ngày nay không còn giống như 20 năm trước; giờ đây, chuỗi cung ứng toàn cầu cho các tập đoàn Mỹ là vô cùng phức tạp và trải dài trên khắp các châu lục.
“Thế giới đã tiến lên phía trước,” Stiglitz nói. “Kể cả khi chúng ta giành lại được 10% việc làm trong ngành sản xuất, một con số rất lớn, thì đó cũng chỉ là 1% lực lượng lao động. Và nó sẽ không làm thay đổi nền kinh tế của chúng ta.”
Stiglitz nói thêm: “Tôi mới đến Trung Quốc gần đây. Thực tế là họ có số lượng kỹ sư gấp 10 lần chúng ta. Và họ cam kết với khoa học, trong khi chính quyền Trump đang cắt giảm đầu tư vào khoa học. Nếu không có các kỹ sư, chúng ta không thể dẫn đầu trong sản xuất hiện đại. Ngoài ra, hầu hết các ngành sản xuất hiện đại thậm chí còn không sử dụng nhiều lao động, mà sử dụng robot.”

Các công ty Mỹ phụ thuộc vào chuỗi cung ứng phức tạp sẽ bị ảnh hưởng theo nhiều cách. Trong những năm gần đây, Apple và các công ty công nghệ cao khác đã tìm cách đa dạng hóa các chuỗi này, chuyển sản xuất đến Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác để tránh thuế quan của Trung Quốc, vốn đã trở nên quen thuộc đối với cả Tổng thống Joe Biden và Trump. Nhưng giờ đây, Trump lại áp đặt mức thuế nặng nề lên hầu hết các quốc gia này. Ví dụ, hàng hóa từ Việt Nam có thể phải chịu mức thuế 46%.
Trump cũng hủy bỏ các kế hoạch chính sách công nghiệp của Biden, mà hầu hết các nhà kinh tế cấp tiến xem là công cụ thiết yếu cùng với thuế quan.
Hersh, từ Viện Chính sách Kinh tế, tin rằng “Điều này làm xấu đi hình ảnh của thuế quan, trong khi thuế quan đã và có thể tiếp tục là công cụ hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp. Nhưng thuế quan thôi thì không đủ. Chúng phải được kết hợp với đủ loại chính sách, trợ cấp, và tín dụng khác,” bao gồm cả các khoản chi như khoản chi từ Đạo luật Giảm Lạm phát cũng như Đạo luật CHIPS và Khoa học của Biden.
Nathan Lane, nhà kinh tế người Mỹ tại Đại học Oxford, người gọi chính sách thuế quan của Trump là “bất nhất hơn mong đợi,” nhận xét rằng tất cả những bất ổn đó sẽ cản đường những loại khuyến khích mà Trump đang tạo ra.
Lane cho biết: “Nếu bạn đưa sản xuất về nước, các dự án vốn khổng lồ đó sẽ mất rất nhiều thời gian, nhưng nếu chính sách thay đổi vào lúc đó, thì sự chắc chắn cần thiết cho việc xây dựng tại Mỹ sẽ biến mất. Cần phải thiết lập kỳ vọng rõ ràng cho khu vực tư nhân. Sự minh bạch này là yếu tố quan trọng để triển khai chính sách công nghiệp hiệu quả.”
Không có gì ngạc nhiên khi Apple đã dẫn đầu nhóm Bảy Ông lớn (Magnificent Seven) trong đợt bán tháo ở Phố Wall vào thứ Năm. Điều này phản ánh tác động tiêu cực lâu dài đối với các công ty không chỉ dựa vào lao động giá rẻ từ nước ngoài, mà còn dựa vào các kỹ năng khoa học và kỹ thuật mà nhiều công nhân Mỹ không có – và giờ đây, do chiến dịch cắt giảm chi phí mạnh tay của Elon Musk, ảnh hưởng đến giáo dục và khoa học, người Mỹ lại càng ít có khả năng tiếp cận những kỹ năng đó hơn.
Như tạp chí Forbes đã bình luận, “Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, các gã khổng lồ công nghệ phải xoay xở trong một thế giới nơi chi phí sản xuất tăng lên thay vì giảm xuống.”
Lane bày tỏ “Tôi không chắc liệu chúng ta có thể phục hồi ngành sản xuất của Mỹ khi chuỗi cung ứng của đất nước đang chịu ảnh hưởng của cuộc thương chiến toàn cầu hay không. Bạn có thể tạo ra động lực bằng cách đưa một phần của chuỗi giá trị trở lại. Nhưng bạn đang tấn công phần còn lại của chuỗi bằng hàng loạt thuế quan.”
Nói tóm lại, trong khi gaiatsu của thời kỳ trước đó mang tính chiến thuật, thì cách tiếp cận ném bom rải thảm của Trump có thể làm sụp đổ nền kinh tế thế giới và phá hủy nó vĩnh viễn. Áp lực lên Nhật Bản có hiệu quả cách đây 30 năm một phần vì nước này bị cô lập, và các đảm bảo an ninh của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh đồng nghĩa là Nhật Bản sẽ không trả đũa.
Nhưng hiện tại, Trump đang đe dọa rút lại sự bảo vệ an ninh dành cho các đồng minh của Mỹ từ châu Âu đến Hàn Quốc, đồng thời đe dọa họ về khía cạnh thương mại. Hầu như tất cả những nước này đều sẽ trả đũa, và thuế quan có thể đạt đến mức tương tự như mức đã góp phần làm trầm trọng thêm cuộc Đại Suy thoái.
Không có gì ngạc nhiên khi, thay vì cúi đầu trước Trump, một số chính phủ và công ty sẵn sàng tìm kiếm các lựa chọn thay thế. Hôm thứ Năm, tập đoàn Suntory Holdings của Nhật Bản cho biết họ có thể bỏ qua hoàn toàn thị trường Mỹ và chuyển các sản phẩm rượu whisky của mình sang thị trường nội địa và các quốc gia châu Á khác.
Về phần mình, trong một bài phát biểu hôm thứ Năm, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, gọi mức thuế quan này là “tàn bạo và vô căn cứ” và đề xuất tạm dừng đầu tư vào Mỹ.
“Thông điệp sẽ là gì, khi những công ty lớn của châu Âu đầu tư hàng tỷ đô la vào nền kinh tế Mỹ, còn họ lại tấn công chúng ta?” Macron phát biểu. “Chúng ta phải có sự đoàn kết tập thể.”
Michael Hirsh là chuyên gia bình luận của Foreign Policy. Ông là tác giả của hai cuốn sách “Capital Offense: How Washington’s Wise Men Turned America’s Future Over to Wall Street” và “At War With Ourselves: Why America Is Squandering Its Chance to Build a Better World.”