Các nước Đông Nam Á trước “cú sốc” thuế quan của Trump

Nguồn: La Nghi Phức, 罗仪馥:关税大棒袭来,新加坡、越南、印尼、泰国各有各的想法……, Guancha, 08/04/2025.

Biên dịch: Lê Thị Thanh Loan

Vào ngày 2/4, Tổng thống Donald Trump đã chính thức công bố kế hoạch áp dụng thuế quan “có đi có lại” đối với tất cả các đối tác thương mại, với phạm vi và mức thuế vượt xa dự đoán của nhiều đối tác. Lần này, các nước Đông Nam Á vốn từng được hưởng lợi từ cuộc chiến thuế quan của Trump với Trung Quốc đã không thể tránh thoát và thậm chí còn trở thành những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong danh sách thuế quan “có đi có lại” này.

Kinh tế, thương mại và công nghiệp cũng như vị thế trong nền kinh tế toàn cầu của các nước Đông Nam Á vốn từng trỗi dậy mạnh mẽ nhờ làn sóng tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu trước đây, hiện đang đứng trước nguy cơ chịu tổn thất nặng nề dưới tác động của chính sách thuế quan “có đi qua lại” này. Sự biến động đầy thăng trầm này là một phép thử toàn diện cho khả năng thích ứng kinh tế và năng lực ngoại giao của các quốc gia ở khu vực này.

Trump “giáng đòn mạnh” vào Đông Nam Á

Đông Nam Á là khu vực trọng điểm trong chính sách thuế quan “có đi qua lại” mà Trump áp dụng. Trong số 10 quốc gia phải chịu mức thuế suất cao nhất, có 4 quốc gia thuộc Đông Nam Á, cụ thể là Campuchia (49%), Lào (48%), Việt Nam (46%) và Myanmar (45%). Thái Lan và Indonesia cũng phải chịu mức thuế tương đối cao, lần lượt là 37% và 32%. Brunei (24%), Malaysia (24%) và Philippines (18%) có tình hình ổn hơn, trong khi Singapore là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á “sống sót” khi chỉ phải chịu mức thuế quan “cơ bản tối thiểu” là 10%.

Theo logic tính thuế của Trump, mục tiêu của thuế quan “có đi qua lại” là nhằm cân bằng thương mại hoặc làm cân bằng khối lượng xuất nhập khẩu song phương. Nguyên do chính khiến các nước Đông Nam Á trở thành khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt tăng thuế này là vì các nước này có mức độ mất cân bằng thương mại với Mỹ lớn hơn.

Hãy lấy Việt Nam làm ví dụ. Kể từ khi cán cân thương mại của Việt Nam với Mỹ chuyển từ thâm hụt sang thặng dư vào năm 2018, mức thặng dư thương mại hằng năm đã tăng nhanh chóng, đạt 123,5 tỷ USD vào năm 2024. Đối với Mỹ, Việt Nam là nguồn thâm hụt thương mại lớn thứ ba sau Trung Quốc và Mexico, khó tránh khỏi việc nước này trở thành “cái gai trong mắt” Trump.

Mặc dù quy mô thương mại của Campuchia, Lào, Myanmar với Mỹ thấp hơn nhiều so với Việt Nam, nhưng tình trạng mất cân bằng thương mại ở những nước này lại đặc biệt nghiêm trọng. Ví dụ, vào năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Campuchia sang Mỹ là 9,9 tỷ USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ lại chưa đến 300 triệu USD. Thặng dư thương mại của Thái Lan và Indonesia với Mỹ cũng lần lượt đạt 55 tỷ USD và 10,1 tỷ USD.

Ngược lại, lý do khiến Singapore tránh được mức thuế quan “có đi qua lại” cao của Trump là vì nước này đã duy trì thâm hụt thương mại với Mỹ trong thời gian dài. Nguyên nhân sâu xa là bởi Singapore có quy mô sản xuất nội địa hạn chế nên tác động chuyển hướng đến ngành sản xuất trong nước của Mỹ là không rõ ràng.

Ngoại trừ một số ít quốc gia như Singapore, mô hình thặng dư thương mại của phần lớn các nước Đông Nam Á với Mỹ chủ yếu là kết quả của sự tái định hình chuỗi công nghiệp toàn cầu trong những năm gần đây.

Năm 2018, Trump đã phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc, buộc các khâu gia công và sản xuất của chuỗi công nghiệp toàn cầu phải chuyển từ Trung Quốc sang Đông Nam Á. Các doanh nghiệp đa quốc gia trong các lĩnh vực tiêu biểu như dệt may và sản xuất điện tử đã đầu tư ồ ạt vào Đông Nam Á để xây dựng nhà máy, nhập khẩu các sản phẩm trung gian hoặc linh kiện từ Trung Quốc (hoặc Nhật Bản, Hàn Quốc…), gia công và lắp ráp chúng tại Đông Nam Á rồi xuất sang Mỹ. Đây đã trở thành mô hình phân công lao động theo chuỗi công nghiệp điển hình nhất trong vài năm trở lại đây. Kết quả, các nước Đông Nam Á đã trở thành trung tâm gia công mới của ngành công nghiệp toàn cầu và là “cầu nối” cho trao đổi kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Các quốc gia này không chỉ đạt được sự trỗi dậy hoặc nâng cấp công nghiệp thông qua việc thu hút một lượng lớn đầu tư vào ngành sản xuất, mà vị thế của họ trong cấu trúc kinh tế quốc tế cũng ngày càng trở nên quan trọng.

Tất nhiên, việc Đông Nam Á có thể dựa vào vòng tái thiết chuỗi công nghiệp toàn cầu này để đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ trong xuất khẩu sang Mỹ hoặc sự thịnh vượng trong thương mại, về cơ bản xuất phát từ các điều kiện bổ trợ lẫn nhau giữa Mỹ với tư cách là một trung tâm tiêu dùng toàn cầu và lợi thế so sánh của Đông Nam Á trong gia công và sản xuất.

Mức thuế quan cao có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho chuỗi công nghiệp Đông Nam Á

Nếu thuế quan “có đi có lại” mà Trump đề xuất được thực thi theo đúng kế hoạch, chuỗi công nghiệp Đông Nam Á sẽ phải hứng chịu cú sốc lớn. “Chuỗi công nghiệp Đông Nam Á” ở đây vừa chỉ cơ cấu công nghiệp khu vực do các nước Đông Nam Á cùng hình thành dựa trên quá trình phát triển công nghiệp của từng nước, vừa bao gồm sự tham gia của các nước Đông Nam Á vào chuỗi công nghiệp toàn cầu.

Chiếu theo quan hệ công nghiệp và cơ cấu thương mại giữa các nước Đông Nam Á và Mỹ, mức thuế quan “có đi có lại” cao chủ yếu gây tổn hại đến chuỗi công nghiệp Đông Nam Á ở hai khía cạnh sau.

Thứ nhất, nó phá vỡ mô hình và cơ cấu phát triển công nghiệp lâu đời của các nước Đông Nam Á vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài.

Chẳng hạn, Việt Nam nổi lên nhanh chóng trong ngành sản xuất bằng cách hội nhập vào chuỗi công nghiệp toàn cầu, nhưng cũng phải chịu những rủi ro rất lớn – sự phụ thuộc vào xuất khẩu và vào Mỹ đều rất cao.

Vào năm 2024, giá trị xuất khẩu của Việt Nam chiếm khoảng 90% GDP, với 5 thị trường xuất khẩu hàng đầu là Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ chiếm hơn 29% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm khoảng 15%, chỉ bằng một nửa quy mô xuất sang Mỹ. Việt Nam chủ yếu xuất sang Mỹ các sản phẩm điện tử (như máy tính và linh kiện điện thoại di động), hàng dệt may, đồ nội thất, giày dép…, đây cũng là những ngành công nghiệp trụ cột của Việt Nam trong những năm gần đây.

Các kênh xuất khẩu thông suốt sang Mỹ cũng đã trở thành tiền đề quan trọng để các doanh nghiệp đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam và thúc đẩy việc xây dựng hệ sinh thái công nghiệp bản địa. Nếu Mỹ áp dụng biện pháp mức thuế quan “có đi có lại” 46% đối với Việt Nam, điều này sẽ không chỉ làm suy yếu đáng kể sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại thị trường Mỹ, khiến xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sụt giảm nghiêm trọng, mà còn làm suy giảm nhiệt huyết của các doanh nghiệp đa quốc gia trong việc đầu tư vào Việt Nam.

Sau khi Trump công bố chính sách thuế quan mới, giá cổ phiếu của Nike – công ty sở hữu 130 nhà máy và chiếm 50% năng lực sản xuất giày dép máy tại Việt Nam – đã giảm mạnh 14% chỉ sau một đêm. Nike sau đó đã buộc phải công bố chiến lược tăng giá sản phẩm, tất cả đều là điềm báo cho thấy những thay đổi có thể xảy ra trong chuỗi công nghiệp liên quan của Việt Nam. Những thay đổi này rõ ràng sẽ cản trở tiến trình phát triển công nghiệp hiện có của Việt Nam, nhưng đồng thời có thể sẽ buộc Việt Nam phải khai thác động lực nội tại trong phát triển công nghiệp, cũng như buộc nước này phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, nâng cấp các yếu tố sản xuất trong nước và chú trọng hơn đến việc mở rộng thị trường nội địa.

Thứ hai, nó sẽ một lần nữa tái định hình chuỗi công nghiệp toàn cầu mà các nước Đông Nam Á đang tham gia sâu rộng.

Vòng tái định hình chuỗi công nghiệp mới có thể bao gồm hai hướng: một là duy trì vai trò của các nước Đông Nam Á với tư cách là nơi gia công và sản xuất trong chuỗi công nghiệp, đồng thời chuyển thị trường tiêu dùng hạ nguồn của chuỗi công nghiệp từ Mỹ sang châu Âu và Đông Á; hai là các nước Đông Nam Á bị loại khỏi chuỗi công nghiệp toàn cầu hiện có và vị trí của họ bị thay thế bởi Mỹ và Mexico.

Đối với phương hướng thứ nhất, các hiệp định thương mại được ký kết giữa các nước Đông Nam Á và EU, chẳng hạn như Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA), cũng như các thỏa thuận thương mại tự do khu vực như Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA), sẽ cung cấp khung pháp lý quan trọng để hàng tiêu dùng từ Đông Nam Á có thể thâm nhập vào thị trường châu Âu và Đông Á.

Đối với phương hướng thứ hai, mục tiêu chính của chính sách thuế quan của Trump là “đưa ngành sản xuất quay trở lại Mỹ”. Ngoài ra, Mexico – quốc gia có mối quan hệ cạnh tranh công nghiệp nhất định với các nước Đông Nam Á như Việt Nam – đã được miễn trừ khỏi chính sách thuế quan “có đi có lại” mới của Trump. Điều này có thể dẫn đến làn sóng rút vốn và chuyển dịch đầu tư của các doanh nghiệp đa quốc gia khỏi Đông Nam Á, từ đó làm suy yếu sự tham gia của Đông Nam Á trong chuỗi công nghiệp toàn cầu.

Nhìn chung, vì Đông Nam Á là mắt xích trung gian trong chuỗi công nghiệp toàn cầu, nên việc Trump áp thuế quan “có đi có lại” đối với Đông Nam Á có thể mang lại tác động trực tiếp và rõ ràng lên chuỗi cung ứng toàn cầu hơn so với các quốc gia hoặc khu vực khác.

Việc thỏa hiệp với Mỹ chỉ là biện pháp tạm thời

Sau khi Trump công bố kế hoạch thực hiện chính sách thuế quan “có đi có lại”, các nước Đông Nam Á đã có những phản ứng khác nhau, nhưng nhìn chung đều thể hiện xu hướng thỏa hiệp. Cho đến nay, có thể chia các phản ứng chính thức mà các nước Đông Nam Á đã đưa ra đối với thuế quan “có đi qua lại” thành ba nhóm.

Nhóm thứ nhất là chấp nhận hoàn toàn, với Singapore là đại diện tiêu biểu.

Những quốc gia thuộc nhóm này phải chịu mức thuế quan “có đi qua lại” thấp hơn và ít bị ảnh hưởng hơn, thậm chí có thể được hưởng lợi từ kế hoạch tổng thể của chính sách thuế này. Sau khi Trump công bố chính sách thuế quan, Thủ tướng Singapore Lawrence Wong đã trực tiếp và dứt khoát tuyên bố rằng “sẽ không áp lên Mỹ bất kỳ mức thuế trả đũa nào”.

Điều đáng chú ý là, một quốc gia cũng chịu ảnh hưởng tương đối ít là Philippines mặc dù vẫn chưa đưa ra phản ứng chính thức nào đối với thuế quan “có đi có lại” của Trump, nhưng ý kiến từ mọi tầng lớp xã hội trong nội bộ nước này đều thể hiện thái độ lạc quan. Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines chỉ ra rằng, mức thuế áp dụng cho Philippines thấp hơn đáng kể so với các quốc gia khác, điều này có thể mở ra cơ hội cho nước này khẳng định vị thế của mình trong chuỗi thương mại toàn cầu; Bộ trưởng Tài chính Philippines cũng nhấn mạnh rằng, Philippines có thể trở thành điểm đến mới cho sản xuất và xuất khẩu trong quá trình cơ cấu sản xuất toàn cầu được điều chỉnh.

Nhóm thứ hai là nhượng bộ giao dịch, với đại diện là Việt Nam và Campuchia.

Các quốc gia trong nhóm này phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Mỹ và chịu ảnh hưởng lớn nhất từ thuế quan “có đi có lại”.

Trước khi Trump công bố chính sách thuế quan, chính phủ Việt Nam đã cố gắng thể hiện thiện chí với Mỹ bằng cách giảm thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng của Mỹ, chủ động mua các mặt hàng có giá trị lớn như khí đốt tự nhiên hóa lỏng và thiết bị phát điện của Mỹ, ký kết thỏa thuận hợp tác với tổng giá trị lên tới 90 tỷ USD, cũng như cho phép dự án “Starlink” được triển khai tại Việt Nam.

Sau đó, việc kế hoạch thuế quan “có đi có lại” chính thức được công bố đã chứng minh rằng, những nỗ lực nói trên đã không làm thay đổi thái độ của Trump trong việc áp thuế đối với Việt Nam. Để ứng phó, Việt Nam tiếp tục nhượng bộ hơn nữa. Đầu tiên, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm đã điện đàm với Trump và bày tỏ sẵn sàng áp dụng mức thuế 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Tiếp đó, Việt Nam đã cử một phái đoàn do Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dẫn đầu sang Mỹ để mua thêm máy bay Boeing và trao đổi, đàm phán với phía Mỹ.

Campuchia cũng có phản ứng tương tự như Việt Nam. Thủ tướng Hun Manet tuyên bố giảm ngay thuế nhập khẩu đối với 19 loại hàng hóa của Mỹ từ 35% xuống còn 5%, đồng thời chỉ đạo Bộ trưởng Thương mại tiến hành đàm phán với Đại diện Thương mại Mỹ.

Nhóm thứ ba là tìm kiếm lối đi khác, với đại diện tiêu biểu là Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

Mặc dù các quốc gia thuộc nhóm này cũng nhấn mạnh rằng sẽ đàm phán với chính quyền Trump về các vấn đề thuế quan, nhưng họ tập trung hơn vào việc tìm kiếm các giải pháp khác như “tự cường” hay “tương trợ”.

Chẳng hạn, Tổng thống Indonesia Prabowo đã công bố các biện pháp chiến lược, tiến hành cải cách cơ cấu, dỡ bỏ các quy định ràng buộc, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và tìm kiếm sự hợp tác với Malaysia cùng các nước ASEAN khác để đối phó với tình hình.

Với tư cách là chủ tịch luân phiên của ASEAN, Malaysia cũng tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc họp đặc biệt của các bộ trưởng kinh tế ASEAN để thảo luận về tác động của thuế quan “có đi có lại” đối với thương mại, đầu tư và sự ổn định kinh tế trong khu vực, đồng thời tìm kiếm các biện pháp đối phó để bảo vệ lợi ích kinh tế của Đông Nam Á và duy trì một hệ thống thương mại cởi mở, công bằng và dựa trên luật lệ.

Trong khi đó, Thái Lan tập trung khai thác các thị trường mới giàu tiềm năng nhằm giảm thiểu rủi ro khi phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. Nước này cũng sẽ thực hiện các biện pháp điều chỉnh cơ cấu công nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành sản xuất trong nước.

Giải pháp căn bản nằm ở sự đoàn kết

Bất kể là phản ứng theo cách nào, tất cả đều phản ánh tình thế bị động và bất lực của các nước Đông Nam Á trong việc ứng phó với chính sách thuế quan của Trump. Các nước liên quan đang cố gắng hết sức để có được sự miễn trừ từ Mỹ trước khi chính sách thuế quan “có đi có lại” có hiệu lực vào ngày 9/4. Tuy nhiên, bất kể kết quả ra sao, vũ khí thuế quan của Trump vẫn sẽ là mối đe dọa thường trực đối với các nước Đông Nam Á trong thời gian tới.

Ngay cả khi các nước liên quan thỏa hiệp với Mỹ và thúc giục Trump tạm thời hạ hoặc hủy bỏ thuế quan “có đi có lại”, thì chừng nào họ vẫn có lợi thế so sánh so với Mỹ trong gia công và sản xuất, vẫn sẽ tồn tại khả năng thặng dư thương mại của họ với Mỹ tiếp tục gia tăng và Trump sẽ lại sử dụng vũ khí thuế quan, điều này cuối cùng sẽ khiến các nước Đông Nam Á đánh mất quyền tự chủ hơn nữa trong quan hệ kinh tế và thương mại với Mỹ.

Do đó, mặc dù việc thỏa hiệp với Mỹ có thể giúp các nước Đông Nam Á giải quyết được vấn đề cấp bách trước mắt, nhưng xét cho cùng thì đó không phải là giải pháp căn bản.

Chiến lược ứng phó căn bản nhất phải là kiên quyết bảo vệ trật tự thương mại tự do toàn cầu – thành quả không dễ gì đạt được – đồng thời phản đối việc Mỹ phớt lờ và phá bỏ các quy tắc thương mại tự do. Cần liên kết với các quốc gia đang bị chính sách thuế quan mới của Trump áp bức và hình thành nên sự phản kháng hiệu quả với Mỹ thông qua tiếng nói tập thể, sự phối hợp hành động và các ràng buộc dựa trên luật lệ, để đưa Mỹ trở lại quỹ đạo của thương mại tự do.