Doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tồn tại dưới áp lực thuế quan cao bằng cách nào?

Nguồn: Lưu Triệu Ninh, 刘肇宁:美国“掀桌子”怎么办?这三种应对措施对中企而言很关键, Guancha, 14/04/2025.

Biên dịch: Lê Thị Thanh Loan

Kể từ tháng 4, một loạt động thái của chính phủ Mỹ đã khiến thế giới bên ngoài phải thốt lên rằng “Trump thật điên rồ”. Từ việc công bố chính sách “thuế đối ứng” vào ngày 2/4 đến việc tạm hoãn chính sách này đối với một số nước vào ngày 9/4; hay việc chính quyền Trump ban đầu tăng mức “thuế đối ứng” đối với Trung Quốc từ 34% lên 125%, nhưng rồi lại “âm thầm” tuyên bố miễn “thuế đối ứng” đối với các sản phẩm như điện thoại thông minh và máy tính vào ngày 11/4. Phải nói rằng sự bất nhất và thay đổi chóng mặt của Trump đã khiến các chính phủ và doanh nghiệp trên toàn thế giới phải đau đầu.

Đối với Trung Quốc, chính sách thuế quan của Trump chắc chắn sẽ tác động trực tiếp đến thương mại Trung-Mỹ với kim ngạch hơn 600 tỷ USD mỗi năm. Cùng với việc Hải quan Mỹ đồng thời bãi bỏ “chính sách miễn thuế cho các gói hàng nhỏ” dưới 800 USD (de minimis exemption), điều này càng gây ra cú sốc về mặt cấu trúc đối với thương mại điện tử xuyên biên giới, vốn chiếm một nửa tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc.

Tác động và cú sốc của cuộc chiến thuế quan này đối với các doanh nghiệp ngoại thương của Trung Quốc lớn đến mức nào? Hoạt động thương mại trung chuyển (entrepot trade) của Trung Quốc có thể tìm ra những đột phá mới nào? Các doanh nghiệp xuất khẩu cần làm gì để có thể “sống sót” trong cuộc biến động này? Và Trump sẽ gây ra tác động như thế nào đối với trật tự quốc tế?

Trong bối cảnh này, Guancha đã kết nối với Lưu Triệu Ninh, nhà sáng lập Qianzhihe Overseas Consulting, để tập trung vào trạng thái sinh tồn của các doanh nghiệp Trung Quốc dưới sức ép thuế quan cao từ Mỹ, đồng thời đi sâu phân tích những cơ hội và thách thức trong bối cảnh đầy biến động của thương mại quốc tế hiện nay, cũng như cung cấp những quan sát mang tính quốc tế và góc nhìn chiến lược cho quá trình chuyển đổi và nâng cấp của ngành.

Các doanh nghiệp Trung Quốc cần làm gì để tồn tại trong bối cảnh thuế quan cao?

Guancha: Chính sách thuế quan của Mỹ gần đây thay đổi với mức độ dao động rất lớn. Xét theo phản ứng xã hội, đợt sóng thuế quan này rõ ràng đã gây ra tác động và ảnh hưởng đáng kể đối với xuất khẩu ngoại thương của Trung Quốc, đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới. Mặt khác, sau khi Mỹ ngăn chặn hoạt động thương mại trung chuyển bằng việc áp dụng các quy định kiểm tra xuất xứ hàng hóa, các chiến lược thương mại trung chuyển của các doanh nghiệp Trung Quốc đã bị hạn chế rất nhiều. Mặc dù Mỹ hiện đã tạm hoãn “thuế đối ứng” đối với một số quốc gia, nhưng thương mại trung chuyển vẫn phải đối mặt với những thách thức tương đối lớn. Ông đánh giá ra sao về tác động của chính sách thuế quan hiện tại của Mỹ đối với thương mại trung chuyển và ngành ngoại thương của Trung Quốc? Theo ông, chiến lược thương mại trung chuyển của các doanh nghiệp hiện đang phải đối mặt với những thách thức cụ thể nào?

Lưu Triệu Ninh: Trước hết, đối với ngành ngoại thương của Trung Quốc, tác động chính của thuế quan là sự thay đổi trong cơ cấu chi phí. Nói một cách nghiêm túc, thuế quan do người tiêu dùng ở nước nhập khẩu và nhà sản xuất ở nước xuất khẩu cùng chia sẻ, với tỷ lệ cụ thể tùy thuộc vào độ co giãn của cầu. Trong thị trường cạnh tranh khốc liệt của Mỹ, các nhà xuất khẩu Trung Quốc thường không thể chuyển toàn bộ gánh nặng thuế quan cho người tiêu dùng Mỹ, dẫn đến việc lợi nhuận bị giảm sút. Xuất khẩu sang Mỹ chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Trong đó, các doanh nghiệp thâm dụng lao động, vốn có biên lợi nhuận tương đối mỏng, nhiều khả năng buộc phải từ bỏ thị trường Mỹ dưới áp lực thuế quan cao.

Cá nhân tôi cho rằng, đối với các doanh nghiệp coi Mỹ là thị trường chính, áp lực từ thuế quan hiện nay là rất lớn và họ cần phải chuẩn bị trước, chủ yếu ở ba khía cạnh:

Đầu tiên là điều chỉnh lại cấu trúc chuỗi cung ứng. Trước đây, nhiều doanh nghiệp phục vụ thị trường Mỹ sẽ thành lập nhà máy ở Mexico hoặc Đông Nam Á, chẳng hạn như Việt Nam, Malaysia hoặc Indonesia, để được hưởng mức thuế quan thấp của các quốc gia này khi xuất hàng sang Mỹ. Kể từ khi chính quyền Trump lần đầu phát động thương chiến với Trung Quốc vào năm 2018, một lượng lớn các doanh nghiệp xuất khẩu đã chọn cách xây dựng nhà máy ở Đông Nam Á hoặc Mexico và thực hiện thương mại trung chuyển để tránh các mức thuế quan bổ sung, đặc biệt là trong các ngành thâm dụng lao động như dệt may, sản phẩm điện tử và đồ chơi.

Lấy ví dụ về sản phẩm điện tử, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng điện tử tiêu dùng như điện thoại di động, máy tính và tay cầm chơi game, thị trường xuất khẩu chính của họ thường là Mỹ. Tuy nhiên, trước khi sản phẩm có thể thâm nhập thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp này phải chịu các chi phí tiếp thị đáng kể, đặc biệt là chi phí quảng cáo và xây dựng thương hiệu trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội, nơi có sự cạnh tranh về lượng truy cập rất khốc liệt. Vì vậy, trong bối cảnh lợi nhuận sản xuất vốn đã hạn chế, các chi phí tiếp thị này tiếp tục bóp nghẹt không gian lợi nhuận ròng của doanh nghiệp, khiến khả năng sinh lời tổng thể là tương đối yếu. Xem xét sự khác biệt về thuế quan giữa Trung Quốc và Đông Nam Á, việc thành lập nhà máy ở Đông Nam Á là một lựa chọn rất hợp lý. Tương tự, rất nhiều doanh nghiệp sản xuất đồ gia dụng và dệt may cũng đã chuyển đến Mexico. Một điểm nữa là, ngành hàng điện tử sẵn sàng chuyển dịch chuyển sang Đông Nam Á hơn bởi nhiều nhà đầu tư trong ngành này vốn đã có nền tảng hoặc mối quan hệ tại Mỹ.

Thứ hai là chiến lược tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Từ lúc sản phẩm được ra mắt cho đến khi đến tay người tiêu dùng, có rất nhiều công đoạn trong chuỗi cung ứng có thể được tối ưu hóa để giảm chi phí ngoài giá cả. Chẳng hạn, chúng ta cố gắng thương hiệu hóa và tạo sự khác biệt cho sản phẩm của mình càng nhiều càng tốt. Nâng cấp sản phẩm lên giá trị gia tăng cao hơn và có hàm lượng công nghệ tiên tiến hơn, đồng thời phát triển các chức năng hoặc tính năng độc đáo của sản phẩm. Khi một sản phẩm có lợi thế cạnh tranh độc đáo, khách hàng vẫn sẽ sẵn sàng mua nó ngay cả khi bị áp thuế, do không tìm được sản phẩm thay thế.

Ví dụ, chúng ta thấy rằng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc từng làm công việc OEM đơn giản hiện đang bắt đầu chuyển sang phát triển các công nghệ độc quyền, xây dựng thương hiệu riêng, cũng như nâng cao hàm lượng công nghệ và giá trị thiết kế. Theo cách này, người tiêu dùng vẫn sẽ chọn mua sản phẩm ngay cả khi giá tăng do thuế quan, bởi họ đánh giá cao tính năng và thiết kế độc đáo của nó. Chiến lược này là giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh lâu dài cho các doanh nghiệp, không chỉ giúp ứng phó với thuế quan mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Ngoài ra, còn có một số mẹo mà ta có thể sử dụng trong khâu khai báo hải quan. Ngoài “chính sách miễn thuế cho các gói hàng nhỏ” mà ai nấy đều biết, các doanh nghiệp cũng có thể tối ưu hóa chiến lược khai báo thuế của mình trong khuôn khổ pháp luật bằng các biện pháp như tối ưu hóa phân loại mã HS, tận dụng ưu đãi xuất xứ theo các hiệp định thương mại tự do, điều chỉnh trị giá khai báo hải quan, xin quyết định trước và sử dụng linh hoạt kho ngoại quan. Tôi sẽ không nói về những chuyện không tuân theo quy định của pháp luật, vì những lỗ hổng như vậy sớm muộn cũng sẽ bị bịt lại. Ngoài ra, điều quan trọng là phải lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ uy tính và tránh cạnh tranh lẫn nhau, việc nâng cao chất lượng dịch vụ cũng rất quan trọng. Các doanh nghiệp không thể cứ mãi giảm thiểu chi phí và tìm đến một doanh nghiệp tiếp thị kém hiệu quả. Thay vào đó, họ nên tập trung vào các kênh lưu lượng chất lượng cao, chẳng hạn như hợp tác với người nổi tiếng, influencer, tự quay video…

Tất nhiên, lựa chọn thứ ba là thành lập nhà máy trực tiếp tại Mỹ và chuyển toàn bộ chuỗi cung ứng sang Mỹ. Cách đây một thời gian, tôi đã gặp một doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ dùng nhà bếp. Các loại nồi, chảo và đồ dùng họ làm ra đều chứa nhôm, màMỹ áp dụng mức thuế đặc biệt cao đối với thép và nhôm. Khi nghĩ đến nhôm, về cơ bản thì chúng ta thường nghĩ đến nhôm công nghiệp, nhưng các doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ dùng thiết yếu, chẳng hạn như đồ dùng nhà bếp, cũng bị ảnh hưởng. Hiện tại, doanh nghiệp này đang chọn địa điểm để xây dựng nhà máy trên khắp nước Mỹ vì họ không thể từ bỏ thị trường tiêu dùng khổng lồ của Mỹ. Các doanh nghiệp thuộc loại này vẫn cân nhắc việc sản xuất trực tiếp tại Mỹ.

Những áp lực mà các doanh nghiệp này hiện đang phải đối mặt chủ yếu được thể hiện ở:

Một mặt, chính sách thuế quan của Mỹ biến động theo cách cực kỳ không ổn định và khó dự đoán. Nếu các nước Đông Nam Á phải đối mặt với mức thuế quan hơn 30%, lợi thế về chi phí khi thành lập nhà máy ở đó sẽ giảm đáng kể. Ngay cả với mức thuế 10%, vẫn cần để ý kỹ lưỡng đến những thay đổi chính sách tiếp theo. Các chính sách của chính quyền Trump thường thay đổi chỉ sau một đêm, điều này gây ra sự bất ổn lớn cho kế hoạch dài hạn của các doanh nghiệp.

Điều đáng chú ý là, các quốc gia ít phụ thuộc vào Mỹ (như EU, Brazil…) có thể phải đối mặt với nguy cơ bị tăng thuế một lần nữa ngay sau khi thời hạn tạm hoãn thuế quan hiện tại kết thúc, điều này khiến tính hiệu quả lâu dài của chiến lược thương mại trung chuyển trở nên đáng nghi ngờ. Đồng thời, các quốc gia phụ thuộc mạnh mẽ vào thị trường Mỹ (như các nước Đông Nam Á) có thể sẽ ở vào thế yếu khi đàm phán với Mỹ. Để bảo vệ lợi ích của mình, họ thậm chí có thể đồng ý với yêu cầu của Mỹ về việc áp thêm thuế quan đối với các sản phẩm từ Trung Quốc. Nếu vậy, không chỉ việc trung chuyển hàng hóa qua các quốc gia này đến Mỹ sẽ trở nên khó khăn, mà ngay cả việc xuất khẩu trực tiếp sang các quốc gia này cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Mặt khác, mặc dù chi phí lao động của Trung Quốc cao hơn hoặc ngang bằng với một số nước Đông Nam Á, nhưng Trung Quốc vẫn có lợi thế đáng kể so với Mỹ. Xét đến các yếu tố như chi phí lao động, hiệu quả sản xuất, độ hoàn chỉnh của chuỗi cung ứng và cơ sở hạ tầng, việc sản xuất ở Trung Quốc với mức thuế quan cao vẫn có thể mang lại hiệu quả về chi phí tổng thể tốt hơn so với sản xuất tại Mỹ. Điều này có nghĩa, việc vội vàng điều chỉnh cơ cấu chuỗi cung ứng trong hoàn cảnh hiện tại, đặc biệt là việc chuyển sản xuất sang Mỹ, có thể khiến các doanh nghiệp phải chịu rủi ro cao và chi phí chìm không cần thiết.

Do đó, việc vội vàng quyết định chuyển sang Mỹ để thành lập nhà máy có thể không phải là lựa chọn tối ưu ở thời điểm này, trừ khi một doanh nghiệp đã có mặt tại Mỹ hoặc đã đầu tư chi phí ban đầu trước khi đợt sóng thuế quan này ập đến. Nhìn chung, cho dù là điều chỉnh cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu, tối ưu hóa chiến lược sản phẩm và kế hoạch ứng phó với thuế quan hay thúc đẩy bản địa hóa sản phẩm, các doanh nghiệp đều cần tiến hành đánh giá chiến lược toàn diện trong môi trường thuế quan cao, cân nhắc tác động dài hạn và ngắn hạn của các lựa chọn khác nhau và xây dựng chiến lược ứng phó vừa linh hoạt vừa bền vững.

Guancha: Chính sách thuế quan hiện tại của Mỹ khá biến động. Có phải phần lớn các doanh nghiệp vẫn đang trong trạng thái chờ đợi và quan sát?

Lưu Triệu Ninh: Đúng vậy, nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp không thể cứ “án binh bất động” chỉ vì sự không chắc chắn, cũng không thể chỉ sử dụng một chiến lược duy nhất để áp dụng với mọi danh mục sản phẩm. Đặc biệt là đối với một thị trường lớn và trưởng thành như Mỹ, đây vẫn là một trong những thị trường đầu cuối cốt lõi đối với nhiều doanh nghiệp.

Trong tình hình này, một số doanh nghiệp đã thực sự bắt đầu hành động, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu vừa và lớn vốn đã chuẩn bị thành lập nhà máy tại Mỹ từ lâu. Họ không dừng lại, mà ngược lại còn đẩy nhanh việc khảo sát thực địa, tuyển dụng tại địa phương và kết nối chuỗi cung ứng để chuẩn bị trước cho chiến lược “ứng phó bằng bản địa hóa”. Đối với những doanh nghiệp coi Mỹ là thị trường chính và có khối lượng đơn hàng ổn định, việc xây dựng nhà máy không hẳn là chiến lược sinh lời ngắn hạn, mà thực sự là giải pháp cần thiết để duy trì thị phần trong trung và dài hạn.

Tất nhiên, mặt khác, chúng ta cũng cần nhận thức rõ hơn về mô hình lợi nhuận. Trước đây, chúng ta thường lấy ví dụ về những sản phẩm nhỏ và nhẹ như quần áo trẻ em, nói rằng vẫn có thể kiếm được vài hào từ mỗi sản phẩm. Nhưng nếu phải chịu mức thuế 145%, những mặt hàng này trên thực tế sẽ rất khó có thể duy trì được lợi nhuận ròng dương. Nói cách khác, trong môi trường thuế quan cao hiện nay, chỉ những danh mục có biên lợi nhuận gộp cực cao, định vị sản phẩm rõ ràng và có thương hiệu mạnh, chẳng hạn như sản phẩm chăm sóc da, thực phẩm chức năng và trang sức, mới có thể “sống sót”. Vì vậy, đây thực chất cũng là vấn đề về chiến lược lựa chọn sản phẩm. Các doanh nghiệp cần đánh giá lại cơ cấu sản phẩm của mình để xem sản phẩm nào đáng để tiếp tục “đáng cược” và sản phẩm nào nên dừng lại hoặc chuyển đổi kịp thời.

Một khía cạnh quan trọng khác là, các doanh nghiệp cần giảm sự phụ thuộc quá mức vào thị trường Mỹ và chủ động khai thác thị trường mới. Trước đây, chúng ta quá phụ thuộc vào thị trường Âu Mỹ và đợt sóng thuế quan này thực chất là một lời nhắc nhở. Trong những năm gần đây, các khu vực như Đông Nam Á, Trung Đông và Mỹ Latinh đã ghi nhận ​​sự tăng trưởng rất nhanh trong thương mại với Trung Quốc và sức tiêu dùng cũng đang dần tăng lên, khiến chúng trở thành những thị trường tăng trưởng tiềm năng mà các doanh nghiệp cần chú ý.

Đối với hàng tồn kho, người bán nên “giảm số lượng + điều phối linh hoạt”. Đối với những sản phẩm không mang tính mùa vụ cao, chẳng hạn như một số mặt hàng trang sức hoặc nhu yếu phẩm hằng ngày, các doanh nghiệp có thể giữ một lượng hàng tồn kho hợp lý và chờ tỷ giá hối đoái hoặc chính sách của nền tảng thuận lợi hơn trước khi bán chúng. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp phải đối mặt với áp lực lớn về vòng quay hàng tồn kho, điều quan trọng là phải giảm lượng hàng tồn kho, điều chỉnh dòng chảy và phân bổ nguồn lực vào các thị trường ổn định hơn hoặc hứa hẹn hơn, thay vì dồn hết vốn vào thị trường Mỹ. Hiện nay, các nền tảng như Amazon FBA có cách tính phí lưu kho rất phức tạp và đắt đỏ, nên không thể giữ mãi thái độ “cứ chờ xem thế nào”.

Cuối cùng, tôi vẫn muốn nhấn mạnh: hãy tránh cạnh tranh nội bộ. Nhiều người bán chưa tạo dựng được thương hiệu thường không dám tăng giá, vì thứ hạng bán hàng sẽ bị ảnh hưởng một khi giá tăng. Mặc dù vẫn có một khoản lợi nhuận nhỏ trong ngắn hạn, nhưng nếu doanh số tiếp tục giảm thì sẽ không thể trụ vững về lâu dài. Vì vậy, tôi hy vọng các nền tảng hoặc hiệp hội ngành có liên quan sẽ ra mặt và mọi người cùng nhau tăng giá. Những người bán đã có thương hiệu có thể tăng giá, nhưng điều này sẽ đặt ra yêu cầu cao hơn đối với hoạt động vận hành tinh vi của họ.

Tóm lại, lời khuyên của tôi là: một mặt, các doanh nghiệp coi Mỹ là thị trường chính không nên hoàn toàn mất niềm tin, mà hãy cố gắng “sống sót” bằng cách bản địa hóa sản xuất, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và điều chỉnh cơ cấu lựa chọn sản phẩm; mặt khác, giờ cũng là thời điểm tốt để đánh giá lại thị trường toàn cầu và xây dựng cơ cấu thị trường đa dạng.

Thành công của các doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài không chỉ nhờ vào giá thấp

Guancha: Vào ngày 2/4, Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp, tuyên bố kể từ ngày 2/5, Mỹ sẽ chấm dứt chính sách miễn thuế đối với các gói hàng nhỏ từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, điều đó có nghĩa “chính sách miễn thuế cho gói hàng nhỏ” dưới 800 USD đã chính thức bị hủy bỏ. Đây chắc chắn là một thách thức lớn đối với ngành thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc, đặc biệt là đối với những người kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới dựa vào mô hình chuyển phát trực tiếp các gói hàng nhỏ, họ sẽ phải chuyển đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh của mình. Trước đó, ông đã đề cập đến “chiến lược gói hàng nhỏ” của doanh nghiệp. Ông có thể nói về tác động của chính sách thuế quan hiện tại và việc hủy bỏ chính sách miễn thuế cho gói hàng nhỏ dưới 800 USD đối với ngành thương mại điện tử xuyên biên giới dựa trên các trường hợp như Temu và SHEIN không?

Lưu Triệu Ninh: Trước hết, tôi muốn làm rõ một hiểu lầm thường gặp. Rất nhiều người cho rằng việc các doanh nghiệp Trung Quốc như Temu (phiên bản nước ngoài của Pinduoduo) và SHEIN đạt được thành công tại thị trường Mỹ chủ yếu là nhờ giá thành sản phẩm thấp hoặc lợi dụng các lỗ hổng chính sách như “miễn thuế cho gói hàng nhỏ”. Nhưng trên thực tế, câu chuyện phức tạp hơn nhiều.

Lấy SHEIN làm ví dụ, năng lực cạnh tranh cốt lõi của doanh nghiệp này là “chuỗi cung ứng linh hoạt” hoặc “chuỗi cung ứng phản ứng nhanh”, điều này thể hiện tính hiệu quả cao chứ không chỉ đơn thuần là giá thấp. Trong ngành quần áo nữ, SHEIN đã đạt được sự tích hợp cao và phản ứng nhanh chóng trong toàn bộ các khâu từ nghiên cứu thị trường, thiết kế và phát triển, sản xuất đến hậu cần và phân phối. Chỉ khi đạt hiệu quả cao hơn đối thủ cạnh tranh ở mọi khâu trong khi vẫn đảm bảo được cả chất lượng và hiệu quả về chi phí, thì mới có thể đạt được thành công như SHEIN. Năng lực này là lợi thế mang tính hệ thống được hình thành qua nhiều năm tích lũy và tối ưu hóa liên tục, chứ không chỉ đơn thuần là dựa vào giá cả hay tận dụng kẽ hở chính sách.

Đằng sau SHEIN không chỉ đơn giản là lợi thế về giá cả, mà còn là sự tích tụ của vô số nhà máy may mặc ở Quảng Châu trong suốt nhiều năm. Tất nhiên, tôi không phủ nhận rằng sự phát triển của các doanh nghiệp này có phần liên quan đến “việc kể chuyện” của các nhà đầu tư. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh thực tế rằng Trung Quốc có lợi thế về chuỗi cung ứng.

Do đó, nếu chỉ xem xét việc Mỹ hủy bỏ chính sách miễn thuế cho các gói hàng nhỏ dưới 800 USD, đối tượng bị ảnh hưởng nhiều sẽ là những người bán vừa và nhỏ dựa vào mô hình chuyển phát trực tiếp các gói hàng nhỏ. Còn đối với các nền tảng hàng đầu như SHEIN và Temu, họ sẽ chịu ảnh hưởng ở một mức độ nhất định, nhưng tôi không nghĩ nó sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Năng lực cạnh tranh cốt lõi của họ đến từ sự đổi mới trong mô hình kinh doanh, sự thấu hiểu chính xác về sở thích của người dùng và hiệu quả của chuỗi cung ứng tích hợp cao, chứ không phải dựa vào những ưu đãi từ chính sách.

Điều thực sự cần cảnh giác là mức thuế quan cao có tính phá hoại về mặt cấu trúc. Mức thuế quan 145% do Trump đề xuất sẽ trực tiếp thu hẹp biên lợi nhuận và thách thức này là rất thực tế. Thành thật mà nói, tôi thực sự lo lắng cho họ: trong ngắn hạn, họ hầu như chỉ có thể hy vọng rằng người dùng của mình đủ trung thành và sẵn sàng chấp nhận mức tăng giá nhất định, đồng thời tranh thủ thời gian để mở rộng hoạt động kinh doanh và nâng cao định vị thương hiệu trên các thị trường khác. Tôi cũng hy vọng các nền tảng như TikTok, SHEIN và Temu có thể điều phối các nhà bán hàng để cùng tăng giá, hay thậm chí hỗ trợ bằng cách cung cấp một số khoản trợ cấp. Chắc chắn sẽ tốt hơn nếu có sự điều phối từ nền tảng và có thể tránh được tình trạng cạnh tranh nội bộ.

Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu cũng không phải là điều không thể. Lấy SHEIN làm ví dụ, thương hiệu của họ đã thâm nhập vào thói quen mua sắm của giới trẻ ở Mỹ, trong khi một số thương hiệu bản địa truyền thống như Forever 21 lại đang dần suy thoái trong những năm gần đây. Điều đó có nghĩa, miễn là sản phẩm và sức mạnh thương hiệu vẫn còn thì SHEIN và Temu vẫn có cơ hội tiếp tục khẳng định chỗ đứng tại Mỹ.

Xét từ góc độ vĩ mô hơn, thành công của các nền tảng này không phải là ngẫu nhiên; về bản chất chúng phản ánh thực tế kinh tế sâu sắc giữa Trung Quốc và Mỹ. Mối đe dọa thực sự đối với sự phát triển của chúng không phải là một chính sách cụ thể, mà là xu hướng “tách rời” đang bị chính trị hóa. Nếu sự tách rời đi đến mức cực đoan, điều này sẽ không chỉ gây tổn hại cho các doanh nghiệp Trung Quốc mà còn hạn chế sự lựa chọn của người tiêu dùng Mỹ, và cuối cùng sẽ làm suy yếu hiệu quả và sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu.

Nếu phân tích các trường hợp thành công của các doanh nghiệp Trung Quốc vươn ra quốc tế, tôi nghĩ TikTok, SHEIN và Temu đều là những đại diện tiêu biểu. Hãy lấy TikTok làm ví dụ. Thành công của nó tại thị trường Mỹ thực sự không thể tách rời khỏi sự hỗ trợ gián tiếp của hai hệ sinh thái lớn. Một là hệ thống lưu lượng của Google và hai là hệ sinh thái thương mại điện tử của Amazon. Trong nhiều năm qua, hai hệ thống này đã cung cấp nền tảng tăng trưởng và kinh nghiệm quý báu cho các nhà phát triển internet di động và thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc. Các doanh nghiệp Trung Quốc học hỏi và phát triển trên những nền tảng này, đồng thời cũng tạo ra giá trị to lớn cho họ. Như việc giá cổ phiếu của Amazon giảm nhanh sau khi họ loại bỏ một lượng lớn người bán Trung Quốc đã chứng minh, các nhà bán hàng Trung Quốc và Amazon thực sự có mối quan hệ cộng sinh cùng có lợi.

Tuy nhiên, vào năm 2022, chúng ta đã thấy cả hệ sinh thái Google và Amazon đều trải qua một mức độ “tách rời” nhất định. Amazon đã loại bỏ một lượng lớn người bán vừa và nhỏ, trong khi Google cũng tăng cường giám sát các nhà phát triển ứng dụng. Những thay đổi này đã buộc nhiều doanh nghiệp Trung Quốc phải tìm kiếm nền tảng và cơ hội mới, và quá trình chuyển đổi thương mại điện tử của TikTok đã nắm bắt đúng thời cơ này.

Điều đáng chú ý là các doanh nghiệp nước ngoài thành công đều biết cách thích nghi với thị trường địa phương. Lý do TikTok trở nên phổ biến ở Mỹ là vì nó nắm bắt chính xác thói quen của giới trẻ Mỹ, đặc biệt là nhóm học sinh trung học. Họ thích giao tiếp bằng cách chia sẻ nội dung video ngắn và TikTok đã đáp ứng được nhu cầu này. Trước TikTok, cả Facebook và Instagram đều không nhắm vào những thói quen xã hội này. Trong tương lai, có thể sẽ có những sản phẩm khác nắm bắt được những thói quen xã hội khác nhau của giới trẻ, nhưng ở thời điểm hiện tại, TikTok đã chiếm lĩnh được trái tim của giới trẻ Mỹ một cách rất chuẩn xác.

Nhìn chung trong những năm qua, Trung Quốc đã hình thành ba lợi thế lớn trong quá trình vươn ra quốc tế: thứ nhất là năng lực chuỗi cung ứng hiệu quả; thứ hai là kinh nghiệm vận hành lưu lượng và thương mại điện tử xuyên biên giới được tích lũy trên các nền tảng như Google và Amazon; và thứ ba là sự thấu hiểu sâu sắc và khả năng thích nghi với hành vi của người dùng ở nước ngoài. Những lợi thế này đã cùng nhau đóng góp vào thành công của các doanh nghiệp vươn ra quốc tế như TikTok, đồng thời cũng là chìa khóa để các doanh nghiệp này có thể đứng vững trên thị trường Mỹ.

 “Phi Mỹ hóa” đã trở thành một biện pháp quản lý rủi ro mang tính thực tế đối với các doanh nghiệp năng lượng mới

Guancha: Là thị trường nước ngoài lớn nhất cho ngành công nghiệp pin lithium của Trung Quốc, Mỹ đã liên tục là điểm đến xuất khẩu lớn nhất trong 5 năm liên tiếp từ năm 2020 đến năm 2024. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu pin lithium sang Mỹ chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu pin lithium của Trung Quốc. Hiện nay, dưới tác động của các chính sách thuế quan đa tầng, do Mỹ phụ thuộc khá nhiều vào hoạt động sản xuất linh kiện của Trung Quốc, đặc biệt là các sản phẩm pin điện và pin lưu trữ năng lượng, nên thị trường đã chịu ảnh hưởng nặng nề. Ông đánh giá ra sao về tác động của chính sách thuế quan đối với hoạt động xuất khẩu sản phẩm năng lượng mới của Trung Quốc sang Mỹ?

Lưu Triệu Ninh: Hiện nay, các sản phẩm nổi trội nhất của Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng mới chủ yếu gồm ba loại: tấm pin quang điện, pin và xe điện. Lấy ngành công nghiệp quang điện làm ví dụ, các tranh chấp thương mại trong lĩnh vực quang điện giữa Trung Quốc và Mỹ, cũng như giữa Trung Quốc và châu Âu, đã kéo dài suốt nhiều năm. Trên thực tế, trước khi Trump nhậm chức, một số doanh nghiệp quang điện hàng đầu của Trung Quốc đã bắt đầu chủ động thu hẹp đầu tư vào Mỹ, chẳng hạn như kiểm soát tỷ lệ vốn chủ sở hữu trong liên doanh xuống còn 20% hoặc thậm chí thấp hơn, nhằm tránh rủi ro pháp lý từ những quy định không chắc chắn.

Trong khi châu Âu và Mỹ tiếp tục tăng ngưỡng thuế quan, nhiều doanh nghiệp quang điện đã dần đóng cửa các nhà máy trung chuyển của họ ở Đông Nam Á và áp dụng chiến lược kép “xuất khẩu sang các thị trường mới nổi” hoặc “bán hàng trong nước”. Các doanh nghiệp này hiện đang chuyển trọng tâm sang các khu vực như Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Phi – những nơi có tốc độ tăng trưởng thậm chí còn vượt xa xuất khẩu sang Mỹ. Những thực tế này cho thấy, các doanh nghiệp năng lượng mới của Trung Quốc hoàn toàn có khả năng thiết lập một cơ cấu kinh doanh toàn cầu ổn định mà không cần phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Xu hướng này không chỉ giới hạn ở ngành quang điện. Đối với các phân ngành như pin lithium và xe điện, mặc dù Mỹ vẫn có sức hấp dẫn nhất định về tiêu chuẩn kỹ thuật và giá trị thương hiệu, nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp Trung Quốc hoặc là lựa chọn tạm hoãn việc thâm nhập thị trường Mỹ, hoặc là giảm tỷ lệ đầu tư vào Mỹ xuống mức tối thiểu để kiểm soát rủi ro địa chính trị. Nhìn từ chiến lược vươn ra quốc tế của nhiều doanh nghiệp năng lượng mới, mô hình “Mỹ + 1” hay thậm chí là “phi Mỹ hóa” đã trở thành một biện pháp quản lý rủi ro mang tính thực tế.

Tất nhiên, về trung và dài hạn, tình hình vẫn đầy rẫy những bất định, bao gồm cả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ, hay khả năng đàm phán giữa Trung Quốc và Mỹ… Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, mặc dù Mỹ vẫn là thị trường có giá trị gia tăng cao, nhưng lợi thế về quy mô và giá thành của các sản phẩm năng lượng mới của Trung Quốc lại phù hợp hơn để nhân rộng ra ở các thị trường mới nổi. Có lẽ đây mới chính là đường cong tăng trưởng thực sự của các doanh nghiệp năng lượng mới của Trung Quốc trong tương lai.

Ý định “lật bàn” của Mỹ có ý nghĩa gì đối với Trung Quốc và thế giới?

Guancha: Hiện nay, do những thay đổi về chính sách thuế quan trong những ngày gần đây, thị trường chứng khoán cũng đang có sự biến động rất lớn. Chúng ta đã chứng kiến ​​các làn sóng phản đối chính sách thuế quan của Trump nổ ra ở nhiều nơi. Vào thứ tư, Ray Dalio, nhà sáng lập quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới Bridgewater Associates, đã kêu gọi Mỹ nên đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về vấn đề thuế quan. Ông có thể chia sẻ một số thông tin về tình hình thực tế tại Mỹ hiện nay không? Thuế quan đang có những ảnh hưởng trực tiếp nào đến xã hội? Và xã hội đang nhìn nhận và đánh giá Trump như thế nào?

Lưu Triệu Ninh: Hiện nay, dưới tác động từ quyết định thuế quan của Trump, thị trường chứng khoán Mỹ đang chao đảo, và trong xã hội Mỹ cũng có khá nhiều tâm lý tiêu cực đối với chính sách thuế quan của Trump. Hiện vẫn chưa cảm nhận được nhiều về tác động lên giá cả vì hàng hóa hiện đang bán vẫn thuộc chuỗi cung ứng trước đó, có lẽ phải mất một thời gian nữa thì tác động của thuế quan lên giá cả mới thể hiện rõ ràng. Trong xã hội, các cuộc biểu tình phản đối Trump đang diễn ra ở khắp mọi nơi, không chỉ nhắm vào chính sách thuế quan của ông mà còn bao gồm cả cuộc đàm phán Nga-Ukraine, hay việc trợ cấp cho các doanh nghiệp năng lượng mới…

Những người vốn không ưa Trump sẽ tiếp tục ghét bỏ và phản đối ông, nhưng tác động của những cuộc biểu tình này đến Trump sẽ khá hạn chế, bởi hai lý do chính:

Đầu tiên, Đảng Cộng hòa hiện đang chiếm ưu thế ở cả hai viện của Quốc hội, khiến Đảng Dân chủ khó có thể tạo ra trở lực thực chất ở cấp độ lập pháp. Thứ hai, đội ngũ nòng cốt của Trump chủ yếu bao gồm những người ủng hộ trung thành của ông, trong nội bộ Nhà Trắng về cơ bản không có tiếng nói của “phe đối lập” thực sự. Quyết định của ban điều hành mang tính tập trung cao độ và thiếu cơ chế cân bằng nội bộ hiệu quả. Ngay cả khi có bất đồng trong các cuộc thảo luận chính sách, ý kiến ​​của Trump thường sẽ giữ vai trò quyết định cuối cùng.

Khi nào thì tình hình sẽ thay đổi? Vẫn phải chờ xem kết quả của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Nếu Đảng Dân chủ có thể giành lại quyền kiểm soát cả hai viện, hoặc dù chỉ một viện, điều này có thể tạo ra một vài hạn chế nhất định đối với Trump trong hệ thống của Nhà Trắng. Nếu chỉ nhìn nhận dưới góc độ hành chính, có lẽ sẽ phải đợi đến khi chính Trump tự nhận ra những thất bại trong chính sách của mình. Điều này có nghĩa, chỉ sau khi Trump đã thử nghiệm mọi chính sách mà mình muốn thực hiện và về cơ bản đều thất bại, ông mới cân nhắc rằng: Có nên áp dụng một chiến lược cân bằng và ôn hòa hơn không? Nhưng cho đến nay, Trump rõ ràng vẫn chưa “thử nghiệm” xong.

Tôi nhận thấy rằng, nhiều báo cáo phân tích đang nhấn mạnh vào khía cạnh “lý tính” trong các chính sách của Trump, đặc biệt là nhấn mạnh ảnh hưởng chính sách của những cố vấn như Stephen Miller. Nhưng tôi cho rằng, cũng cần chú ý đến cấu trúc quyền lực của Trump vốn gần như không bị ràng buộc bởi bất kỳ lực lượng nội bộ nào trong việc ra quyết định, điều này cũng khiến nhiều chính sách của ông mang đậm tính phi lý và thậm chí là cảm tính.

Về lý do tại sao Trump lại tăng mạnh thuế đối với Trung Quốc vào thời điểm này, cá nhân tôi cho rằng, ở một mức độ nào đó, đây là một “chiến lược chuyển hướng” khỏi những thất bại trong ngoại giao với Nga và Ukraine. Bằng cách gây ra xung đột kinh tế và thương mại với Trung Quốc, Trump đang cố gắng tái thiết vị thế chủ đạo của mình trong chính sách nội bộ. Kiểu hành vi này không phải là hiếm trong vận động chính trị và thao túng dư luận: khi một vấn đề không nhận được đủ sự ủng hộ, một “tâm điểm đối đầu” khác sẽ được tạo ra để chuyển hướng sự chú ý của xã hội.

Theo góc nhìn này, cuộc chiến thuế quan của Trump đối với Trung Quốc không chỉ là một cuộc chơi kinh tế mà còn liên quan đến “sự thay thế mang tính cảm xúc” trong chính sách đối ngoại. Nếu cuộc chơi hiện tại với Trung Quốc không mang lại kết quả chính trị như mong đợi, Trump có thể sẽ chuyển trọng tâm sang các vấn đề khác, chẳng hạn như Đài Loan, châu Âu hoặc lĩnh vực năng lượng mới. Điều này cũng phản ánh tính bất định và mức độ cá nhân hóa cao trong lộ trình chính sách của ông.

Guancha: Hiện nay, cách tiếp cận bất nhất và thay đổi chóng mặt của Trump đã làm tổn hại đến uy tín quốc gia của Mỹ. Ray Dalio, nhà sáng lập Bridgewater, cũng nói rõ rằng: “Trật tự địa chính trị quốc tế đang sụp đổ và thời đại mà Mỹ ra lệnh cho các quốc gia khác tuân theo đã kết thúc.” Trong bối cảnh này, theo ông, các quốc gia và khu vực chịu áp lực thuế quan từ Mỹ có nên cân nhắc thiết lập một hệ thống thương mại quốc tế đa dạng hơn và giảm sự phụ thuộc vào Mỹ không?

Lưu Triệu Ninh: Tôi nghĩ khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra và đánh giá của Dalio là có cơ sở. Ông từng chỉ ra rằng vào những năm 1930, các quốc gia rơi vào cuộc cạnh tranh thuế quan cao, cuối cùng đã làm trầm trọng thêm sự chia rẽ kinh tế và gián tiếp gây ra các xung đột địa chính trị trên toàn cầu. Bài học lịch sử này vẫn còn có giá trị cảnh báo cho đến ngày nay.

Những gì chúng ta đang phải đối mặt ngày nay không chỉ là thuế quan, mà còn là thực tế rằng Mỹ đang cố gắng sử dụng thuế quan như một công cụ để “lật bàn” của toàn bộ trật tự quốc tế. Trớ trêu thay, chiếc bàn này ban đầu do chính Mỹ gây dựng, từ hệ thống Bretton Woods sau Thế chiến thứ hai đến Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu, tất cả đều được thiết lập dưới sự thúc đẩy của Mỹ. Trên thực tế, chính trật tự này đã mang lại sự thịnh vượng cho Mỹ trong nhiều thập kỷ.

Ngày nay, Mỹ đột nhiên cảm thấy mình bị đối xử “bất công” và muốn tái định nghĩa các quy tắc, thậm chí là thiết lập một hệ thống hoàn toàn mới. Hành vi “lật bàn” này, ở một mức độ nào đó, là Mỹ đang phản đối chính hệ thống mà nước này từng thiết lập và được hưởng lợi từ nó.

Thứ Trung Quốc hy vọng là một cấu trúc toàn cầu đa cực. Chúng ta mong muốn thúc đẩy việc quản lý các vấn đề toàn cầu thông qua tham vấn và đối thoại trên các nền tảng đa phương như Liên Hợp Quốc và WTO. Quy mô kinh tế và ý chí chính trị của các nước thuộc phương Nam toàn cầu cũng đang phát triển nhanh chóng, khiến ảnh hưởng của họ trong hệ thống quốc tế ngày càng gia tăng. Điều này cũng có nghĩa, cấu trúc lợi ích vốn do các nước phát triển dẫn dắt đang trải qua quá trình điều chỉnh mang tính cấu trúc.

Mỹ tin rằng ngay cả khi quay lại với cơ chế đa phương, nước này cũng không thể giải quyết được các vấn đề nội bộ của mình, chẳng hạn như tình trạng suy thoái của ngành công nghiệp. Do đó, họ muốn thiết lập một “WTO mới” thông qua việc tăng thuế quan và sử dụng thuế quan như một con bài mặc cả để tái đàm phán với các quốc gia khác. Đợt tăng thuế quan này của Trump giống như một “bài kiểm tra sự phục tùng”, cho phép Mỹ nhanh chóng nhận diện quốc gia nào đồng ý với cách tiếp cận này và quốc gia nào thì không. Nếu bất kỳ nước nào không đáp ứng yêu cầu của họ, chẳng hạn như không chuyển hoạt động sản xuất trở lại Mỹ hoặc không mang lại lợi ích cho Mỹ, thì Mỹ có thể loại những quốc gia đó khỏi “hệ thống mới”. Thật là ngang ngược! Hiện nay, Trung Quốc là đối tượng đầu tiên bị loại trừ khỏi hệ thống này.

Tuy nhiên, vấn đề là mối liên kết kinh tế toàn cầu hiện nay vượt xa so với những năm 1930, và lập trường của nhiều quốc gia đã không còn nhất quán như trước. Ví dụ, EU và Brazil không phải là những quốc gia chỉ biết theo sau Mỹ, đặc biệt là các quốc gia thuộc phương Nam toàn cầu, đối tác thương mại lớn nhất của phần lớn các nước này là Trung Quốc. Trong bối cảnh này, tính khả thi của việc Mỹ thiết lập lại cục diện là rất hạn chế.

Đối với các quốc gia này, việc vội vàng tham gia một hệ thống mới chưa hoàn chỉnh và tách khỏi một quốc gia có năng lực sản xuất và thị trường khổng lồ như Trung Quốc, chưa chắc đã phù hợp với lợi ích lâu dài của họ. Hơn nữa, nếu Trump chỉ phục vụ một nhiệm kỳ tổng thống và các chính sách của ông bị đảo ngược sau 4 năm, những quốc gia đã “chọn phe” trước đó có thể sẽ phải chịu tổn thất kép.

Tất nhiên, cục diện mà chúng ta không muốn thấy nhất là sự hình thành của các vòng tròn thương mại nhỏ khép kín xung quanh Trung Quốc và Mỹ. Điều này không chỉ làm tăng nguy cơ gián đoạn thương mại và xung đột chuỗi cung ứng, mà còn có thể làm gia tăng đối đầu địa chính trị và khả năng xảy ra xung đột quân sự, cũng như làm giảm không gian phối hợp về các vấn đề toàn cầu như khí hậu và năng lượng. Nhiều hiệu ứng lan tỏa tiêu cực có thể sẽ nhanh chóng xuất hiện trong xu hướng phân mảnh này.

Nhìn một cách tổng thể, cuộc chiến thuế quan vẫn đang nóng lên và phản ứng của các quốc gia cũng như diễn biến của cuộc chơi giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn cần được quan sát thêm. Nhưng có thể chắc chắn rằng, thế giới đang chuyển từ “sự thống trị đơn phương” sang “sự phối hợp đa cực”. Điều đó cũng có nghĩa, việc thiết lập một cơ chế thương mại quốc tế đa nguyên và bền vững hơn không chỉ là nhu cầu để đối phó với sự bất định của Mỹ mà còn là nhiệm vụ dài hạn để xây dựng một trật tự toàn cầu mới.