Trump đang để mất Châu Á

Nguồn: Robert A. Manning, “Trump Is Losing Asia,” Foreign Policy, 21/04/2025

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Một chính sách thiếu mạch lạc đang thúc đẩy sự trỗi dậy của Bắc Kinh.

Trong hơn một thập kỷ qua, động lực an ninh và kinh tế ở Châu Á-Thái Bình Dương đã đi theo những hướng ngược nhau. Căng thẳng địa chính trị và chủ nghĩa dân tộc mang tính cạnh tranh đã củng cố vai trò của Mỹ như một người bảo đảm an ninh, trong khi sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc đã khiến các nền kinh tế khu vực tích hợp chặt chẽ hơn với nhau và với chính Trung Quốc, đồng thời kéo chúng xa khỏi Mỹ, như Evan Feigenbaum và tôi từng lập luận 13 năm trước.

Tuy nhiên, chính sách của Mỹ đối với khu vực này phần lớn vẫn được duy trì. Nhưng liệu nó có còn bền vững không – hay sự kết hợp giữa thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump, thái độ coi thường các đồng minh, sự thoái lui khỏi các giá trị và thể chế của trật tự hậu Thế chiến II, cùng sự phân tách khỏi Trung Quốc sẽ buộc khu vực này phải đưa ra lựa chọn đáng sợ?

Cho đến nay, chính sách an ninh của Mỹ dường như vẫn được bảo vệ khỏi cuộc cách mạng mang tên Trump. Một biên bản ghi nhớ chiến lược quốc phòng bị rò rỉ tiết lộ rằng khu vực này vẫn là ưu tiên chiến lược của Mỹ. Và chuyến đi tới Châu Á vào tháng 3 của Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth đã mang lại sự đảm bảo hơn nữa cho các đồng minh. Chuyến đi của Hegseth bao gồm một bài phát biểu tại Honolulu, cam kết “làm việc với các đồng minh và đối tác của chúng tôi” để chống lại Trung Quốc, còn tại Nhật Bản là một nỗ lực thúc đẩy sáng kiến thời Biden nhằm thành lập một sở chỉ huy quân sự chung tại Tokyo, và tại Philippines là việc tiết lộ các hệ thống vũ khí mới của Mỹ sẽ được triển khai để ngăn chặn Trung Quốc.

Có lẽ người ta vẫn có thể duy trì đà tiến lên nhờ vào quán tính từ sự hợp tác tập trung vào quân sự để đối phó với hành vi cưỡng ép của Trung Quốc – chẳng hạn như việc Hải Cảnh Trung Quốc ngăn cản ngư dân và Hải quân Philippines hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này, và đe dọa Việt Nam không được phát triển các mỏ khí đốt ngoài khơi trong vùng biển của họ. Nhưng các xu hướng kinh tế, cũng như lời nói và hành động của chính quyền Trump đều chỉ ra một chương trình nghị sự đơn phương “Nước Mỹ trên hết” chứa đầy những mâu thuẫn và mục tiêu cạnh tranh với nhau, đến mức một chính sách mạch lạc cho châu Á khó có thể hình thành.

Tại sao? Trong 70 năm qua, hòa bình Châu Á, giống như hòa bình Châu Âu, đã được củng cố bởi Mỹ với tư cách là người bảo đảm an ninh và bởi sự thịnh vượng của hệ thống tài chính do Mỹ lãnh đạo, với các thị trường bao trùm và tương đối cởi mở. Washington vừa là chất xúc tác phát triển, vừa người tiêu dùng cuối cùng, tạo điều kiện cho “phép lạ châu Á.”

Nhưng quan hệ cộng sinh này đã dần suy yếu theo tỷ lệ thuận với sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc và sự phân phối của cải và quyền lực từ phương Tây sang phương Đông do toàn cầu hóa tạo ra. Mỹ chiếm một tỷ trọng ngày càng thấp trong thương mại Châu Á-Thái Bình Dương; họ cũng không tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hoặc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), vốn là các hiệp định thương mại tự do quan trọng của khu vực, dù đã dành nhiều năm để cố gắng đàm phán hiệp ước tiền thân của CPTPP, mà Trump đã rút khỏi vào năm 2017. Trong cấu trúc thương mại mới, Mỹ đang tự cô lập mình, và Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của hầu hết các quốc gia trong khu vực. Thương mại nội khối hiện đã đạt gần 60% tổng kim ngạch thương mại.

Mỹ đã dần bị gạt ra ngoài lề, và giờ đây, Trump đang phá hủy một hệ thống vốn đã rất mong manh. Quá trình phân tách Mỹ và Trung Quốc – hai nước chiếm 43% GDP thế giới – đang làm gián đoạn hoạt động của các doanh nghiệp trên khắp Châu Á. Chỉ trong vài tuần, các mức thuế quan sâu rộng, được áp đặt và dỡ bỏ tùy theo ý thích của tổng thống, đã được diễn giải là một tuyên bố chiến tranh kinh tế. Trump đang phá hoại các hiệp định thương mại tự do với Australia, Hàn Quốc, và Singapore. Việc giải thể Cơ quan Phát triển Quốc tế (USAID) và Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) – các công cụ của quyền lực mềm nhằm thể hiện các giá trị và sự hiện diện của Mỹ – cũng gửi đi một tín hiệu.

Dù hành vi cưỡng ép chính trị-quân sự của Trung Quốc đã củng cố hệ thống an ninh do Mỹ lãnh đạo, nhưng những đòi hỏi nặng nề của Trump đối với các đồng minh trong lĩnh vực quốc phòng có thể đẩy nhanh xu hướng phòng bị nước đôi. Khi các nhà đàm phán Nhật Bản đến Washington vào ngày 16/04 để đàm phán thương mại, Trump đã làm rõ rằng, đối với ông, quốc phòng có liên quan đến thương mại trong việc tái cân bằng quan hệ. Cụ thể, Tổng thống Mỹ viết trên nền tảng Truth Social: “Hôm nay, người Nhật đã đến để đàm phán về Thuế quan, chi phí hỗ trợ quân sự, và ‘CÔNG BẰNG THƯƠNG MẠI.’”

Trump phàn nàn rằng “Nhật Bản không cần phải bảo vệ chúng ta [Mỹ]” trong khi Mỹ đã chi hàng trăm tỷ đô la để bảo vệ Nhật Bản, do đó Tokyo cần phải chi 3% GDP cho quốc phòng. Trong nhiệm kỳ trước, Trump từng cân nhắc việc rút quân đội Mỹ khỏi Hàn Quốc và muốn Seoul trả nhiều tiền bảo vệ hơn; còn đối với Đài Loan, ông yêu cầu hòn đảo này tăng gấp bốn lần chi tiêu quốc phòng, lên mức 10%, điều mà Đài Bắc cho là “không thể.”

Sự kết hợp giữa những thay đổi thương mại và địa chính trị của Mỹ đang nhanh chóng làm xói mòn lòng tin và đặt ra những câu hỏi mang tính sống còn trong khu vực về độ tin cậy của Mỹ với tư cách là một đối tác, chứ chưa nói đến người bảo đảm an ninh. Dù tình hình đã được xoa dịu bởi cách tiếp cận thực dụng, như những nỗ lực nhằm cắt giảm thuế quan đã cho thấy, nhưng cú sốc tâm lý vẫn rất lớn.

Nhưng đừng chỉ nghe tôi nói. Dấu hiệu cảnh báo sớm là bài phát biểu ngày 14/02 của Bộ trưởng Quốc phòng Singapore, một đối tác thân cận của Mỹ, than thở rằng hình ảnh của Mỹ đột nhiên “thay đổi từ người giải phóng thành kẻ phá rối, rồi thành một chủ nhà đi đòi tiền thuê.” Cựu Thủ tướng bảo thủ Malcolm Turnbull thì bày tỏ nỗi đau khổ của người dân Australia, nói trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 4 với tờ New York Times: “Chúng ta đang đối phó với một nước Mỹ mà các giá trị của họ không còn phù hợp với chúng ta nữa.”

Việc áp thuế nặng nề lên các trung tâm sản xuất khu vực – Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Malaysia, vốn đã trở thành điểm đến của hàng hóa “Trung Quốc + 1” kể từ nhiệm kỳ đầu của Trump – có thể gây ra thảm họa. Đầu tư vào xe hơi và đồ điện tử của Hàn Quốc và Nhật Bản (cả hai đều đang phải đối mặt với mức thuế quan tối thiểu là 10%, cộng với thuế quan xe hơi, thép, và nhôm) là một phần quan trọng trong hệ thống vận hành kinh tế châu Á.

Nhà Trắng đã nêu rõ rằng một mục tiêu của thuế quan là phá hủy các trung tâm sản xuất khu vực đang sử dụng và vận chuyển các thành phần của Trung Quốc. Như tờ Wall Street Journal đưa tin, chiến lược thuế quan của chính quyền Mỹ buộc các nước phải lựa chọn hạn chế thương mại với Trung Quốc để được hưởng mức thuế thấp hơn. Khi Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro tuyên bố việc Việt Nam cắt giảm thuế quan của Mỹ xuống mức 0 “không có ý nghĩa gì,” ông đã giải thích rằng “chính gian lận phi thuế quan mới là vấn đề quan trọng.” Việc chấm dứt các chuỗi giá trị này sẽ xé nát cấu trúc kinh tế của khu vực.

Các quốc gia châu Á đang xếp hàng để đàm phán các thỏa thuận nhằm giảm thuế quan của Mỹ – mua thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ, mua thêm thiết bị quân sự, và hỗ trợ đóng tàu của Mỹ. Nhưng họ khó có thể loại bỏ thâm hụt thương mại với Mỹ: Với nền kinh tế gần 30 nghìn tỷ đô la, người Mỹ chắc chắn sẽ mua nhiều hơn những gì họ bán cho các quốc gia nhỏ hơn, có thu nhập thấp và trung bình như Việt Nam và Campuchia, ngay cả khi thuế quan được cắt giảm.

Vậy các quốc gia châu Á này, vốn tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, sẽ phản ứng như thế nào? Trump có thể vô tình đẩy họ về phía Trung Quốc, đất nước đang thực hiện chiến dịch tấn công quyến rũ. Mỹ có thể đang tự tách mình khỏi thế giới, trong lúc phần lớn thế giới đang củng cố các mô hình toàn cầu hóa mới, như Thủ tướng Singapore Lawrence Wong đã cam kết trong một bài phát biểu quan trọng vào ngày 08/04.

Việc các đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản gặp gỡ Trung Quốc để hồi sinh nỗ lực đạt được một thỏa thuận thương mại ba bên và, theo các báo cáo của Trung Quốc, để thảo luận về việc phối hợp phản ứng với Mỹ là một dấu hiệu của thời đại. Châu Âu đang khám phá các quan hệ kinh tế mới với Trung Quốc, ví dụ bằng cách cấp phép cho các nhà máy sản xuất xe điện và pin, như Tây Ban Nha và Hungary đang làm. Một chỉ báo về các xu hướng tương tự ở châu Á sẽ là khi nỗ lực gia nhập CPTPP của Trung Quốc được Nhật Bản và Australia chấp nhận, hoặc nếu Liên minh châu Âu xúc tiến các thỏa thuận thương mại với CPTPP. Các kịch bản như vậy có thể trở thành nền tảng để duy trì một hệ thống dựa trên luật lệ hậu Mỹ, đồng thời định hình các quy tắc và tiêu chuẩn công nghệ mới.

Một rủi ro khác từ việc châu Á mất niềm tin vào Mỹ là phi đô la hóa. Các quốc gia châu Á có thể xem nước Mỹ dưới thời Trump là nơi trú ẩn kém an toàn hơn cho khoảng 3 nghìn tỷ đô la trái phiếu kho bạc Mỹ được mua từ thặng dư thương mại của họ, vốn đang tài trợ cho thâm hụt ngân sách 37 nghìn tỷ đô la của Mỹ.

Nhưng để tận dụng tối đa việc Mỹ tự cô lập kinh tế, Bắc Kinh cũng cần phải sửa đổi các chính sách của mình. Bắc Kinh không thể đơn giản chuyển 439 tỷ đô la xuất khẩu của mình sang các nước phương Nam toàn cầu, vốn đã quá lo lắng về tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc đến mức họ đã đệ trình hàng chục đơn khiếu nại chống lại nước này lên Tổ chức Thương mại Thế giới. Liệu Trump có thể khiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sửa đổi các chính sách thương mại mang tính săn mồi và tăng cường tiêu dùng trong nước để bù đắp cho việc để mất thị trường Mỹ hay không?

Diễn biến tiếp theo sẽ phụ thuộc nhiều vào số phận của quan hệ Mỹ-Trung. Có nhiều phe phái cạnh tranh nhau đang tìm cách định hình chính sách Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng của Trump, bao gồm những nhân vật diều hâu về Trung Quốc như Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz, người ủng hộ việc làm suy yếu, phân tách, và chuẩn bị cho chiến tranh với Bắc Kinh; những ông lớn trong giới kinh doanh như Elon Musk và các công ty tài chính có lợi ích ở thị trường Trung Quốc; và chính Trump, người luôn muốn có một thỏa thuận.

Nhưng thỏa thuận Mỹ-Trung nào có thể xảy ra trong môi trường độc hại ở cả hai thủ đô? Thỏa thuận đáng thất vọng của Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên đã phủ bóng đen lên những nỗ lực hiện tại. Một phép so sánh là Thỏa ước Plaza năm 1985 với Nhật Bản, cũng nhằm giải quyết những căng thẳng thương mại tương tự. Tokyo đã chấp nhận định giá lại đồng yên so với đô la, xây dựng các nhà máy sản xuất xe hơi ở Mỹ, và đồng ý hạn chế xuất khẩu tự nguyện. Dù Mỹ thường xuyên phàn nàn về đồng nhân dân tệ yếu, nhưng tiền tệ không phải là vấn đề lớn trong trường hợp Mỹ-Trung. Về lý thuyết, hai bên có thể đồng ý với một biên độ đàm phán khá rộng, và Trung Quốc có thể chỉ sẵn sàng hạn chế xuất khẩu một cách tự nguyện – nhưng mục tiêu của Trump là đưa sản xuất trở lại trong nước.

Trong chiến dịch tranh cử năm ngoái, Trump đã nói rằng ông thấy ổn với việc Trung Quốc xây dựng các nhà máy sản xuất xe điện và pin tại Mỹ và thuê công nhân Mỹ, và rằng các liên doanh cấp phép công nghệ Trung Quốc sẽ thúc đẩy sản xuất tại Mỹ. Nhưng rất khó để Quốc hội chấp nhận đầu tư của Trung Quốc trong bối cảnh chống Trung Quốc của lưỡng đảng, xét đến những nỗ lực loại bỏ quy chế tối huệ quốc dành cho Trung Quốc, hủy niêm yết của các công ty Trung Quốc khỏi sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, cấm Trung Quốc mua đất, và loại bỏ tất cả công nghệ Huawei.

Như nhà kinh tế học Adam Posen lập luận, trong trò “chọi gà” hiện tại, Trung Quốc đang nắm giữ ưu thế leo thang: Mỹ cần những thứ không thể thay thế từ Trung Quốc (cụ thể là đất hiếm) nhiều hơn là Trung Quốc cần hàng hóa của Mỹ. Sự phụ thuộc lẫn nhau không cân xứng cuối cùng có thể làm dịu thương chiến. Nhưng cả hai bên đều đang cố gắng phân tách hai nền kinh tế đan xen, có thương mại đạt 582 tỷ đô la vào năm 2024. Kinh doanh, nền tảng của quan hệ Mỹ-Trung trong bốn thập kỷ qua, giờ đây đang hướng đến sự chia tách. Cạnh tranh chiến lược trong mọi lĩnh vực – trên bộ, trên biển, trên không và không gian – không hề giảm bớt. Căng thẳng xoay quanh Đài Loan cũng bị đẩy lên đến đỉnh điểm.

Đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cạnh tranh toàn diện Mỹ-Trung chí ít cũng thúc đẩy việc phòng bị nước đôi cả về kinh tế lẫn an ninh. Điều đó có thể có nghĩa là phù thịnh Trung Quốc trong thương mại, đồng thời làm sâu sắc thêm hợp tác an ninh nội Á, hiện được thúc đẩy không chỉ bởi hành vi cưỡng ép của Trung Quốc mà còn bởi sự không đáng tin cậy, nếu không muốn nói là sự hống hách của Mỹ.

Những quốc gia châu Á nào sẽ loại các khoản đầu tư của Trung Quốc khỏi chuỗi giá trị của họ, cấm các mạng kỹ thuật số của Trung Quốc, hoặc tránh xa trí tuệ nhân tạo và vũ khí của nước này? Ai có thể đặt niềm tin vào một Washington sẵn sàng phá vỡ các thỏa thuận mà không cần báo trước? Bóng ma tham vọng của Trung Quốc sẽ kéo dài khả năng tồn tại của mạng lưới đồng minh và đối tác do Mỹ lãnh đạo như một đối trọng, ngay cả khi niềm tin vào Mỹ bị lung lay và ngày càng bất định. Ai sẽ can dự – hoặc cho phép Mỹ tiếp cận các cảng và sân bay – trong một tình huống bất trắc giữa Trung Quốc và Đài Loan?

Liệu chính sách “Nước Mỹ trên hết” có duy trì được vai trò của Mỹ như một cảnh sát hàng đầu của khu vực, hay vai trò đó sẽ suy yếu khi Mỹ bị gạt ra bên lề về mặt kinh tế ở Châu Á? Bất kể số phận của Đài Loan ra sao, thì đối với Đông Á, Mỹ có thể ở lại hoặc ra đi, nhưng Trung Quốc sẽ ở lại mãi mãi. Hơn bao giờ hết, quyết tâm của Mỹ trong việc duy trì vị trí hàng đầu ở Châu Á-Thái Bình Dương đang phải đối mặt với các thách thức địa lý và kinh tế.

Robert A. Manning là nghiên cứu viên của Trung tâm Dự báo Chiến lược tại Trung tâm Stimson, nơi ông tập trung vào các chương trình dự báo toàn cầu và Trung Quốc.