Nguồn: Sushant Singh, “India and Pakistan Are Perilously Close to the Brink”, Foreign Affairs, 29/04/2025
Biên dịch: Viên Đăng Huy
Ngày 24 tháng 4, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đứng trước đám đông ở bang Bihar phía bắc và, khác với thường lệ vẫn nói bằng tiếng Hindi, đã đưa ra lời cảnh báo bằng tiếng Anh: “Ấn Độ sẽ tìm ra và trừng trị mọi kẻ khủng bố cùng những kẻ hậu thuẫn chúng”. Chúng tôi sẽ truy đuổi chúng đến tận cùng trái đất. Tinh thần Ấn Độ sẽ không bao giờ bị khuất phục bởi chủ nghĩa khủng bố. Chủ nghĩa khủng bố sẽ không thoát khỏi sự trừng phạt.” Thông điệp này, được đưa ra chỉ hai ngày sau vụ tấn công đẫm máu nhất vào dân thường ở khu vực Kashmir do Ấn Độ quản lý trong hơn hai thập kỷ, không chỉ dành cho người dân trong nước hay cho Pakistan, quốc gia mà New Delhi cáo buộc đứng sau vụ tấn công; đó là một tín hiệu gửi đến thế giới rằng Ấn Độ đang chuẩn bị một phản ứng quân sự mạnh mẽ.
Kashmir một lần nữa trở thành một trong những điểm nóng nguy hiểm nhất thế giới. Vẫn chưa rõ nhóm nào chịu trách nhiệm về vụ tấn công ngày 22 tháng 4, khiến 26 du khách thiệt mạng ở Pahalgam, một khu nghỉ mát trên đồi tuyệt đẹp ở Kashmir, nhưng sự tàn ác này đã đưa Ấn Độ đến một tình thế đáng buồn quen thuộc. Các vụ bạo lực khủng bố trước đây ở Kashmir đã khiến Ấn Độ tấn công nước láng giềng Pakistan, quốc gia mà các quan chức Ấn Độ khẳng định là nguồn gốc của chủ nghĩa vũ trang vẫn đang hoành hành ở vùng lãnh thổ tranh chấp. Lời lẽ của ông Modi trong tháng này lặp lại những bài phát biểu mà ông đã đưa ra vào năm 2019 trước khi máy bay chiến đấu Ấn Độ tấn công Pakistan sau một vụ đánh bom xe tự sát ở Kashmir khiến 40 binh sĩ bán quân sự Ấn Độ thiệt mạng. Năm đó, Pakistan đã đáp trả, bắn hạ một máy bay chiến đấu của Ấn Độ và bắt giữ phi công, và hai quốc gia có vũ khí hạt nhân đã tiến gần đến bờ vực của một cuộc xung đột lan rộng.
Tuy nhiên, tình hình đã dịu xuống vào năm 2019 phần lớn nhờ may mắn. Máy bay chiến đấu Ấn Độ đã bắn trượt mục tiêu và không gây thương vong cho bất kỳ ai bên Pakistan; phi công Ấn Độ sống sót và được lực lượng Pakistan trả tự do nhanh chóng; và cả hai chính phủ đã sử dụng quyền kiểm soát đối với truyền thông trong nước để tuyên bố chiến thắng. Sự can thiệp mạnh mẽ của các cường quốc bên ngoài, bao gồm cả Mỹ, đã khuyến khích việc giảm leo thang. Lisa Curtis, một quan chức trong chính quyền Trump vào thời điểm đó, đã lưu ý vào năm 2022 rằng các quan chức cấp cao của Mỹ đã gọi điện cho cả hai bên và “xây dựng một kế hoạch để giảm leo thang và hạ nhiệt căng thẳng.”
Tuy nhiên, ngày nay, các điều kiện không còn thuận lợi cho việc giảm leo thang như trước. Tình hình ở Kashmir trở nên bất ổn hơn. Các chính sách cứng rắn của Ấn Độ dưới thời ông Modi và việc áp đặt sự cai trị trực tiếp từ trung ương đối với Kashmir đã gây ra sự cô lập sâu sắc trong khu vực đa số người Hồi giáo này. Vụ thảm sát gần đây đã làm sống lại sự thù địch giữa Ấn Độ và Pakistan khi các nhà lãnh đạo và nhân vật công chúng Ấn Độ kêu gọi trả thù, và các quan chức Pakistan lên án các chính sách của Ấn Độ ở Kashmir.
New Delhi có thể chọn cách đơn giản là cố gắng trả đũa Islamabad một cách lặng lẽ và bí mật, nhưng điều đó khó có thể làm hài lòng một công chúng dường như muốn hành động phối hợp hơn. Hành động quân sự công khai vẫn là một khả năng rõ ràng. Năm 2019, Qamar Javed Bajwa, khi đó là Tham mưu trưởng Quân đội Pakistan và trên thực tế là người ra quyết định quyền lực nhất ở nước này, đã tìm cách hòa giải với Ấn Độ. Ngược lại, người kế nhiệm của ông, Asim Munir, đang bị bao vây về mặt chính trị và cần phải thể hiện sức mạnh; ông đã đưa ra những tuyên bố hiếu chiến về các hành động của Ấn Độ ở Kashmir một tuần trước vụ tấn công khủng bố ngày 22 tháng 4. Chính quyền Trump không dành nhiều sự chú ý cho khu vực này (họ vẫn chưa bổ nhiệm đại sứ cho cả hai nước, và các quan chức Bộ Ngoại giao liên quan vẫn chưa được xác nhận), và không giống như năm 2019, họ không có lực lượng Mỹ nào ở Afghanistan gần đó để lo ngại. Không rõ liệu Mỹ có nỗ lực để giúp hạ nhiệt căng thẳng hiện nay hay không. Do những lời lẽ của ông Modi không để lại nhiều chỗ cho sự thỏa hiệp, giới lãnh đạo quân sự Pakistan chịu áp lực phải đáp trả mạnh mẽ bất kỳ cuộc tấn công nào của Ấn Độ, và sự can dự ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, các sự kiện ở Kashmir có nguy cơ gây ra sự leo thang không kiểm soát được.
Sự kết hợp nguy hiểm
Ngọn nguồn của cuộc khủng hoảng Kashmir nằm ở sự kết hợp nguy hiểm giữa chủ nghĩa dân tộc tôn giáo cực đoan, sự cai trị độc đoán và những bất đồng chính trị chưa được giải quyết. Chính phủ Modi tuyên bố đã ‘bình thường hóa’ tình hình ở Kashmir vào năm 2019, nhưng thực tế là họ đã tước bỏ các điều khoản hiến pháp trao quyền tự trị cho vùng lãnh thổ tranh chấp này. Thủ tướng và những người ủng hộ ông khăng khăng cho rằng động thái này sẽ giúp khu vực Kashmir do Ấn Độ quản lý, mà khi đó được gọi là bang Jammu và Kashmir, hội nhập sâu rộng hơn với phần còn lại của đất nước, đồng thời đảm bảo sự ổn định và tăng trưởng kinh tế nhanh chóng hơn. Nhưng chính hệ tư tưởng mới là động lực thúc đẩy chính sách Kashmir của chính phủ Modi: Đảng Bharatiya Janata theo chủ nghĩa dân tộc Hindu của ông Modi từ lâu đã ấp ủ ý định xóa bỏ quy chế đặc biệt của bang duy nhất có đa số người Hồi giáo ở Ấn Độ, siết chặt quyền kiểm soát của New Delhi đối với Kashmir và làm xói mòn bản sắc riêng biệt của người Kashmir.
Du lịch ở Kashmir thực sự đã tăng lên trong những năm gần đây, với nhiều người Ấn Độ bị thu hút bởi cảnh quan đẹp như tranh vẽ của vùng đất này. Nhưng thực tế trên thực địa vẫn là nỗi sợ hãi và bạo lực lan rộng. Kashmir đã phải hứng chịu các cuộc tấn công lặp đi lặp lại của quân nổi dậy, bao gồm cả vụ giết người ở Pahalgam, và việc tiếp tục áp đặt các luật lệ hà khắc và triển khai an ninh dày đặc. Người dân Kashmir, vốn đa số là người Hồi giáo và đã cảm thấy cô lập suốt ba thập kỷ xung đột giữa quân ly khai được Pakistan hậu thuẫn và lực lượng an ninh Ấn Độ, nay lại càng thấy mình bị tước đoạt quyền lợi và mất đi tiếng nói hơn nữa sau sự thay đổi năm 2019, khi Kashmir từ một bang có quy chế đặc biệt trở thành một vùng lãnh thổ liên bang trực thuộc trực tiếp chính phủ Ấn Độ. Động thái này còn mở cửa khu vực cho người ngoài đến mua bất động sản, làm dấy lên lo ngại về những thay đổi nhân khẩu học và nguy cơ người dân địa phương mất quyền kiểm soát. Chính quyền cũng đã áp đặt sự kiểm soát gần như tuyệt đối đối với thông tin, làm suy yếu bộ máy quản lý địa phương và tạo ra một môi trường mà mọi ý kiến phản đối đều bị đàn áp, khiến khu vực trở nên bất ổn và khó cai trị hơn.
Những chính sách này đã làm gia tăng cảm giác bị bao vây cho người dân, cộng thêm nhiều năm liền bị siết chặt an ninh, giới nghiêm, cắt đứt liên lạc và bắt giữ các lãnh đạo chính trị Kashmir. Các cuộc bầu cử địa phương bị đình chỉ suốt năm năm. Không có gì ngạc nhiên, sự ủng hộ của người dân địa phương đối với chính phủ Ấn Độ gần như tan biến, khiến các cơ quan an ninh và tình báo gặp khó khăn trong việc thu thập thông tin để ngăn chặn vụ tấn công tháng này.
Cách tiếp cận của ông Modi đối với Kashmir không thể tách rời khỏi chiến lược chính trị rộng lớn hơn của ông, theo đó ông thể hiện sức mạnh như một nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc Hindu mạnh mẽ, hứa hẹn trả thù bạo lực đối với kẻ thù và tìm cách tập hợp sự ủng hộ trong nước bằng cách khai thác những thời điểm khủng hoảng an ninh quốc gia. Các quan chức Ấn Độ đã coi cả các cuộc không kích năm 2019 và các cuộc “tấn công nhằm vào mục tiêu quân sự” năm 2016—khi, theo New Delhi, quân đội Ấn Độ đột kích các “bệ phóng” của quân nổi dậy ở lãnh thổ do Pakistan kiểm soát sau các cuộc tấn công vào lực lượng an ninh Ấn Độ—là những đòn quyết định chống lại khủng bố xuyên biên giới. Trên thực tế, chúng có tính hữu dụng chính trị hơn nhiều so với tác động về mặt chiến lược.
Phân tích nguồn mở và báo cáo quốc tế đặt ra nghi ngờ về hiệu quả của cuộc tấn công năm 2019, do đưa ra rất ít bằng chứng về thương vong đáng kể của quân nổi dậy hoặc thiệt hại cho cơ sở hạ tầng. Mặc dù sự trả đũa sau đó của Pakistan dẫn đến việc mất một máy bay chiến đấu của Ấn Độ và bắt giữ phi công, cuộc khủng hoảng đã giảm leo thang nhờ những may mắn, với sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài bao gồm cả Mỹ giúp hạ nhiệt. Các cuộc tấn công của Ấn Độ không giết chết bất kỳ ai ở Pakistan, và phi công Ấn Độ bị bắn rơi trên lãnh thổ Pakistan đã sống sót vẫn uống một tách trà với binh lính Pakistan trước khi được trả lại Ấn Độ an toàn. Cả hai bên đều có thể tuyên bố chiến thắng thông qua các phương tiện truyền thông quốc gia dễ dàng bị chi phối. Trong giai đoạn chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc hội Ấn Độ năm 2019, những hoạt động này đã giúp làm nổi bật hình ảnh của ông Modi như một nhà lãnh đạo mạnh mẽ đã trừng phạt thành công Pakistan.
Hình ảnh cứng rắn, hành động cứng rắn
Cuộc tấn công Pahalgam gần đây đã phơi bày sự kém hiệu quả của chiến lược này. Bất chấp những tuyên bố lặp đi lặp lại của chính phủ rằng các hành động của Ấn Độ trong những năm gần đây đã tạo ra sự răn đe, bạo lực của phiến quân vẫn tiếp diễn, và tình hình an ninh ở Kashmir vẫn căng thẳng. Các cuộc tấn công năm 2019 không làm Pakistan hoặc quân nổi dậy ly khai sợ hãi; chu kỳ tấn công và trả đũa vẫn tồn tại, với mỗi sự cố làm tăng nguy cơ leo thang giữa hai nước láng giềng có vũ khí hạt nhân.
Trong một cuốn hồi ký được xuất bản vào năm 2023, cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tiết lộ rằng Ấn Độ và Pakistan đã tiến rất gần đến một cuộc chiến tranh hạt nhân vào tháng 2 năm 2019 sau các cuộc không kích của Ấn Độ vào bên trong Pakistan, với cả hai bên được cho là đang chuẩn bị cho sự leo thang cho đến khi sự can thiệp khẩn cấp của Mỹ giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng. Trong các cuộc vận động tranh cử của mình vào mùa xuân năm đó, ông Modi liên tục nhắc đến các chủ đề hạt nhân, khoe khoang rằng Ấn Độ đã ‘vạch trần trò bịp hạt nhân của Pakistan’ và ám chỉ rằng kho vũ khí hạt nhân của Ấn Độ không chỉ ‘”để dành cho lễ hội Diwali”, lễ hội Hindu có bắn pháo hoa. Ông sử dụng những lời lẽ đe dọa hạt nhân như vậy để thể hiện sự cứng rắn của chính phủ của ông.
Nhưng bây giờ, lời lẽ của ông Modi đã khiến ông rơi vào thế bí. Sau khi tạo ra một tiền lệ, ông phải đối mặt với áp lực chính trị và công chúng mạnh mẽ để đáp trả mạnh mẽ trước mỗi cuộc tấn công mới, ngay cả khi các lựa chọn của Ấn Độ bị hạn chế hoặc rủi ro. Việc chính phủ liên tục tập trung vào trừng phạt Pakistan – được thổi phồng bởi truyền thông Ấn Độ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan – thay vì xây dựng một chiến lược dài hạn mạch lạc với những yêu cầu cụ thể đối với nước láng giềng đã thu hẹp không gian cho việc giảm leo thang và khiến New Delhi chỉ còn lại vài lựa chọn, chủ yếu là dùng biện pháp quân sự để ép buộc.
Ấn Độ có thể sẽ bắt đầu các cuộc pháo kích hoặc tấn công tên lửa xuyên biên giới, không kích vào các mục tiêu đáng nghi của quân nổi dậy hoặc thậm chí là các cuộc xâm nhập trên bộ hạn chế qua đường kiểm soát (biên giới không chính thức giữa các phần Kashmir do Ấn Độ và Pakistan quản lý), những hành động được tính toán để thể hiện sức mạnh nhưng vẫn không vượt quá giới hạn của một cuộc chiến tranh tổng lực. Nhưng chúng có thể dẫn đến sự leo thang, thúc đẩy sự trả đũa ngay lập tức của Pakistan, chẳng hạn như trả đũa pháo kích, không kích hoặc thậm chí là những chiến dịch chiến tranh thông thường lớn hơn, với nguy cơ thường trực là một tính toán sai lầm có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột rộng lớn hơn, và tệ hơn nữa là những động thái phô trương sức mạnh hạt nhân.
Bên kia biên giới, Pakistan đang chìm sâu trong cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế nghiêm trọng, với quân đội, thể chế quyền lực nhất của đất nước, cực kỳ mất uy tín và nhà lãnh đạo chính trị nổi tiếng nhất của họ, cựu thủ tướng Imran Khan, đang phải ngồi tù. Quân đội có thể sử dụng xung đột với Ấn Độ về Kashmir để củng cố tính hợp pháp của mình, như họ thường làm trong những thập kỷ gần đây. Tướng Munir, Tham mưu trưởng Quân đội Pakistan, đang chịu áp lực phải khôi phục uy tín của quân đội. Ông có nhiều khả năng sẽ phản ứng mạnh mẽ hơn trước các hành động của Ấn Độ so với người tiền nhiệm của mình, tướng Bajwa, người đã hy vọng xây dựng mối quan hệ hữu nghị với Ấn Độ của ông Modi nhưng đã thất bại. Học thuyết trả đũa ‘có đi có lại và hơn thế nữa’ của quân đội Pakistan có nghĩa là bất kỳ cuộc tấn công nào của Ấn Độ, dù nhỏ đến đâu, cũng sẽ vấp phải một phản ứng được thiết kế để gây ra thiệt hại tương đương hoặc lớn hơn. Điều này có nguy cơ thúc đẩy sự leo thang nhanh chóng và không thể kiểm soát.
Bất chấp tình trạng hỗn loạn chính trị nội bộ, Pakistan vẫn duy trì khả năng răn đe hạt nhân mạnh mẽ và sự ủng hộ từ Trung Quốc, quốc gia có lợi ích riêng ở Kashmir. Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan trị giá hàng tỷ USD, một dự án đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm, chạy qua khu vực Kashmir do Pakistan quản lý. Bắc Kinh cũng kiên quyết phản đối các động thái của Ấn Độ nhằm chấm dứt quy chế đặc biệt của Kashmir vào năm 2019 và khẳng định các yêu sách lãnh thổ của riêng mình ở đó bằng cách điều động lực lượng vào mùa hè năm 2020 vào các khu vực Ladakh do Ấn Độ kiểm soát, cách đó khoảng 320 km về phía đông, gây ra một cuộc đối đầu quân sự vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay. Sự can dự của Trung Quốc tạo thêm một khía cạnh nguy hiểm mới cho cuộc khủng hoảng, làm dấy lên nguy cơ Ấn Độ phải đối mặt trên hai mặt trận và làm phức tạp mọi tính toán leo thang với Pakistan. Hôm Chủ nhật, Bắc Kinh đã bày tỏ “sự ủng hộ” đối với “chủ quyền” và “các mối quan ngại an ninh chính đáng” của Pakistan.
Ấn Độ chỉ có những lựa chọn hạn chế khi đối phó với các cuộc tấn công như vụ ở Pahalgam, và chúng đầy rẫy nguy hiểm. Các hoạt động bí mật, như ám sát một thủ lĩnh khủng bố hàng đầu hoặc một quan chức tình báo hay quân sự Pakistan, có thể giúp chối bỏ trách nhiệm một cách hợp lý, nhưng khó có thể làm thỏa mãn nhu cầu hành động mạnh mẽ từ giới chính trị và dư luận vốn rất ồn ào. Các cuộc không kích xuyên biên giới mang nguy cơ trả đũa và leo thang cao, đặc biệt là với tình hình hiện tại của Pakistan và nhu cầu thể hiện quyết tâm của tướng Munir. Trong khi đó, lực lượng vũ trang Ấn Độ đang phải đối mặt với những thách thức hiện đại hóa đáng kể và đang phải triển khai rộng rãi trên biên giới tranh chấp với Trung Quốc, khiến họ khó có thể duy trì một cuộc xung đột kéo dài hoặc đối phó với các thách thức trên hai mặt trận riêng biệt.
Về phần mình, Pakistan có thể xem một cuộc xung đột giới hạn với những lối thoát rõ ràng được tạo điều kiện thuận lợi bởi các cuộc đàm phán bí mật và sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài như một cách để tập hợp sự ủng hộ trong nước và đánh lạc hướng khỏi các cuộc khủng hoảng nội bộ. Tuy nhiên, Islamabad vẫn đang ở trong tình thế kinh tế bấp bênh và cũng phải đối mặt với những thách thức ở biên giới phía tây với Afghanistan và Iran. Lợi ích của Trung Quốc trong khu vực càng làm phức tạp thêm việc ra quyết định của Ấn Độ vì Bắc Kinh có thể lo ngại về việc bảo vệ các khoản đầu tư và vị thế chiến lược của mình. Chính sách ‘có đi có lại và hơn thế nữa’ của Pakistan làm tăng khả năng leo thang nhanh chóng.
Kịch bản nguy hiểm nhất là khi một phản ứng quân sự của Ấn Độ gây ra một cuộc phản công mạnh mẽ hơn của Pakistan, gây ra một phản ứng dây chuyền mà cả hai bên đều khó kiểm soát. Khi cả hai quốc gia đều đang trong tình trạng báo động cao và tinh thần dân tộc chủ nghĩa đang sục sôi, nguy cơ tính toán sai lầm hoặc leo thang ngoài ý muốn cao hơn nhiều so với những gì các nhà phân tích và công chúng nhận thức được. Trong trường hợp xấu nhất, điều này có thể nhanh chóng leo thang thành một cuộc chiến tranh tổng lực bị phủ bóng bởi mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân và viễn cảnh hủy diệt thảm khốc trên khắp Nam Á. Việc cuộc khủng hoảng năm 2019 kết thúc hòa bình không đảm bảo rằng cuộc khủng hoảng tiếp theo cũng sẽ như vậy. Các quốc gia có vũ khí hạt nhân không thể phụ thuộc vào may mắn để ngăn chặn một vòng xoáy leo thang có khả năng gây ra thảm họa.
Một kỷ nguyên chiến tranh
Bài phát biểu gần đây của ông Modi ở Bihar, với những lời lẽ sắc bén và thông điệp toàn cầu, không chỉ là phản ứng trước một cuộc tấn công khủng bố. Đó là hành động mới nhất trong một vở kịch đầy rủi ro đã biến khu vực này thành một điểm nóng nguy hiểm. Khi cả Ấn Độ và Pakistan đều phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng nội bộ và áp lực bên ngoài, sự cám dỗ sử dụng thảm kịch ở Kashmir làm sân khấu cho màn kịch chính trị lớn hơn bao giờ hết. Có lẽ ông ấy đã quên những gì mình nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào năm 2022 sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga: “Đây không phải là kỷ nguyên của chiến tranh.”
Trong quá khứ, các chủ thể quốc tế, đặc biệt là Mỹ, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc xoa dịu các cuộc khủng hoảng ở Nam Á. Điều này đúng với cuộc khủng hoảng năm 2019, khi các quan chức Mỹ và phương Tây khác đã tích cực và kiên trì thúc ép cả hai nước kiềm chế. Nhưng ngày nay, thế giới đã mệt mỏi với những tranh cãi giữa Ấn Độ và Pakistan, và sự quan tâm đến việc can thiệp vào Nam Á rất thấp. Việc NATO rút quân khỏi Afghanistan đã làm giảm thêm tầm quan trọng của Pakistan đối với Mỹ. Nhận xét gần đây của Tổng thống Donald Trump rằng Ấn Độ và Pakistan sẽ “tự giải quyết theo cách này hay cách khác” phản ánh một khoảng trống ngoại giao rộng lớn hơn, với rất ít triển vọng về sự hòa giải của bên thứ ba để cung cấp lối thoát khỏi sự leo thang.
Việc thiếu áp lực từ bên ngoài, cộng với động lực chính trị trong nước khiến cả Modi và Munir đều muốn tỏ ra cứng rắn, đã biến tình hình hiện tại trở nên đặc biệt dễ bùng nổ. Lệnh ngừng bắn trên Đường Kiểm soát, dù đã kéo dài bốn năm, nhưng không mang lại nhiều sự đảm bảo rằng cả hai bên đều thực sự coi trọng hòa bình và ổn định. Cả Ấn Độ và Pakistan đều chưa giải quyết các tranh chấp cốt lõi, thiếu thiện chí đối thoại chân thành với nhau, và không nỗ lực xây dựng lòng tin. Lệnh ngừng bắn này vẫn rất mong manh và có thể bị phá vỡ bất cứ lúc nào. Việc các nhà lãnh đạo của cả hai nước đều có động lực để giữ vững lập trường càng làm giảm không gian cho sự thỏa hiệp và làm tăng nguy cơ đối đầu. Rủi ro leo thang, dù cố ý hay vô tình, đang cao hơn bao giờ hết, và hậu quả của một tính toán sai lầm có thể gây ra thảm họa cho Nam Á và toàn thế giới.
SUSHANT SINGH là giảng viên tại Đại học Yale và Cố vấn biên tập cho tạp chí The Caravan ở Ấn Độ.