Thế giới hôm nay: 19/05/2025

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Israel cho biết sẽ cho phép đưa vào Gaza một mức viện trợ nhân đạo cơ bản, trong đó có một số loại thực phẩm, chấm dứt ba tháng phong tỏa. Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu nói ông lo ngại một “cuộc khủng hoảng đói” sẽ làm ảnh hưởng đến thành công của cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn mà Israel vừa phát động cuối tuần qua. Các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Israel và Hamas tại Qatar đến nay vẫn chưa đạt nhiều tiến triển.

Văn phòng của Joe Biden cho biết ông mắc “một dạng ung thư tuyến tiền liệt tiến triển,” mặc dù “có vẻ nhạy cảm với hormone, cho phép kiểm soát hiệu quả.” Cựu tổng thống Mỹ đang xem xét các phương án điều trị. Ông Biden, 82 tuổi, rời nhiệm sở từ tháng 1. Trước đó ông đã rút khỏi cuộc đua tổng thống năm 2024 dưới áp lực từ những người Dân chủ lo ngại về sự minh mẫn và sức khỏe của ông.

Rafal Trzaskowski, ứng viên tự do được Liên minh Dân sự (KO) cầm quyền của Ba Lan hậu thuẫn, và Karol Nawrocki, ứng viên của phe dân túy cánh hữu, sẽ đối đầu nhau trong vòng hai của cuộc bầu cử tổng thống Ba Lan. Một cuộc thăm dò ngoài phòng phiếu cho thấy ông Trzaskowski nhận được 30,8% số phiếu trong vòng đầu tiên, nhỉnh hơn ông Nawrocki với 29,1%. Cuộc bỏ phiếu vòng hai sẽ diễn ra vào ngày 1 tháng 6.

Nicusor Dan, thị trưởng theo khuynh hướng tự do của Bucharest, đã giành chiến thắng bất ngờ trong vòng hai của cuộc bầu cử tổng thống Romania. Kết quả kiểm phiếu cho thấy ông Dan giành khoảng 54% số phiếu, so với 46% của đối thủ cực hữu George Simion. Ông Simion, một người ngưỡng mộ Donald Trump, từng hy vọng số phiếu từ cộng đồng người Romania ở nước ngoài sẽ mang lại chiến thắng cho mình.

Liên minh Dân chủ cầm quyền đã gia tăng số ghế trong cuộc bầu cử thứ ba của Bồ Đào Nha trong vòng ba năm, nhưng một lần nữa vẫn không đạt được đa số. Cuộc bầu cử được tổ chức sau khi thủ tướng Luís Montenegro bị mất tín nhiệm do liên quan đến một bê bối tham nhũng mà ông phủ nhận có sai phạm. Pedro Nuno Santos, lãnh đạo đảng Xã hội đối lập, đã từ chức sau kết quả tệ hại của đảng. Đảng này kết thúc với số ghế ngang bằng với đảng cực hữu Chega.

Một nhóm nghiên cứu trực thuộc bộ quốc phòng Ấn Độ tuyên bố Trung Quốc đã hỗ trợ Pakistan về phòng không và phủ sóng vệ tinh trong cuộc xung đột gần đây. Ngoài việc cung cấp thiết bị cho đồng minh, Trung Quốc phần lớn giữ im lặng về vai trò của mình trong tranh chấp quân sự này. Pakistan cho biết họ đã sử dụng máy bay chiến đấu J-10C của Trung Quốc để bắn hạ máy bay Ấn Độ — một tuyên bố mà phía Ấn chưa xác nhận cũng không phủ nhận.

Scott Bessent cảnh báo các đối tác thương mại của Mỹ rằng họ phải đàm phán trong “thiện chí” hoặc sẽ bị áp các mức thuế cao như đã từng đe dọa. Bộ trưởng tài chính Mỹ không giải thích rõ điều gì sẽ bị coi là hành vi thiếu thiện chí. Chính quyền Trump đã tự đặt mục tiêu ký kết 90 thỏa thuận thương mại trong 90 ngày sau khi tạm hoãn các mức thuế “đối ứng” nặng nề hồi tháng 4. Cho đến nay, tiến độ vẫn rất chậm.

Con số trong ngày: 45, là số vụ giết người tại thành phố Baltimore của Mỹ tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay, giảm một phần ba so với cùng kỳ năm ngoái.

TIÊU ĐIỂM

Cuộc gọi giữa Trump và Putin

Tổng thống Mỹ và Nga sẽ điện đàm vào thứ Hai nhằm cố gắng chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Các lãnh đạo châu Âu hy vọng Donald Trump cuối cùng sẽ cứng rắn hơn với Vladimir Putin. Song ông hoàn toàn có thể đưa ra thêm những nhượng bộ cho Nga.

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, đã nỗ lực lấy lại thiện cảm của ông Trump sau cuộc tranh cãi trong Phòng Bầu dục hồi tháng 2. Ukraine đã ký một thỏa thuận khoáng sản với Mỹ, đồng ý về nguyên tắc một lệnh ngừng bắn 30 ngày và tham dự cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên với Nga trong gần ba năm. Ông Putin đã từ chối lời mời gặp mặt của ông Zelensky và khăng khăng đưa ra những yêu sách tối đa, bao gồm cả quyền kiểm soát những vùng lãnh thổ Ukraine mà ông chưa chiếm giữ.

EU sẽ thông qua một gói trừng phạt mới đối với Nga trong tuần này. Quốc hội Mỹ đã chuẩn bị một dự luật mạnh mẽ nhằm áp đặt các hình phạt “thứ cấp” đối với những nước mua dầu của Nga. Ngay cả ông Trump cũng cảnh báo đã đến lúc phải “hành động.” Nhưng ông Putin tin rằng ông Trump sẽ chùn bước và không chọn đối đầu với Nga.

Trung Quốc trì hoãn nỗi đau kinh tế

Năm 2025, nhịp điệu kinh tế của Trung Quốc sẽ trở nên hỗn loạn bởi hiện tượng “gom trước” và “trả giá sau”. Xuất khẩu của nước này vẫn rất mạnh trong năm nay vì các nhà sản xuất gấp rút vận chuyển hàng sang Mỹ trước khi thuế quan của Donald Trump có hiệu lực từ ngày 9 tháng 4. Điều này đã giúp thúc đẩy sản xuất công nghiệp, vốn tăng 6,1% trong tháng trước so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu công bố hôm thứ Hai. Giờ đây, khi Mỹ và Trung Quốc đồng ý tạm hoãn thuế cao cho đến giữa tháng 8, làn sóng xuất khẩu sẽ tiếp diễn.

Người tiêu dùng cũng hưởng lợi từ các chương trình khuyến khích “đổi cũ lấy mới” của chính phủ, nhằm thúc đẩy việc nâng cấp ô tô, đồ gia dụng, và thiết bị điện tử. Doanh số bán đồ gia dụng tăng vọt 38,8% trong tháng 4 so với năm ngoái, giúp hỗ trợ cho doanh thu bán lẻ ảm đạm của Trung Quốc. Nhưng một sản phẩm thì không thể xuất khẩu hay đổi trả hai lần. Do đó, những đơn hàng sớm và các lô hàng đang làm đẹp cho dữ liệu kinh tế năm 2025 của Trung Quốc sẽ không còn xuất hiện trong các quý sau. Đây là vấn đề của “gom trước”: nó dẫn đến những cú “trả giá” kinh tế đau đớn sau đó.

“Brexit cứng” của Anh trở nên mềm hơn đôi chút

Vào thứ Hai, thủ tướng Anh Keir Starmer sẽ tiếp chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại London. Hai người sẽ công bố những nét chính của một thỏa thuận nhằm “thiết lập lại” quan hệ giữa Anh và Liên minh châu Âu, vốn đã bị gián đoạn bởi Brexit.

Trọng tâm của thỏa thuận sẽ là hợp tác quốc phòng và an ninh, cho phép các công ty Anh hưởng lợi từ một quỹ an ninh mới của EU. Thủ tục kiểm tra hàng nông sản xuất khẩu từ Anh cũng sẽ được nới lỏng; trong khi Anh sẽ điều chỉnh các tiêu chuẩn thú y cho phù hợp với EU. Một thỏa thuận về di chuyển dành cho giới trẻ sẽ giúp nới lỏng quy định nhập cư cho thanh niên. Đáng chú ý nhất, người dân Anh có thể sẽ được sử dụng cổng tự động tại các điểm kiểm soát hộ chiếu châu Âu, giúp họ tránh phải xếp hàng dài. Thiệt hại kinh tế từ Brexit phần lớn vẫn còn — nhưng ít nhất đối với du khách, cuộc ly hôn này có thể sẽ bớt đau đớn hơn.

Khủng hoảng ngân sách của WHO

Đại hội Y tế Thế giới khai mạc trong tuần này tại Geneva. Các đại biểu đến từ gần 200 quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ chính thức thông qua một thỏa thuận về phòng chống đại dịch — hiệp ước y tế toàn cầu thứ hai từng được ban hành. (Hiệp định kiểm soát thuốc lá là hiệp ước đầu tiên.) Hiệp ước mới thiết lập các quy tắc chia sẻ xét nghiệm, thuốc men, và vắc-xin liên quan đến đại dịch. Theo đó, 10% nguồn cung sẽ được phân bổ cho WHO để phân phối toàn cầu; cộng thêm 10% sẽ được cung cấp với giá “phải chăng” để giúp các nước nghèo.

Song năng lực ứng phó khủng hoảng của WHO có thể bị suy giảm. Việc Mỹ rút khỏi tổ chức này, được công bố hồi tháng 1, đã tạo ra một khoảng trống tài chính lớn. Mỹ chiếm 16% ngân sách của WHO trong giai đoạn 2022–2023. Một số quốc gia khác cũng đã cắt giảm viện trợ nước ngoài. Đại hội lần này sẽ ấn định ngân sách của WHO cho hai năm tới. Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, đã cắt giảm đề xuất ngân sách của mình 20%, xuống còn 4,2 tỷ USD. Ông lưu ý rằng con số này tương đương với ngân sách của một bệnh viện lớn tại Geneva.