Sự cần thiết của việc xây dựng một hệ thống thống kê kinh tế mới

Nguồn: Diane Coyle, “The World Needs Better Balance Sheets,” Foreign Affairs, 16/05/2025

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Các biện pháp truyền thống không thể nắm bắt được hết sự phức tạp của nền kinh tế toàn cầu.

Những tranh chấp và hỗn loạn xảy ra sau khi Mỹ đột ngột áp đặt thuế quan toàn diện vào tháng 4 vừa qua đã đe dọa làm tan vỡ cấu trúc chặt chẽ của sản xuất toàn cầu. Khoảng 300 triệu công ty trên toàn thế giới, kết nối với nhau thông qua khoảng 13 tỷ liên kết cung ứng, hiện đang phải đối mặt với sự bất ổn chưa từng có. Nhưng sự rối ren hiện tại chỉ là ví dụ mới nhất về những gián đoạn kinh tế vốn là đặc trưng trong nửa thập kỷ qua. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu vào năm 2020, những điểm nghẽn bất ngờ trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã khiến các nhà nghiên cứu phải đánh giá lại cách nền kinh tế vận hành. Việc sản xuất chậm lại và tình trạng thiếu hụt hàng hóa từ nước rửa tay (vốn cần các hóa chất đặc biệt nhập khẩu vào Mỹ trong thời kỳ đại dịch) đến máy bay (Airbus phải đối mặt với sự chậm trễ trong việc đáp ứng nhu cầu do thiếu hụt các bộ phận quan trọng vào năm 2024) đã phơi bày những điểm yếu của một hệ thống kinh tế toàn cầu trong đó hàng hóa vượt qua biên giới nhiều lần ở các giai đoạn sản xuất và lắp ráp liên tiếp. Chúng cũng đặt ra thách thức cho những hiểu biết thông thường về cách tốt nhất để đo lường tăng trưởng và năng suất.

Thương mại và công nghệ đã định hình lại sản xuất toàn cầu, nhưng các số liệu thống kê kinh tế đo lường kết quả, chẳng hạn như tăng trưởng GDP và năng suất, vẫn được thu thập trên cơ sở các khuôn khổ được xây dựng từ thập niên 1940, tập trung chủ yếu vào phía cầu của nền kinh tế, cũng như hiệu suất của nền kinh tế trong hiện tại và quá khứ. Chúng nói rất ít về phía cung hoặc khả năng ứng phó với áp lực của nền kinh tế. Kết quả là, khoảng bốn phần năm sản lượng của các nền kinh tế tiên tiến được các nhà kinh tế xếp vào loại “khó đo lường.” Việc tập trung quá mức vào đánh giá hiệu suất của các ngành công nghiệp dễ đo lường hơn như sản xuất/chế tạo đã đánh giá thấp tầm quan trọng của các ngành thực sự thúc đẩy nền kinh tế hiện đại.

Trong một kỷ nguyên kết nối chưa từng có – và đầy biến động – các nhà hoạch định chính sách cần những công cụ mới để theo dõi tình trạng của mạng lưới sản xuất toàn cầu và nắm bắt các hình thức hoạt động không thể tưởng tượng được vào thời điểm thống kê kinh tế hiện đại ra đời. Cuộc đại tu này sẽ đòi hỏi phải thu thập nhiều dữ liệu hơn và tốt hơn để lấp đầy những khoảng trống kiến thức, bao gồm các dấu hiệu về lỗ hổng của chuỗi cung ứng, và các kỹ thuật sáng tạo để đo lường cách các khía cạnh định tính và vô hình của nền kinh tế đóng góp vào tăng trưởng và lạm phát. Một khuôn khổ mới giúp giải quyết những vấn đề mà thống kê tiêu chuẩn không thể không chỉ là một vấn đề học thuật, mà còn là cách duy nhất để các nhà lãnh đạo có thể đưa ra các chính sách kinh tế đúng đắn trong thời kỳ bất ổn.

SỰ CẦN THIẾT TRONG THỜI CHIẾN

Khuôn khổ quốc tế hiện tại để đo lường tăng trưởng kinh tế và năng suất là Hệ thống Tài khoản Quốc gia (SNA), một tập hợp các tiêu chuẩn thống kê được ủy ban các nhà thống kê chính thức do Liên Hiệp Quốc dẫn đầu thống nhất cứ mỗi 10 đến 20 năm. Nó bao gồm GDP, từ lâu được các nhà kinh tế và nhà hoạch định chính sách xem là thước đo tốt nhất duy nhất về tiến bộ kinh tế.

Hệ thống Tài khoản Quốc gia được các nhà kinh tế học người Mỹ và Anh, bao gồm John Maynard Keynes, lập ra trong Thế chiến II. Khi các nước Đồng minh tập trung nguồn lực và năng lực sản xuất cho nỗ lực chiến tranh, họ cần phải cân bằng giữa tiêu dùng và sản xuất phục vụ chiến tranh, và đã xây dựng SNA để đo lường cầu trong nước, cùng nhiều thứ khác. Hệ thống này đã được áp dụng rộng rãi trong những năm sau chiến tranh và đã được sửa đổi sau mỗi thập kỷ để phù hợp với những thay đổi về mặt cấu trúc trong nền kinh tế, chẳng hạn như ảnh hưởng ngày càng tăng của tài chính. Quá trình sửa đổi diễn ra một cách chậm rãi và từng bước, đòi hỏi sự đồng thuận giữa các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc trước khi bất kỳ thay đổi nào được thông qua.

SNA ngày nay là thước đo tinh vi của nền kinh tế giữa thế kỷ 20, giai đoạn mà ngành chế tạo chiếm ưu thế, sản xuất diễn ra trong phạm vi biên giới của các quốc gia đơn lẻ, trong khi mạng băng thông rộng cùng dữ liệu vẫn chưa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các bản cập nhật gần đây cho SNA đã tạo ra những thay đổi khiêm tốn, hiện đại hóa. Nhưng dù có bao nhiêu chỉnh sửa nhỏ nhặt cũng không thể thay đổi sự lỗi thời cơ bản của một hệ thống được xây dựng dựa trên các động lực tăng trưởng và năng suất của một thời đại đã qua. Để dễ hình dung, SNA có thể khám nghiệm tử thi, nhưng không thể đưa ra chẩn đoán hay kê đơn thuốc.

BẮT KỊP THỜI ĐẠI

SNA đã chuẩn hóa việc đo lường tăng trưởng kinh tế và cho phép so sánh quốc tế trong gần một thế kỷ. Tuy nhiên, nó lại không theo kịp những thay đổi trong hoạt động kinh tế nhờ vào toàn cầu hóa và tiến bộ công nghệ. Kể từ thập niên 1980, sản xuất chế tạo và dịch vụ, vốn trước đây chỉ hoạt động trong phạm vi quốc gia, đã dần chuyển sang dựa vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Trong khi thương mại toàn cầu trước đây có nghĩa là những chiếc xe hơi hay tủ lạnh hoàn chỉnh được vận chuyển giữa các quốc gia, thì giờ đây, nó liên quan đến việc vận chuyển các linh kiện chuyên biệt cao cấp qua biên giới ở mỗi giai đoạn sản xuất và lắp ráp.

Các mô hình kinh doanh mới đã phát triển mạnh mẽ trong lúc nền kinh tế toàn cầu dần trở nên phức tạp và rối rắm hơn. Các nhà sản xuất tích hợp truyền thống từng kiểm soát toàn bộ quy trình từ thiết kế đến sản xuất và bán buôn đã nhường chỗ cho “các nhà sản xuất hàng hóa không nhà máy” chuyên về thiết kế, bán buôn, và bán lẻ; các công ty hợp đồng đảm nhiệm khâu sản xuất; và các nhà sản xuất “dịch vụ hóa” hạ nguồn tập trung vào việc bán các dịch vụ và bảo trì liên quan. Sản xuất theo hợp đồng chiếm khoảng 15 đến 20% sản lượng trong các lĩnh vực như điện tử và dược phẩm tại Mỹ và Anh, và việc kết hợp dịch vụ với sản phẩm (ví dụ, Rolls-Royce bán dịch vụ giám sát thời gian thực cho động cơ máy bay của họ) đã trở thành một thực tiễn phổ biến giữa các công ty lớn.

Những thay đổi này đã dẫn đến tăng trưởng kinh tế rộng khắp, khi chuyên môn hóa và phân công lao động làm tăng năng suất trong một thị trường toàn cầu đang ngày càng mở rộng. Tuy nhiên, những đánh đổi cũng trở nên rõ ràng: hàng hóa trở nên rẻ hơn, dễ tiếp cận hơn, và chất lượng cao hơn, nhưng các công ty lại phụ thuộc quá mức vào một số ít nhà cung cấp ở nước ngoài đối với các linh kiện quan trọng, khiến họ dễ bị tổn thương hơn trước những cú sốc kinh tế toàn cầu đang ngày càng trở nên phổ biến. Các số liệu thống kê kinh tế truyền thống không được thiết kế cho mạng lưới phụ thuộc lẫn nhau phức tạp này. Việc thiếu các phép đo đáng tin cậy về phía cung của nền kinh tế đã gây khó khăn cho việc xác định các mô hình và tình trạng của chuỗi sản xuất toàn cầu ngay cả trong những thời điểm yên bình hơn.

Tương tự, sự thiếu khả năng thích ứng của các thống kê này trước những tiến bộ công nghệ vượt bậc cũng là một vấn đề. Các thước đo truyền thống như GDP không có khả năng tính toán tác động của các cơ sở hạ tầng tiết kiệm chi phí và gia tăng năng suất như dịch vụ đám mây đối với tăng trưởng.

Ngoài ra, chúng cũng đánh giá thấp giá trị của dữ liệu đối với các công ty lớn, chỉ tính đến chi phí xây dựng các trung tâm dữ liệu mà không tính đến năng suất ít hữu hình hơn được tạo ra bởi việc thu thập và sử dụng dữ liệu. Hơn nữa, các nhà thống kê chưa thể thống nhất về cách ghi nhận giá trị của các dịch vụ kỹ thuật số miễn phí được sử dụng rộng rãi như phần mềm mã nguồn mở.

Các ngân hàng trung ương và các nhà nghiên cứu hiện đã bắt đầu xây dựng các thước đo sâu rộng về áp lực chuỗi cung ứng, chẳng hạn như chỉ số Áp lực Chuỗi cung ứng Toàn cầu của Cục Dự trữ Liên bang, vì những căng thẳng đó đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy lạm phát gây chấn động nền kinh tế toàn cầu kể từ đại dịch.

Nhưng các nhà thống kê – và theo đó là các nhà hoạch định chính sách – vẫn thiếu các thước đo cần thiết để đo lường rủi ro đối với chuỗi cung ứng cho các sản phẩm cụ thể, thậm chí là những sản phẩm nổi tiếng như iPhone. Họ cũng không có các công cụ hoặc chuyên môn để hiểu cách số hóa và trí tuệ nhân tạo đang định hình lại mô hình kinh doanh và thương mại. Nói một cách đơn giản, họ đang cố gắng xây dựng chính sách mà không có hướng dẫn thống kê hữu ích nào cho sản xuất hiện tại và tương lai trong nền kinh tế ngày nay.

LẤP ĐẦY KHOẢNG TRỐNG

Việc phát triển các số liệu thống kê về mạng lưới sản xuất toàn cầu không phải là điều bất khả thi. Các chuyên gia học thuật trong lĩnh vực này, như nhà kinh tế Vasco Carvalho của Đại học Cambridge, đã giải thích cách dữ liệu thuế và thanh toán có thể được sử dụng để hiểu và theo dõi dòng chảy của linh kiện sản phẩm. Nhưng một bản cập nhật số liệu thống kê kinh tế thực sự hiệu quả phải vượt ra ngoài việc lập bản đồ mạng lưới sản xuất và các mô hình kinh doanh mới được công nghệ hỗ trợ. Nó cũng phải tập trung vào việc xác định khả năng phục hồi kinh tế và tiềm năng tương lai của một nền kinh tế, đồng thời mô tả chi tiết hơn các mô hình sản xuất hiện tại của nền kinh tế đó.

Khái niệm kinh tế được gọi là “thịnh vượng toàn diện” (comprehensive wealth) là chìa khóa cho sự tái định hình này. Thịnh vượng toàn diện mô tả một cách tổng quát bảng cân đối kế toán của một quốc gia, bao gồm năng lực sản xuất thông thường, như tình trạng của các tòa nhà và thiết bị do doanh nghiệp sở hữu, cũng như cơ sở hạ tầng quốc gia, từ đường sá đến cảng biển. Quan trọng là, nó cũng nên tính đến các mạng lưới thông tin liên lạc, và các điểm nghẽn và lỗ hổng tiềm ẩn của chúng, cùng với các cơ sở hạ tầng vô hình khác, bao gồm dữ liệu có sẵn cho chính phủ và khu vực tư nhân, và “cơ sở hạ tầng công kỹ thuật số,” nghĩa là phần cứng như máy chủ đám mây và mạng viễn thông; các hệ thống xác minh dữ liệu và danh tính, cho phép số hóa các dịch vụ công, cũng như lưu trữ tất cả các số liệu thống kê kinh tế và chính thức mà doanh nghiệp và chính phủ cần; và các ứng dụng, bao gồm hệ thống thanh toán và dịch vụ của chính phủ. Nền tảng kỹ thuật số này chứa đầy những điểm nghẽn và lỗ hổng riêng, và bất kỳ chính phủ nào quan tâm đến an ninh quốc gia và khả năng phục hồi quốc gia đều cần có khả năng định lượng những rủi ro này.

Một bảng cân đối kế toán quốc gia cũng cần một thước đo về vốn nhân lực để định lượng cách kỹ năng và sức khỏe của lực lượng lao động đóng góp vào năng suất và thu nhập. Nó cũng nên tính đến vốn tự nhiên của một quốc gia: dù một số tài nguyên thiên nhiên giúp tạo ra hoạt động kinh tế, như đất hiếm và các khoáng chất quan trọng khác cần thiết trong công nghệ tiên tiến, đã được định giá một phần theo các khuôn khổ thống kê hiện tại, nhưng một báo cáo đầy đủ hơn cũng phải xem xét các nguồn tài nguyên bị định giá thấp, như các công viên quốc gia cung cấp dịch vụ giải trí, cũng như chất lượng đất và đa dạng sinh học giúp năng suất nông nghiệp.

Cuối cùng, một báo cáo thống kê thực sự toàn diện nên bao gồm những gì mà các nhà kinh tế đoạt giải Nobel Daron Acemoglu, Simon Johnson và James Robinson gọi là đóng góp của các thể chế pháp lý và chính phủ của một quốc gia đối với sự thịnh vượng của quốc gia đó, thông qua sự tin tưởng vào pháp quyền, sự an toàn của các hợp đồng, và quyền tự do kinh tế. Các số liệu hiện có không phân biệt giữa năng suất ở các quốc gia có các thể chế “bóc lột” (extractive) – tập trung của cải vào giới tinh hoa và theo đó gây tổn hại cho đa số dân thường, làm nản lòng đầu tư tư nhân cũng như phát triển kỹ năng cá nhân – với các quốc gia nơi các thể chế cung cấp sự ổn định, cho phép tất cả mọi người phát triển trong công việc hoặc doanh nghiệp của họ.

KHI CON SỐ ĐƯỢC XEM XÉT NGHIÊM TÚC

Việc chuyển từ các cuộc khảo sát kinh tế truyền thống về người tiêu dùng và doanh nghiệp sang các nguồn dữ liệu mới sẽ là một cuộc cách mạng văn hóa đối với các nhà thống kê vốn luôn thận trọng. Việc thu thập khối lượng dữ liệu cần thiết để xây dựng một bức tranh hoàn chỉnh hơn về năng suất và các điểm yếu kinh tế của một quốc gia sẽ đòi hỏi khả năng lập kế hoạch đáng kể từ các cơ quan thống kê quốc gia, những đơn vị với nguồn lực đã liên tục bị cắt giảm ở hầu hết các quốc gia bởi vì cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã thắt chặt ngân sách của các chính phủ trên toàn thế giới. Nó cũng sẽ đòi hỏi một nỗ lực quốc tế để đạt được sự đồng thuận về các định nghĩa và tiêu chuẩn dữ liệu. Xét đến tỷ lệ phản hồi ngày càng giảm đối với các cuộc khảo sát thống kê, và việc các doanh nghiệp và cá nhân ngày càng “mệt mỏi với khảo sát,” những thay đổi sâu sắc này vừa cần thiết, vừa không thể tránh khỏi.

Chính cuộc cách mạng trong thu thập dữ liệu và công nghệ đã tạo ra nhu cầu về một mô hình thống kê mới sẽ hữu ích trong việc tạo ra thay đổi. Phần lớn dữ liệu cơ bản đã tồn tại hoặc có thể được thu thập, từ các số liệu thanh toán và thuế cần thiết để theo dõi các mạng lưới sản xuất toàn cầu, đến số liệu tiền lương của người sử dụng lao động, thông tin thu thập từ hệ thống máy quét cửa hàng, và nhiều nguồn dữ liệu cảm biến và vệ tinh mới. Các sáng kiến dữ liệu thí điểm như Chỉ số Kinh tế Nhân học có thể giúp các nhà thống kê theo dõi việc áp dụng và sử dụng trí tuệ nhân tạo trên toàn xã hội, một sự thay đổi công nghệ mang tính định hình mà hiện tại vẫn chưa được thể hiện trong các số liệu thống kê kinh tế.

Mạng lưới sản xuất toàn cầu đang chịu áp lực rất lớn. Các nhà hoạch định chính sách hoàn toàn đúng khi kỳ vọng hệ thống thống kê của họ sẽ cung cấp thông tin hữu ích về tình trạng nền kinh tế của họ. Cũng giống như cách các mệnh lệnh của chiến tranh đã dẫn đến sự phát triển của SNA vào những năm 1940, những nhu cầu cấp thiết mới của một thế giới bị chia rẽ bởi thương chiến, bất ổn địa chính trị, và các cú sốc cung đòi hỏi một khuôn khổ thống kê hiện đại hơn. Nếu không có nó, việc nắm bắt bản chất thực sự của nền kinh tế toàn cầu sẽ là điều vô cùng khó – và thế giới sẽ vẫn chìm trong bóng tối.

Diane Coyle là Giáo sư về Chính sách công tại Đại học Cambridge và là tác giả của cuốn “The Measure of Progress: Counting What Really Matters.”