Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Liên Hợp Quốc cho biết vẫn chưa có viện trợ nào được phân phát ở Gaza do các hạn chế của quân đội Israel, dù Tel Aviv đã bắt đầu cho phép hàng hóa tiếp cận vùng đất này sau 11 tuần phong tỏa. Trước đó, Anh đã đóng băng đàm phán thương mại với Israel; và vào hôm thứ Hai đã cùng với Canada và Pháp đe dọa áp trừng phạt có mục tiêu trừ khi Israel ngừng tấn công và cho phép viện trợ vào Gaza.
Anh và EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, nhắm vào đội “tàu dầu bóng tối” và các trung gian tài chính của nước này. Động thái trên được đưa ra sau cuộc điện đàm hôm thứ Hai giữa Donald Trump và Vladimir Putin vốn không đạt được tiến triển nào về chiến tranh tại Ukraine. Các nhà lãnh đạo châu Âu kêu gọi Mỹ hành động tương tự, song ông Trump vẫn chưa đưa ra quyết định. Nga tuyên bố sẽ không khuất phục trước các tối hậu thư.
Lãnh tụ tối cao Iran, Ayatollah Ali Khamenei, cáo buộc Mỹ đưa ra các yêu cầu “vô lý” khi đàm phán hạt nhân và tỏ ra hoài nghi về khả năng đạt được kết quả tích cực. Hôm Chủ nhật, các quan chức Mỹ nói Iran nên chấm dứt mọi hoạt động làm giàu uranium nhằm ngăn chặn khả năng phát triển vũ khí hạt nhân. Iran khẳng định chương trình hạt nhân của họ chỉ phục vụ mục đích năng lượng. Các cuộc đàm phán dự kiến sẽ tiếp tục vào cuối tuần này tại Rome.
Honda đã cắt giảm kế hoạch đầu tư vào xe điện và phần mềm trong thập niên 2020, từ 10.000 tỷ yên (69 tỷ USD) xuống còn 7.000 tỷ yên, với lý do nhu cầu thị trường suy giảm. Giám đốc điều hành của hãng xe Nhật, ông Mibe Toshihiro, cho biết xe điện có thể chỉ chiếm 20% tổng doanh số vào năm 2030, giảm so với mục tiêu 30%. Thay vào đó, Honda sẽ tung ra 13 mẫu xe hybrid mới từ nay đến cuối thập kỷ và kỳ vọng bán được hơn 2,2 triệu chiếc mỗi năm.
Trong bài phát biểu đánh dấu một năm nhậm chức, tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức nói rằng hòn đảo “cam kết gìn giữ hòa bình” với Trung Quốc, nhưng sẽ tiếp tục củng cố năng lực quốc phòng. Trung Quốc gọi tuyên bố của ông là “chẳng ích gì.” Hồi tháng 3, ông Lại từng đề xuất một biện pháp mạnh tay với Trung Quốc gây tranh cãi, gọi chính quyền Bắc Kinh là “lực lượng thù địch nước ngoài.”
Elon Musk tuyên bố sẽ cắt giảm chi tiêu chính trị trong tương lai và cho rằng ông đã “đóng góp đủ rồi.” Người giàu nhất thế giới là nhà tài trợ lớn nhất của đảng Cộng hòa Mỹ vào năm ngoái, với khoản đóng góp hơn 290 triệu USD. Song việc ông xuất hiện tại Nhà Trắng đã gây dư luận tiêu cực cho Tesla, công ty xe điện của ông. Musk cho biết ông sẽ tiếp tục lãnh đạo công ty thêm ít nhất năm năm nữa.
Thủ tướng Qatar, Sheikh Muhammad bin Abdulrahman al-Thani, bác bỏ các cáo buộc rằng đề nghị tặng ông Trump một chiếc máy bay trị giá 400 triệu USD là hành vi hối lộ. Đề nghị này từ Qatar — quốc gia ông Trump vừa đến thăm tuần trước trong chuyến công du vùng Vịnh — đã làm dấy lên lo ngại Doha đang tìm cách mua ảnh hưởng ở Washington. Nhưng Sheikh Muhammad nói rằng đây là “việc bình thường giữa các đồng minh.”
TIÊU ĐIỂM
Tổng thống Nam Phi thăm Mỹ
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa có lẽ đang lo lắng về cuộc gặp với Donald Trump tại Phòng Bầu dục vào thứ Tư. Tổng thống Mỹ đã chỉ trích Nam Phi vì quan hệ của nước này với các đối thủ của Mỹ như Trung Quốc và Iran, cũng như vì các đạo luật thiên vị chủng tộc nhằm khắc phục hậu quả từ nhiều thế kỷ của chế độ apartheid. Tuần trước, hàng chục người Afrikan — người Nam Phi da trắng được chính quyền Mỹ coi là bị đàn áp — đã đến Mỹ với tư cách “người tị nạn,” trở thành biểu tượng trong giới MAGA.
Ông Ramaphosa sẽ cố gắng lấy lòng và giảm nhẹ căng thẳng, hy vọng hạn chế thiệt hại từ các đợt cắt viện trợ và áp thuế lên nước mình. Ông kỳ vọng rằng, giống như Ukraine và Cộng hòa Dân chủ Congo, Nam Phi có thể sử dụng tài nguyên khoáng sản làm con bài mặc cả. Nhưng nỗ lực của ông Ramaphosa có thể sẽ không mang lại nhiều kết quả chừng nào Nam Phi vẫn thân thiện với các đối thủ của Mỹ, và trong con mắt của phe Trump, vẫn bị xem như “DEI ở cấp độ quốc gia” (ám chỉ chính sách đa dạng, công bằng và hòa nhập).
Tổng thống Trump quyết định số phận của US Steel
Kết quả cuộc rà soát của chính phủ Mỹ đối với thương vụ đề xuất Nippon Steel (Nhật Bản) mua lại US Steel có thể sẽ được công bố sớm nhất vào thứ Tư. Joe Biden đã chặn cuộc mua lại trong những tuần cuối nhiệm kỳ, viện dẫn lý do an ninh quốc gia. Donald Trump thì tỏ ra cởi mở hơn. Ngành sản xuất kim loại chỉ chiếm khoảng 0,5% GDP của Mỹ, nhưng quyết định về thương vụ này có thể cho thấy cách tiếp cận chung của ông Trump đối với đầu tư nước ngoài.
Ông Trump tuyên bố muốn các công ty nước ngoài đầu tư vào Mỹ. Trên thực tế, đây có lẽ là một trong số ít con đường để các nước có thể được hưởng quyền tiếp cận thị trường lớn nhất thế giới mà không bị áp thuế. Song việc bán một tài sản chiến lược của Mỹ cho một đối thủ Nhật Bản có thể đi ngược lại bản năng bảo hộ của nhóm cử tri ủng hộ ông. Nếu ông phê duyệt thương vụ, ông có thể phải trả một cái giá chính trị không hề rẻ.
Lạm phát tăng trở lại ở Anh
Một số yếu tố bất thường sẽ ảnh hưởng đến số liệu lạm phát tháng 4 của Anh, dự kiến công bố vào thứ Tư. Đầu tiên là việc tăng mức bảo hiểm quốc gia do người sử dụng lao động chi trả — một loại thuế trên tiền lương — bắt đầu có hiệu lực từ tháng trước. Nhiều công ty sẽ chuyển một phần chi phí này sang người tiêu dùng bằng cách tăng giá hàng hóa. Lương tối thiểu cũng vừa được điều chỉnh tăng mạnh, chưa kể hóa đơn năng lượng và nước sinh hoạt.
Tổng hợp những yếu tố trên, các nhà dự báo cho rằng lạm phát năm sẽ tăng lên 3,3%, so với mức 2,6% của tháng 3. Lạm phát cơ bản — không tính thực phẩm và năng lượng — được dự đoán chạm mức 3,6%. Nhưng bức tranh dài hạn mới thực sự đáng lo: vì lạm phát ở Anh đã ở mức cao khó chịu trong gần bốn năm qua, người dân đã trở nên nhạy cảm hơn với các biến động giá. Điều đó làm tăng khả năng các đợt tăng giá mới (như trong tháng 4) sẽ lan sang yêu cầu tăng lương và hành vi chi tiêu, khiến việc kiểm soát lạm phát càng trở nên khó khăn.