Nguồn: “Star wars returns”, The Economist, 21/05/2025
Biên dịch: Viên Đăng Huy
“Ronald Reagan muốn có nó nhiều năm trước,” Donald Trump tuyên bố, “nhưng lúc đó họ không có công nghệ”. Giờ đây, ông Trump nói, Mỹ cuối cùng đã có thể chế tạo một “lá chắn phòng thủ tên lửa tiên tiến”. “Vòm Vàng” của ông Trump—tương tự như hệ thống Vòm Sắt khiêm tốn hơn của Israel—được thiết kế để bảo vệ Mỹ khỏi các cuộc tấn công bằng cách sử dụng hàng trăm hoặc hàng nghìn vệ tinh, cùng với những thiết bị khác, để có thể vừa theo dõi, vừa tấn công tên lửa địch khi chúng cất cánh.
Ông Trump đã hứa về một hệ thống lá chắn như vậy trong chiến dịch tranh cử. Vào ngày 20 tháng 5, ông nói rằng dự luật thuế “lớn, hấp dẫn” của mình, dù chưa được Quốc hội thông qua, đã bao gồm 25 tỷ USD tài trợ ban đầu và tổng chi phí dự án sẽ là 175 tỷ USD. Trên thực tế, Vòm Vàng có thể sẽ tốn kém hơn nhiều — Văn phòng Ngân sách Quốc hội ước tính dự luật có thể lên tới hơn 500 tỷ USD trong 20 năm — và mất nhiều thời gian hơn so với khung thời gian cực kỳ lạc quan của ông Trump là “hai đến ba năm rưỡi”.
Tương tự, tuyên bố của ông Trump rằng hệ thống phòng thủ này sẽ cung cấp “gần 100% sự bảo vệ” cũng rất đáng nghi. Tỷ lệ thành công có thể phụ thuộc vào phạm vi của lá chắn. Một báo cáo gần đây của Hiệp hội Vật lý Mỹ, một nhóm các nhà vật lý, cho rằng cần 16.000 tên lửa đặt trong không gian để đảm bảo chặn được chỉ mười tên lửa Hwasong-18 của Triều Tiên. Nhưng nếu các nhà lãnh đạo Mỹ muốn có 30 giây để đưa ra quyết định trước khi hành động, họ sẽ cần 36.000 tên lửa đánh chặn. Và sẽ cần “nhiều tên lửa đánh chặn hơn nữa” nếu Mỹ cũng đang bảo vệ các thành phố ở phía bắc, Alaska hoặc vùng Trung Tây.
Vòm Vàng một phần là phản ứng trước mối lo ngại của Lầu Năm Góc rằng các đối thủ của Mỹ đang chế tạo một số lượng lớn các loại tên lửa mới và đa dạng hơn. Radar và hệ thống phòng thủ của Mỹ trong lịch sử đã tập trung vào các tên lửa bay qua Bắc Cực. Nhưng tên lửa siêu thanh tầm xa, có khả năng cơ động cao hơn, và các hệ thống “quỹ đạo phân đoạn”, có thể bao quanh một phần Trái Đất, có thể đi theo các tuyến đường khó đoán hơn. Một báo cáo gần đây của Cơ quan Tình báo Quốc phòng cho thấy các quỹ đạo tên lửa lao vào Mỹ từ mọi hướng. Canada, vốn đã có một bộ chỉ huy phòng không vũ trụ chung với Mỹ, đang đàm phán về việc tham gia Vòm Vàng.
Lá chắn phòng thủ này cũng làm nổi bật việc quỹ đạo Trái Đất đang trở thành tiền tuyến trong cuộc đấu tranh mới giữa Nga, Trung Quốc và Mỹ. Cuộc cạnh tranh này đang được tiến hành bởi những vệ tinh như Cosmos 2553, một vệ tinh của Nga mà Mỹ tin là một nguyên mẫu không vũ trang của một loại vũ khí không gian đặc biệt đáng sợ: một vũ khí hạt nhân có khả năng xóa sổ các vệ tinh trên những vùng rộng lớn của quỹ đạo Trái Đất tầm thấp—chẳng hạn như những vệ tinh sẽ là một phần của Vòm Vàng. Trung Quốc cũng đang xây dựng một loạt vũ khí chống vệ tinh. “Họ đang tiến triển với tốc độ đáng kinh ngạc,” Tướng Stephen Whiting, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ, nói về kho vũ khí chống vệ tinh đang mở rộng của Trung Quốc.
Những vũ khí như vậy gây nguy hiểm không chỉ cho cơ sở hạ tầng quốc phòng. Chúng còn đe dọa các tàu vũ trụ cung cấp thông tin liên lạc và, có lẽ quan trọng hơn, dữ liệu định vị, điều hướng và thời gian cần thiết cho các nền kinh tế hiện đại. Tính dễ bị tổn thương của các hệ thống định vị vệ tinh đã bị phơi bày bởi sự gia tăng mạnh trong việc gây nhiễu và giả mạo tín hiệu của chúng.
Nga và Trung Quốc đã và đang phát triển các vệ tinh có “các khả năng cơ động tiên tiến” cho phép chúng can thiệp hoặc phá hủy các vệ tinh của Mỹ. Ví dụ, vào tháng 5 năm 2024, Cosmos 2576, một vệ tinh khác của Nga, đã đi vào quỹ đạo “đồng phẳng” với USA 314, một vệ tinh do thám của Mỹ, đây là “dấu hiệu cho thấy sự bố trí của một vũ khí chống vệ tinh”, theo một báo cáo mới của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn ở Washington. Pháp trở nên cảnh giác đến mức đã nói về việc phát triển các hệ thống “vệ sĩ” cho vệ tinh, có thể cho phép vệ tinh phát hiện các mối đe dọa và sau đó tự bảo vệ bằng robot hoặc tia laser.
Cũng có những cuộc đối đầu trên không gian khác đang diễn ra. Vào một thời điểm nào đó năm ngoái, TJS-4, một tàu vũ trụ bị nghi ngờ là tàu tình báo tín hiệu của Trung Quốc, đã được bố trí để nằm giữa một vệ tinh giám sát của Mỹ và mặt trời. CSIS nói rằng điều đó sẽ tạo ra mảng tối nhằm cản trở Mỹ chụp ảnh chất lượng cao tàu vũ trụ của Trung Quốc. Tướng Michael Guetlein, người đứng đầu mới của Vòm Vàng, hồi đầu năm nay đã buộc tội Trung Quốc tập luyện “không chiến trong không gian”.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực này, Mỹ cũng không hề “nhút nhát” hay yếu thế. Tháng trước, USA 324, một trong những vệ tinh giám sát của Tướng Whiting, đã áp sát TJS-16 và TJS-17, một cặp vệ tinh tình báo điện tử bị nghi ngờ của Trung Quốc. Theo COMSPOC, một công ty theo dõi các vật thể trong không gian, nó đã đi qua cách vệ tinh đầu tiên 17km và vệ tinh thứ hai 12km. Jonathan McDowell thuộc Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian việc vệ tinh Mỹ “bay ngang” các vệ tinh của Trung Quốc là “kiểu hành động mà các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ thường lên tiếng phản đối kịch liệt khi Trung Quốc làm vậy với vệ tinh của họ”.