Thế giới hôm nay: 01/07/2025

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Các thượng nghị sĩ Mỹ bắt đầu bỏ phiếu cho “Dự luật To lớn và Tuyệt đẹp” của Donald Trump – một gói cắt giảm thuế quy mô lớn. Trong một phiên họp đặc biệt gọi là vote-a-rama, họ đang tranh luận về hàng loạt sửa đổi đối với dự luật gần 1.000 trang và tiến hành bỏ phiếu liên tiếp. Đảng Cộng hòa hy vọng thông qua luật trước ngày 4 tháng 7, nhưng chỉ có thể mất tối đa ba phiếu ở Thượng viện. Có vẻ họ đã mất hai phiếu.

Ông Trump đã ký sắc lệnh hành pháp dỡ bỏ phần lớn trừng phạt của Mỹ đối với Syria. Ông từng tuyên bố sẽ rút lại trừng phạt vào tháng 5, và vừa ban hành một lệnh miễn trừ kéo dài 180 ngày cho phép giao thương tạm thời với chính phủ Syria. Các biện pháp trừng phạt nhắm vào Bashar al-Assad – cựu tổng thống bị lật đổ – vẫn sẽ được giữ nguyên, cùng với các biện pháp đối với những ai hậu thuẫn quân đội Syria, vốn chỉ có thể được dỡ bỏ bởi Quốc hội.

Ông Trump chỉ trích Nhật Bản, nói nước này “được nuông chiều” vì từ chối mua gạo Mỹ. Nhật hiện đang vận động Mỹ không tăng thuế đối với hàng hóa Nhật từ ngày 9 tháng 7. Ông Trump gợi ý rằng việc Nhật miễn cưỡng nhập khẩu gạo Mỹ – dù đang thiếu gạo – sẽ dẫn đến mức thuế cao hơn. Trong khi đó, một quan chức Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ công bố một loạt thỏa thuận thương mại sau ngày 4 tháng 7.

Mark Zuckerberg cho biết Meta sẽ thành lập một bộ phận mới tập trung vào “siêu trí tuệ,” theo Bloomberg. Alexandr Wang – thần đồng AI vừa được Meta đầu tư 14 tỷ USD vào công ty khởi nghiệp – sẽ lãnh đạo nhóm này. Ông Zuckerberg cũng thông báo Meta đã chiêu mộ được nhiều nhân sự từ các đối thủ như OpenAI và Google. Trong một bản ghi nhớ nội bộ, ông nói với nhân viên bằng sự khiêm tốn đặc trưng: “Đây sẽ là khởi đầu của một kỷ nguyên mới cho nhân loại.”

Bộ ngoại giao Nga triệu tập Rakhman Mustafayev – đại sứ Azerbaijan – để phản đối các “hành động không thân thiện” của chính phủ nước này. Quan hệ hai bên đã xấu đi từ cuối năm ngoái và đang leo thang trong những ngày gần đây. Chính phủ Azerbaijan đã hủy bỏ một loạt sự kiện văn hóa Nga sau khi cáo buộc Nga ám sát ngoài pháp luật hai công dân Azerbaijan ở Yekaterinburg, một thành phố Nga.

Việc cắt giảm viện trợ nước ngoài của chính quyền Trump có thể khiến 14 triệu người thiệt mạng trước năm 2030, theo một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Lancet. Dựa trên dữ liệu tử vong từ 133 quốc gia, nghiên cứu đánh giá tác động từ việc Mỹ rút lui khỏi các chương trình y tế toàn cầu. Nghiên cứu cho thấy USAID – cơ quan viện trợ của Mỹ – đã góp phần ngăn ngừa khoảng 92 triệu ca tử vong từ 2001 đến 2021.

TIÊU ĐIỂM

Bộ Tứ nhóm họp

Vào thứ Ba, ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio sẽ tiếp đón những người đồng cấp của ông từ Ấn Độ, Nhật Bản, và Úc. Đây sẽ là cơ hội để Mỹ chuyển chú ý sang châu Á và cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, vốn được cho là ưu tiên cao hơn so với các cuộc chiến ở châu Âu và Trung Đông. Quan hệ đối tác “Bộ Tứ” nhằm kéo Ấn Độ xích lại gần hơn với các đồng minh của Mỹ ở châu Á, mặc dù Ấn Độ theo đuổi chính sách “đa liên kết” (nước này vẫn thân thiện với cả Nga và Iran). Các bộ trưởng sẽ chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh của lãnh đạo các nước thành viên tại Delhi trong năm nay.

Họ cũng sẽ có nhiều điều cần bàn. Ấn Độ cảm thấy khó chịu trước việc Mỹ khoe khoang rằng đã làm trung gian chấm dứt giao tranh giữa họ và Pakistan hồi tháng 6. Úc lo lắng trước việc Lầu Năm Góc xem xét lại thỏa thuận AUKUS về tàu ngầm hạt nhân và các loại vũ khí khác. Nhật Bản bực bội vì Mỹ gây sức ép buộc phải tăng chi tiêu quốc phòng. Tất cả đều lo ngại về những lời đe dọa tăng thuế từ phía Mỹ. Các vị khách cũng muốn biết về tình hình của ông Rubio: ông sẽ còn giữ một lúc hai vai trò ngoại trưởng và cố vấn an ninh quốc gia bao lâu nữa?

Chiến dịch của Nga ở Ukraine đang chững lại?

Trong khi thế giới dõi theo tình hình ở Trung Đông, Nga vẫn tiếp tục chiến dịch mùa hè của mình tại Ukraine – nhưng kết quả không đồng đều. Tuần trước, tổng tư lệnh Ukraine Oleksandr Syrsky tuyên bố rằng sau hai tháng, chiến dịch của Nga đang “chững lại” và nỗ lực tạo vùng đệm quanh khu vực Sumy ở đông bắc đang “sụp đổ.” Ông cho biết Nga vẫn chưa chiếm được trung tâm hậu cần Pokrovsk, nơi đang tập trung khoảng 110.000 binh sĩ Nga.

Ngày càng có nhiều cuộc tấn công của Nga được thực hiện bởi lính đi xe máy nhằm gây hỗn loạn phía sau chiến tuyến của Ukraine, dù phần lớn đều bị drone tiêu diệt. Ukraine ước tính Nga đang sản xuất tên lửa đạn đạo nhiều hơn 66% so với một năm trước và dự kiến tăng sản lượng drone tự sát từ 2.000 lên 5.000 chiếc mỗi tháng. Hôm Chủ nhật, Nga đã phóng hơn 500 vũ khí trên không vào các thành phố Ukraine – cuộc tấn công lớn nhất kể từ đầu chiến tranh. Những đợt oanh tạc như vậy đang trở nên thường xuyên – và chết chóc hơn.

Sóng gió đến với gia tộc Shinawatra

Hai vụ kiện diễn ra vào thứ Ba có thể chấm dứt triều đại chính trị kéo dài gần 25 năm của gia đình Shinawatra tại Thái Lan. Tòa án hiến pháp sẽ xem xét đơn kiến nghị yêu cầu phế truất Paetongtarn Shinawatra – nữ thủ tướng 38 tuổi – chưa đầy một năm sau khi bà nhậm chức. Bà bị cáo buộc vi phạm đạo đức vì đã chỉ trích các tướng lĩnh của mình trong một cuộc điện thoại rò rỉ với ông Hun Sen, cựu thủ tướng Campuchia, và gọi ông là “bác.” Giữa hai nước đang có căng thẳng biên giới.

Cha của bà Paetongtarn cũng sẽ ra hầu tòa với cáo buộc xúc phạm hoàng gia trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2015. Nếu bị kết tội, Thaksin Shinawatra có thể đối mặt với án tù lên tới 15 năm. Nhưng yếu tố chính trị – chứ không phải pháp lý – sẽ quyết định kết quả. Nếu các thế lực bảo thủ trong quân đội và hoàng cung cho rằng họ không thể chấp nhận phong cách dân túy và phô trương của gia đình Shinawatra nữa, thì khả năng hai cha con bị kết tội là rất cao.

Hội nghị về lạm phát ở eurozone

Ban lãnh đạo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cùng với một nhóm nhỏ nhà báo, học giả, và nhà phân tích thị trường tài chính, sẽ tụ họp tại thị trấn trên cao Sintra, Bồ Đào Nha, trong tuần này cho hội nghị thường niên của họ. Các phiên thảo luận sẽ xoay quanh thị trường lao động, thương mại, và chính sách tiền tệ. Song họ cũng sẽ bàn xem liệu lạm phát có quay trở lại châu Âu hay không – điều phụ thuộc phần nào vào số liệu công bố hôm nay.

Tuần trước, Pháp ghi nhận lạm phát hàng năm bất ngờ tăng lên 0,8% trong tháng 6. Tuy con số này chưa đáng lo (mục tiêu của ECB là 2%), giá dịch vụ đã tăng 2,4% so với năm ngoái – cao hơn mức 2,1% của tháng 5. Tại Tây Ban Nha, lạm phát cơ bản hàng năm đã tăng lên 2,2%. Trong khi đó, lạm phát tại Đức giảm nhẹ xuống 2,7% từ mức 2,8% của tháng trước. Nếu eurozone công bố lạm phát cao hơn, điều đó có thể khiến ECB phải cân nhắc lại việc cắt giảm lãi suất – vốn đang rất được thị trường kỳ vọng.