10/07/1893: Bác sĩ tiên phong thực hiện thành công ca phẫu thuật tim hở

Nguồn: Pioneering Black doctor performs successful open-heart surgery, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1893, bác sĩ Daniel Hale Williams đã thực hiện thành công một trong những ca phẫu thuật tim hở đầu tiên trên thế giới tại Bệnh viện Provident ở Chicago. Ông không chỉ là người đi tiên phong trong lĩnh vực này, mà còn là một trong ba bác sĩ người Mỹ gốc Phi duy nhất hành nghề tại Chicago vào thời điểm mà nhiều bệnh viện do người da trắng điều hành vẫn từ chối điều trị cho bệnh nhân da đen – chứ chưa nói đến việc tuyển dụng bác sĩ da đen.

Sinh ra tại Hollidaysburg, Pennsylvania vào ngày 18/01/1856, Williams từng làm thợ học việc đóng giày và thợ cắt tóc trước khi tốt nghiệp Trường Y Chicago vào năm 1883. Tám năm sau, nhận thấy nhu cầu về cơ hội đào tạo và việc làm lớn hơn cho người da đen trong lĩnh vực y tế, ông đã thành lập bệnh viện và trường điều dưỡng đa chủng tộc đầu tiên: Bệnh viện và Trường Đào tạo Điều dưỡng Provident.

Vào tối ngày 09/07/1893, một người đàn ông 24 tuổi tên là James Cornish đã nhập viện với vết thương do dao đâm vào ngực. Sáng hôm sau, Williams kiểm tra vết thương và phát hiện ra màng ngoài tim – túi bao quanh tim – của Cornish đã bị rách. Dưới sự chứng kiến của các đồng nghiệp, Williams đã khâu vết rách bằng chỉ catgut. Ca phẫu thuật thành công, và Cornish được xuất viện vào ngày 30/08, trở thành một trong những người đầu tiên sống sót sau phẫu thuật tim hở. Ông đã sống thêm 20 năm nữa.

Ca phẫu thuật của Williams là trường hợp khâu màng ngoài tim thành công thứ hai được biết đến ở Mỹ. Hai năm trước ca phẫu thuật của Cornish, một bác sĩ tên Henry Dalton đã thực hiện một ca tương tự ở St. Louis, Missouri. Nhưng Williams không hề biết về ca phẫu thuật của Dalton vì Dalton chưa hề công bố bài báo nào về nó. Williams đã sử dụng kiến thức và kỹ năng y khoa của chính mình để ứng biến thực hiện ca phẫu thuật cứu sống người bệnh.

Năm 1894, Williams trở thành bác sĩ phẫu thuật chính tại Bệnh viện Freedmen ở Washington, D.C. Trong thời gian làm việc tại đây, ông đã nỗ lực giảm tỷ lệ tử vong của bệnh viện và giúp thành lập Hiệp hội Y khoa Quốc gia để đại diện cho các chuyên gia y tế người da đen, những người mà Hiệp hội Y khoa Mỹ từ chối tiếp nhận. Ông trở lại Bệnh viện Provident vào năm 1898, và sang năm 1902, ông đã thực hiện một ca phẫu thuật tiên phong khác tại đây khi khâu thành công lá lách của một bệnh nhân.