22/09/1862: TT Lincoln ban hành Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ

Print Friendly, PDF & Email

lincoln

Nguồn: “Lincoln issues Emancipation Proclamation“, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1862, Tổng thống Abraham Lincoln đã ban hành bản sơ bộ của Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ (Emancipation Proclamation), giải phóng cho hơn 3 triệu nô lệ da đen ở Mỹ, đồng thời tuyên bố Nội chiến Mỹ là cuộc đấu tranh chống lại chế độ nô lệ.

Khi Nội chiến nổ ra vào năm 1861, chỉ ít lâu sau lễ nhậm chức của vị Tổng thống thứ 16 của nước Mỹ, Lincoln vẫn duy trì quan niệm rằng đây là cuộc chiến để khôi phục chính quyền Liên bang miền Bắc (the Union), chứ không phải về chế độ nô lệ. Thế nên, ông tránh việc ban hành ngay một tuyên ngôn chống chế độ nô lệ, bất chấp sự thúc giục của những người theo chủ nghĩa bãi nô và các đảng viên Cộng hòa cấp tiến, cũng như niềm tin của cá nhân ông rằng chế độ nô lệ là không thể chấp nhận được về mặt đạo đức. Thay vào đó, Lincoln đã có những bước đi thận trọng, cho đến khi ông nhận được ủng hộ rộng rãi của công chúng đủ để đề xuất một bản tuyên ngôn như vậy.

Tháng 7/1862, Lincoln thông báo cho nội các của mình rằng ông sẽ ban hành một tuyên ngôn giải phóng, nhưng nó sẽ không áp dụng cho các bang vùng biên giới – những nơi tuy có chủ nô nhưng vẫn trung thành với Liên bang miền Bắc. Các thành viên trong nội các đã thuyết phục ông chờ đến khi phe Liên bang giành chiến thắng rồi mới đưa ra thông báo. Cơ hội đã đến với Lincoln sau chiến thắng của Liên bang miền Bắc trong trận Antietam (tháng 9/1862.) Vào ngày 22/09, Tổng thống đã tuyên bố rằng nô lệ tại các khu vực trong cuộc nổi loạn sẽ được trả tự do trong vòng 100 ngày.

Sang ngày 01/01/1863, Lincoln cuối cùng cũng ban hành bản Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ chính thức, trong đó tuyên bố rằng “tất cả những ai đang bị giữ như nô lệ” ở các bang nổi dậy “từ giờ về sau sẽ được tự do.” Bản tuyên ngôn còn kêu gọi tuyển quân và thành lập các đơn vị quân đội người da đen trong lực lượng Liên bang. Ước tính có khoảng 180.000 người Mỹ gốc Phi đã tham gia phục vụ trong quân đội, trong khi 18.000 người khác phục vụ trong hải quân.

Sau khi Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ ra đời, việc ủng hộ Liên minh miền Nam (the Confederacy) bị coi là ủng hộ chế độ nô lệ. Điều này khiến cho các nước chống chế độ nô lệ như Anh và Pháp, vốn đang ủng hộ Liên minh miền Nam, không thể tham chiến với tư cách đại diện cho miền Nam. Bản tuyên ngôn cũng thống nhất và củng cố đảng của Lincoln, Đảng Cộng hòa, giúp họ duy trì quyền lực trong suốt hai thập niên tiếp theo.

Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ là một sắc lệnh của Tổng thống chứ không phải là một luật được Quốc hội thông qua, vì vậy sau đó Lincoln đã tiếp tục vận động đưa một Tu chính án Chống chế độ nô lệ vào Hiến pháp Mỹ để đảm bảo tính lâu dài của tuyên ngôn. Với việc thông qua Tu chính án thứ 13 vào năm 1865, chế độ nô lệ đã bị bãi bỏ hoàn toàn trên khắp đất Mỹ (dù rằng người da đen vẫn phải tiếp tục đấu tranh một thế kỷ sau đó, trước khi họ thực sự bắt đầu có quyền bình đẳng).

Dự thảo của Tuyên Ngôn Giải Phóng Nô lệ chính thức – được chính Lincoln viết tay – đã bị phá hủy trong trận Hoả hoạn Chicago hồi năm 1871. Hiện nay, bản gốc của tuyên ngôn này được lưu trữ tại Cục Lưu trữ Quốc gia ở thủ đô Washington.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]