Thế giới hôm nay: 10/07/2025

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Nvidia trở thành công ty đầu tiên đạt mức vốn hóa thị trường hơn 4 nghìn tỷ USD. Hãng sản xuất chip này đã vượt qua lo ngại về thuế quan và sự trỗi dậy của các công ty trí tuệ nhân tạo Trung Quốc. Cổ phiếu của công ty tăng gần 3% vào thứ Tư trước khi giảm nhẹ. Nvidia đã có một hành trình tăng trưởng thần tốc, khi chỉ mới đạt mốc 1 nghìn tỷ USD vào năm 2023.

Giới chức Hàn Quốc đã bắt lại Yoon Suk Yeol, cựu tổng thống từng bị luận tội và phế truất vì nỗ lực áp đặt thiết quân luật hồi năm ngoái. Ông Yoon hiện đang bị xét xử vì tội nổi loạn. Một công tố viên đặc biệt đã ban hành lệnh bắt mới với các cáo buộc hình sự liên quan, cho rằng ông Yoon có thể hủy chứng cứ. Luật sư của ông gọi các cáo buộc là “vô căn cứ”.

Donald Trump công bố mức thuế suất mới đối với nhiều quốc gia từ ngày 1 tháng 8 — bao gồm mức thuế 50% cho Brazil. Trong thư gửi tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva, ông Trump viện dẫn không chỉ chính sách thương mại mà còn chính sách đối nội của Brazil. Ông chỉ trích việc Brazil đối xử với Jair Bolsonaro, cựu tổng thống cực hữu đang bị xét xử vì âm mưu đảo chính, là một “cuộc săn phù thủy.”

Linda Yaccarino tuyên bố sẽ từ chức giám đốc điều hành của nền tảng mạng xã hội X, do Elon Musk sở hữu, sau hai năm tại nhiệm. Trong nhiệm kỳ của bà, nền tảng này đã bỏ tên gọi Twitter ban đầu và nới lỏng các quy định kiểm duyệt nội dung. Cựu giám đốc quảng cáo cảm ơn ông Musk vì đã trao cho bà “trách nhiệm bảo vệ quyền tự do ngôn luận” và “hồi sinh công ty.”

Hamas cho biết sẽ thả 10 con tin như một phần của tiến trình đàm phán ngừng bắn với Israel. Song theo Reuters, nhóm vũ trang này mô tả cuộc đàm phán là “khó khăn,” với các bất đồng về viện trợ và việc rút quân của Israel. Ông Trump nói ông hy vọng thỏa thuận sẽ đạt được “trong tuần này hoặc tuần sau,” nhưng cũng nhấn mạnh rằng “chưa có gì chắc chắn liên quan đến chiến tranh hay tình hình ở Gaza.”

Nga đã tiến hành đợt không kích lớn nhất từ trước tới nay nhằm vào Ukraine, phóng gần 730 máy bay không người lái và khoảng một chục tên lửa hành trình và đạn đạo. Các cuộc tấn công chủ yếu nhằm vào khu vực miền trung và miền tây Ukraine. Không quân Ukraine tuyên bố đã bắn hạ phần lớn máy bay không người lái và khoảng một nửa số tên lửa. Hôm thứ Ba, ông Trump chỉ trích Vladimir Putin, nói rằng lãnh đạo Nga “ném rất nhiều chuyện nhảm nhí” vào Mỹ.

Mỹ ghi nhận số ca mắc sởi cao nhất trong 33 năm. Ít nhất 1.288 ca đã được báo cáo trong bảy tháng đầu năm 2025, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC). Mức cao trước đó là 1.274 ca vào năm 2019, trong một đợt bùng phát tại New York. Hồi năm 2000, Mỹ từng tuyên bố đã “xóa sổ” virus sởi trong nước.

Con số trong ngày: 6,4%, là tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 5 so với cùng kỳ năm trước, nhanh nhất kể từ tháng 12 năm 2023.

TIÊU ĐIỂM

Loạt thuế mới của Donald Trump

Donald Trump đang tiếp tục gửi đi các lời đe dọa thuế quan. Ba tháng sau khi công bố gói thuế “Ngày Giải Phóng,” ông đã gửi 14 lá thư tới các đối tác thương mại, mời gọi họ “tham gia vào nền kinh tế phi thường của Hoa Kỳ” đồng thời đe dọa áp thêm thuế từ ngày 1 tháng 8. Nhật Bản và Hàn Quốc đối mặt với mức thuế 25%, Indonesia 32%, Campuchia 36%. Liên minh châu Âu, Ấn Độ, và Đài Loan nằm trong số những nước chưa nhận thư.

Thị trường vẫn giữ bình tĩnh. Những lời đe dọa của ông Trump thường mang tính khoa trương, và nhiều nước dự kiến sẽ nhượng bộ. Nhưng lần này yêu cầu của ông khó hơn: việc gỡ bỏ rào cản phi thuế quan như các quy định về thực phẩm, an toàn, và kỹ thuật số sẽ không dễ dàng, cũng như mở cửa các thị trường nhạy cảm như ô tô và nông nghiệp. Ngoài ra, các thỏa thuận gần đây với Anh và Việt Nam cho thấy thuế quan vẫn sẽ tiếp tục cao. Ngày càng nhiều thuế suất theo ngành đang dần xuất hiện. Hôm thứ Ba, ông Trump đã đe dọa áp thuế 50% lên đồng đỏ và 200% lên dược phẩm. Dù kết quả ra sao, Mỹ đang có thuế nhập khẩu cao nhất kể từ thập niên 1930.

Châu Âu quyết tâm ủng hộ Ukraine

Vào thứ Năm, thủ tướng Anh Keir Starmer và tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ triệu tập “liên minh các bên sẵn lòng” — các nước ủng hộ Ukraine — tại căn cứ Northwood của NATO gần London. Ban đầu được lập ra để giám sát một thỏa thuận ngừng bắn do châu Âu dẫn dắt (dù có sự hỗ trợ từ Mỹ), mục tiêu của liên minh nay đã thay đổi. Do Vladimir Putin từ chối bất kỳ lệnh ngừng bắn nào mà chủ quyền Ukraine vẫn giữ nguyên, các nước giờ đây phải dốc sức giúp Ukraine tiếp tục chiến đấu.

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, sẽ phát biểu từ xa, khi ông đang có mặt ở Rome để tham dự Hội nghị Tái thiết Ukraine nhằm kêu gọi đầu tư cho hạ tầng bị tàn phá. Ông sẽ kêu gọi các nước ký kết hợp đồng năng lượng và ủng hộ ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine. Khi chiến tranh tiếp diễn, thứ Ukraine cần nhất là tiền để mua tên lửa phòng không Patriot của Mỹ (nếu ông Trump đồng ý bán) và tài trợ cho việc mở rộng sản xuất máy bay không người lái.

Mahathir Mohamad tròn 100 tuổi

Cựu thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad sẽ bước sang tuổi 100 vào thứ Năm. Là chính trị gia kỳ cựu nhất nước, ông đã giữ chức thủ tướng tổng cộng 24 trong 44 năm qua, đưa Malaysia phát triển nhanh chóng và xây dựng nhiều công trình hạ tầng. GDP bình quân đầu người tăng mạnh dưới thời ông.

Nhưng về mặt chính trị, di sản của ông gây nhiều tranh cãi. Chính sách ưu tiên người Mã Lai bản địa của ông khiến các sắc tộc khác bị thiệt thòi. Các chính sách thiên vị người Mã Lai đã giúp củng cố mạng lưới thân hữu và tham nhũng ngay cả sau khi ông rời nhiệm sở, dẫn đến vụ bê bối 1MDB với hàng tỷ USD bị biển thủ khỏi quỹ đầu tư quốc gia.

Ở tuổi 92, ông Mahathir bất ngờ trở lại chính trường, lật đổ chính đảng mà ông từng dẫn dắt. Sau đó ông mất ghế vào năm 2022. Dù đã nghỉ hưu, ông vẫn thường xuyên phát biểu chỉ trích từ bên lề, tiếp tục theo đuổi tầm nhìn của mình cho đất nước. Ở tuổi xế chiều, ông vẫn kiên định với di sản đầy chia rẽ của mình.