Tác giả: Lê Hồng Hiệp
Vào ngày 2 tháng 7 năm 2025, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã công bố một thỏa thuận thương mại mới với Việt Nam, tuyên bố rằng “Việt Nam sẽ trả cho Hoa Kỳ mức thuế 20% đối với bất kỳ và tất cả hàng hóa nào được gửi vào lãnh thổ của chúng tôi, và mức thuế 40% đối với bất kỳ hàng hóa trung chuyển nào”. Trong khi các chi tiết cụ thể của thỏa thuận vẫn đang được hoàn thiện, điều khoản về ‘trung chuyển’, dường như nhắm vào hàng Trung Quốc được trung chuyển qua Việt Nam để trốn mức thuế cao hơn của Hoa Kỳ, vẫn làm dấy lên lo ngại ở Hà Nội về khả năng bị trả đũa bởi Bắc Kinh. Mặc dù khả năng trừng phạt Việt Nam của Trung Quốc có thể bị hạn chế bởi các cân nhắc chiến lược và kinh tế rộng hơn của nước này, Hà Nội vẫn nên duy trì cảnh giác và nỗ lực đạt được một thỏa thuận cuối cùng với Washington giúp giảm thiểu tác hại kinh tế cũng như tránh làm suy yếu quan hệ với Trung Quốc.
Định nghĩa về “trung chuyển” trong thông báo của ông Trump vẫn còn mơ hồ, tạo ra sự bất định về tác động kinh tế của nó đối với Việt Nam cũng như quan hệ Việt – Trung nói chung. Trong trường hợp tốt nhất cho Việt Nam, hàng “trung chuyển” được định nghĩa hẹp là các sản phẩm Trung Quốc được nhập vào Việt Nam chỉ để dán nhãn lại và tái xuất sang Hoa Kỳ mà không tạo ra giá trị gia tăng đáng kể. Mặc dù dữ liệu về tỷ lệ hàng xuất khẩu của Việt Nam được vận chuyển sang Hoa Kỳ thông qua hoạt động trung chuyển thuần túy còn thiếu và thường gây tranh cãi, nhưng giá trị ít ỏi mà Việt Nam thu được từ những hàng hóa này đồng nghĩa với việc chúng đóng góp rất ít vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Do đó, việc trấn áp hoạt động “trung chuyển” mạnh tay hơn sẽ gây tác động hạn chế đến nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, sự mơ hồ xung quanh thuật ngữ này để ngỏ khả năng Washington có thể áp dụng một cách diễn giải rộng hơn, nhắm vào cả các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam nhưng có sử dụng đầu vào và linh kiện từ Trung Quốc. Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào đầu vào và hàng hóa trung gian của Trung Quốc, đặc biệt là trong các lĩnh vực xuất khẩu chủ chốt như hàng điện tử và dệt may. Do đó, nếu áp dụng một định nghĩa rộng hơn và Hoa Kỳ đặt ngưỡng thấp đối với tỉ lệ đầu vào từ Trung Quốc để kích hoạt điều khoản ‘trung chuyển’, thì một tỷ trọng lớn hơn nhiều hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ có thể sẽ phải chịu mức thuế 40%. Các tập đoàn đa quốc gia và các công ty Hoa Kỳ như Apple, Google, Nike và Gap, vốn phụ thuộc vào đầu vào và linh kiện Trung Quốc cho các nhà máy của họ tại Việt Nam, cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Kịch bản này sẽ dẫn đến sự gián đoạn kinh tế lớn đối với Việt Nam và cũng có thể gây ra căng thẳng đáng kể trong quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc.
Phản ứng của Trung Quốc đối với điều khoản trung chuyển trong thỏa thuận thương mại Việt – Mỹ do đó sẽ phụ thuộc vào cách thuật ngữ này được định nghĩa. Trong trường hợp tốt nhất, khi ‘trung chuyển’ được hiểu theo nghĩa hẹp, Trung Quốc khó có thể phản ứng mạnh mẽ. Việc trung chuyển thuần túy như vậy rõ ràng vi phạm các quy tắc về xuất xứ hàng hóa và Trung Quốc có ít cơ sở để bảo vệ cách làm này. Hơn nữa, các ưu tiên rộng hơn của Trung Quốc tại Việt Nam, bao gồm tăng cường quan hệ kinh tế và chính trị, có thể càng làm giảm động cơ trả đũa của Bắc Kinh. Những động thái gần đây của Trung Quốc nhằm tăng cường hợp tác với Việt Nam, bao gồm việc cùng lập kế hoạch phát triển các dự án cơ sở hạ tầng lớn, nhấn mạnh lợi ích của nước này trong việc duy trì quan hệ ổn định. Bối cảnh này cho thấy rằng miễn là điều khoản trung chuyển được định nghĩa một cách hợp lý, phản ứng của Trung Quốc có thể chừng mực và thực tế.
Trong kịch bản thứ hai, khi một tỷ lệ đầu vào của Trung Quốc thấp hơn kích hoạt điều khoản về trung chuyển, phản ứng của Trung Quốc có thể mạnh hơn. Bắc Kinh có thể trả đũa về mặt kinh tế bằng cách hạn chế nhập khẩu từ Việt Nam, chẳng hạn như các sản phẩm nông nghiệp. Về mặt chính trị, họ có thể leo thang căng thẳng ở Biển Đông để gây áp lực buộc Hà Nội phải áp dụng lập trường cứng rắn hơn với Washington. Tuy nhiên, các lựa chọn của Trung Quốc phần nào bị hạn chế bởi lợi ích kinh tế của chính họ, khi các biện pháp trả đũa có nguy cơ phản tác dụng và gây tổn hại đến xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam cũng như đầu tư ngày càng tăng của họ vào quốc gia này. Hơn nữa, bất kỳ phản ứng hung hăng nào cũng có thể làm suy yếu hình ảnh của Trung Quốc như một nhà lãnh đạo khu vực mang tính xây dựng, đồng thời đi ngược lại diễn ngôn hợp tác của họ, đặc biệt là khi so sánh với việc họ mô tả Mỹ là một “kẻ bắt nạt”.
Hơn nữa, khả năng áp dụng một ngưỡng tỉ lệ đầu vào hàng Trung Quốc rất thấp để định nghĩa khái niệm trung chuyển, qua đó gây ra hậu quả kinh tế nghiêm trọng cho Trung Quốc, là tương đối thấp. Các quan chức Việt Nam và các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ, cũng như các tập đoàn đa quốc gia Hoa Kỳ có hoạt động sản xuất tại Việt Nam, đều có động lực mạnh mẽ để phản đối một định nghĩa quá rộng về “trung chuyển”. Một cách tiếp cận như vậy sẽ giúp ngăn ngừa gián đoạn quan hệ thương mại Việt – Mỹ và làm giảm khả năng Bắc Kinh áp dụng các biện pháp trả đũa quyết liệt.
Việc Mỹ kiên quyết hạn chế hoạt động trung chuyển hàng hóa của Trung Quốc và việc Trung Quốc đe dọa trả đũa phản ánh động lực lớn hơn trong cạnh tranh kinh tế và chiến lược Mỹ – Trung, một cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt nơi các quốc gia nhỏ hơn như Việt Nam bị kẹt ở giữa. Việt Nam, với nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào thị trường xuất khẩu Hoa Kỳ, cũng như thị trường nhập khẩu Trung Quốc cho các vật tư đầu vào quan trọng, có rất ít không gian để xoay xở. Một mặt, Hà Nội không thể phớt lờ yêu cầu của Mỹ về việc trấn áp gian lận trung chuyển, nếu xét tầm quan trọng của thị trường Mỹ đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Mặt khác, Hà Nội cũng không muốn gây hấn với Trung Quốc, bởi quan hệ với Bắc Kinh vẫn rất quan trọng đối với an ninh và kinh tế của Việt Nam.
Hoa Kỳ và Trung Quốc nên nhận thức được tình hình khó khăn mà các quốc gia như Việt Nam đang phải đối mặt và nỗ lực giảm thiểu thiệt hại cho bên thứ ba. Cụ thể, Washington nên tránh thúc đẩy một định nghĩa quá rộng về trung chuyển, vượt ra ngoài những trường hợp rõ ràng về dán nhãn gian lận xuất xứ hàng hóa. Tương tự, thay vì “trừng phạt” họ vì những vấn đề mà họ không gây ra, Bắc Kinh nên hợp tác mang tính xây dựng với các quốc gia đang bị cuốn vào cuộc chiến bằng cách làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại và đầu tư song phương để bù đắp cho sự sụt giảm trong quan hệ kinh tế với Washington. Nếu Bắc Kinh và Washington áp dụng những cách tiếp cận quá hung hăng và không khoan nhượng, họ có nguy cơ tạo ra một kịch bản tất cả các bên cùng thua. Theo đó, sự gián đoạn kinh tế toàn cầu không chỉ gây tổn hại cho các quốc gia như Việt Nam mà cuối cùng còn gây bất lợi cho chính hai cường quốc.
Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên chuyên trang Fulcrum, ngày 14/07/2023.