Nguồn: Klaus Larres, 克劳斯·拉雷斯:谈论中美关系时,永远要记住丘吉尔的这句名言, Guancha, 10/07/2025.
Biên dịch: Lê Thị Thanh Loan
Lời giới thiệu: “Thuế quan đối ứng” của Tổng thống Mỹ Donald Trump lại một lần nữa bị hoãn lại.
Vào ngày 8/7, sau khi ra lệnh gia hạn thời gian tạm hoãn“thuế quan đối ứng” trong 90 ngày (hạn chót là ngày 9/7) đến ngày 1/8, Trump tuyên bố mốc thời gian này “sẽ không thay đổi nữa”, đồng thời sẽ áp dụng mức thuế mới 50% đối với tất cả các loại đồng nhập khẩu vào Mỹ. Chỉ một ngày trước đó, ông tuyên bố với hai đồng minh châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc rằng, Mỹ sẽ áp dụng mức thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ hai nước này kể từ ngày 1/8.
Trong giai đoạn đếm ngược gần đây, các nước đang ráo riết tiến hành các bước hòa giải cuối cùng. Mặc dù Mỹ đã đạt được thỏa thuận với Việt Nam vào ngày 2/7, các cuộc đàm phán với phần lớn các đối tác thương mại chủ chốt vẫn đang rơi vào bế tắc và chưa có dấu hiệu đột phá.
Về tác động của Trump 2.0 đối với quan hệ Trung-Mỹ, quan hệ xuyên Đại Tây Dương và trật tự toàn cầu, trong khuôn khổ Diễn đàn Hòa bình Thế giới vào ngày 3/7/2025, Guancha đã có cuộc đối thoại với Klaus Larres – Giáo sư danh dự tại Đại học North Carolina ở Chapel Hill, cựu cố vấn chính sách cấp cao của Đại sứ quán Đức tại Trung Quốc và cựu nghiên cứu viên toàn cầu tại Trung tâm Wilson ở Washington D.C.
Guancha: Xin chào Giáo sư Larres. Trong Chiến tranh Lạnh, chắc chắn rằng Kissinger và Nixon đã định hình quan hệ Trung-Mỹ, và chuyến thăm Trung Quốc của họ là dấu mốc lịch sử trong quan hệ hai nước. Tuy nhiên, dưới thời chính quyền Biden, Mỹ đã coi Trung Quốc là quốc gia duy nhất có khả năng thách thức vị thế toàn cầu của Mỹ. Theo quan điểm của ông, quan hệ Trung-Mỹ đã có những thay đổi cơ bản nào trong nửa thế kỷ qua? Giáo sư có thể liệt kê một số bước ngoặt quan trọng không?
Klaus Larres: Cảm ơn câu hỏi của bạn. Vào những năm 1970, khi Nixon và Kissinger dẫn dắt chính sách đối ngoại của Mỹ, Trung Quốc vẫn là một quốc gia đang phát triển điển hình, với trình độ phát triển còn thấp. Vào thời điểm đó, Trung Quốc không thể cạnh tranh với các quốc gia khác, đặc biệt là với các nước phương Tây, về nhiều lĩnh vực bao gồm khoa học và công nghệ. Vì vậy, phương Tây chúng tôi thường nói rằng, Nixon và Kissinger đã “mở cửa cho Trung Quốc” và đưa Trung Quốc từ “bên ngoài” vào trong.
Chuyến đi phá băng của Nixon và Kissinger đã rất hiệu quả, và khiến quan hệ kinh tế, thương mại và chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ đạt được những bước tiến đáng kể. Sự giao lưu giữa hai nước cũng giúp Trung Quốc phát triển và trở thành một nền kinh tế thành công. Một số người Mỹ thậm chí còn tin rằng Mỹ đã “nuôi nấng” Trung Quốc trưởng thành giống như một người cha.
Từ góc nhìn này, họ cho rằng 50 năm “nuôi nấng” ấy đã tạo nên một Trung Quốc hùng mạnh và đủ sức cạnh tranh với Mỹ. Trên thực tế, khi con cái bắt đầu cạnh tranh với người cha về lợi ích, người cha sẽ khó mà vui vẻ, hay nếu học trò cạnh tranh với thầy giáo, người thầy cũng sẽ chẳng mấy vui vẻ. Đây chính xác là hình ảnh của quan hệ Mỹ-Trung hiện nay.
Trên thực tế, quan hệ Mỹ-châu Âu cũng từng bước qua những trải nghiệm tương tự. Sau Thế chiến thứ hai, Mỹ đã giúp châu Âu tái thiết thông qua Kế hoạch Marshall, đưa châu Âu từ một vùng đất hoang tàn trở nên hùng mạnh. Tuy nhiên, khi châu Âu đã trở thành một thế lực giàu sức cạnh tranh, Mỹ không còn vui vẻ với điều đó nữa và không muốn để nước mình bị châu Âu cạnh tranh. Vậy là tình hình đã phát triển thành cục diện mà chúng ta thấy ngày nay.
Do đó, căng thẳng giữa Mỹ và châu Âu, cũng như giữa Mỹ và Trung Quốc, phần lớn bắt nguồn từ sự cạnh tranh kinh tế và chính trị. Chẳng hạn, 50 năm trước, Trung Quốc không thể sản xuất được ô tô chất lượng cao; 50 năm sau, Trung Quốc có công nghệ xe điện dẫn đầu thế giới, thậm chí còn trở thành nhà sản xuất xe điện tốt nhất toàn cầu. Sự phát triển nhanh chóng chỉ trong 50 năm này đã khiến nhiều quốc gia lo ngại, đặc biệt là các nước phương Tây đang cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc.
Nỗi lo ngại này có thể giải thích phần lớn căng thẳng hiện nay giữa Trung Quốc và phương Tây. Tất nhiên, những căng thẳng hiện nay cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố địa chính trị, chẳng hạn như vấn đề Biển Đông, vấn đề Eo biển Đài Loan, vấn đề Hồng Kông và nhiều tranh chấp địa chính trị khác. Những yếu tố này đã làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa Trung Quốc và nhiều nước phương Tây.
Guancha: Mặc dù tồn tại những vấn đề mang tính cấu trúc này, chúng ta cũng có thể nghe được một vài tin tức tích cực: Các báo cáo truyền thông gần đây cho thấy các cuộc đàm phán thương mại Trung-Mỹ đang có tiến triển, và dường như cả hai bên có thể kiềm chế lẫn nhau. Từ góc độ này, ông có nghĩ rằng Trung Quốc và Mỹ có khả năng tìm ra một con đường chung sống hòa hợp mà cả hai bên đều có thể chấp nhận không?
Klaus Larres: Tất nhiên là có thể, cả Trung Quốc và Mỹ đều là những cường quốc với dân số đông. Dân số Trung Quốc thậm chí còn lớn hơn Mỹ. Trung Quốc và Mỹ có lẽ là hai quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Hai nước này phải cùng tồn tại. Trung Quốc và Mỹ còn có thể làm gì khác ngoài việc cùng tồn tại? Do đó, cả Trung Quốc và Mỹ cần nỗ lực để đạt được sự cùng tồn tại, bàn về quan hệ thương mại thông qua đối thoại và tìm kiếm các giải pháp hợp lý thông qua hợp tác nhằm giải quyết các xung đột thương mại hoặc thuế quan.
Chúng ta đều biết Tổng thống Trump không hài lòng về thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, đặc biệt là thâm hụt thương mại hàng hóa. Do đó, ông đã áp thuế lên Trung Quốc, và có thời điểm mức thuế lên tới 145%. Sau đó, Trung Quốc trả đũa bằng cách áp thuế 125% lên hàng hóa Mỹ.
Không còn nghi ngờ gì nữa, đối với phần lớn các sản phẩm, việc áp dụng mức thuế cao tới 145% hoặc 125% đồng nghĩa với việc hoàn toàn loại chúng khỏi thị trường tiềm năng, khiến chúng gần như không được ưa chuộng và cuối cùng dẫn đến sự tách rời giữa nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ. Điều này rõ ràng là không bền vững. Vì vậy, vài tháng trước tại Geneva, Trung Quốc và Mỹ đã tiến hành đàm phán, và trong “thời gian hòa hoãn” 90 ngày, Mỹ đã giảm thuế với Trung Quốc xuống còn 30%, trong khi thuế quan của Trung Quốc với Mỹ giảm xuống còn 10% (không tính các biện pháp trả đũa của Trung Quốc liên quan đến thuế quan đối với fentanyl của Mỹ). Mức thuế như vậy rõ ràng là thực tế hơn.
Trong bối cảnh mức thuế này, tình hình kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ không còn là “tách rời” nữa mà sẽ chuyển thành “giảm thiểu rủi ro”. Sau đó, hai bên đã tổ chức cuộc họp tại London. Sau cuộc họp tại London, Trung Quốc và Mỹ đã khởi động một cuộc đàm phán, nhằm mục đích tinh chỉnh và cơ chế hóa thỏa thuận khung đã được xác định trước đó, đồng thời buộc cả hai bên phải nhượng bộ.
Chúng ta vẫn chưa biết nội dung cụ thể của thỏa thuận này. Nó chưa được công bố, mà mới chỉ được đề cập một cách rất mơ hồ. Vì vậy, chúng ta không biết thỏa thuận này có nội dung ra sao, cũng không thể khẳng định liệu đó có phải là một thỏa thuận mang tính thực chất, một thỏa thuận toàn diện, hay chỉ là một thỏa thuận hẹp nhằm vào một số sản phẩm nhất định? Tôi tin rằng chúng ta sẽ biết thêm thông tin trong vài tuần tới.
Thỏa thuận London chắc chắn đã chỉ ra một hướng đi đúng đắn. Mặc dù chưa hoàn hảo, nhưng dù sao nó vẫn là một thỏa thuận, bởi vì điều cực kỳ quan trọng là Trung Quốc và Mỹ đã có thể đạt được một thỏa thuận và tiến hành đối thoại, đàm phán theo hướng đúng đắn.
Guancha: Ở đây, tôi có hai câu hỏi. Ông cho rằng thỏa thuận cuối cùng giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ là một thỏa thuận dài hạn hay ngắn hạn? Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực trong bao lâu?
Klaus Larres: Đây là một câu hỏi khó trả lời. Nếu muốn một thỏa thuận dài hạn, Trung Quốc và Mỹ sẽ cần nhiều thời gian đàm phán hơn; còn một thỏa thuận ngắn hạn chắc chắn có thể đạt được nhanh hơn, nhưng điều đó cũng thường đồng nghĩa với việc nội dung thỏa thuận sẽ mơ hồ hơn.
Do đó, tốt nhất là Mỹ và Trung Quốc nên xây dựng một thỏa thuận dài hơn và chi tiết hơn trong vòng đàm phán này, để hai bên hiểu rõ kỳ vọng của nhau và không dễ để lợi dụng kẽ hở trong thỏa thuận. Nếu thỏa thuận quá mơ hồ, sẽ có nhiều cách để lách luật. Vì vậy, một thỏa thuận càng chi tiết càng lý tưởng. Tôi không chắc về độ dài của nó. Có thể là 10 trang, 20 trang, 30 trang, hoặc thậm chí 100 hoặc 200 trang? Nhưng chắc chắn sẽ dài hơn một hoặc hai trang.
Còn về việc thỏa thuận này có thể kéo dài trong thời hạn bao lâu, tôi cho rằng một thỏa thuận như vậy nên được thực thi ít nhất cho đến hết nhiệm kỳ của chính quyền Trump, tức là khoảng 3 năm hoặc thậm chí lâu hơn. Tuy nhiên, việc ký kết một thỏa thuận dài hạn (ví dụ 10 năm) là rất khó, và Trump cũng không muốn áp đặt những nội dung đã đàm phán trong nhiệm kỳ của mình lên người kế nhiệm.
Hơn nữa, quan hệ thương mại Trung-Mỹ đang thay đổi rất nhanh chóng. Sự phát triển của AI và tiến bộ của công nghệ cao đang liên tục tái định hình quan hệ thương mại Trung-Mỹ. Do đó, tôi cho rằng một thỏa thuận thực sự dài hạn có thể khó đạt được, nhưng thời hạn hiệu lực của thỏa thuận ít nhất nên được kéo dài trong vài năm, chứ không chỉ vài tháng hay vài tuần, vì điều đó không phù hợp với lợi ích của bất kỳ bên nào.
Guancha: Gần đây, hãng tin Kyodo News của Nhật Bản bất ngờ đưa tin Trung Quốc dự định mời Trump tham dự lễ duyệt binh kỷ niệm 80 năm chiến thắng trong Cuộc Kháng chiến chống Nhật vào ngày 3/9. Guancha cũng đã đăng tải nhiều bài viết kêu gọi mời Trump tham dự. Theo hiểu biết của ông về Trump, liệu Trump có thể đến tham dự không? Điều này sẽ ảnh hưởng ra sao đến quan hệ Trung-Mỹ và thậm chí là cục diện toàn cầu? Ví dụ, liệu có thể hình thành cái gọi là “Hệ thống Yalta Mới” mà một số người đã đề cập hay không?
Klaus Larres: Tôi cho rằng Trump sẽ bị thu hút bởi đề xuất này, vì ông thích các cuộc duyệt binh và sự hoành tráng như vậy. Gần đây, Trump đã tổ chức một cuộc duyệt binh ở Washington, mặc dù nó gây ra rất nhiều tranh cãi ở Mỹ. Trump thực sự thích các cuộc duyệt binh và muốn có những cảnh tượng như vậy.
Chúng ta cũng từng thấy Trump thưởng thức lễ duyệt binh mừng Quốc khánh Pháp. Vì vậy, về nguyên tắc, tôi nghĩ Trump sẽ rất hứng thú với ý tưởng này, nhưng tôi không nghĩ ông có thể tham dự một sự kiện như vậy trong tình hình căng thẳng hiện nay. Nếu quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn căng thẳng, nếu hai bên vẫn có những bất đồng lớn về cách thức tiến hành thương mại và tiếp tục áp đặt thuế quan cao lên hàng hóa của nhau, thì Trump sẽ không thể xuất hiện tại cuộc duyệt binh, vì điều đó sẽ rất kỳ quặc.
Nếu Trung Quốc và Mỹ có thể đạt được thỏa thuận thương mại trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 8, Trump có thể lấy cớ tham gia lễ duyệt binh để ăn mừng. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để Trump đến Trung Quốc có lẽ phải là một thỏa thuận thương mại Trung-Mỹ đã đạt được trước đó.
APEC cũng sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Vài năm trước, Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đã có cuộc gặp không chính thức bên lề hội nghị. Trump cũng có thể sắp xếp một cuộc họp công việc bên ngoài khuôn khổ chính của hội nghị, nơi các nhóm cố vấn cốt lõi của ông và Chủ tịch Tập có thể ngồi lại với nhau để giải quyết một số bất đồng còn tồn đọng.
Nếu đàm phán Trung-Mỹ đạt được tiến triển đáng kể tại APEC, tôi hoàn toàn có thể hình dung Trump sẽ đến Bắc Kinh để tham dự một lễ kỷ niệm trọng thể. Như tôi đã nói, Trump thích những sự kiện lớn, bao gồm cả lễ duyệt binh, nhưng việc liệu ông có thể tham dự vào ngày 3/9 hay không thì phải đợi đến tháng 7 hoặc tháng 8 mới đánh giá được. Tôi không nghĩ Trump có thể đến Bắc Kinh nếu không có một thỏa thuận thương mại làm hài lòng cả hai bên và khi tình hình vẫn còn căng thẳng.
Guancha: Nếu Trump đến Bắc Kinh để tham dự lễ kỷ niệm 80 năm chiến thắng trong Cuộc Kháng chiến chống Nhật, liệu chúng ta có thể kỳ vọng về sự ra đời của một trật tự thế giới mới không?
Klaus Larres: Tôi không nghĩ chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Trump hay chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ lập tức mở ra một kỷ nguyên mới. Nhưng đó chắc chắn là một bước đi đúng đắn, giúp giảm bớt căng thẳng và khiến quan hệ giữa hai nước trở nên thân thiện hơn. Tuy nhiên, tôi không cho rằng thế giới sẽ thay đổi chỉ sau một đêm. Cái gọi là “Trật tự thế giới mới” mà một số người đề cập không thể đạt được chỉ trong chốc lát. Nó phải là một quá trình tiến triển dần dần.
Trật tự tự do mà Mỹ thiết lập sau Thế chiến thứ hai và vẫn còn hiệu lực cho đến ngày nay không phải hình thành chỉ sau một đêm hay trong vài tuần, mà được xây dựng dần dần kể từ sau năm 1945. Tôi không nghĩ các quốc gia khác sẽ đột nhiên chấp nhận một trật tự bị áp đặt. Đây vẫn sẽ là một quá trình tiến triển dần dần.
Thẳng thắn mà nói, tôi không cho rằng một trật tự toàn cầu mới sẽ được xây dựng chỉ bởi riêng Trung Quốc và Mỹ. Trật tự thế giới mới này phải có sự tham gia của nhiều quốc gia hơn nữa. Ngày nay, mọi người đều bàn về một trật tự đa phương mới, mà một trật tự đa phương thực sự không bao giờ có thể được xây dựng đơn phương bởi hai nước lớn. Liên minh châu Âu (EU) cần phải tích cực tham gia, các quốc gia quan trọng như Ấn Độ và Ả Rập Xê Út cũng không thể thiếu. Sự tham gia rộng rãi của các cường quốc mới nổi như Brazil sẽ là chìa khóa để hiện thực hóa kế hoạch này.
Guancha: Giờ chúng ta hãy nói về chính sách đối ngoại của Mỹ. Trong cuộc chiến hiện nay giữa Iran và Israel, chúng ta có thể thấy rõ rằng chính sách đối ngoại của Trump chịu ảnh hưởng kép của cả phe MAGA lẫn giới hoạch định chính sách đối ngoại truyền thống. Điều này phản ánh những đặc điểm mâu thuẫn nội bộ nào của Mỹ? Theo ông, về lâu dài thì phe nào sẽ chiếm thế chủ đạo trong lĩnh vực ngoại giao?
Klaus Larres: Đây là một câu hỏi nan giải và đòi hỏi phải đưa ra nhiều giả định. Tôi nghĩ chúng ta có thể chắc chắn rằng, dù Donald Trump đột ngột qua đời vì đau tim vào ngày mai hay sẽ rời nhiệm sở sau ba năm rưỡi nữa, thì phong trào MAGA cũng sẽ không biến mất chỉ sau một đêm và có lẽ sẽ tiếp tục tồn tại.
Nếu không có Trump, ảnh hưởng của phong trào này có thể suy giảm, nhưng không phải tất cả mọi người đều sẽ hoàn toàn từ bỏ. Vẫn sẽ có nhiều nhân vật có tầm ảnh hưởng tiếp tục thúc đẩy phong trào này. Tuy nhiên, tôi cho rằng phong trào MAGA hiện phụ thuộc rất nhiều vào Trump với tư cách là nhà lãnh đạo. Nếu không có Trump, nó vẫn có thể duy trì ảnh hưởng trong một thời gian, nhưng sẽ không còn chiếm thế chủ đạo như trước nữa.
Tôi nghĩ sau Trump, các thế lực truyền thống hơn trong chính trường Mỹ sẽ quay trở lại sân khấu. Đảng Dân chủ hiện đang suy yếu, với những tranh chấp nội bộ và việc thiếu một nhà lãnh đạo có thể đại diện cho toàn đảng. Có lẽ họ cần hoàn tất việc tái thiết trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2026. Đồng thời, Elon Musk cũng đang thành lập một đảng thứ ba độc lập với hai đảng. Nỗ lực này không phải là hiếm trong lịch sử chính trị Mỹ, nhưng chưa ai thành công. Vì vậy, việc liệu Musk có thành công hay không vẫn còn là một dấu hỏi, nhưng động thái này có thể thu hút nhiều sự chú ý ngay từ đầu.
Nhìn chung, sau Trump, sẽ có nhiều thế lực chính trị cạnh tranh lẫn nhau ở Mỹ, và thật khó để dự đoán ai sẽ giành chiến thắng cuối cùng. Tuy nhiên, tôi nghiêng về khả năng rằng Đảng Dân chủ trong tương lai sẽ mạnh mẽ hơn so với hiện tại, và mức độ phản cảm của người dân đối với Trump và chủ nghĩa Trump sẽ gia tăng theo thời gian.
Nhìn chung, sau khi một tổng thống nắm quyền trong bốn hay tám năm, đảng đối lập thường có nhiều cơ hội hơn vì người dân đã chán ngán đảng và ban lãnh đạo đương nhiệm, đồng thời mong muốn những ý tưởng và chính sách mới mẻ, cũng như muốn chính phủ điều chỉnh chính sách sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển của thời đại. Và Trump cũng không phải ngoại lệ.
Mặc dù Trump hiện đang nắm vị thế áp đảo trong chính trường Mỹ và khó có thể hình dung được rằng tình hình này sẽ hoàn toàn thay đổi trong vài năm tới, nhưng tôi dự đoán Trump sẽ không còn ảnh hưởng mạnh mẽ như hiện tại trong vài năm tới. Vài năm sau khi Trump rời nhiệm sở, chủ nghĩa Trump có lẽ sẽ chỉ còn được coi là một hiện tượng hay một thuật ngữ lịch sử.
Guancha: Ông nhìn nhận thế nào về cuộc cạnh tranh giữa phe MAGA và giới chính sách đối ngoại truyền thống để giành quyền chủ đạo trong chính sách đối ngoại của Trump? Tôi tin ông cũng nhận thấy rằng giữa hai bên đã có một cuộc xung đột gay gắt về việc có nên tấn công Iran hay không. Cuối cùng, Israel đã thông qua mô hình truyền thống hơn để thúc đẩy Mỹ tấn công Iran, nhưng Trump cũng đáp ứng các yêu cầu của phe MAGA và không can dự trên quy mô lớn vào Iran, mà lựa chọn tấn công chớp nhoáng rồi rút lui. Ông nghĩ bên nào sẽ chiếm ưu thế trong nhiệm kỳ của Trump?
Klaus Larres: Đúng vậy, quả là có những thế lực đối lập trong chính sách đối ngoại và chính trị Mỹ, và nhóm vận động hành lang của Israel chắc chắn rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, tôi cho rằng phong trào MAGA vẫn sẽ chi phối chính sách đối ngoại dưới thời Trump. MAGA không ủng hộ cuộc tấn công Iran, và Trump ngay sau đó cũng khẳng định rằng đó chỉ là một hành động nhất thời, một cuộc tấn công chớp nhoáng diễn ra trong một đêm. Cuộc tấn công đó đã giải quyết vấn đề, phá hủy các cơ sở hạt nhân của Iran và rồi kết thúc.
Nếu Mỹ tiếp tục cuộc chiến đó, hoặc nếu việc ném bom Iran kéo dài hàng tuần, tôi nghĩ Trump sẽ gặp rắc rối. Nhưng thực tế không phải vậy, vì đợt tấn công chỉ kéo dài trong một đêm. Tôi không nghĩ phong trào MAGA lo ngại về hành động này của Trump, họ nghĩ Trump đang làm tốt.
Phong trào MAGA hiện vẫn nhất quán với Trump và chưa có dấu hiệu bị chia rẽ. Trong nội bộ phong trào thỉnh thoảng vẫn có những lời chỉ trích Trump, nhưng trước mắt thì những tiếng nói này chưa chiếm thế chủ đạo.
Guancha: Gần đây, Mỹ đã tiếp tục cắt giảm lượng vũ khí cung cấp cho Ukraine, trong khi châu Âu tuyên bố sẽ tiếp tục hỗ trợ. Ông nghĩ chính sách của Mỹ đối với Ukraine sẽ đi về đâu? Liệu Mỹ có rút hoàn toàn khỏi một số khu vực ở châu Âu và bỏ qua vai trò của châu Âu để tiến tới hòa giải toàn diện với Nga không?
Klaus Larres: Có lẽ là không. Nhưng Trump có thể dần cắt giảm viện trợ cho Ukraine, tương tự như việc ông đã bắt đầu làm vài ngày trước bằng cách ngừng cung cấp một số loại đạn dược cho Ukraine. Trong tương lai, hỗ trợ quân sự cho Ukraine có thể bị tạm ngưng hoặc thậm chí hạn chế, việc chia sẻ thông tin tình báo và dữ liệu vệ tinh cũng có thể bị cắt giảm.
Từ lâu, Trump đã tỏ ra lạnh nhạt với Ukraine và Tổng thống Zelensky. Vì vậy, có thể dự đoán rằng Trump sẽ giảm bớt sự can dự của Mỹ vào Ukraine để tiết kiệm nguồn lực, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Trump sẽ trở nên thân thiết với Putin. Bạn biết đấy, thái độ của Trump đối với Putin cũng đã nguội lạnh.
Putin từng có nhiều cơ hội để đàm phán với Trump về lệnh ngừng bắn trong cuộc chiến ở Ukraine, nhưng Putin đã không nắm bắt những cơ hội đó và điều này khiến Trump bực bội. Do đó, tôi không thấy khả năng Putin và Trump đột nhiên trở nên thân thiết. Họ sẽ không thù ghét nhau, nhưng khó có khả năng đột nhiên trở thành “người tình chính trị”. Trong khi đó, Ukraine vẫn sẽ tiếp tục hứng chịu những tổn thất nặng nề.
Tuy nhiên, nếu không ủng hộ Ukraine một cách triệt để, Trump sẽ gián tiếp góp phần vào chiến thắng của Nga. Tất nhiên, châu Âu sẽ cố gắng lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại sau khi Trump cắt giảm hoặc rút viện trợ cho Ukraine, nhưng sẽ rất khó để thực hiện những nỗ lực này. Nếu không có viện trợ quân sự của Mỹ hoặc viện trợ của Mỹ bị cắt giảm, Ukraine sẽ phải chịu thiệt hại rất lớn. Đây quả là một điều đáng tiếc.
Guancha: Trước đây, từng có học giả cho rằng “Biden sẽ là vị tổng thống cuối cùng của ‘chủ nghĩa xuyên Đại Tây Dương’”. Xét đến biểu hiện của chính quyền Trump hiện tại, có thể thấy họ rất muốn chuyển hóa các cam kết an ninh với nước ngoài thành lợi ích kinh tế. Liệu điều này có dẫn đến sự thay đổi căn bản trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương không? Liệu quan hệ xuyên Đại Tây Dương có khả năng phục hồi sau thời Trump không?
Klaus Larres: Tôi cho rằng điều này không liên quan đến ý tưởng chuyển hóa các cam kết hay chính sách an ninh thành lợi ích kinh tế của Mỹ. Đúng là Trump thực sự rất thích tiền bạc, ông muốn kiếm tiền cho bản thân, gia đình và cả quốc gia. Và trong số các tổng thống Mỹ, hiếm có ai lại có sở thích kiếm tiền như vậy. Nhưng tôi tin rằng bất kỳ tổng thống nào sau Trump cũng sẽ không đưa ra quyết sách dựa trên động cơ kiếm tiền như vậy.
Hiện nay, quan hệ xuyên Đại Tây Dương quả thực đã bị tổn hại dưới thời Trump, với nguyên nhân là các vấn đề tài chính chứ không phải vì yếu tố ý thức hệ. Trump dành ít sự đầu tư và quan tâm cho châu Âu hơn hẳn mọi đời tổng thống trước đây, bao gồm cả Biden. Biden là một người theo chủ nghĩa xuyên Đại Tây Dương thực sự. Trong khi đó, Trump về cơ bản không mấy quan tâm đến châu Âu và thậm chí còn cho rằng châu Âu đang “bóc lột” nước Mỹ.
Trump cho rằng châu Âu đang “đi nhờ” cỗ xe an ninh của Mỹ và phụ thuộc quá mức vào Mỹ trong chính sách an ninh. Sự phụ thuộc này chính là điều ông coi thường. Trump yêu thích các quốc gia hùng mạnh và các nhà lãnh đạo mạnh mẽ, nên đương nhiên sẽ chẳng thèm bận tâm tới một châu Âu “yếu đuối” dường như đang phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ. Dù kiểu nhận thức và chính sách này sẽ không kéo dài lâu, nhưng nó đã khiến người châu Âu vô cùng thất vọng về chính quyền Trump và đường lối của Mỹ.
Trump đã gây ra tổn hại lâu dài cho quan hệ xuyên Đại Tây Dương: Hình tượng của Mỹ tại châu Âu đã bị tổn hại nghiêm trọng, và mức độ tin tưởng cũng như sự phụ thuộc của châu Âu vào Mỹ cũng suy giảm đáng kể. Nếu trong tương lai xuất hiện một tổng thống mới với lập trường hoàn toàn khác về các vấn đề xuyên Đại Tây Dương, mối quan hệ này có thể được hàn gắn, nhưng điều đó chắc chắn không thể xảy ra trong một sớm một chiều. Sẽ cần ít nhất một nhiệm kỳ tổng thống hoặc thậm chí lâu hơn, để xây dựng lại niềm tin và tín nhiệm trước đây.
Tuy nhiên, không có gì đảm bảo cho độ hiệu quả của việc hàn gắn này; có lẽ sau nhiệm kỳ của Trump, quan hệ xuyên Đại Tây Dương sẽ bị tổn hại vĩnh viễn và không bao giờ có thể trở lại mối quan hệ hòa hợp như chúng ta từng biết. Rất khó để ước tính tác động cụ thể của Trump đối với quan hệ xuyên Đại Tây Dương, nhưng chắc chắn rằng chính quyền Trump đã gây ra những thiệt hại to lớn.
Đồng thời, Trump cũng không mấy quan tâm đến NATO. Ông rất hài lòng với sự tái vũ trang của NATO và yêu cầu các quốc gia thành viên phải chi 5% GDP cho quốc phòng. Trump đã dành rất nhiều công sức cho việc này, nhưng lại hoàn toàn coi thường EU.
Người Mỹ, cũng như người Trung Quốc, không mấy hiểu rõ cách thức hoạt động của EU. EU không phải một quốc gia dân tộc, mà là một thực thể siêu quốc gia. Cả Trung Quốc và Mỹ đều ưu tư duy theo lối quốc gia dân tộc, chẳng hạn như Ấn Độ, Đức, Vương quốc Anh, Luxembourg…
Thế nhưng điều mà Trung Quốc và Mỹ phải đối mặt là một thực thể siêu quốc gia gồm 27 nước thành viên, với ba “tổng thống”: Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch Nghị viện châu Âu. Cách tổ chức này chắc chắn khiến những người như Trump cảm thấy bối rối, ông không biết nên gọi ai, cũng không biết ai mới thực sự là “Tổng thống châu Âu”. Vì vậy, Trump không hề ưa thích EU.
Tất nhiên, từ góc nhìn của thế giới bên ngoài, nếu đối thủ là một tổ chức gồm 27 quốc gia thành viên thì sức mạnh của nó tất nhiên sẽ lớn hơn nhiều so với một quốc gia đơn lẻ. Vì vậy, lãnh đạo của các quốc gia khác thường thích làm việc với Thủ tướng Đức, Thủ tướng Anh hơn là với toàn EU, bởi vì đối với họ, những nhà lãnh đạo này “yếu” hơn so với toàn bộ EU.
Trump vốn thích chiếm thế chủ đạo và không muốn ở thế yếu. Vì vậy, ông vừa không hiểu cũng vừa không ưa EU, thậm chí còn cho rằng các nước EU đang liên hợp để đối phó với Mỹ. Nhưng thành thật mà nói, đây không phải là hiện tượng chỉ mới xuất hiện dưới thời Trump. Ngay từ thời Nixon và Kissinger, Mỹ đã không hiểu và cũng không thích Cộng đồng Kinh tế châu Âu khi đó. Vào thời điểm đó, tổ chức này nhỏ hơn, chỉ có 9 quốc gia. Giờ đây, khi số lượng thành viên đã tăng lên 27 quốc gia, điều này lại càng khó chấp nhận từ góc nhìn của Trump. Trump có rất ít ấn tượng tốt đẹp về châu Âu và điều này không có lợi cho quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Guancha: Cuối cùng, chúng ta hãy quay lại vấn đề quan hệ Trung-Mỹ. Với tư cách là cựu nghiên cứu viên tại Viện Kissinger về Trung Quốc và Mỹ thuộc Trung tâm Wilson, theo hiểu biết của ông về Kissinger, nếu ông ấy còn sống, liệu Kissinger sẽ đánh giá ra sao về quan hệ Trung-Mỹ hiện nay?
Klaus Larres: Vâng, tôi từng có nhiều cuộc trò chuyện dài với Henry Kissinger. Trước đây, khi còn là giáo sư phụ trách về chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế tại Thư viện Quốc hội Mỹ ở Washington D.C., tôi đã có nhiều cuộc trao đổi với Kissinger, nhưng chủ đề thảo luận chủ yếu của chúng tôi tập trung vào châu Âu và hiếm khi bàn đến Trung Quốc.
Tuy vậy, Kissinger luôn mang một thái độ rất có tính xây dựng đối với Trung Quốc. Ông hy vọng có thể “phá băng” để đưa Trung Quốc vào cuộc chơi và coi Trung Quốc là một cường quốc quốc tế quan trọng. Trong những năm 1970, Kissinger đã tận dụng bất đồng giữa Trung Quốc và Liên Xô, dùng Trung Quốc để kiềm chế Liên Xô và mang lại lợi ích cho Mỹ. Đây là một chiến lược vừa khéo léo vừa khôn ngoan, và đã để lại ảnh hưởng sâu rộng trong suốt Chiến tranh Lạnh.
Trên thực tế, sau khi chiến lược này được thực thi, quan hệ Mỹ-Trung Quốc-Liên Xô kể từ thập niên 1970 trở đi đã tốt hơn đáng kể so với những năm 1950-1960. Kissinger đã có những đóng góp to lớn cho thành tựu này. Người Trung Quốc cũng đánh giá cao Kissinger, vì họ cho rằng ông tôn trọng, cởi mở hơn với Trung Quốc và gần như coi Trung Quốc là một đối tác ngang hàng với Mỹ.
Tất nhiên, chúng ta cũng phải ghi nhận vai trò của Tổng thống Nixon trong sự chuyển đổi này. Ban biết đấy, dù Kissinger thường thích nhận công lao về mình, nhưng chính Tổng thống Nixon mới là người thực sự đưa ra quyết định cuối cùng và định hình cục diện. Kissinger chỉ từng giữ chức Cố vấn An ninh Quốc gia và Ngoại trưởng Mỹ, chứ chưa từng là Tổng thống.
Tuy nhiên, cục diện quan hệ Trung-Mỹ đã thay đổi rất lớn kể từ thời Kissinger, đặc biệt là kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001 và nhanh chóng phát triển thành một nền kinh tế hùng mạnh. Như tôi đã đề cập ở đầu buổi phỏng vấn, cục diện cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ dần dần trở nên rõ rệt trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ 21.
Trong nhiệm kỳ của Kissinger với tư cách là Cố vấn An ninh Quốc gia và Ngoại trưởng Mỹ, Trung Quốc thua kém rất xa so với Mỹ cả về kinh tế, chính trị và quân sự, và hoàn toàn không đủ khả năng cạnh tranh với Mỹ. Vì vậy, trong thời Kissinger, nỗi lo ngại rằng Trung Quốc sẽ cạnh tranh với Mỹ là điều hoàn toàn không có cơ sở. Sự cạnh tranh thực sự giữa Trung Quốc và Mỹ chỉ gia tăng sau khi Kissinger rời nhiệm sở, và điều này cho đến nay đã định hình quan hệ Trung-Mỹ ở mọi cấp độ, từ kinh tế, thương mại đến địa chính trị. Sự cạnh tranh này cần phải được làm rõ, nếu không sẽ có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát.
Khi có người đề cập đến khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh Trung-Mỹ trong tương lai vì sự cạnh tranh này, tất cả chúng ta cần kiên quyết phản đối. Thậm chí, chúng ta không nên tiếp cận theo hướng này hay bàn luận về vấn đề này. Bởi vì một cuộc chiến như vậy sẽ hủy diệt cả thế giới. Trung Quốc và Mỹ đều là các cường quốc hạt nhân, chỉ cần một quả bom hạt nhân nhỏ cũng đủ để gây ra sự hủy diệt trên diện rộng, và điều này tuyệt đối không được phép xảy ra.
Chúng ta phải đảm bảo cả hai bên duy trì đối thoại, tăng cường hợp tác và cùng tồn tại hòa bình, thay vì hủy diệt lẫn nhau. Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều hiểu điều này, nó không phải điều gì bí mật. Các nhà lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc, châu Âu và các khu vực khác đều nhận thức rất rõ về mối nguy của bất kỳ cuộc xung đột nào giữa các cường quốc. Vì vậy, tôi lạc quan tin rằng chúng ta có thể tránh được cuộc xung đột này, bởi ai nấy đều ý thức được mối nguy đó và sẽ làm mọi cách để ngăn nó xảy ra.
Guancha: Nếu Kissinger còn sống, ông nghĩ ông ấy sẽ đưa ra lời khuyên gì cho Trump?
Klaus Larres: Nếu còn sống, có lẽ Kissinger sẽ không ủng hộ một cuộc chiến thương mại hay việc áp đặt những mức thuế quan hoàn toàn phi thực tế. Ông nhiều khả năng sẽ thuyết phục Trump gặp gỡ các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhiều hơn, đặc biệt là khuyến khích đội ngũ cố vấn và Ngoại trưởng của Trump thường xuyên đối thoại với Trung Quốc.
Như lời Churchill từng nói trong bài phát biểu tại Nhà Trắng ở Washington vào ngày 26/6/1954, “Đối thoại luôn tốt hơn chiến tranh.” (To jaw-jaw is always better than to war-war). Câu châm ngôn này vẫn đúng cho đến ngày nay và cả hai bên đều hiểu rõ điều đó. Tuy nhiên, khi câu nói này thực sự được áp dụng, nó thường bị cản trở bởi các yếu tố cảm xúc hoặc sự thiếu hụt tiếp xúc ngoại giao, vì vậy chúng ta phải vượt qua những trở ngại này.