Nga có thể lợi dụng khoảng trống Mỹ để lại ở châu Âu như thế nào?

Nguồn: Andrea Kendall-Taylor, Jim Townsend, và Kate Johnston, “How Russia Could Exploit a Vacuum in Europe”, Foreign Affairs, 10/07/2025

Biên dịch: Viên Đăng Huy

Hội nghị thượng đỉnh NATO được tổ chức hai tuần trước tại The Hague đã đáp ứng đúng những kỳ vọng thấp mà các đồng minh đã đặt ra cho nó. Giữa những lo ngại rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gây xáo trộn chương trình nghị sự thông thường, các nhà lãnh đạo NATO đã cắt giảm đáng kể kế hoạch, loại bỏ các cuộc thảo luận khó khăn về những vấn đề như hỗ trợ Ukraine, quan hệ NATO-Nga và các cuộc tấn công hỗn hợp của Nga ở châu Âu. Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh đã kết thúc với một thỏa thuận lịch sử giữa hầu hết các đồng minh (Tây Ban Nha là một ngoại lệ đáng chú ý) về việc tăng chi tiêu quốc phòng của các thành viên lên 5% GDP trong mười năm tới, trong đó 3,5% dành cho chi tiêu quân sự cốt lõi và 1,5% dành cho việc củng cố cơ sở hạ tầng dân sự và khả năng chống chịu tổng thể.

Cam kết chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng, cùng với lời khen ngợi lấy lòng Trump của Tổng thư ký NATO Mark Rutte tại hội nghị, đã tạo điều kiện để Trump tuân thủ phần lớn kịch bản đã được dàn dựng kỹ lưỡng, giữ vững sự gắn kết của liên minh. Trump thậm chí dường như đã rời The Hague với sự đánh giá cao mới đối với các thành viên NATO, nói với các phóng viên: “Những người này thực sự yêu đất nước của họ. Đây không phải là một sự bóc lột, và chúng tôi ở đây để giúp đỡ họ”.

Tuy nhiên, cảm giác nhẹ nhõm của các đồng minh có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Những tiêu đề tương đối tích cực xuất phát từ hội nghị thượng đỉnh đang che khuất cơn bão đang hình thành ở bên kia Đại Tây Dương. Chính quyền Trump đang tiến hành một cuộc đánh giá toàn diện về thế trận lực lượng, dự kiến công bố vào cuối mùa hè hoặc đầu mùa thu, có thể định hình lại căn bản dấu ấn quân sự toàn cầu của Mỹ. Nếu quá trình đó dẫn đến việc giảm đáng kể và nhanh chóng lực lượng Mỹ tại châu Âu — một kết quả mà các quan chức chính quyền đã công khai gợi ý là có thể xảy ra — liên minh sẽ trở nên dễ bị tổn thương hơn trước sự gây hấn tiếp theo của Nga.

Châu Âu đang có những bước tiến lớn và ngân sách quốc phòng đang tăng lên, nhưng sẽ cần thời gian để tăng cường sản xuất và cung cấp các năng lực mà Mỹ hiện đang đảm bảo trên lục địa. Mỹ có thể thấy phù hợp để thực hiện một số điều chỉnh lực lượng ở châu Âu nhằm củng cố thế trận quốc phòng tại châu Á để đối phó với các mối đe dọa đang gia tăng từ Trung Quốc. Nhưng Washington phải lên kế hoạch cẩn thận cho bất kỳ sự dịch chuyển nào như vậy, giữ lực lượng Mỹ ở lại đủ lâu để người châu Âu có thể lấp đầy những khoảng trống sắp tới và duy trì khả năng răn đe đáng tin cậy chống lại Nga. Điều quan trọng là bất kỳ sự rút quân nào cũng phải được phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quân sự của NATO và các đồng minh phải đồng ý trước về việc bù đắp các năng lực bị mất. Nếu không, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ bị cám dỗ để lợi dụng một liên minh suy yếu.

Những tín hiệu đáng lo ngại

Những tín hiệu chính trị xoay quanh cuộc đánh giá thế trận lực lượng của Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ càng làm gia tăng nỗi sợ hãi của các đồng minh châu Âu rằng một cuộc rút quân nhanh chóng sắp diễn ra. Trong bài phát biểu tại cuộc họp đầu tiên của các Bộ trưởng Quốc phòng NATO vào tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth đã nhấn mạnh quan điểm của chính quyền Trump rằng châu Âu không còn có thể là ưu tiên của Mỹ, nói rằng do “các thực tế chiến lược”, các nhà lãnh đạo NATO ở châu Âu “nên chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ lục địa”. Những bình luận này trái ngược hoàn toàn với thông điệp mà Hegseth đưa ra tại Singapore vào tháng 5, khi ông nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và gọi đây là “mặt trận ưu tiên” của Mỹ. Thông tin truyền thông về Hướng dẫn Chiến lược Quốc phòng Quốc gia Tạm thời năm 2025 của Lầu Năm Góc – được ban hành vào mùa xuân này như một văn bản tạm thời cho Chiến lược Quốc phòng Quốc gia dự kiến được công bố vào cuối năm nay – cho thấy Bộ Quốc phòng có ý định tài trợ cho việc tăng cường quân sự ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bằng cách chuyển hướng nguồn lực từ các nơi khác, bao gồm cả châu Âu, và chấp nhận rủi ro lớn hơn ở những khu vực đó. Ngay cả Matthew Whitaker, Đại sứ Mỹ tại NATO, cũng cho biết vào tháng 5 rằng Washington “sẽ không còn kiên nhẫn” khi nói đến việc giảm sự hiện diện của Mỹ ở châu Âu.

Thái độ của chính quyền Trump đối với Nga cũng làm gia tăng mối lo ngại của các đồng minh NATO về cam kết của Mỹ đối với châu Âu. Trump đã từ chối định nghĩa Nga là một mối đe dọa, thay vào đó gọi Putin là một “người tốt” và làm rõ mục tiêu bình thường hóa quan hệ của Mỹ với Moscow. Các quan chức cấp cao của Mỹ cũng xem nhẹ rủi ro mà Putin gây ra cho châu Âu. Steve Witkoff, đặc phái viên của Trump về Trung Đông, người cũng giám sát ngoại giao với Moscow, đã nói trong một cuộc phỏng vấn với người dẫn chương trình bảo thủ Tucker Carlson vào tháng 3 rằng thật “vô lý” khi nghĩ rằng Nga sẽ “hành quân xuyên châu Âu” – một lập luận ngụy biện nhằm ám chỉ rằng các đánh giá của châu Âu về mối đe dọa từ Nga đã bị thổi phồng. Các đồng minh NATO đã lên kế hoạch trình bày một chiến lược về Nga để phê duyệt tại hội nghị thượng đỉnh tháng 6 nhưng đã đình chỉ nó vì sợ rằng họ không thể nhận được sự đồng thuận từ Trump.

Ngay cả khi Moscow không hành quân xuyên châu Âu, Nga vẫn sẽ gây ra mối đe dọa cho NATO. Quân đội Nga, mặc dù không phải không có khuyết điểm, không còn là lực lượng vô tổ chức như cách đây hơn ba năm, khi họ phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine. Kể từ tháng 2 năm 2022, Putin đã chuyển đổi nền kinh tế và quân đội Nga để hỗ trợ chiến tranh kéo dài. Chi tiêu quốc phòng của Nga vào năm 2025 lên tới 7,7% GDP, tăng 12% so với năm 2024. Nền tảng công nghiệp quốc phòng của Moscow đang hoạt động hết công suất. Như Rutte đã nói tại Chatham House vào tháng 6, “Thực tế đã cho thấy rõ ràng rằng Nga có khả năng phát động một cuộc tấn công đáng tin cậy vào lãnh thổ NATO trong vòng năm năm tới”. Nhiều cơ quan tình báo châu Âu đã đi đến những kết luận tương tự. Washington không thể liều lĩnh giảm nhanh sự hiện diện của mình ở châu Âu ngay khi Nga đang chuẩn bị cho sự gây hấn tiếp theo.

Mọi thứ cần có thời gian

NATO đã quá phụ thuộc vào Mỹ về năng lực quân sự kể từ khi liên minh được thành lập vào năm 1949. Sau Chiến tranh Lạnh, khi hầu hết các quân đội châu Âu cắt giảm đáng kể ngân sách quốc phòng, sự phụ thuộc này chỉ càng sâu sắc hơn. Mỹ cũng giảm chi tiêu quốc phòng và lực lượng ở châu Âu, từ khoảng 300.000 quân trong Chiến tranh Lạnh xuống còn khoảng 100.000 quân ngày nay (bao gồm 20.000 lực lượng bổ sung mà Washington đã triển khai vào năm 2022 sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga). Tuy nhiên, bất chấp việc giảm nhân lực này, năng lực của Mỹ vẫn là chìa khóa cho thế trận, kế hoạch, chỉ huy và kiểm soát, và mô hình lực lượng của NATO. Ngày nay, Quân đội Mỹ bổ sung lực lượng NATO dọc theo biên giới của liên minh với Nga ở Baltic và Romania, và duy trì các căn cứ thường trực ở Đức và Ba Lan. Quân đội Mỹ cũng lưu trữ thiết bị trong Kho Dự trữ Lục quân bố trí sẵn, ở Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan và Ba Lan để trang bị cho các lực lượng tăng viện triển khai bằng đường không. Hải quân Mỹ có sáu tàu khu trục lớp Aegis được triển khai tại một căn cứ của Mỹ ở Rota, Tây Ban Nha, để hỗ trợ phòng thủ tên lửa của NATO và đảm nhận các nhiệm vụ hàng hải khác ở vùng biển châu Âu, chẳng hạn như tuần tra hàng hải ở Biển Baltic. Không quân Mỹ có các phi đội chiến đấu và hỗ trợ đóng quân tại các căn cứ đồng minh trên khắp lãnh thổ NATO, từ Căn cứ Không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ đến các căn cứ ở Đức, Ý, Tây Ban Nha, Anh và quần đảo Azores.

Nếu năng lực quân sự của Mỹ bị loại bỏ khỏi các kế hoạch phòng thủ của NATO, châu Âu sẽ không thể nhanh chóng lấp đầy những khoảng trống đó, tạo ra những điểm yếu mà ông  Putin sẽ khai thác. Ví dụ, các nền tảng tình báo, giám sát và trinh sát của Mỹ là thiết yếu cho nhận thức của NATO về hoạt động của Nga. Việc rút chúng sẽ khiến liên minh đặc biệt dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công hỗn hợp của Nga, chẳng hạn như phá hoại cáp ngầm dưới biển, gây nhiễu hoặc tấn công mạng. Ít nguồn lực như vậy cũng sẽ hạn chế cảnh báo sớm về các cuộc tấn công sắp tới và cản trở khả năng của NATO trong việc lựa chọn, ưu tiên và tấn công các mục tiêu của Nga trong trường hợp xảy ra xung đột. Các quân nhân xử lý, phân tích và tổng hợp thông tin tình báo này – nhiều người trong số họ là người Mỹ – có chuyên môn quá cao để thay thế nhanh chóng và thường khan hiếm.

Châu Âu cũng vẫn phụ thuộc nhiều vào máy bay tiếp nhiên liệu trên không, máy bay vận tải hạng nặng và các “yếu tố hỗ trợ chiến lược” khác của Mỹ để di chuyển lực lượng trên khắp lục địa và cung cấp thông tin tình báo chiến trường. Mặc dù các đồng minh châu Âu đã có tiến bộ trong việc mua sắm thiết bị quân sự cần thiết để đáp ứng các trách nhiệm mới được giao trong kế hoạch của NATO, họ đã đạt được ít tiến triển hơn trong việc phát triển những năng lực cụ thể này ở quy mô lớn. Do đó, NATO sẽ gặp khó khăn trong việc di chuyển quân đội và thiết bị nhanh chóng trên khắp châu Âu trong một cuộc khủng hoảng, giống như những gì đã xảy ra sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine, khi một số đồng minh dựa vào Mỹ để chuyển quân của họ đến phía đông châu Âu nhằm tăng cường sườn phía đông. Với sự hiện diện ngày càng giảm của Mỹ, những thiếu hụt nghiêm trọng về phòng không và phòng thủ tên lửa cũng sẽ trở nên trầm trọng hơn, khiến lực lượng đồng minh và các quốc gia nằm trong tầm bắn của tên lửa và drone của Nga đặc biệt dễ bị tổn thương.

Các năng lực thiết yếu khác – hệ thống tên lửa tầm xa chính xác như HIMARS, kho dự trữ đạn dược dẫn đường chính xác và drone tiên tiến – cũng có thể bị suy giảm từ việc Mỹ rút quân sớm. Một trong những biện pháp răn đe then chốt của NATO chống lại Nga là khả năng nhắm mục tiêu đáng tin cậy vào các khí tài có giá trị cao trong lãnh thổ Nga. Việc mất đi kho dự trữ tên lửa tầm xa sẽ làm xói mòn đáng kể khả năng răn đe này và làm tăng khả năng bị tổn thương của châu Âu trong trường hợp bị Nga tấn công. Và những khoảng trống năng lực này không tồn tại đơn lẻ. Mỹ cung cấp cho quân đội châu Âu hầu hết các đơn vị hỗ trợ duy trì, bao gồm nhân viên y tế và hậu cần, cùng với một phần lớn các chuyên gia về không gian mạng, không gian và tác chiến điện tử. Ngay cả khi các quốc gia châu Âu tăng cường chi tiêu quốc phòng, thời gian để đảm nhận các chức năng mà Mỹ đang đảm nhận ngày nay sẽ kéo dài đến thập kỷ tới.

Ván cờ vô cùng nguy hiểm

Điện Kremlin có khả năng sẽ coi việc Mỹ rút quân nhanh chóng ở châu Âu là một cơ hội vàng. Moscow từ lâu đã tìm cách làm suy yếu NATO, coi sự sụp đổ của nó là một bước đi quan trọng để khẳng định lại vị thế của Nga như một cường quốc toàn cầu. Trước mắt, Điện Kremlin sẽ tận dụng bất kỳ sự rút lui nào của Mỹ để khuếch đại sự lo lắng của người châu Âu rằng Washington đang bỏ rơi họ. Khi châu Âu cảm thấy dễ bị tổn thương, Moscow sẽ tăng cường các chiến thuật cưỡng chế để đe dọa công chúng châu Âu và gây áp lực buộc các chính phủ của họ phải nhượng bộ Moscow hơn.

Khi Nga nhận thấy những khoảng trống trong các lực lượng thông thường của NATO, Moscow có thể sẽ sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn để thúc đẩy các mục tiêu của mình. Putin sẽ cho rằng với sự hiện diện càng ít hơn của Mỹ ở châu Âu, phương Tây sẽ buộc phải ưu tiên giảm leo thang, tạo ra một môi trường mà Điện Kremlin sẽ coi là đặc biệt dễ dãi và mở đường cho các hành động táo bạo hơn. Hơn nữa, Nga từ lâu đã coi người châu Âu là những người mang ơn Washington, không thể hoạt động hiệu quả nếu không có sự chỉ đạo của Mỹ. Nếu Mỹ tiếp tục giảm lực lượng nhanh chóng, Moscow có thể đánh giá rằng sự đoàn kết của châu Âu sẽ sụp đổ, thúc đẩy xu hướng của Putin trong việc đánh giá quá cao khả năng đạt được mục tiêu của Nga.

Ngay lập tức, Putin sẽ tìm cách mở rộng hơn nữa các hoạt động vùng xám ở châu Âu, chẳng hạn như cắt cáp và các hình thức phá hoại khác. Với việc giảm bớt các phương tiện tình báo, giám sát và trinh sát của Mỹ tại chỗ, các hành động gây rối sẽ khó bị các quốc gia châu Âu phát hiện hoặc xác định thủ phạm, tạo điều kiện cho Moscow hoạt động một cách ngang nhiên hơn mà không bị trừng phạt. Ngoài các cuộc tấn công hỗn hợp, Nga có thể bị cám dỗ để thực hiện hành động quân sự hạn chế. Bởi vì việc giảm khí tài của Mỹ ở châu Âu sẽ dẫn đến thời gian phản ứng chậm hơn của NATO, Putin có thể tự tin hơn rằng Moscow có thể chiếm giữ thành công lãnh thổ, ví dụ ở một quốc gia Baltic hoặc ở Svalbard, một quần đảo chiến lược của Na Uy ở Bắc Cực, và sau đó sử dụng các biện pháp cưỡng chế và đe dọa hạt nhân để buộc NATO chấp nhận kết quả. Với sự thiếu hụt phòng không và phòng thủ tên lửa cũng như việc rút tên lửa tầm xa, NATO có thể thấy khó khăn trong việc thiết lập một hệ thống phòng thủ phối hợp và ngay lập tức – làm suy yếu uy tín của NATO và thay đổi đáng kể trật tự an ninh châu Âu.

Nga sẽ không biến mất, và việc châu Âu tăng cường lực lượng sẽ mất thời gian. Nếu Mỹ có kế hoạch giảm triển khai quân đội ở châu Âu, việc chỉ đơn giản thông báo cho liên minh rằng một sự thay đổi như vậy đang diễn ra sẽ không đủ để đảm bảo khả năng bảo vệ các thành viên của NATO. Để tránh một đòn giáng mạnh vào hệ thống phòng thủ của liên minh, các đồng minh phải mua sắm ngay từ hôm nay những gì họ sẽ cần để nhanh chóng lấp đầy các khoảng trống trong tương lai. Các cơ quan quân sự của NATO phải có thời gian để xem xét và cập nhật các kế hoạch tác chiến của họ, và các quốc gia có phương tiện để làm như vậy phải cam kết sao chép các năng lực cụ thể sẽ bị mất khi Mỹ xoay trục.

Việc rút lui khi Nga đang tăng cường năng lực quân sự và trước khi châu Âu sẵn sàng tự vệ sẽ khuyến khích Điện Kremlin và làm tăng nguy cơ một cuộc chiến tranh khác – lần này dưới sự giám sát của Trump. Cách tốt nhất để ngăn chặn một cuộc chiến tranh trong tương lai ở châu Âu là đảm bảo Moscow không bao giờ dám bắt đầu một cuộc chiến. Điều đó đòi hỏi Washington và các đối tác châu Âu phải xây dựng một quá trình chuyển giao cẩn thận và có sự phối hợp chặt chẽ. Mỹ phải chỉ ra cho các đối tác của mình biết chính xác những khoảng trống mới sẽ ở đâu – từ rất sớm trước khi chúng xuất hiện.

ANDREA KENDALL-TAYLOR là Thành viên Cấp cao và là Giám đốc Chương trình An ninh Xuyên Đại Tây Dương tại Trung tâm An ninh Tân Mỹ. Từ năm 2015 đến 2018, bà giữ chức Phó Sĩ quan Tình báo Quốc gia về Nga và Âu-Á tại Hội đồng Tình báo Quốc gia.

JIM TOWNSEND là Thành viên cấp cao kiêm nhiệm tại Trung tâm An ninh Tân Mỹ. Từ năm 2009 đến 2017, ông giữ chức vụ Trợ lý Phó Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Chính sách Châu Âu và NATO.

KATE JOHNSTON là Thành viên Liên kết tại Trung tâm An ninh Tân Mỹ.