Tên gọi Trung Quốc từ đâu mà có?

Nguồn: James Palmer, “How China Got Its Name”, Foreign Policy, 08/07/2025

Biên dịch: Tạ Kiều Trang

Những điều mà các chuyên gia hiểu sai về nguồn gốc tên gọi “Vương quốc trung tâm”.

Vào tháng trước, chúng tôi đã xuất bản lược sử về việc Latinh hoá ngôn ngữ của Trung Quốc và lý do tại sao người Mỹ thường phát âm sai tên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Bài viết được yêu thích nhiều đến mức trong tuần này, chúng tôi quyết định sẽ đào sâu một mê cung ngôn ngữ học khác.

Cái tên nói lên điều gì?

Có hai điều mà chuyên gia nào cũng biết về Trung Quốc: Thứ nhất, tên gọi của nó trong tiếng Trung, Trung Quốc, có nghĩa là “Vương quốc trung tâm”. Thứ hai, tên gọi đó phản ánh niềm tin của Trung Quốc về vị thế trung tâm của mình trong các vấn đề thế giới.

Không quan niệm nào trong số trên là hoàn toàn sai, nhưng phía sau chúng là một lịch sử phức tạp hơn nhiều. (Như thường lệ, vì những thông tin trong bài này, tôi vô cùng mang ơn cuốn Lịch sử Trung Quốc: Một cẩm nang mới của Endymion Wilkinson).

Các tên gọi, đế chế và quốc gia theo thời gian có thể trở nên khó xác định, và Trung Quốc cũng không ngoại lệ. Chúng ta nghĩ rằng Đế chế La Mã kết thúc vào thế kỷ thứ năm, phần vì các sử gia về sau này đã đặt ra tên gọi “Byzantium” (Đế chế Đông La Mã) để mô tả nhà nước kế tục đã cai trị từ Constantinople cho đến năm 1453. Nhưng không một người Byzantine nào tự gọi mình như vậy; họ xưng là Romoi, nghĩa là “người La Mã” trong tiếng Hy Lạp.

Tại Trung Quốc, ngay từ thời nhà Chu vào năm 1046 TCN, các vương triều kế tiếp nhau đã tự hợp thức hóa bằng cách tuyên bố mình là bên thừa kế của một chính thể đơn nhất, bất kể là họ vừa lật đổ tiền triều – như nhà Thanh đã làm với nhà Minh, hay mong muốn trở thành bên kế tục những vương triều trước đó – như nhà Tùy.

Sự xuất hiện của “quốc gia dân tộc” (nation-state) như một đơn vị nền tảng trong địa chính trị vào thế kỷ 19 khiến các trí thức Trung Quốc khi nhìn lại đã khẳng định, Trung Quốc là một quốc gia đơn nhất đã tồn tại qua hàng thiên niên kỷ. Nhưng thực thể mà ngày nay chúng ta gọi là Trung Quốc là một khái niệm linh hoạt hơn rất nhiều, một nhận thức về di sản văn hóa chung vẫn còn tồn tại qua bao sắp đặt chính trị và người cai trị khác nhau.

Chính thể truyền thống của Trung Quốc thường không được gọi là Trung Quốc cho đến khoảng thế kỷ 16. Trong những cách dùng đầu tiên, cách đây khoảng 3000 năm, Trung Quốc có nghĩa là “các quốc gia vùng đồng bằng trung tâm”, ám chỉ lưu vực sông Hoàng Hà, nơi xuất hiện những vương quốc đầu tiên mà về sau sẽ định hình nền văn minh Trung Hoa.

Trong phần lớn lịch sử Trung Quốc, Trung Quốc thường dùng để chỉ “thủ phủ” hoặc “khu vực xung quanh thủ phủ”, nhưng đôi khi mang nghĩa là “toàn thể nền văn minh Trung Hoa”. Trong thời Chiến Quốc từ năm 475 TCN đến năm 221 TCN, các vương quốc đối địch, dù giao tranh ác liệt, vẫn tin rằng họ chia sẻ một di sản chung.

Nhưng theo thời gian, khi các đế chế kế tiếp nhau phát triển về quy mô, phạm vi những thứ bao hàm trong thế giới Trung Hoa đã được mở rộng. Ví dụ, hầu hết những người cùng thời với Khổng Tử trong thời Chiến Quốc hẳn sẽ ngỡ ngàng nếu tưởng tượng ra người Vân Nam, về sau đã bị thôn tính ở thế kỷ 13, lại thuộc về thế giới Trung Hoa.

Vào năm 221 TCN, nhà Tần cuối cùng đã nổi lên như bên chiến thắng trong thời kỳ Chiến Quốc, từ đó thống nhất toàn khu vực dưới một nền cai trị chung. Đế chế chỉ tồn tại 19 năm, nhưng những người kế vị – nhà Hán (202 TCN – 220 SCN, với một giai đoạn gián đoạn ngắn từ năm 9 – 23 SCN) – đã củng cố ý niệm về một nhà nước thống nhất đơn nhất, điều mà các vương triều sau tiếp tục kế thừa.

Ngay cả trong những thời kỳ dài, khi vùng đất bị phân chia giữa nhiều bên cai trị, ý niệm về một di sản chung vẫn tiếp tục tồn tại. Vậy người ta gọi vương triều mà họ đang sống là gì?

Phần lớn, họ dùng tên của triều đại cai trị đương thời. Nếu sống ở thế kỷ 11, họ gọi quê hương là “Tống”; nếu sống ở thế kỷ 15, họ gọi đó là “Đại Minh” và cứ như thế.

Đôi khi, những tên gọi đó kéo dài vượt qua cả thời gian tồn tại của triều đại. Di sản của nhà Hán mạnh mẽ đến mức tên gọi trở nên đồng nghĩa với Trung Quốc và người Trung Quốc. Chúng là nguồn gốc của thuật ngữ hiện đại “người Hán”, cũng như chữ Hán (Hán tự) và thuật ngữ chung để chỉ các ngôn ngữ Trung Quốc (Hán ngữ).

Nhiều thuật ngữ khác cũng thường được dùng qua hàng thiên niên kỷ để chỉ một di sản đã vượt ra ngoài phạm vi của những người cai trị đương thời, chẳng hạn như Cửu Châu, nghĩa là “chín tỉnh” – một cách nói ẩn dụ chỉ vùng đất sông Hoàng Hà nguyên thuỷ. Ở miền nam Trung Quốc và các nước láng giềng, Đường, tên của vương triều cai trị từ năm 618 đến 907, vẫn đồng nghĩa với vùng đất và con người ngay cả sau khi chính nhà Đường đã sụp đổ.

Một từ rất phổ biến là Thiên hạ (“mọi thứ dưới trời”), có thể ám chỉ mọi thứ, từ trật tự vũ trụ cho đến nền văn minh Trung Hoa, cho đến một trật tự địa chính trị với Trung Quốc là trung tâm, hay là Thiên triều (“vương triều của trời”). Vào thế kỷ 19, việc dịch từ này đã khiến người châu Âu và người Mỹ thường gọi Trung Quốc là “Thiên quốc” (the Celestial Empire), còn người Trung được gọi là “người Thiên triều” (Celestials).

Nhưng tên gọi đầu tiên, có từ trước thời nhà Hán, dùng để chỉ người Trung Quốc như một dân tộc, là Hoa, một từ có nghĩa đen là “hoa” hoặc “trổ hoa”, nhưng trên thực tế mang nghĩa đại khái là “văn minh”. Tên gọi này để phân biệt họ với những tộc man di không có chung di sản triết lý, quan niệm về vương quyền và cai trị, cùng với ngôn ngữ viết – những thứ đã thống nhất giới tinh hoa thời Chiến Quốc.

Từ Hoa đã đưa đến từ Hoa Hạ, đại khái là “thế giới văn minh” – có lẽ là thuật ngữ phổ biến nhất trong lịch sử để chỉ nền văn minh Trung Hoa. Kết hợp với từ Trung Quốc cho chúng ta từ Trung Hoa ngày nay, một cách gọi Trung Quốc lịch sự hơn được dùng, chẳng hạn, trong tên chính thức của cả Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa Dân quốc. Chư Hoa (“nhiều Hoa khác nhau”) và Chư Hạ (“nhiều Hạ khác nhau”, theo tên một vương triều cổ đại mà có lẽ là huyền thoại) cũng là những từ đồng nghĩa với “nền văn minh Trung Hoa”.

Liệu những tên gọi này có hàm ý một cảm giác ưu việt so với phần còn lại trên thế giới không? Trong bối cảnh lịch sử Đông Á, chắc chắn là có. Dù đã cố gắng mô phỏng bản thân theo hệ thống của Trung Hoa, nhưng các vương quốc Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam vẫn bị các đế chế Trung Hoa bảo hộ và bóc lột. Các dân tộc không có nhà nước ở thảo nguyên phía bắc Trung Quốc thì bị những người cai trị Trung Hoa gán khuôn mẫu, xâm lược, và kinh sợ.

Mọi chuyện trở nên phức tạp hơn khi những thế lực phương Bắc kia xâm lược và chinh phục thế giới Trung Hoa thành công, giống như quân Nguyên Mông hay đế quốc Mãn Thanh, hoặc khi những người cai trị ở Nhật Bản hay Việt Nam lúc ấy tuyên bố, họ lúc bấy giờ mới là người thừa kế đích thực của truyền thống Trung Hoa.

Trớ trêu thay, việc áp dụng rộng rãi từ Trung Quốc lại diễn ra vào một trong những thời điểm Trung Hoa suy yếu nhất. Từ những năm đầu cai trị ở thế kỷ 17, khi bắt đầu giao thiệp với các đế quốc toàn cầu khác, nhà Thanh bắt đầu sử dụng từ đó trong các văn kiện nhà nước.

Hiệp ước Nerchinsk (1689), phân chia Siberia và Trung Á giữa đế quốc Nga và đế quốc Thanh, được viết bằng năm thứ tiếng, phù hợp với tính chất đa văn hóa của những nhà cai trị Mãn Thanh. Mỗi phiên bản dùng một tên gọi khác nhau cho Trung Quốc, nhưng bản tiếng Trung đã dùng từ Trung Quốc, góp phần đặt ra tiền lệ rằng đây là thuật ngữ thích hợp trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, đến thế kỷ 19, tên gọi của Trung Quốc không chỉ còn là một vấn đề chính trị hay địa lý, mà đã là một vấn đề địa chính trị.

Giới trí thức Trung Hoa nhận thức sâu sắc về vị thế tương đối thấp của đất nước trong trật tự toàn cầu, lúc bấy giờ bị chi phối bởi các đế quốc châu Âu. Đặc biệt là sau khi triều đình nhà Thanh suýt sụp đổ sau các cuộc nổi loạn trong thập niên 1860, vị thế của Trung Quốc trong trật tự ấy vô cùng bấp bênh. Các cường quốc châu Âu xâu xé lãnh thổ Trung Quốc, từ Siberia cho tới Hồng Kông.

Một vấn đề, theo họ nhìn nhận, là đất nước có tên gọi với người ngoài, nhưng không có nổi một tên gọi cho người trong nước sử dụng. “Nỗi hổ thẹn lớn nhất của chúng ta là đất nước không có tên. Những cái tên mà người ta thường nghĩ tới, như Hạ, Hán hay Đường, đều chỉ là danh xưng của những triều đại đã qua”, nhà cải cách nổi tiếng Lương Khải Siêu viết vào năm 1900.

Giải pháp đi đến quyết định là từ Trung Quốc, vốn đã được chuẩn hóa trong các văn kiện nhà Thanh, nhưng đến thập niên 1920 đã được áp dụng gần như phổ biến. Cùng với đó là thuật ngữ Trung Quốc nhân (người Trung Quốc), bao hàm cả người Hán và các dân tộc khác ở Trung Quốc.

Sự thống nhất mà từ Trung Quốc hàm ý là đặc biệt quan trọng sau khi nhà Thanh chấm dứt vào năm 1911, khi Trung Quốc rơi vào tay các lãnh chúa địa phương cai trị. Không có lấy một chút biểu hiện của sự ngạo mạn, đây là một biểu đạt của niềm hy vọng; giữa cái chết của hàng triệu người trong nội chiến, và rồi là những nỗi kinh hoàng về cuộc xâm lược của Nhật Bản, cái tên ấy gợi lên rằng một nhà nước Trung Hoa thống nhất sẽ lại trỗi dậy.

Ngày nay, nhà nước ấy vẫn tồn tại – gần như là vậy.

Sự tồn tại của Đài Loan như một “Trung Quốc khác” tiếp tục khiến Bắc Kinh khó chịu. Bản thân người Đài Loan cũng hết sức tách biệt nhau và nước đôi về mối quan hệ của họ với di sản Trung Hoa, theo các cuộc thăm dò cho thấy. Một cách thể hiện điều đó là từ chối định danh mình là người Trung Quốc, một danh xưng nay bị xem là lỗi thời và biểu hiện của việc ủng hộ đại lục.

Với người Đài Loan, sở hữu và trân trọng một di sản văn hóa chung không đồng nghĩa với việc phải khuất phục trước Bắc Kinh.