Thương mại tự do không thể giải quyết các vấn đề kinh tế của Đông Nam Á

Nguồn: Jomo Sundaram, 乔莫·夸梅·孙达拉姆:东南亚的经济问题,不能靠“自由贸易”解决, Guancha, 16/07/2025.

Người dịch: Lê Thị Thanh Loan

Lời giới thiệu: Trong những năm gần đây, nhiều người cho rằng các nước Đông Nam Á đã rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, đồng thời đưa ra nhiều đề xuất cải cách khác nhau để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, liệu “bẫy thu nhập trung bình” có thực sự là một vấn đề đang tồn tại, hay chỉ là một kiểu đổ lỗi cho cấu trúc chính trị-kinh tế sai lầm? Các quốc gia thuộc “phương Nam toàn cầu” cần kêu gọi một trật tự chính trị mới nào trong vòng biến động lớn lao này?

Đối với vấn đề nêu trên, tại hội thảo học thuật “Nam Á và Đông Nam Á” được tổ chức vào tháng 6/2025, Guancha đã có cuộc đối thoại với ông Jomo Kwame Sundaram – nhà kinh tế học người Malaysia, người sáng lập kiêm Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Phát triển Quốc tế.

Guancha: Ông từng gọi chính sách thắt lưng buộc bụng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là “căn nguyên của bất bình đẳng”, và trong bài viết của mình, ông cũng lập luận rằng các chương trình điều chỉnh cơ cấu của IMF đã tạo ra những “quốc gia thắt lưng buộc bụng vĩnh viễn” ở phương Nam toàn cầu. Ba mươi năm sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, Malaysia và các nước có thu nhập trung bình khác nên cải cách chính sách tài khóa và tiền tệ như thế nào để đạt được mục tiêu vừa duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thoát khỏi di sản này?

Jomo Sundaram: Bạn đã nêu ra một vấn đề khó và quan trọng. Cuộc khủng hoảng tài chính 1997-1998 vừa có những đặc điểm phổ quát, vừa có những đặc trưng riêng biệt, và chúng ta phải phân biệt hai loại này. Chúng ta cần nhận thức rằng, một số đặc trưng riêng của cuộc khủng hoảng vào thời điểm đó khó có thể tái diễn do những thay đổi liên tục của hệ thống tài chính. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng cần nhận thức đầy đủ về những thay đổi trong hệ thống và thực hiện các biện pháp phòng ngừa dựa trên cơ sở đó, đồng thời hiểu rõ tầm quan trọng của chúng.

Một trong những biện pháp đảm bảo quan trọng trong hệ thống cũ là Điều VI của Điều lệ IMF, cho phép các quốc gia có quyền kiểm soát tài khoản vốn của mình. Nhưng đáng tiếc là vào những năm 1990, chính IMF – cơ quan chịu trách nhiệm đảm bảo khả năng kiểm soát tài khoản vốn của các quốc gia – trên thực tế lại thúc giục các quốc gia từ bỏ việc kiểm soát tài khoản vốn. Đây là vấn đề lớn đã dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 và 1998, đồng thời cũng kéo theo hàng loạt vấn đề mới khác. Vì vậy, đây là những vấn đề thuộc về một cấp độ hệ thống lớn hơn cần được giải quyết gấp.

Tiếc thay, vai trò của IMF và các tổ chức tài chính, tiền tệ và giám sát quốc tế khác đã bị suy yếu đáng kể, dẫn đến việc các quốc gia không còn khả năng kiểm soát hiệu quả tài khoản vốn của mình. Hiện nay, ở hầu hết các quốc gia, có những nhóm lợi ích tài chính hùng mạnh phản đối bất kỳ chính sách nào nhằm áp đặt kỷ luật hay quy tắc lên dòng vốn. Họ liên tục làm xói mòn quyền kiểm soát của các quốc gia đối với dòng vốn chảy ra và liên tục duy trì quyền tự do chuyển vốn ra nước ngoài.

Điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với các nước đang phát triển, bởi nhiều hành vi chuyển vốn ra nước ngoài là bất hợp pháp hoặc ít nhất là không tuân thủ quy định. Một khi dòng vốn đã chảy khỏi quốc gia, gần như không có động lực nào để dòng vốn quay trở lại. Điều này dẫn đến việc giá trị thặng dư mà lẽ ra phải được giữ lại trong nước lại bị giới tinh hoa chuyển đi, vừa không được dùng để đầu tư, cũng vừa không đóng góp vào tích lũy vốn và tăng trưởng kinh tế. Đây là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng đối với toàn bộ hệ thống.

Đồng thời, chúng ta cũng phải nhận thức được rằng, cùng với sự phát triển của hệ thống tài chính quốc tế, những thách thức mới sẽ liên tục xuất hiện. Một thách thức lớn là nhiều loại tiền tệ và công cụ tài chính quốc tế đã bị “vũ khí hóa”. Chẳng hạn, phương Tây đã tịch thu nhiều tài sản tài chính từ một số quốc gia và chính phủ mà họ không ưa, như Venezuela và Nga.

Điều này đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng. Hậu quả là các quốc gia đã đánh mất niềm tin vào hệ thống tiền tệ và tài chính quốc tế, đồng thời tìm kiếm những cách thức khác để bảo vệ lợi ích của mình. Trong bối cảnh này, tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương và các loại tiền điện tử khác gần đây vẫn đang nỗ lực tìm cho mình một chỗ đứng và đã đạt được một số thành công nhất định, nhưng đồng thời cũng mang đến những vấn đề mới.

Guancha: Nghiên cứu của ông chỉ ra rằng các quy định của WTO đã “buộc các thị trường lương thực của phương Nam phải mở cửa”. Ông đề cập rằng “30% lượng gạo của Malaysia phụ thuộc vào nhập khẩu”, đây là một “quả bom hẹn giờ”. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và các vấn đề địa chính trị, ông có đề xuất gì cho việc trồng cây lương thực chủ lực trong tương lai? Liệu chúng ta có nên đi ngược lại quan niệm chính thống về thương mại và tái thiết nền nông nghiệp địa phương, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc vi phạm các hiệp định thương mại tự do?

Jomo Sundaram: Tôi không cho rằng ở đây tồn tại sự vi phạm nghiêm trọng nào đối với các hiệp định thương mại tự do hiện hành. Vấn đề chính là hiện nay gần như không có biện pháp khuyến khích nào để nông dân sản xuất nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Các khuyến khích mà nông dân nhận được chủ yếu là trồng cây công nghiệp để xuất khẩu, đôi khi chỉ để xuất khẩu sang các nước láng giềng. Đây là một vấn đề lớn hiện nay.

Trên thực tế, có một lượng lớn lương thực đến từ nước ngoài. Chỉ một phần lương thực, chủ yếu là gạo, là được sản xuất trong nước, nhưng dù vậy, nông dân vẫn có thể kiếm được nhiều hơn khi trồng các loại cây trồng khác. Vì vậy, nếu có thể, họ không muốn trồng cây lương thực. Ngày nay, vấn đề sản xuất lương thực đã trở nên nghiêm trọng và điều này đã trở thành một mối nguy lớn có tính tiềm ẩn.

Gần đây, tình trạng thiếu hụt lương thực đã xuất hiện, chẳng hạn như trong thời gian đại dịch và các tình huống bất ngờ khác, và nhiều chính phủ, bao gồm cả chính phủ Malaysia, đã buộc phải đưa ra các chính sách một cách vội vàng để ứng phó, điều này không những không giải quyết được vấn đề mà còn khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Nói cách khác, tình hình đã trở nên trầm trọng hơn. Kết quả là, ngay cả các nền kinh tế mà trước đây vốn nhập khẩu lương thực từ Malaysia cũng đã giảm lượng nhập khẩu lương thực từ Malaysia.

Tôi cho rằng, đối với nhiều quốc gia nhỏ, việc tự cung tự cấp toàn bộ lương thực là một điều cực kỳ khó khăn, và tôi cũng không khăng khăng rằng họ nhất định phải làm như vậy. Tuy nhiên, tôi cho rằng điều quan trọng là các quốc gia phải có những biện pháp để đảm bảo an ninh lương thực. An ninh lương thực không có nghĩa là hoàn toàn không nhập khẩu bất cứ thứ gì, và tôi nghĩ chúng ta cần một chính sách vẹn toàn hơn.

Tuy nhiên, mô hình kinh tế độc canh hiện tại của chúng tôi cho đến nay vẫn khá thành công, chủ yếu là do các loại cây trồng của chúng tôi, đặc biệt là cây cọ dầu, đều có khả năng kháng bệnh cao, dễ trồng và ít bị sâu bệnh. Vì vậy, mô hình này đã đạt được những kết quả khá rõ nét.

Guancha: GDP bình quân đầu người của Malaysia rất gần với Trung Quốc, vì vậy cộng đồng quốc tế cũng có những lo ngại tương tự, rằng Malaysia cũng đang đối mặt với bẫy thu nhập trung bình. Đặc biệt là khi xét đến việc GDP bình quân đầu người của Malaysia trong giai đoạn 2010-2023 vẫn luôn trì trệ ở mức 11.000-12.000 USD, tăng trưởng năng suất chậm và phụ thuộc quá nhiều vào các ngành sản xuất có giá trị gia tăng thấp. Các nhà kinh tế Malaysia nhìn nhận những vấn đề này như thế nào? Vấn đề cốt lõi nằm ở đâu? Theo ông, đâu là giải pháp quan trọng nhất để vượt qua bẫy thu nhập trung bình?

Jomo Sundaram: Bẫy thu nhập trung bình thực chất là một cái bẫy trong trí tưởng tượng của các nhà kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB). Họ từng đưa ra nhiều khuyến nghị phát triển cho nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước Mỹ Latinh, nhưng những gì họ hứa hẹn lại không thành hiện thực. Vì vậy, họ quay sang đổ lỗi cho chính các nước Mỹ Latinh và tuyên bố rằng có một cái bẫy mang tên “thu nhập trung bình”.

Chúng ta không nên sử dụng khái niệm bẫy thu nhập trung bình để mô tả vấn đề này. Thực chất, vấn đề chính mà Malaysia hiện đang phải đối mặt là phần lớn lực lượng lao động trong nước có mức thu nhập không tương xứng với năng suất lao động của họ. Trên thực tế, Malaysia vẫn đang cố gắng cạnh tranh với các nước có thu nhập thấp trong việc sản xuất các loại hàng hóa tương tự.

Ngược lại, Malaysia có một trình độ giáo dục cao và lẽ ra nên trả mức lương cao hơn cho người lao động để đạt được hiệu quả sản xuất cao hơn. Lấy Trung Quốc làm ví dụ, chúng ta thấy rằng ban đầu Trung Quốc tiến hành sản xuất quy mô lớn với mức thu nhập thấp. Nhưng khi năng suất lao động tăng lên nhờ các yếu tố như sự cơ giới hóa, thu nhập của người lao động cũng tăng theo. Chúng ta thấy rằng người lao động có thể có được điều kiện làm việc tốt hơn và mức thu nhập cao hơn… Đây là điều mà Malaysia và các nền kinh tế khác cần thực hiện, không nên quá phụ thuộc vào các chiến lược duy trì mức thu nhập thấp của phần lớn người dân.

Một nền kinh tế có thể có mức thu nhập khá cao trên giấy tờ, nhưng thực tế phần lớn dân số lại có thu nhập tương đối thấp. Đây chính là tình trạng mà các nước Đông Nam Á đang gặp phải, trái ngược với các nước Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc – nơi người lao động được hưởng mức sống cao hơn khi năng suất tăng lên.

Guancha: Sự chuyển đổi của các nền kinh tế phụ thuộc vào tài nguyên là một trường hợp nghiên cứu quan trọng trong nghiên cứu về các quốc gia thuộc “phương Nam toàn cầu”. Hiện tại, khoảng một nửa sản lượng điện của Malaysia vẫn phụ thuộc vào than đá, trong khi quá trình chuyển đổi năng lượng xanh lại đang đối mặt với chi phí đắt đỏ. Ông nhìn nhận ra sao về tình thế nan giải này? Trong cuốn sách Tăng trưởng sau Khủng hoảng châu Á xuất bản năm 2020, ông đã đề xuất khái niệm “sự can thiệp khôn ngoan hơn của chính phủ”. Malaysia nên thích ứng với quá trình chuyển đổi xanh như thế nào? Liệu họ có áp dụng các chính sách như chính phủ dẫn dắt hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) hay trợ cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ không?

Jomo Sundaram: Trong thế giới ngày nay, việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh là hoàn toàn khả thi, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Hiện tại, vẫn còn hơn một tỷ người trên thế giới thậm chí chưa được tiếp cận điện, và có rất nhiều người tuy có điện nhưng không thể sử dụng một cách ổn định. Đây là một vấn đề chủ chốt.

Hiện nay, các nguồn năng lượng tái tạo mới, đặc biệt là tấm pin mặt trời quang điện và tua-bin gió, trong điều kiện thích hợp (khi có đủ ánh nắng hoặc gió) có thể tạo ra điện với chi phí trung bình thấp hơn hầu hết các nguồn nhiên liệu hóa thạch, ngoại trừ than đá – đây vẫn là nguồn nhiên liệu hóa thạch rẻ nhất và vẫn đang được khai thác, sử dụng rộng rãi.

Để khuyến khích các nước nghèo từ bỏ nhiên liệu hóa thạch, thế giới nên thúc đẩy và phổ biến tấm pin năng lượng mặt trời quang điện. Đáng tiếc là phương Tây hiện chưa muốn làm điều này, chủ yếu là vì hơn 70% tấm pin mặt trời quang điện trên thế giới được sản xuất tại Trung Quốc. Hàn Quốc và Malaysia cũng từng sản xuất lượng lớn tấm pin mặt trời quang điện, nhưng giá thành không thể rẻ bằng các tấm pin do Trung Quốc sản xuất. Do đó, chúng ta cần đảm bảo rằng Trung Quốc có thể tiếp tục tăng sản lượng tấm pin mặt trời quang điện và thúc đẩy việc sử dụng chúng rộng rãi nhất có thể.

Trước đây, khi bàn về chuyển đổi năng lượng, người ta thường cho rằng các quốc gia cần chuyển đổi dần từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo, nhưng giờ đây mọi thứ đều có thể bắt đầu từ con số 0. Nếu nơi nào chưa có điện, thì có thể trực tiếp lắp đặt các tấm pin mặt trời quang điện hoặc tua-bin gió. Cách làm này vừa khả thi vừa tiết kiệm đối với phần lớn các khu vực trên thế giới.

Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết là phải có cơ sở hạ tầng phù hợp, trong khi hầu hết các quốc gia đang phát triển thuộc diện nghèo nhất thậm chí còn không đủ khả năng chi trả chi phí mua các tấm pin năng lượng mặt trời, kết quả là họ thường buộc phải dựa vào than đá để sản xuất điện. Nếu chúng ta tiếp tục như vậy, e rằng quy mô chuyển đổi năng lượng trên toàn cầu sẽ là quá nhỏ.

Tôi không nói nhiều về Malaysia vì lượng tiêu thụ năng lượng hóa thạch của Malaysia chỉ chiếm một phần nhỏ của thế giới. Là một quốc gia có thu nhập trung bình, Malaysia có khả năng và lẽ ra nên đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh. Đáng tiếc là khoảng 35 năm trước, chính phủ đã mắc một sai lầm lớn khi cấp phép phát điện cho các công ty tư nhân. Các công ty tư nhân, do bản chất luôn muốn tối đa hóa lợi nhuận, đã lựa chọn tiếp tục sử dụng than đá để phát điện thay vì áp dụng các năng lượng tái tạo.

Guancha: Các doanh nghiệp Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy việc mở rộng ra nước ngoài trong các ngành công nghiệp như năng lượng mới và chất bán dẫn. Các tập đoàn xe điện lớn của Trung Quốc như BYD đang xây dựng nhà máy tại Malaysia. Liệu Malaysia có thể tận dụng nguồn đầu tư từ Trung Quốc để nâng cấp công nghiệp, thay vì – trích lời ông trong bài phát biểu IDEAS 2023 – chỉ dừng lại ở mức “công xưởng gia công”? Trung Quốc luôn nhấn mạnh tinh thần “cùng bàn bạc, cùng xây dựng và cùng sẻ chia” trong sáng kiến “Vành đai và Con đường”, vậy làm thế nào để tránh rơi vào tình trạng “phụ thuộc công nghệ” thông qua đàm phán?

Jomo Sundaram: Tôi cho rằng, trong giai đoạn đầu, rất khó để Malaysia tránh hoàn toàn sự phụ thuộc vào công nghệ bên ngoài vì Malaysia vẫn chưa đầu tư đủ cho R&D. Tuy nhiên, hiện đã có một số liên doanh, và đây là điểm khởi đầu tốt để dần giảm bớt sự phụ thuộc vào công nghệ bên ngoài.

Lấy sự hợp tác giữa Geely và Proton làm ví dụ. Họ đang hợp tác và cùng sản xuất nhiều mẫu ô tô. Hiện tại, Proton chủ yếu sản xuất các mẫu xe của Geely cho thị trường Malaysia, nhưng Proton cũng hoàn toàn có thể xuất khẩu xe ra thế giới. Chẳng hạn, ở Malaysia, chúng tôi sử dụng xe tay lái bên phải, trong khi Trung Quốc sử dụng xe tay lái bên trái. Vậy tại sao Trung Quốc không thể để Malaysia đảm nhiệm luôn việc sản xuất xe tay lái bên phải?

Tương tự như vậy, tại sao không thể để nhiều hơn các công ty xe điện thành công của Trung Quốc thiết lập cơ sở sản xuất tại Malaysia, để sản xuất cho thị trường quốc tế? Vì những vấn đề mà Trung Quốc hiện đang phải đối mặt có thể sẽ tiếp tục tồn tại, việc hợp tác sản xuất và xuất khẩu với các công ty liên doanh thực sự tại các quốc gia như Malaysia sẽ luôn mang lại lợi thế.

Guancha: Chúng ta hãy tiếp tục bàn về chất bán dẫn. Washington vừa đưa bốn công ty chip của Malaysia vào danh sách đen với lý do họ hợp tác với các công ty Trung Quốc. Liệu ngành công nghiệp bán dẫn của chúng ta có đang trở thành “tổn thất phụ” trong cuộc chiến tranh lạnh này không? Ông đề xuất “cẩm nang sinh tồn” nào cho tình huống này?

Jomo Sundaram: Tôi không theo dõi sát sao những chi tiết cụ thể mà bạn vừa mô tả nên không thể trực tiếp bình luận. Nhưng như bạn đã biết, cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ hiện đã không còn chỉ diễn ra giữa hai nước này, mà còn liên quan đến nhiều quốc gia khác trên thế giới. Đây chính là lý do tại sao từ lâu tôi vẫn luôn chủ trương rằng Malaysia, các nước Đông Nam Á và nhiều nước đang phát triển nên duy trì lập trường không liên kết.

Họ không nên đứng hẳn về phía Mỹ. Thay vào đó, họ nên duy trì lập trường không liên kết, thiết lập quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước, đồng thời nỗ lực thúc đẩy hợp tác quốc tế hơn nữa và coi đó là nền tảng cho hòa bình thế giới, thay vì tiếp sức cho cuộc cạnh tranh kiểu này. Hiện nay, giữa Trung Quốc và Mỹ không chỉ là cạnh tranh đơn thuần, mà còn là một cuộc chiến kinh tế. Nó không chỉ liên quan đến thuế quan mà còn bao trùm nhiều lĩnh vực khác, chẳng hạn như công nghệ.

Nếu có thêm nhiều hợp tác và hòa bình, thay vì chiến tranh (bao gồm cả chiến tranh kinh tế), thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều. Khi ấy, chúng ta có thể cùng nhau tiến bộ và mang lại lợi ích cho toàn thế giới.

Guancha: Chúng ta hãy nói về ASEAN. Chúng ta biết rằng hội nhập ASEAN mang lại lợi ích và hiệu quả tương đối rõ nét, nhưng cách thức thúc đẩy vẫn tồn tại một số hạn chế. Ông từng viết rằng hội nhập ASEAN “trông không tồi trên Excel, nhưng không phải vậy ở các khu ổ chuột”. Malaysia nên làm gì để có thể thúc đẩy một chuỗi giá trị khu vực công bằng hơn?

Jomo Sundaram: Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN được thành lập vào những năm 1990. Tiến triển đạt được về thương mại tự do là rất hạn chế. Đáng tiếc là nhiều người ở các nước đang phát triển trên thế giới vẫn tin rằng thương mại tự do mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Thực tế, không phải như vậy. Gần như không có bằng chứng nào cho thấy thương mại tự do mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia.

Tất nhiên, mỗi tình huống đều khác nhau và không thể khái quát hóa. Vì vậy, chúng ta cần luôn giữ thái độ hoài nghi đối với những tuyên bố cho rằng thương mại tự do là “tuyệt đối không thể sai sót”; quan trọng hơn, thương mại tự do thường đồng nghĩa với việc hủy hoại năng lực sản xuất của nhiều nền kinh tế, từ đó làm suy giảm khả năng của các nước đang phát triển trong việc nuôi dưỡng các năng lực sản xuất mới và cuối cùng giành được chỗ đứng trong cạnh tranh quốc tế.

Chúng ta cần xem xét các hình thức hợp tác khác nhau để thúc đẩy sự tiến bộ chung của các nước Đông Á. Hợp tác kinh tế là vô cùng quan trọng, có thể đạt được kết quả đôi bên cùng có lợi và mở ra nhiều khả năng. Trong các cuộc đàm phán thương mại, đôi bên thường rơi vào trò chơi có tổng bằng 0, hoặc thắng hoặc thua. Nhưng hợp tác kinh tế rộng lớn hơn hướng tới mục tiêu đạt được sự thịnh vượng chung và tình thế đôi bên cùng có lợi.

Tôi cho rằng điều này đặc biệt cần thiết đối với các quốc gia như Malaysia và Trung Quốc, và nên trở thành nền tảng cho hợp tác kinh tế Đông Á. Vì vậy, tôi luôn ủng hộ mạnh mẽ việc thúc đẩy Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), bao gồm các nước ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Chúng ta chiếm hơn 40% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu và nằm trong khu vực tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới – một yếu tố then chốt trong tương lai.

Đối với tôi, “ASEAN+3” hay RCEP quan trọng hơn nhiều so với chỉ riêng ASEAN. Chẳng hạn, sau cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á 1997-1998, các nước đã hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực tiền tệ. Năm 2022, Thống đốc Ngân hàng Hàn Quốc Lee Chang-yong đã có bài phát biểu quan trọng với chủ đề “Tăng cường Mạng lưới An ninh Tài chính khu vực Đông Á” tại “Hội nghị Bàn tròn về Mạng lưới An ninh Tài chính Đông Á” do Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) tổ chức. Các tài liệu mà ông trích dẫn rõ ràng ủng hộ ý tưởng chuyển đổi thành một “Quỹ Tiền tệ châu Á”.

Chúng ta phải tìm kiếm những phương thức hợp tác mới trong khu vực Đông Á để đạt được lợi ích chung, thay vì chỉ giới hạn trong tự do thương mại. Tự do thương mại là con dao hai lưỡi, nó mang lại những lợi ích nhất định nhưng cũng đi kèm với cái giá rất đắt.

Guancha: Được rồi. Có lẽ chúng ta nên nói về kinh nghiệm của ông tại Liên Hợp Quốc. Sau khi Malaysia neo đồng ringgit vào đồng USD vào năm 1998, ông đã gọi kiểm soát vốn là một “dị đoan cần thiết”. Với kinh nghiệm làm việc dày dạn tại Liên Hợp Quốc, ông nghĩ ASEAN nên làm gì để vượt qua sự thống trị của đồng USD trong làn sóng phi USD hóa hiện nay?

Jomo Sundaram: Mặc dù sự thống trị của đồng USD và cái gọi là “đặc quyền thái quá” không được phần lớn các quốc gia khác trên thế giới ưa thích, nhưng theo tôi, đây không phải là vấn đề cấp bách nhất. Hành vi của giới lãnh đạo Washington trong vài năm qua đã dẫn đến sự suy yếu của đồng USD, bởi khi Mỹ tịch thu tài sản của các quốc gia khác dựa trên những lý do và cái cớ của riêng mình, điều đó đã làm suy giảm niềm tin của thế giới vào đồng USD.

Tổng thống Trump đã đe dọa các quốc gia cố gắng phi USD hóa, chủ yếu là Brazil và Nam Phi. Trên thực tế, ngay cả các nước BRICS cũng chưa chắc đã đồng ý phi USD hóa ngay lập tức.

Guancha: Với tư cách là một cựu quan chức Liên Hợp Quốc, ông cho rằng các nước “phương Nam toàn cầu” nên cải cách cấu trúc tài chính quốc tế – đặc biệt là quyền biểu quyết trong IMF – như thế nào để quyền đại diện thực sự có ý nghĩa? Hay, như một số học giả cánh tả đề xuất, liệu Trung Quốc có nên đóng vai trò chủ đạo trong việc thiết lập một hệ thống hoàn toàn mới tương tự Bretton Woods để phá vỡ sự thống trị của phương Tây?

Jomo Sundaram: Tôi nghĩ đây là thời điểm rất quan trọng để đặt ra câu hỏi này. Chúng ta có thể thấy rằng, Tổng thống Trump ngay trong đầu nhiệm kỳ thứ hai đã thay đổi luật chơi và bãi bỏ nhiều quy tắc hiện hành. Phần còn lại của thế giới không đồng tình với cách làm này. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng phải nhận thức được rằng các quy tắc cũ cũng không phải là giải pháp tốt nhất. Vì vậy, chúng ta nên tận dụng cơ hội này để thúc đẩy cải cách nhằm cải thiện hệ thống tiền tệ và tài chính quốc tế, từ đó đảm bảo sự ổn định tài chính ở mức độ lớn hơn.

Tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng, lý do Hội nghị Bretton Woods được gọi là Hội nghị Tiền tệ và Tài chính của Liên Hợp Quốc không chỉ vì nó đã tạo ra IMF và WB, mà còn bởi nó đã vạch ra một khuôn khổ cho công cuộc tái thiết sau chiến tranh và phát triển một thế giới hậu thuộc địa.

Ngày nay, chúng ta thấy hệ thống này đã bị lạm dụng và không còn hoạt động hiệu quả trong nhiều trường hợp. Đã đến lúc chúng ta cần cùng nhau nỗ lực để cải thiện hệ thống này, không phải nhằm giúp một quốc gia nào đó được hưởng lợi ngay từ đầu bằng cách gây thiệt hại cho các quốc gia khác, mà là để tìm kiếm một giải pháp mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta.

Chẳng hạn, vấn đề của hệ thống tiền tệ dự trữ hiện tại về cơ bản là do không giải quyết được vấn đề thanh toán và quyết toán bằng tiền tệ. Từ trước khi hệ thống Bretton Woods được thiết lập, Keynes và một số người khác ở Anh đã đưa ra những đề xuất nhằm điều phối thặng dư và thâm hụt thương mại. Nhưng Mỹ, với niềm tin rằng họ sẽ luôn duy trì được thặng dư thương mại, đã không quan tâm đến các đề xuất đó và kiên quyết xây dựng hệ thống Bretton Woods.

Tuy nhiên, chưa đầy hai thập kỷ sau, đến những năm 1960, Mỹ đã hoàn toàn mất đi lợi thế về thặng dư thương mại. Đây chính là gốc rễ của các vấn đề hiện tại: trong nửa thế kỷ qua, Mỹ đã phát hành một lượng lớn đồng USD ra thế giới, trong khi các quốc gia khác trên thế giới thực tế lại luôn “trợ cấp” cho việc phát hành USD đó.