Nguồn: Gregory Brew, “Why Oil Sanctions No Longer Work,” Foreign Policy, 23/07/2025
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Các lệnh trừng phạt dầu mỏ đã không mang lại kết quả như mong đợi với Iran và Nga. Sẽ là một sai lầm nếu thử áp dụng chúng với Trung Quốc.
Vào tháng 6, trong lúc bom rơi xuống Tehran, một điều kỳ lạ đã xảy ra: xuất khẩu dầu thô của Iran bất ngờ tăng vọt trong một thời gian ngắn. Dù bị tấn công, Iran vẫn không hề chùn bước trong việc vận chuyển dầu – và các khách hàng của họ ở Trung Quốc cũng không nản lòng khi tiếp tục mua dầu, bất chấp các lệnh trừng phạt.
Tổng thống Mỹ Donald Trump có lẽ không muốn Israel ném bom các cơ sở năng lượng, nhưng lý do cho thành công của Iran lại rất đơn giản: Các lệnh trừng phạt không còn hiệu quả nữa. Chí ít là không như dự định ban đầu.
Các lệnh trừng phạt được xem là công cụ cưỡng chế, gây ra thiệt hại kinh tế cho đến khi một quốc gia phải thay đổi hành vi của mình. Tuy nhiên, trên thực tế, các quốc gia thường chống lại lệnh trừng phạt, chấp nhận gánh chịu chi phí trong lúc tìm cách lách luật. Thay vì thay đổi hành vi của một quốc gia, các lệnh trừng phạt thay đổi thị trường và định hình lại các quan hệ kinh tế, điều hướng dầu mỏ đến các kênh được xây dựng dựa trên logic địa chính trị hơn là logic thương mại.
Giờ đây, kỷ nguyên của trừng phạt dầu mỏ như một công cụ cưỡng chế đang dần đi đến hồi kết. Dù nhiều người ở Washington vẫn muốn tăng cường trừng phạt như một công cụ để phân tách khỏi Trung Quốc, nhưng sẽ hiệu quả hơn nếu chính sách của Mỹ chuyển sang các công cụ khác, ít gây gián đoạn hơn.
Các trường hợp của Iran và Nga đã minh họa sự thăng trầm của các lệnh trừng phạt dầu mỏ như một công cụ ngoại giao kinh tế. Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran vào năm 2018, các lệnh trừng phạt được tái áp đặt đã khiến xuất khẩu dầu của Iran sụt giảm khi các khách hàng truyền thống của nước này ở Tây Âu và Đông Á chuyển sang các nguồn cung thay thế. Xuất khẩu của Iran thậm chí đã giảm gần bằng 0 vào năm 2020 giữa đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, sau khi các hạn chế liên quan đến đại dịch được dỡ bỏ, lượng dầu thô Trung Quốc mua từ Iran đã tăng vọt, gần đây đã lên mức gần 2 triệu thùng/ngày, và chỉ lượng dầu này đã để đủ đưa tổng kim ngạch xuất khẩu của Iran trở lại gần mức trước khi bị trừng phạt. Iran hiện cung cấp khoảng 14,6% tổng lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc.
Thay vì biến mất, thị trường dầu mỏ Iran đã được tái định hình theo thực tế mới mà các lệnh trừng phạt đã tạo ra. Trong khi các khách hàng truyền thống vẫn e ngại tiếp cận dầu mỏ Iran, thì mặt hàng này lại trở nên hấp dẫn hơn đối với những người mua không bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt: cụ thể là các nhà máy lọc dầu nhỏ hơn của Trung Quốc, thường được gọi là “ấm trà,” chuyên phục vụ nhu cầu nội địa và chỉ giao dịch thông qua các kênh tài chính phi đô la. Với mong muốn có được đòn bẩy đối với Tehran nhưng không muốn đẩy quan hệ đi xa hơn, Bắc Kinh đã che giấu hoạt động thương mại này trong dữ liệu hải quan để duy trì khả năng phủ nhận.
Khác với các lệnh trừng phạt đối với Iran, các lệnh trừng phạt của Washington đối với dầu mỏ Nga hồi năm 2022 đã nhắm vào tài chính của nước này hơn là dòng chảy dầu thực tế. Các biện pháp như mức giá trần của G-7 là nhằm hạn chế khả năng kiếm doanh thu của Nga mà không loại bỏ hàng xuất khẩu của Nga khỏi thị trường – điều mà các nhà lãnh đạo phương Tây cho rằng sẽ tác động tiêu cực đến giá cả.
Nhưng việc nhắm vào doanh thu của Nga đã không hiệu quả như mong đợi. Dù bị thắt chặt, nhưng tài chính Nga vẫn chịu được áp lực, dù – giống như các nhà sản xuất khác – Moscow đang phải vật lộn với giá dầu thấp. Sau khi bị đẩy ra khỏi châu Âu, thị trường tự nhiên cho các sản phẩm của họ, Nga hiện đang vận chuyển dầu thô qua các tuyến đường vòng đến châu Á, nơi các nhà máy lọc dầu đều có nhu cầu dầu thô rất cao. Các lệnh trừng phạt cũng tạo ra những kẽ hở thương mại hấp dẫn cho Ấn Độ, nơi các nhà máy lọc dầu mua dầu thô của Nga với mức chiết khấu cao rồi tái xuất khẩu sang châu Âu, bỏ túi lợi nhuận đáng kể. Cũng giống như với Iran, Bắc Kinh hưởng lợi từ việc ràng buộc năng lượng của Nga với thị trường nội địa rộng lớn của mình, duy trì một nguồn đòn bẩy tiềm năng hữu ích trong quan hệ với Moscow.
Trong cả hai trường hợp, các lệnh trừng phạt đều không làm thay đổi hành vi của các quốc gia. Iran đã thách thức áp lực từ Mỹ đối với chương trình hạt nhân của họ, trong khi Nga vẫn không hề nhượng bộ trong vấn đề Ukraine. Những nỗ lực cô lập cả hai nước – cùng với Venezuela – khỏi thị trường dầu mỏ toàn cầu chỉ khiến các nhà sản xuất này phụ thuộc vào nhu cầu của Trung Quốc, và ngược lại, cung cấp cho Bắc Kinh nguồn cung dầu thô và các sản phẩm khác.
Còn có những tác động tiêu cực khác. Các lệnh trừng phạt, dù đã phần nào làm suy yếu nền kinh tế Nga và Iran, nhưng về tổng thể lại củng cố chế độ chuyên chế ở hai nước này. Dòng tiền giờ đây chảy vào túi của ít người hơn – tạo động lực cho các thế lực thống trị các chế độ này duy trì các lệnh trừng phạt. Hơn nữa, các lệnh trừng phạt có hiệu quả giảm dần. Khi mức độ tiếp xúc của họ với nền kinh tế toàn cầu giảm xuống, Tehran và Moscow sẽ ít bị tổn thất hơn nếu các lệnh trừng phạt tiếp theo được áp dụng. Dù Mỹ có tiếp tục triển khai các biện pháp mới dựa trên sự hiểu biết về các mạng lưới dầu mỏ bất hợp pháp, thì họ cũng không thể ngăn chặn hoàn toàn dòng chảy này.
Các động thái chính sách gần đây của Mỹ đã cho thấy những thiếu sót này. Quyết định của Trump về việc bật đèn xanh cho các cuộc tấn công vào Iran được xem là một sự thừa nhận ngầm rằng áp lực kinh tế sẽ không khiến Tehran nhượng bộ (dù vẫn chưa rõ liệu ném bom có hiệu quả hơn hay không). Trong khi đó, những lời đe dọa gần đây của Trump về việc leo thang mạnh mẽ các lệnh trừng phạt và thuế quan đối với Nga phần lớn được xem là một chiến thuật đàm phán.
Điều này dẫn chúng ta đến một yếu tố hạn chế khác của các lệnh trừng phạt dầu mỏ: Nếu mọi chuyện bị đẩy đi quá xa, Mỹ có nguy cơ gây sốc cho thị trường và đẩy giá lên cao. Đó là lý do tại sao Trump khó có thể áp thuế 100% lên bất kỳ nước nào mua dầu thô của Nga, cũng giống như ông đã tỏ ra không muốn nhắm vào dầu mỏ Iran và có lẽ đã cảm thấy nhẹ nhõm khi cuộc chiến giữa Iran và Israel kết thúc mà không gây gián đoạn nguồn cung.
Khi tính hữu dụng của các công cụ cưỡng chế này giảm sút, đã đến lúc đặt câu hỏi về lợi ích của các lệnh trừng phạt dầu mỏ. Ngay cả khi chúng không đạt hiệu quả trong việc thay đổi hành vi của các quốc gia, một số người có thể lập luận rằng các lệnh trừng phạt vẫn có thể hữu ích trong việc buộc Washington phải tách khỏi Trung Quốc, quốc gia vẫn đang nhập khẩu một lượng lớn dầu mỏ và các sản phẩm năng lượng khác từ Mỹ.
Tuy nhiên, ngay cả trong khía cạnh này, các lệnh trừng phạt vẫn tiềm ẩn rủi ro. Dù bị chia rẽ bởi các biện pháp của Mỹ nhắm vào Nga và Iran, thị trường dầu mỏ toàn cầu vẫn giữ được tính thanh khoản, và gián đoạn sẽ ảnh hưởng đến giá cả ở tất cả các nước tiêu thụ dầu mỏ lớn. Mỹ và các đồng minh đã đẩy Nga và Iran vào vòng tay của Trung Quốc (hay cụ thể hơn là các nhà máy lọc dầu Trung Quốc), và những nỗ lực chống lại một chủ thể kinh tế như Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới và tiêu thụ phần lớn nguồn cung dầu của thế giới – sẽ không dễ dàng.
Hơn nữa, việc phân tách thông qua các lệnh trừng phạt đòi hỏi Washington phải đe dọa áp đặt các lệnh trừng phạt thứ cấp lên các bên liên quan ở Mỹ và châu Âu đang giao thương với Trung Quốc. Các công ty năng lượng Mỹ hiện đang cung cấp hàng tỷ đô la khí đốt tự nhiên, dầu thô, và các sản phẩm như ethane cho người tiêu dùng Trung Quốc sẽ đột nhiên mất quyền tiếp cận thị trường tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới.
Dù động thái này gây đau đớn cho Trung Quốc, nhưng nó cũng là thảm họa đối với các nhà sản xuất Mỹ, vì nó sẽ gây dư thừa ở thị trường nội địa Mỹ và buộc các công ty năng lượng phải thu hẹp quy mô ngay vào thời điểm mà họ đang bị bóp nghẹt bởi giá thấp.
Thay vì tiếp tục gia tăng sức ép, Washington nên đánh giá lại tính hữu ích của các lệnh trừng phạt dầu mỏ, hoặc táo bạo hơn, nên cân nhắc từ bỏ hoàn toàn nỗ lực này. Với Iran, Mỹ có thể dùng việc nới lỏng trừng phạt như một động lực để đưa nước này tham gia vào một thỏa thuận hạt nhân, đồng thời thừa nhận rằng việc hạn chế đáng kể khả năng xuất khẩu dầu mỏ của Iran (ngoài việc ném bom) là rất khó. Với Nga, Mỹ nên thực hiện một bước đi tương tự, dựa nhiều hơn vào các biện pháp thay thế, bao gồm mở rộng hỗ trợ cho Ukraine và nhắm mục tiêu vào xuất khẩu vũ khí của Nga.
Đối với cả Nga và Iran, Mỹ có thể tiếp tục sử dụng các lệnh trừng phạt có mục tiêu nhằm hạn chế khả năng của các cá nhân, công ty, và cơ quan chính phủ trong các mạng lưới tài chính phương Tây. Hành động này có thể không cắt giảm khả năng sản xuất và xuất khẩu dầu của họ, nhưng sẽ hạn chế khả năng thu lợi nhuận lớn hơn từ việc này. Nếu Mỹ cam kết phân tách với Trung Quốc, thì tốt hơn nên làm như vậy thông qua các biện pháp được triển khai dần dần và có mục tiêu, chẳng hạn như kiểm soát xuất khẩu và hàng rào thuế quan có chọn lọc, và phối hợp với các đồng minh để quản lý quá trình phân tách theo cách không gây ra sốc giá cho người tiêu dùng.
Các lệnh trừng phạt dầu mỏ vẫn có thể được duy trì, nhưng việc cho rằng chúng sẽ thay đổi hành vi của Iran hay Nga một cách có ý nghĩa là một lầm tưởng cần phải từ bỏ. Đồng thời, Washington và các đồng minh nên nhận ra thực tế mới – các lệnh trừng phạt đã tái định hình thị trường dầu mỏ toàn cầu, đẩy Iran và Nga xích lại gần Trung Quốc hơn, và chia cắt các dòng chảy năng lượng toàn cầu theo những tuyến đường địa chính trị thay vì thương mại.
Gregory Brew là nhà phân tích cấp cao thuộc nhóm năng lượng, khí hậu, và tài nguyên của Eurasia Group, tập trung vào địa chính trị dầu khí. Ông cũng là chuyên gia phân tích Iran của tổ chức này. Ông là một sử gia về dầu mỏ, Chiến tranh Lạnh, Iran hiện đại, và Trung Đông. Quan điểm được trình bày ở đây là của riêng ông.