Thế giới hôm nay: 30/10/2019

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Nước Anh có khả năng sẽ tiến hành một cuộc tổng tuyển cử vào tháng 12. Sau nhiều tuần tranh cãi, Công đảng đối lập đã quyết định ủng hộ lời kêu gọi một cuộc bầu cử sớm của Thủ tướng Boris Johnson, trong nỗ lực phá thế bế tắc của Brexit. Ngày bầu cử chính xác sẽ được quyết định bằng phiếu bầu tại Quốc hội vào thứ Ba tuần tới, với việc ông Johnson ủng hộ ngày 12/12 và các đảng đối lập khác ủng hộ ngày 9/12.

Trung tá Alexander Vindman điều trần trước ủy ban luận tội Tổng thống Donald Trump của Hạ viện. Trung tá Vindman, thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia, đã chỉ trích một cuộc gọi mà ông từng nghe thấy giữa ông Trump và tổng thống Ukraine: “Tôi không nghĩ việc yêu cầu một chính phủ nước ngoài điều tra một công dân Hoa Kỳ là đúng đắn”, công dân này tức là Joe Biden, ứng viên tổng thống của Đảng Dân Chủ. Continue reading “Thế giới hôm nay: 30/10/2019”

Thế giới hôm nay: 28/10/2019

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Tổng thống Donald Trump tuyên bố Abu Bakr al-Baghdadi đã chết trong một cuộc đột kích ở Syria của lực lượng đặc nhiệm Mỹ. Bị mắc kẹt trong một đường hầm, thủ lĩnh ISIS đã kích nổ chiếc áo quấn bom, tự sát cùng với ba đứa con của mình. Ông Trump tuyên bố nhiều chiến binh IS cũng đã bị tiêu diệt trong chiến dịch, trong khi không mất lính Mỹ nào. Ông Trump cảm ơn Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iraq và người Kurd ở Syria đã hỗ trợ chiến dịch này.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã gặp lãnh đạo đảng đối lập Trắng và Xanh Benny Gantz vào Chủ nhật để thảo luận về một chính phủ đoàn kết dân tộc. Ông Netanyahu đã không thể thành lập chính phủ sau cuộc bầu cử hồi tháng trước, dẫn đến việc tổng thống phải yêu cầu ông Gantz tiến hành nỗ lực của riêng mình. Cả hai đồng ý về nguyên tắc một chính phủ đoàn kết dân tộc, nhưng bất đồng trong việc xác định ai sẽ lãnh đạo. Continue reading “Thế giới hôm nay: 28/10/2019”

Thế giới hôm nay: 24/10/2019

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Quy trình thông qua luật về Brexit của chính phủ Anh vẫn còn bế tắc sau khi thủ tướng Boris Johnson không thể thống nhất thời gian biểu thông qua Nghị viện với Jeremy Corbyn, lãnh đạo Công đảng đối lập. Ông Johnson đã hứa sẽ tiến hành một cuộc tổng tuyển cử nếu Anh không rời EU vào ngày 31 tháng 10. Ông Corbyn nói ông sẽ ủng hộ một cuộc bầu cử, miễn các nhà lãnh đạo châu Âu cho phép trì hoãn Brexit.

Boeing công bố thu nhập quý ba giảm 43% so với cùng kì năm trước, một ngày sau khi sa thải người đứng đầu bộ phận máy bay thương mại. Dòng máy bay chở khách 737 MAX của hãng này đã bị cấm cất cánh kể từ tháng 3 sau hai vụ tai nạn nghiêm trọng. Các nhà điều tra Indonesia hôm qua cho biết các lỗi thiết kế là thủ phạm của một trong hai vụ tai nạn, khiến 189 người thiệt mạng. Mặc cho những trở ngại này, Boeing vẫn hy vọng 737 MAX sẽ quay lại hoạt động trước cuối năm nay. Continue reading “Thế giới hôm nay: 24/10/2019”

Thế giới hôm nay: 23/10/2019

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Các nhà lập pháp Anh ủng hộ thỏa thuận Brexit mới của Boris Johnson trong một cuộc bỏ phiếu quan trọng, một chiến thắng lớn cho ông Johnson, nhưng họ bác bỏ kế hoạch của ông trình Nghị viện phê chuẩn trong ba ngày tới. Điều đó có nghĩa là Anh rất khó rời khỏi EU trước ngày 31 tháng 10 như ông Johnson đã hứa. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã báo hiệu họ sẽ đồng ý gia hạn cho Brexit.

William Taylor, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ ở Ukraine, nói rằng ông được thông báo việc cấp viện trợ quân sự cho Ukraine phụ thuộc vào việc nước này có hay không tuyên bố công khai sẽ điều tra Joe Biden, một trong những đối thủ chính trị của Tổng thống Donald Trump, cũng như cuộc bầu cử năm 2016. Lời khai kín của ông Taylor là một phần trong cuộc điều tra luận tội của Đảng Dân chủ đối với ông Trump, và lời khai này mâu thuẫn với lời phủ nhận của tổng thống rằng ông không sử dụng tiền để thúc đẩy lợi ích chính trị. Continue reading “Thế giới hôm nay: 23/10/2019”

Thế giới hôm nay: 22/10/2019

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Ba nhà phân phối và một nhà sản xuất thuốc, dự kiến phải ra tòa vào thứ Hai vừa rồi về vai trò của họ trong cuộc khủng hoảng opioid ở Mỹ, đã đạt được một thỏa thuận trị giá 260 triệu đô la với hai hạt ở Ohio. Những người khổng lồ bao gồm Teva và McKesson đã đồng ý bồi thường cho các chương trình phục hồi opioid. Trong khi đó chuỗi nhà thuốc Walgreen vẫn chưa tìm ra cách giải quyết. Hiện các vụ kiện do hơn 2.000 nguyên đơn khác chống lại các công ty dược phẩm trên khắp nước Mỹ đang chờ được xử lý.

Liên minh cầm quyền Lebanon đã thống nhất về một gói cải cách kinh tế trong nỗ lực chấm dứt 5 ngày biểu tình chống chính phủ. Những cải cách bao gồm cắt giảm thâm hụt ngân sách xuống mức “gần bằng 0”, giảm lương các chính trị gia và tư nhân hóa ngành công nghiệp viễn thông. Các gia đình nghèo cũng sẽ nhận được hỗ trợ tài chính. Các biện pháp có thể giúp mở ra cơ hội nhận 11 tỷ đô la viện trợ nước ngoài. Continue reading “Thế giới hôm nay: 22/10/2019”

Thế giới hôm nay: 21/10/2019

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Ông Boris Johnson đã gửi một bản yêu cầu, không ký tên, đến chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk yêu cầu gia hạn Brexit. Thủ tướng Anh cũng gửi một lá thư thứ hai – lần này kèm theo chữ ký – đề nghị EU bỏ qua yêu cầu thứ nhất của ông. Ông Johnson đã từ chối yêu cầu hoãn Brexit lại sau ngày 31 tháng 10. Song Quốc hội buộc ông phải làm vậy.

Donald Trump đã từ bỏ kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 năm tới tại khu resort chơi golf của ông gần Miami, lấy lý do có “thái độ thù địch điên rồ và cảm tính” sau những chỉ trích rộng rãi rằng ông Trump đang cố gắng trục lợi từ chức vụ tổng thống. Ông nói ông không có kế hoạch kiếm lợi nhuận từ việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh. Cuộc họp bây giờ có thể sẽ được tổ chức ở Trại David. Continue reading “Thế giới hôm nay: 21/10/2019”

Thế giới hôm nay: 18/10/2019

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đạt được thỏa thuận Brexit mới với EU. Jean-Claude Juncker, chủ tịch Ủy ban châu Âu, đã gọi thỏa thuận này là “hợp lý và cân bằng”. Quốc hội Anh sẽ bỏ phiếu về thỏa thuận này vào thứ Bảy, nhưng việc phê chuẩn sẽ khó xảy ra nếu không có sự hỗ trợ của Đảng Liên minh Dân chủ Bắc Ireland. Đảng này phản đối thỏa thuận mới, mà nếu có hiệu lực sẽ lập biên giới hải quan trên biển Ireland nhằm tránh một biên giới cứng trên đất liền Ireland.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nói ông Recep Tayyip Erdogan, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, đã đồng ý ngừng cuộc tấn công ở miền bắc Syria. Sau cuộc họp kéo dài năm giờ với ông Erdogan ở Ankara, ông Pence cho biết lệnh ngừng bắn kéo dài 120 giờ sẽ cho phép các chiến binh người Kurd rời khỏi khu vực. Sau đó, lệnh ngừng bắn sẽ trở thành vĩnh viễn. Đổi lại, Tổng thống Donald Trump sẽ không áp đặt các biện pháp trừng phạt tiếp theo lên Thổ Nhĩ Kỳ. Continue reading “Thế giới hôm nay: 18/10/2019”

Thế giới hôm nay: 16/10/2019

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

IMF đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, chủ yếu do cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ. Quỹ này cho rằng GDP thế giới sẽ chỉ tăng 3% trong năm 2019, thấp hơn 0.3 điểm phần trăm so với dự báo của sáu tháng trước. Điều này sẽ biến năm nay trở thành năm có tỉ lệ tăng trưởng thấp nhất kể từ 2009.

Nga đã triển khai quân đội trên phần lãnh thổ bắc Syria mà người Mỹ vừa rút đi và mô tả cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ là “không thể chấp nhận được”. Kể từ khi lực lượng người Kurd thoản thuận khẩn cấp với chế độ Syria để ngăn Thổ Nhĩ Kỳ tấn công, quân đội Syria đã thiết lập sự hiện diện ở một số thị trấn phía bắc từng được kiểm soát bởi lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn. Hàng trăm ngàn người Kurd được cho là đã mất nhà cửa. Continue reading “Thế giới hôm nay: 16/10/2019”

Thế giới hôm nay: 15/10/2019

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Những người ủng hộ nền độc lập của Catalan đã đụng độ với cảnh sát chống bạo động ở Barcelona sau khi chín lãnh đạo ly khai bị Tòa Tối cao Tây Ban Nha tuyên án tù vì tổ chức trưng cầu dân ý bất hợp pháp vào năm 2017. Thời hạn của các bản án đã làm phẫn nộ nhiều người Catalan; Oriol Junqueras, cựu phó thủ hiến Catalonia và là bị cáo cấp cao nhất, bị tuyên 13 năm.

Sau 11 ngày biểu tình bạo lực và phong tỏa đường phố, chính phủ Ecuador và các nhà lãnh đạo người bản địa đã đạt thỏa thuận rút sắc lệnh loại bỏ trợ cấp nhiên liệu. Tổng thống Lenín Moreno cho biết các khoản trợ cấp khiến nhà nước phải trả 1,3 tỷ đô la mỗi năm và loại bỏ chúng sẽ giúp đáp ứng các điều kiện cho một khoản vay của IMF. Chính phủ cho biết sẽ tìm cách khác để tiết kiệm. Continue reading “Thế giới hôm nay: 15/10/2019”

Thế giới hôm nay: 14/10/2019

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Hagibis, cơn bão tồi tệ nhất trong hơn sáu thập kỷ đổ bộ vào Nhật Bản, đã làm thiệt mạng ít nhất 26 người và gây tê liệt Tokyo một thời gian ngắn. Chính phủ Nhật Bản đã triển khai hàng chục ngàn binh sĩ và nhân viên cứu hộ để chống lại lũ lụt và giúp đỡ những người mắc kẹt do nước dâng cao. Nhiều trận đấu của giải World Cup Rugby và các cuộc đua Công thức 1 Grand Prix đã bị hủy do thời tiết xấu.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói chiến dịch quân sự của nước ông vào Syria được lên kế hoạch để xâm nhập khoảng 30km vào lãnh thổ Syria do người Kurd kiểm soát. Ông tuyên bố cuộc xâm lược đã giết chết 440 chiến binh người Kurd, bên từng là đồng minh chính của Mỹ trong cuộc chiến chống lại IS. Cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu sau khi Tổng thống Donald Trump ra lệnh rút các lực lượng Mỹ khỏi miền bắc Syria vào tuần trước. Continue reading “Thế giới hôm nay: 14/10/2019”

Thế giới hôm nay: 11/10/2019

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt qua biên giới Syria vào khu vực lãnh thổ quản lý bởi lực lượng người Kurd, đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo. Mặc dù vậy, Tổng thống Donald Trump đã hạ thấp liên minh này: “người Kurd đã không giúp chúng tôi trong trận Normandy” trong Thế chiến II, ông nói. Nhưng, như nhiều nhà sử học đã nhanh chóng chỉ ra, đó là bởi vì người Kurd, lúc đó đang phục vụ trong các lực lượng vũ trang của Anh, đang bận rộn hỗ trợ cuộc đổ bộ (của quân Đồng minh) vào Ý, Hy Lạp và Albania do Đức Quốc xã kiểm soát.

Hai cộng sự của luật sư riêng của Donald Trump đã bị bắt và bị buộc tội vi phạm luật về tài trợ cho các chiến dịch tranh cử ở Mỹ. Lev Parnas và Igor Fruman đã giúp Rudy Giuliani ép Ukraine điều tra Joe Biden và đưa tiền của một nhà tài trợ người Nga vào cuộc bầu cử Mỹ, bản cáo trạng cho hay. Họ phải đối mặt với bốn cáo buộc, bao gồm cả âm mưu và khai man trước Ủy ban Bầu cử Liên bang. Đảng Dân chủ dẫn dắt cuộc điều tra luận tội đã gửi giấy triệu tập cho hai người này. Continue reading “Thế giới hôm nay: 11/10/2019”

Thế giới hôm nay: 10/10/2019

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vùng đông bắc Syria, ngay sau động thái rút quân bị chỉ trích của Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ đặt mục tiêu thiết lập một “khu vực an toàn” ở phía bên kia biên giới với Syria, xóa sạch những gì họ gọi là những tay khủng bố Nhà nước Hồi giáo và phiến quân người Kurd. Tuy nhiên, Lực lượng Dân chủ Syria do người Kurd lãnh đạo đã chiến đấu chống IS với sự hỗ trợ của Mỹ. Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này đi “quá xa”.

Trong khi người Do Thái ăn mừng lễ Yom Kippur, một kẻ tấn công đã bắn và giết ít nhất hai người gần một giáo đường Do Thái giáo ở thành phố Halle, miền đông nước Đức. Cảnh sát đã phong tỏa trung tâm thành phố và bắt giữ một người được cho là đã xúc phạm người Do Thái và người nước ngoài trong một video mà anh ta thực hiện để miêu tả cơn giận dữ của mình. Các công tố viên liên bang đã tiếp quản cuộc điều tra với lý do an ninh quốc gia. Continue reading “Thế giới hôm nay: 10/10/2019”

Thế giới hôm nay: 09/10/2019

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Các nguồn tin thân cận với ông Boris Johnson thừa nhận kế hoạch Brexit của ông trên thực tế đã chết sau cuộc gọi với thủ tướng Đức Angela Merkel. Một người thân cận với thủ tướng Anh khẳng định thủ tướng Đức đã đưa ra quan điểm hoàn toàn mới về Bắc Ireland. Nhiều nhà bình luận chế giễu việc đổ lỗi này, trong khi Brussels nói quan điểm của họ không thay đổi. Donald Tusk, chủ tịch Hội đồng Châu Âu, gọi phản ứng của Phố Downing là “một trò chơi đổ lỗi ngu ngốc”. Tuy nhiên, với việc nước Anh chuẩn bị bước vào bầu cử thì đổ lỗi cho người Đức về thất bại của kế hoạch Brexit xem ra có vẻ thuận tiện cho ông Johnson .

Chính quyền Trump đã chặn một nhà ngoại giao cấp cao ra làm chứng trong cuộc điều tra luận tội của Hạ viện. Những người từ 3 ủy ban do đảng Dân chủ lãnh đạo đã lên kế hoạch tra hỏi Gordon Sondland, đại sứ Mỹ tại EU, về sự tham gia của ông vào chiến dịch gây áp lực của ông Trump đối với Ukraine. Đảng Dân chủ nói việc cấm cản ông Sondland ra điều trần là hành động ngăn trở, đồng thời cũng đáng bị luận tội. Continue reading “Thế giới hôm nay: 09/10/2019”

Thế giới hôm nay: 08/10/2019

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Nhà Trắng sẽ rút quân khỏi miền bắc Syria, mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ đẩy lui các đồng minh người Kurd của Mỹ khỏi khu vực. Người Kurd vốn có vai trò quan trọng trong việc đánh bại Nhà nước Hồi giáo ở Syria. Nhưng chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ coi họ là những kẻ khủng bố. Tổng thống Donald Trump đã hứa sẽ “hủy diệt và xóa sổ” nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu chính phủ này làm bất cứ điều gì được coi là “vượt quá giới hạn”.

Một thẩm phán liên bang đã bác bỏ đơn kiện của Donald Trump trong nỗ lực chặn quyền truy cập vào dữ liệu hoàn thuế của ông. Quyết định này sẽ mở đường cho công tố viên trưởng quận Manhattan ra trát yêu cầu dữ liệu tám năm thuế cá nhân và doanh nghiệp của Tổng thống, như một phần của cuộc điều tra về các khoản thanh toán cho ngôi sao khiêu dâm Stormy Daniels. Các luật sư của ông Trump dự kiến sẽ kháng cáo. Continue reading “Thế giới hôm nay: 08/10/2019”

Thế giới hôm nay: 07/10/2019

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa MỹTriều Tiên kết thúc không có tiến triển tại ngoại ô Stockholm. Nhà đàm phán chính của Triều Tiên nói với phóng viên rằng các cuộc đàm phán đã không đáp ứng được kỳ vọng. Nước này đã bắn thử một tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm vào tuần trước. Mối quan hệ giữa hai nước đã chuyển từ mức ấm áp đáng ngạc nhiên sang sự lạnh lẽo quen thuộc.

Người biểu tình xuống đường chống lại lệnh cấm đeo mặt nạ ở Hồng Kông đã phá hoại các cửa hàng và nhà ga. Vào tối thứ Sáu, toàn bộ hệ thống tàu điện ngầm đã ngừng hoạt động và nhiều nhà ga vẫn đóng cửa suốt cuối tuần. Vào Chủ nhật, hàng ngàn người tuần hành trong mưa lớn, trong đó nhiều người vẫn đeo mặt nạ một cách thách thức. Đụng độ giữa cảnh sát, người biểu tình và dân thường đã nổ ra ở nhiều nơi. Continue reading “Thế giới hôm nay: 07/10/2019”

Thế giới hôm nay: 04/10/2019

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Tổng thống Donald Trump công khai nói Trung Quốc nên điều tra Joe Biden, ứng viên hàng đầu cho đề cử tổng thống của Đảng Dân chủ. Điều này tương tự yêu cầu của ông với tổng thống Ukraine vốn tuần trước đã khiến Đảng Dân chủ mở cuộc điều tra luận tội. Ông Trump chưa đưa ra được bằng chứng nào cho khẳng định rằng vị cựu phó tổng thống tham nhũng. Trước đó, Đảng Dân chủ cho biết nếu cần thiết họ sẽ ra trát yêu cầu Nhà Trắng cung cấp tài liệu để phục vụ cuộc điều tra.

Cảnh sát Hồng Kông đã được trao quyền lớn hơn để đối phó với biểu tình bạo lực. Reuters cho biết các hướng dẫn nêu rõ các sĩ quan phải “chịu trách nhiệm về hành động của mình” đã bị loại bỏ, trong khi việc hơi cay và bình xịt hơi cay được cho phép sử dụng vì mục đích phòng vệ. Chính phủ Hồng Kông cũng dự kiến sẽ cấm đeo mặt nạ trong các cuộc biểu tình. Continue reading “Thế giới hôm nay: 04/10/2019”

Thế giới hôm nay: 02/10/2019

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Rắc rối bùng lên ở Hồng Kông khi Trung Quốc kỷ niệm 70 năm quốc khánh bằng cuộc duyệt binh với 15.000 binh sĩ và tên lửa tầm xa trên đường phố Bắc Kinh. Người biểu tình tham gia vào cuộc tuần hành lớn mà họ gọi là “quốc tang” vốn đã bị cấm bởi chính quyền. Các cuộc đụng độ bạo lực đã nổ ra ở một số nơi, không chỉ xung quanh tòa nhà Lập pháp. Cảnh sát đã sử dụng hơi cay và bắn đạn thật lần đầu tiên sau nhiều tháng. Một người biểu tình đã bị bắn vào ngực ở cự ly gần và đang trong tình trạng nguy kịch. Câu hỏi đáng sợ là: lúc nào thì Bắc Kinh sẽ quyết định rằng bạo lực trở nên không thể dung thứ được và bắt đầu đưa quân vào Hồng Kong?

Khủng hoảng chính trị Peru ngày càng sâu sắc khi Tổng thống Martín Vizcarra giải tán quốc hội do phe đối lập lãnh đạo. Phe đối lập đã cản trở tổng thống cố gắng thông qua luật chống tham nhũng trong năm qua. Hỗn loạn xảy đến khi các nghị sĩ lập tức bỏ phiếu đình chỉ ông Vizcarra và đưa phó tổng thống lên thay. Chính phủ nói động thái này không có giá trị vì nó được đưa ra sau khi cơ quan lập pháp đã bị giải tán. Continue reading “Thế giới hôm nay: 02/10/2019”

Thế giới hôm nay: 01/10/2019

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Tổng thống Donald Trump đăng trên Twitter rằng nghị sĩ đảng Dân chủ Adam Schiff, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, nên bị bắt vì tội phản quốc. Những lời bình luận của tổng thống xuất hiện vài ngày sau khi ông Schiff đồng ý thỏa thuận với một người tố giác ẩn danh, người có thư tố giác về hành vi của ông Trump khiến đảng Dân chủ bắt đầu thủ tục luận tội, để đưa người này đến điều trần trước Ủy ban của ông Schiff.

Bộ trưởng tài chính Thổ Nhĩ Kỳ, Berat Albayrak, chính thức đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đầy tham vọng 5% cho kế hoạch năm 2019. Mục tiêu này đã được cha vợ ông, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, công bố vào tháng trước. Động thái này bất chấp các cảnh báo rằng một sự bùng nổ nhờ tín dụng khác có nguy cơ gây bất ổn nền kinh tế; năm ngoái, đồng lira đã mất 30% giá trị so với đồng đô la Mỹ. Continue reading “Thế giới hôm nay: 01/10/2019”

Thế giới hôm nay: 30/09/2019

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Hồng Kông bước vào đợt cuối tuần thứ mười bảy. Cảnh sát đã dùng vòi rồng, đạn cao su và hơi cay để chống lại người biểu tình cầm bom xăng; các cuộc đụng độ bạo lực diễn ra khắp khu vực mua sắm Causeway Bay, Wan Chai và quận Admirality nơi đặt các văn phòng chính phủ. Dự kiến sẽ có biểu tình vào thứ ba, ngày đánh dấu kỷ niệm 70 năm cộng sản cầm quyền ở Trung Quốc.

Afghanistan đã tổ chức bầu cử tổng thống, lần thứ tư kể từ khi chế độ Taliban bị lật đổ năm 2001. Tổng thống đương nhiệm Ashraf Ghani được dự đoán sẽ giành chiến thắng. Phiến quân Taliban đã tấn công khoảng 400 trạm bỏ phiếu trong nỗ lực phá vỡ cuộc bầu cử, nhưng lực lượng an ninh đã ngăn chặn thành công bạo lực quy mô lớn. Ước tính không chính thức cho thấy số lượng người bỏ phiếu đã giảm từ 7 triệu năm 2014 xuống còn khoảng 2 triệu lần này. Continue reading “Thế giới hôm nay: 30/09/2019”

Thế giới hôm nay: 28/09/2019

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Wells Fargo, ngân hàng có giá trị vốn hóa lớn thứ tư thế giới, đã bổ nhiệm Charles Scharf làm giám đốc điều hành, kết thúc cuộc tìm kiếm kéo dài sáu tháng. Ông sẽ kế nhiệm Tim Sloan, người đã nghỉ hưu vào tháng 3 sau một loạt vụ bê bối lạm dụng người tiêu dùng liên quan đến ngân hàng xảy ra trong nhiệm kỳ của ông . Scharf hiện là giám đốc điều hành của Ngân hàng New York Mellon.

Cổ phiếu của các công ty Trung Quốc niêm yết ở sàn New York đã giảm sau khi có thông tin rằng Tổng thống Donald Trump đang xem xét cách thức để hạn chế quyền tiếp cận của Trung Quốc đối với nguồn vốn Mỹ. Một trong các biện pháp được báo cáo là hủy niêm yết của các công ty Trung Quốc tại các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. Một động thái như vậy, được ủng hộ bởi một số nghị sĩ Cộng hòa, sẽ mở rộng cuộc chiến thương mại sang thị trường vốn trước các cuộc đàm phán mới vào tháng Mười. Continue reading “Thế giới hôm nay: 28/09/2019”