Kỳ 11: Lâm Bưu cướp diễn đàn “cứu giá“
Nếu Bành Chân xem uy tín Mao Trạch Đông chỉ cao ngang “núi Thái Sơn” thì nguyên soái Lâm Bưu không mấy chốc đã nâng thêm “chiều cao” đó lên tận đỉnh Chomolungma của thế giới và nêu nhận định ngược đời của mình trước 7.000 đại biểu: “bước tiến nhảy vọt và công xã nhân dân là hoàn toàn đúng đắn, sáng tạo” (!)
Lâm Bưu và Mao Trạch Đông (trái)
Các tác giả cuốn “Mười năm cuối đời của Mao Trạch Đông” (sách đã dẫn ở kỳ 8) qua lần gặp đầu tiên đã mô tả Lâm Bưu – danh tướng một thời của Hồng quân Trung Hoa – có “dáng người không cao to, khuôn mặt trắng bệch, từ trên xe bước xuống, đi bộ một vài bước cũng phải có người dìu”. Lần ấy, Diệp Quần – vợ Lâm Bưu – đi theo sau, phân bua: “Tổng tư lệnh Lâm sức khỏe không được tốt, sợ gió, sợ ánh sáng, sợ lạnh, sợ ra mồ hôi”. Suốt 20 năm tiếp đó (1951 – 1971), họ còn gặp Lâm Bưu rất nhiều lần nữa ở Trung Nam Hải, ghi lại: “Mùa đông ngồi trong xe bảo hiểm có khí nóng, mà Lâm Bưu vẫn phải mặc bao ống quần” và cũng phải “có người dìu đến phòng trực ban của cảnh vệ để cởi bỏ áo khoác, tháo khăn quàng cổ, cất mũ, sửa sang lại quần áo đầu tóc” rồi mới vào gặp Mao Trạch Đông. Xong việc, Lâm Bưu quay trở ra lấy đồ mặc, mất thời gian hơn người khác, nên “những lần Mao Chủ tịch yêu cầu Lâm Bưu tiếp khách nước ngoài phải chờ đợi ông khá lâu”. Con người bề ngoài yếu ớt, sợ cả “gió và ánh sáng” ấy lại đã “cướp diễn đàn” để giải nguy – “cứu giá” Mao Trạch Đông ít nhất hai lần.
Lần đầu vào tháng 9.1960, sau thất bại nặng nề của “bước tiến nhảy vọt”, lúc Mao Trạch Đông bị đẩy xa vị trí của mình một khoảng (không chỉ huy sản xuất công nông nghiệp nữa), Lâm Bưu đã triệu tập Hội nghị Quân ủy Trung ương mở rộng, để ra nghị quyết ủng hộ Mao Trạch Đông, xem tư tưởng Mao Trạch Đông “là kim chỉ nam của quân đội và toàn dân Trung Quốc”, chống lại “những người lấn quyền” và “đang khủng hoảng niềm tin vào Mao Chủ tịch” (như nguyên soái Chu Đức và Đặng Tiểu Bình phát biểu: “hoan nghênh Mao thôi chức Chủ tịch đảng”. Chu Ân Lai nhẹ nhàng hơn: “Chủ tịch tạm lui về tuyến hai, Chủ tịch vẫn là chủ tịch”.)
Lần thứ hai ở “Đại hội 7.000 người”, Lâm Bưu không nhắc gì đến hậu quả của chỉ thị tai hại của Mao Trạch Đông buộc toàn dân phấn đấu tăng sản lượng thép từ 5,35 triệu tấn (1957) lên gấp đôi: 10,7 triệu tấn (vào 1958). Chỉ thị phổ biến tháng 8.1958 lúc chỉ còn 4 tháng nữa là hết năm, không thể nào đủ sức lo liệu thêm 6,2 tấn thép cho đủ sản lượng trên. Nhưng Mao Trạch Đông bất kể quy luật kinh tế và nhất mực buộc phải “kết hợp giữa Các Mác và Tần Thủy Hoàng” để hoàn thành, nếu cần thiết vẫn phải “tháo dỡ các đường sắt tạm thời không có giá trị kinh tế như: đường sắt Ninh Ba, đường sắt Giao Đông” để làm nguyên liệu đúc thép. Vào cuộc, Nhân dân nhật báo đăng bản tin “hoang tưởng”: tỉnh Hà Nam chỉ trong vòng 5 ngày (từ 10 đến 15.9) đã nâng số lượng lò luyện gang trong tỉnh lên 45.000 cái, huy động 3,6 triệu nông dân với 407.000 xe vận tải các loại, để mỗi ngày sản xuất 18.693 tấn gang. Thủ tướng Chu Ân Lai tiến hành thẩm định mới biết đó là “thành tích ảo”. Những “kỳ tích” tưởng tượng với hàng loạt con số sản lượng phóng lên đến “tận cung trăng” tương tự như Hà Nam, dẫn đến công bố của Tân Hoa Xã: sản xuất 11,08 triệu tấn thép trong năm ấy (tăng hơn mong muốn của Mao Trạch Đông) và 13,69 triệu tấn gang! (tài liệu sau này cho biết trong đó có 3,08 triệu tấn thép và 4,16 triệu tấn gang phế phẩm, hoàn toàn không thể gia công sử dụng. Giá thị trường một tấn gang lúc đó là 150 nhân dân tệ (NDT), gang làm ra theo phương pháp thủ công phải cõng giá thành lên 315 NDT, nhà nước phải trợ giá 5 tỷ NDT cho “thắng lợi tinh thần” của việc ồ ạt làm gang thép ấy!”. Dầu Lâm Bưu không nhắc đến, song các đại biểu vẫn bàn tán về những tổn thất liên quan qua “đại hội 7.000 người” tháng 1.1962.
Vào thời điểm đó, Lưu Thiếu Kỳ vẫn còn trên đỉnh cao quyền lực (được Mao Trạch Đông giới thiệu với nguyên soái Anh Mongtgomery: “Khi tôi chết, ông ta sẽ lên thay”) – trên diễn đàn “đại hội 7.000 người”, vào phiên họp toàn thể ngày 27.1, thẳng thắn phân tích nguyên nhân dẫn đến thảm họa trong đại nạn “công xã nhân dân”, “nhà bếp tập thể” và “ảo ảnh công nghệ thép” là do:
– 3 phần thiên tai, 7 phần nhân họa.
Lưu Thiếu Kỳ muốn nói Mao Trạch Đông phải gánh 70% trách nhiệm, cả hội trường vỗ tay hoan nghênh, tất nhiên không khỏi làm Mao Trạch Đông căm tức. Nhật ký của Đặng Dĩnh Siêu (vợ Chu Ân Lai) ghi rằng, cũng tại đại hội trên: “nhiều người yêu cầu Mao Trạch Đông rút lui”. Đang lúc Mao Trạch Đông bị bao vây, đơn độc, Lâm Bưu xuất hiện đúng lúc mang đến cho Chủ tịch của mình “vòng hào quang mới”, với khẳng định: “đường lối chung, cũng như bước tiến nhảy vọt và công xã nhân dân là đúng đắn, sáng tạo, những khó khăn vấp phải là do không làm theo chỉ thị của Mao” (!). Lâm Bưu dứt lời, Mao Trạch Đông đứng dậy vỗ tay, Lưu Thiếu Kỳ và Thường vụ Bộ chính trị ngần ngừ một lát mới đứng lên “vỗ tay theo” – 7.000 đại biểu tuy “gật đầu” nhưng “không chấp thuận”, nên ai đó trương khẩu hiệu: “Đả đảo Mao Trạch Đông!” trong hội trường ngay sau buổi đó… (còn nữa)