#136 – Phát triển dẫn đến dân chủ như thế nào?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Ronald Inglehart & Christian Welzel (2009). “How Development Leads to Democracy: What We Know about Modernization”, Foreign Affairs, Vol. 88, No. 2, pp 33-48.>>PDF

Biên dịch: Phan Thị Hoài Phương | Hiệu đính: Nghiêm Hồng Sơn

Bài liên quan: #92 – Một số điều kiện xã hội tiên quyết của nền dân chủ: Sự phát triển kinh tế và tính chính danh chính trị

Trong những năm gần đây, sự bùng nổ dân chủ đã nhường chỗ cho suy thoái dân chủ. Từ năm 1985 đến 1995, nhiều quốc gia thực hiện việc chuyển đổi sang dân chủ, mang hưng phấn lan rộng về tương lai của nền dân chủ. Nhưng gần đây, dân chủ đã thoái lui ở Bangladesh, Nigeria, Philippines, Nga, Thái Lan, và Venezuela. Còn những nỗ lực của chính quyền Bush để thiết lập nền dân chủ ở Afghanistan và Iraq dường như đã đẩy cả hai nước này vào sự hỗn loạn. Với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc và Nga, những phát triển này đã khiến nhiều nhà quan sát cho rằng nền dân chủ đã đạt đến đỉnh điểm và không còn dâng cao được nữa.

Kết luận đó là sai lầm. Các điều kiện cơ bản của xã hội trên toàn thế giới chỉ rõ ra một thực tế phức tạp hơn. Tin xấu là sẽ không thực tế khi cho rằng các thể chế dân chủ có thể được thiết lập dễ dàng, hầu như bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào. Mặc dù triển vọng luôn mang lại hi vọng, nhưng dân chủ chỉ có khả năng xuất hiện và tồn tại cao nhất khi các điều kiện xã hội và văn hóa nhất định đã được đáp ứng. Chính quyền Bush đã bỏ qua thực tế này khi cố gắng cấy ghép dân chủ ở Iraq mà chưa thiết lập được an ninh nội bộ, đồng thời bỏ qua các điều kiện văn hóa vốn đe dọa nỗ lực của chính quyền Bush.

Tuy nhiên, tin tốt là điều kiện thuận lợi cho nền dân chủ có thể và thực sự xuất hiện, và nhiều bằng chứng thực nghiệm cho thấy quá trình “hiện đại hóa” thúc đẩy các điều kiện này phát triển. Hiện đại hóa là một hội chứng của những thay đổi xã hội liên quan tới công nghiệp hóa. Một khi hoạt động, hiện đại hóa có xu hướng thâm nhập vào tất cả các khía cạnh của cuộc sống: chuyên môn hóa nghề nghiệp, đô thị hóa, tăng trình độ học vấn, nâng cao tuổi thọ và tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Những yếu tố này tạo ra một quá trình tự củng cố giúp biến đổi đời sống xã hội và các thể chế chính trị, đẩy mạnh sự tham gia của quần chúng vào chính trị và dần dần giúp cho việc thành lập các tổ chức chính trị dân chủ ngày càng khả thi hơn. Ngày nay, chúng ta hiểu rõ hơn bao giờ hết về lý do tại sao và làm thế nào quá trình dân chủ hóa sẽ xảy ra.

Xu hướng dài hạn tiến tới dân chủ luôn có những bước thăng trầm. Vào đầu thế kỷ 20, chỉ một số ít các nền dân chủ tồn tại, và thậm chí họ đã không đạt được dân chủ đầy đủ theo tiêu chuẩn ngày nay. Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, số lượng các nền dân chủ tăng mạnh, rồi tiếp tục tăng mạnh sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, và sự bùng nổ thứ ba diễn ra vào thời điểm cuối Chiến tranh Lạnh. Sau mỗi lần bùng nổ đều kéo theo sự suy giảm, mặc dù số lượng các nền dân chủ không bao giờ giảm trở lại số lượng gốc ban đầu. Đến đầu thế kỷ 21, khoảng 90 quốc gia có thể được coi là dân chủ.

Xu hướng chung rất rõ ràng: về lâu dài hiện đại hóa tất yếu dẫn đến dân chủ, mặc dù nhiều trong số các nền dân chủ này còn chưa hoàn thiện. Điều này có nghĩa rằng sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc và Nga có một khía cạnh tích cực: những thay đổi cơ bản đang diễn ra tác động đến khả năng xuất hiện các hệ thống chính trị ngày càng tự do và dân chủ trong những năm tới. Điều này cũng có nghĩa là không có lý do gì để hoang mang về một thực tế rằng dân chủ hiện nay dường như đang ở thế phòng thủ. Tác động qua lại giữa hiện đại hóa và dân chủ hóa đang ngày càng trở nên rõ ràng, và nhiều khả năng cơ chế này sẽ tiếp tục hoạt động.

Cuộc tranh luận lớn

Khái niệm về hiện đại hóa có một lịch sử lâu dài. Trong suốt thế kỷ 19 và 20, lý thuyết Mác-xít về hiện đại hóa tuyên bố việc bãi bỏ chế độ sở hữu tư nhân sẽ chấm dứt bóc lột, bất bình đẳng, và xung đột. Phiên bản lý thuyết cạnh tranh của chủ nghĩa tư bản cho rằng phát triển kinh tế sẽ dẫn đến mức sống tăng và dân chủ. Hai lý thuyết về hiện đại hóa này không ngừng cạnh tranh quyết liệt với nhau suốt cuộc Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, vào những năm 1970, chủ nghĩa cộng sản đã bắt đầu trì trệ, và nhiều nước nghèo rõ ràng là không phát triển kinh tế cũng không tiến đến dân chủ hóa. Không phiên bản không tưởng nào trở thành hiện thực, và các nhà phê bình đã tuyên bố rằng lý thuyết về hiện đại hóa đã chết.

Tuy nhiên, kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, khái niệm hiện đại hóa đã hồi sinh, và một phiên bản mới của lý thuyết hiện đại hóa đã xuất hiện, làm rõ hơn hiểu biết của chúng ta về tác động của phát triển kinh tế toàn cầu. Bỏ qua các phiên bản đơn giản đầu tiên, khái niệm mới về hiện đại hóa làm sáng tỏ những thay đổi văn hóa đang diễn ra, chẳng hạn như sự gia tăng về bình đẳng giới, làn sóng dân chủ hóa gần đây, và lý thuyết hòa bình dân chủ.

Trong hầu hết lịch sử nhân loại, tiến triển về công nghệ cực kỳ chậm chạp và những phát triển mới trong sản xuất lương thực chỉ đủ bù đắp nhu cầu từ gia tăng dân số – đẩy các nền kinh tế nông nghiệp vào trạng thái cân bằng ổn định nhưng tiêu chuẩn đời sống không được nâng cao. Lịch sử được coi là một chu kỳ lặp lại hoặc suy giảm dài hạn từ thời kỳ vàng son trong quá khứ. Tình hình đã bắt đầu thay đổi với cuộc Cách mạng Công nghiệp và sự ra đời của tăng trưởng kinh tế bền vững – điều này gợi mở ra tầm nhìn về hiện đại hóa của cả tư bản và cộng sản. Mặc dù các nhà lý luận cạnh tranh nhau quyết liệt, cả hai tư tưởng đều cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và sự tham gia quần chúng vào hoạt động chính trị. Mỗi bên tin rằng các quốc gia đang phát triển của thế giới thứ ba sẽ đi theo con đường của mình để tiến đến hiện đại hóa.

Vào đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, một phiên bản của lý thuyết hiện đại hóa nổi lên ở Hoa Kỳ miêu tả sự kém phát triển như một hệ quả trực tiếp của những đặc điểm văn hóa và tâm lý của một quốc gia. Kém phát triển được cho là phản ánh giá trị chủng tộc và tôn giáo truyền thống bất hợp lý ngăn cản việc gặt hái những thành tựu. Theo lý thuyết này thì các nền dân chủ phương Tây giàu có có thể khai mở các giá trị hiện đại và đem lại tiến bộ cho các quốc gia “lạc hậu” thông qua hỗ trợ kinh tế, văn hóa, và quân sự. Tuy nhiên, vào những năm 1970, sự hỗ trợ này rõ ràng đã không mang lại nhiều tiến bộ cho sự thịnh vượng hay dân chủ – mà làm xói mòn thêm niềm tin vào phiên bản về lý thuyết hiện đại hóa này, ngày càng bị chỉ trích là vị chủng và trịch thượng. Điều này đã bị chỉ trích nặng nề từ phái “lý thuyết phụ thuộc”, họ cho rằng thương mại với các nước giàu là bóc lột những nước nghèo và trói chặt những nước này vào thế phụ thuộc. Tầng lớp tinh hoa ở những quốc gia đang phát triển hoan nghênh lập luận này, vì nó ám chỉ rằng nghèo đói không liên quan gì đến các vấn đề nội bộ hoặc tham nhũng của lãnh đạo địa phương mà là sai lầm của chủ nghĩa tư bản toàn cầu. Ở những năm 1980, lý thuyết phụ thuộc đã trở nên phổ biến. Các quốc gia Thế giới thứ Ba lập luận rằng họ có thể thoát khỏi sự bóc lột toàn cầu chỉ bằng cách rút khỏi thị trường toàn cầu và áp dụng các chính sách thay thế nhập khẩu.

Thời gian gần đây, các chiến lược thay thế nhập khẩu rõ ràng đã thất bại: các nước ít tham gia vào thương mại toàn cầu như Cuba, Myanmar (còn gọi là Miến Điện) và Bắc Triều Tiên, đã không phải là những quốc gia thành công nhất – thực tế họ là những nước tăng trưởng kém nhất. Chiến lược định hướng xuất khẩu đã thực sự rất hiệu quả trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và cuối cùng kéo theo dân chủ hóa. Theo đó, gió đã đổi chiều và một phiên bản mới về lý thuyết hiện đại hóa đã tạo được lòng tin. Sự phát triển kinh tế nhanh chóng của khu vực Đông Á và dân chủ hóa sau đó của Hàn Quốc và Đài Loan dường như đã khẳng định những tuyên bố cơ bản: sản xuất cho thị trường thế giới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tái đầu tư vào nguồn nhân lực và nâng cấp lực lượng lao động để sản xuất hàng hóa công nghệ cao mang lại lợi nhuận cao hơn và mở rộng tầng lớp trung lưu có học thức, và một khi tầng lớp trung lưu trở nên lớn và đủ sức liên kết, ắt sẽ xuất hiện dân chủ tự do – vốn là hệ thống chính trị hiệu quả nhất cho các xã hội công nghiệp tiên tiến. Tuy nhiên, thậm chí đến ngày hôm nay, nếu đề cập đến hiện đại hóa tại một hội nghị về phát triển kinh tế, người ta có thể sẽ phải nghe lặp lại bài phê bình của lý thuyết phụ thuộc đối với phiên bản lý thuyết hiện đại hóa vốn từng nhắc tới các “quốc gia lạc hậu”, như thể đó là tất cả đối với lý thuyết hiện đại hóa và không có các chứng cứ mới xuất hiện từ những năm 1970.

Thuyết hiện đại hóa mới

Khi nhìn lại, các phiên bản đầu của lý thuyết hiện đại hóa rõ ràng là đã sai về một số điểm. Ngày nay, hầu như không ai mong chờ một cuộc cách mạng của giai cấp vô sản sẽ bãi bỏ sở hữu tư nhân, mở ra một kỷ nguyên mới không có bóc lột và xung đột. Cũng không có bất cứ ai mong đợi công nghiệp hóa sẽ tự hình thành các thể chế dân chủ; chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít cũng nổi lên từ công nghiệp hóa. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho thấy lập luận chính của lý thuyết hiện đại hóa là đúng: phát triển kinh tế có xu hướng mang lại những thay đổi quan trọng và có thể báo trước về xã hội, văn hóa và chính trị. Nhưng nhiều khía cạnh của các phiên bản về lý thuyết hiện đại hóa trước đây cần phải được chỉnh sửa.

Thứ nhất, hiện đại hóa không phải là tuyến tính. Nó không di chuyển vô thời hạn trong cùng một hướng, thay vào đó, quá trình này đạt đến những điểm uốn. Bằng chứng thực nghiệm cho thấy rằng mỗi giai đoạn hiện đại hóa gắn liền với những thay đổi đặc biệt trong thế giới quan của con người. Công nghiệp hóa dẫn đến một quá trình thay đổi lớn, tạo ra nạn quan liêu, hệ thống phân cấp, tập trung quyền lực, thế tục hóa, và sự chuyển đổi các giá trị từ truyền thống sang cởi mở. Xã hội phát triển đến thời kỳ hậu công nghiệp hóa mang lại các thay đổi văn hóa theo một hướng khác: thay vì quan liêu và tập trung quyền lực, xu hướng mới là ngày càng chú trọng hơn vào quyền tự chủ và các giá trị tự biểu hiện cá nhân, dẫn đến nhu cầu giải thoát khỏi sự kiểm soát của chính quyền ngày càng tăng.

Do đó, nếu các yếu tố khác không đổi, phát triển kinh tế ở mức độ cao có xu hướng làm cho con người khoan dung và tin tưởng nhau hơn, chú trọng hơn nữa vào sự tự thể hiện và tham gia nhiều hơn vào việc ra quyết định. Quá trình này không phải là tiền định, và mọi dự đoán chỉ có thể mang tính xác suất, vì yếu tố kinh tế không phải là yếu tố ảnh hưởng duy nhất, các nhà lãnh đạo hay các sự kiện của một quốc gia nhất định cũng ảnh hưởng đến những gì sẽ xảy ra. Hơn nữa, hiện đại hóa không phải là không thể đảo ngược. Sụp đổ kinh tế nghiêm trọng có thể đảo ngược nó, như đã xảy ra trong cuộc Đại suy thoái ở Đức, Ý, Nhật Bản và Tây Ban Nha và trong những năm 1990 ở hầu hết các quốc gia thừa kế Liên Xô. Tương tự như vậy, nếu cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay trở thành Đại suy thoái thế kỷ 21, thế giới có thể phải đối mặt với một cuộc đấu tranh mới chống lại sự bài ngoại và chủ nghĩa độc tài tái sinh.

Thứ hai, lịch sử có vai trò quan trọng vì thay đổi xã hội và văn hóa phụ thuộc vào lề thói truyền thống (path dependent). Mặc dù phát triển kinh tế có xu hướng mang lại thay đổi có thể dự đoán trong thế giới quan của người dân, di sản của xã hội – cho dù hình thành bởi đạo Tin lành, Công giáo, Hồi giáo, Khổng giáo, hoặc chủ nghĩa cộng sản – vẫn để lại một dấu ấn lâu dài trong thế giới quan xã hội. Hệ thống giá trị của một xã hội phản ánh sự tương tác giữa các yếu tố thúc đẩy công cuộc hiện đại hóa và sức ảnh hưởng dài lâu của truyền thống. Mặc dù các nhà lý thuyết hiện đại hóa cổ điển ở cả phương Đông và Tây nghĩ rằng tôn giáo và truyền thống dân tộc sẽ chết đi nhưng chúng đã được chứng minh là rất bền bỉ. Mặc dù dân chúng của các xã hội công nghiệp hóa đang ngày càng trở nên giàu có và có học thức hơn nhưng hầu như không tạo ra một nền văn hóa toàn cầu thống nhất. Rõ ràng di sản văn hóa vẫn tồn tại lâu dài.

Thứ ba, hiện đại hóa không phải là phương Tây hóa, trái ngược với phiên bản trước đây, phiên bản vị chủng của lý thuyết này. Quá trình công nghiệp hóa bắt đầu ở phương Tây, nhưng trong vài thập kỷ qua, Đông Á đã có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới, và Nhật Bản dẫn đầu thế giới về tuổi thọ và một số khía cạnh khác của hiện đại hóa. Hoa Kỳ không phải là mô hình cho sự thay đổi văn hóa toàn cầu, và các xã hội công nghiệp hóa nói chung không trở nên giống như Hoa Kỳ, như một phiên bản phổ biến của lý thuyết hiện đại hóa vẫn giả định. Trong thực tế, xã hội Hoa Kỳ vẫn giữ được nhiều giá trị truyền thống hơn so với hầu hết các nước có thu nhập cao khác.

Thứ tư, hiện đại hóa không tự động dẫn đến dân chủ. Thay vào đó, về lâu dài, nó mang lại những thay đổi xã hội và văn hóa mà làm cho dân chủ ngày càng có thể xảy ra. Việc  chỉ cần đạt được một mức độ cao về GDP bình quân đầu người không tự động tạo ra dân chủ, nếu không Kuwait và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất hẳn đã trở thành các nền dân chủ kiểu mẫu. (Các nước này đã không trải qua quá trình hiện đại hóa được mô tả ở trên.) Nhưng sự xuất hiện của xã hội hậu công nghiệp mang lại những thay đổi xã hội và văn hóa đặc biệt khả thi cho dân chủ hóa. Xã hội tri thức không thể hoạt động hiệu quả mà không cần người dân có trình độ cao và đã quen với việc suy nghĩ cho bản thân. Hơn nữa, mức tăng cao về an ninh kinh tế ngày càng dẫn tới sự chú trọng vào hội chứng của các giá trị tự thể hiện – một hội chứng ưu tiên cao cho tự do lựa chọn và thúc đẩy các hành động chính trị. Theo đó, vượt quá một điểm nhất định, việc né tránh dân chủ trở nên khó khăn, vì việc đè nén nhu cầu của quần chúng về một xã hội cởi mở hơn trở nên tốn kém và gây bất lợi đến hiệu quả kinh tế. Như vậy, trong các giai đoạn tiên tiến, hiện đại hóa mang lại những thay đổi xã hội và văn hóa làm cho sự xuất hiện và phát triển của thể chế dân chủ ngày càng khả dĩ.

Ý tưởng cốt lõi của lý thuyết hiện đại hóa là phát triển kinh tế và công nghệ mang lại một tập hợp chặt chẽ những thay đổi xã hội, văn hóa và chính trị. Một số lượng lớn các bằng chứng thực nghiệm ủng hộ ý tưởng này. Thực sự, phát triển kinh tế liên quan mạnh mẽ tới các dịch chuyển lan rộng về niềm tin và động lực của người dân, và những dịch chuyển này tới lượt chúng lại làm thay đổi vai trò của tôn giáo, động cơ việc làm, tỷ lệ sinh sản của con người, vai trò giới tính, quy chuẩn tình dục. Và chúng cũng mang lại những đòi hỏi ngày càng cao đối với thể chế dân chủ và hành động đáp ứng tốt hơn của giới chức lãnh đạo. Những thay đổi này cùng nhau làm cho dân chủ ngày càng có khả năng xuất hiện, trong khi cũng làm cho chiến tranh ít được công chúng chấp nhận hơn.

Đánh giá các giá trị

Các nguồn bằng chứng thực nghiệm mới cung cấp những hiểu biết sâu sắc có giá trị về cách hiện đại hóa làm thay đổi thế giới quan và động cơ. Một nguồn quan trọng là các cuộc khảo sát toàn cầu về các giá trị và thái độ quần chúng. Từ năm 1981 đến năm 2007, Khảo sát Giá trị Thế giới và Nghiên cứu Giá trị Châu Âu đã tiến hành năm đợt khảo sát quốc gia mang tính đại diện ở nhiều nước, bao gồm gần 90% dân số thế giới. (Để xem dữ liệu từ các cuộc khảo sát, tham khảo website www.worldvaluessurvey.org.) Kết quả cho thấy sự khác biệt lớn giữa các quốc gia về những gì người dân tin tưởng và quý trọng. Ở một số quốc gia, 95% số người được khảo sát nói rằng Thiên Chúa rất quan trọng trong cuộc sống của họ; ở những quốc gia khác, chỉ có 3% có niềm tin như vậy. Trong một số xã hội, 90% số người được khảo sát cho biết họ tin rằng đàn ông có nhiều quyền có việc làm hơn phụ nữ, trong những xã hội khác, chỉ có 8% nói rằng họ nghĩ như vậy. Những khác biệt này rất mạnh mẽ và tồn tại lâu dài, và chúng có mối tương quan chặt chẽ với mức độ phát triển kinh tế của xã hội: người dân trong xã hội có thu nhập thấp có chiều hướng chú trọng vấn đề tôn giáo và vai trò giới tính truyền thống nhiều hơn người dân ở các quốc gia giàu có.

Các cuộc khảo sát giá trị này chứng minh rằng thế giới quan của những người sống trong xã hội giàu có khác biệt một cách có hệ thống so với những người trong xã hội có thu nhập thấp về một loạt các quy chuẩn rộng lớn liên quan đến chính trị, xã hội và tôn giáo. Sự khác biệt diễn ra ở hai chiều kích căn bản: truyền thống đối lập với các giá trị cởi mở; và sự tồn tại đối lập với giá trị tự thể hiện. (Mỗi chiều kích phản ánh kết quả của các câu hỏi khảo sát về giá trị.)

Sự chuyển đổi từ truyền thống sang các giá trị cởi mở có liên quan đến sự chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp sang công nghiệp. Xã hội truyền thống chú trọng tôn giáo, tôn trọng và tuân phục nhà cầm quyền cũng như niềm tự hào dân tộc. Những đặc điểm này thay đổi khi xã hội trở nên cởi mở hơn. Sự chuyển đổi từ sự tồn tại sang các giá trị tự thể hiện có liên quan tới sự phát triển của xã hội hậu công nghiệp. Điều này phản ánh sự thay đổi văn hóa xảy ra khi thế hệ trẻ lớn lên cho rằng sự tồn tại là lẽ đương nhiên. Giá trị tồn tại ưu tiên hàng đầu sự đảm bảo an sinh về đời sống kinh tế và các quy chuẩn xã hội mang tính tuân thủ. Giá trị tự thể hiện ưu tiên cao tự do ngôn luận, tham gia vào việc ra quyết định, tích cực hoạt động chính trị, bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, khoan dung đối với dân tộc thiểu số, người nước ngoài, người đồng tính nam và đồng tính nữ. Việc chú trọng đến các giá trị này ngày càng sinh ra một nền văn hóa đầy ấp sự tin tưởng và khoan dung, qua đó mọi người yêu mến tự do cá nhân, tự thể hiện mình và những định hướng hoạt động chính trị. Những thuộc tính này có tính quyết định đối với nền dân chủ – và như vậy có thể giải thích bằng cách nào mà tăng trưởng kinh tế, vốn giúp dịch chuyển xã hội từ nông nghiệp sang công nghiệp và sau đó từ công nghiệp đến hậu công nghiệp, lại dẫn đến dân chủ hóa. Tăng trưởng kinh tế chưa từng có trong vòng 50 năm qua có nghĩa là một phần dân số thế giới ngày càng tăng cho rằng sự tồn tại là lẽ đương nhiên. Dữ liệu chuỗi thời gian từ các cuộc khảo sát giá trị cho thấy các ưu tiên lớn đã dịch chuyển từ sự chú trọng quá mức về an sinh và đời sống kinh tế sang sự chú trọng về đời sống tinh thần, tự thể hiện mình, tham gia vào việc ra quyết định, và một quan điểm tương đối tin tưởng và khoan dung.

Cả hai chiều kích đều có liên quan chặt chẽ đến sự phát triển kinh tế: các hệ thống giá trị của các quốc gia thu nhập cao khác biệt đáng kể so với các quốc gia có thu nhập thấp. Mỗi quốc gia mà Ngân hàng Thế giới xác định là có thu nhập cao xếp hạng tương đối cao trên cả hai khía cạnh – với cả hai giá trị cởi mở và tự thể hiện đều được chú trọng mạnh mẽ. Tất cả các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp được xếp hạng tương đối thấp ở cả hai phương diện. Các quốc gia có thu nhập trung bình cao nằm đâu đó ở giữa. Ở một mức độ đáng kể, các giá trị và niềm tin của một xã hội nhất định phản ánh mức độ phát triển kinh tế của nó – đúng như lý thuyết hiện đại hóa dự đoán.

Sự liên quan mạnh mẽ giữa hệ thống giá trị của xã hội và GDP bình quân đầu người cho thấy rằng sự phát triển kinh tế có xu hướng làm xuất hiện các thay đổi có thể dự đoán về niềm tin và giá trị của một xã hội, và các bằng chứng từ dữ liệu chuỗi thời gian hỗ trợ cho giả thuyết này. Khi so sánh vị trí của các quốc gia nhất định trong các đợt khảo sát giá trị liên tiếp, ta thấy rằng hầu như tất cả các quốc gia đã từng trải qua việc tăng trưởng GDP bình quân đầu người thì cũng trải qua các dịch chuyển có thể dự đoán được về giá trị của họ.

Tuy nhiên, các bằng chứng khảo sát giá trị cũng cho thấy thay đổi văn hóa lại phụ thuộc vào các lề thói cũ; di sản văn hóa của mỗi nước xác định vị trí của nước đó trên bản đồ văn hóa toàn cầu. Bản đồ này cho thấy các cụm văn hóa nổi bật của các quốc gia: Tin Lành châu Âu, Công giáo châu Âu, cựu cộng sản châu Âu, các quốc gia nói tiếng Anh, Châu Mỹ Latinh, Nam Á, thế giới Hồi giáo, và Châu Phi. Các giá trị được nhấn mạnh bởi các xã hội khác nhau rơi vào một mẫu hình hết sức mạch lạc phản ánh cả sự phát triển kinh tế cũng như các di sản tôn giáo và thực dân của họ. Tuy nhiên, ngay cả khi di sản văn hóa của một xã hội tiếp tục định hình các giá trị hiện hành của nó, phát triển kinh tế mang lại những thay đổi trọng đại. Theo thời gian, các loại giá trị và niềm tin sẽ tự định hình lại – điều này dẫn đến nhu cầu lớn ngày càng tăng đối với các thể chế dân chủ và cách hành xử tốt hơn từ cấp lãnh đạo. Các cuộc khảo sát giá trị đã trải dài qua hơn một phần tư thế kỷ, người dân ở hầu hết các quốc gia đều ngày càng chú trọng đến việc tăng giá trị tự thể hiện. Sự thay đổi văn hóa này làm cho dân chủ ngày càng có thể xuất hiện ở những nơi mà nó chưa từng xuất hiện và trở nên hiệu quả và trực tiếp hơn.

Phát triển và dân chủ

Dân chủ hiệu quả

Chiến lược hiện đại

Download toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Phat trien dan den dan chu nhu the nao.pdf