Sự kết thúc nền chính trị đồng thuận của Trung Quốc

Print Friendly, PDF & Email

zhou1

Tác giả: John Minnich | Biên dịch: Trần Anh Phúc

Chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình là nỗ lực rộng lớn và sâu sắc nhất để thanh trừng, tổ chức lại và chấn chỉnh vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản kể từ sau cái chết của Mao Trạch Đông vào năm 1976 và sự nổi lên của Đặng Tiểu Bình hai năm sau đó. Chiến dịch này đã điều tra hơn 182.000 quan chức ở nhiều khu vực và ở mọi cấp chính phủ. Nó đã tóm được những cán bộ cấp thấp, công chức tầm trung và lãnh đạo các Bộ và các doanh nghiệp nhà nước lớn. Nó cũng đã đánh đổ các quan chức quân sự hàng đầu và thậm chí cả một cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị – cơ quan quản lý cao nhất của Trung Quốc – lâu nay vốn được hưởng quyền miễn trừ (xử lý hình sự). Hơn một năm sau khi chính thức bắt đầu và hơn hai năm kể từ khi bắt đầu một cách không chính thức với việc hạ bệ Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, chiến dịch cho thấy không có dấu hiệu khoan nhượng.

Ngày càng rõ ràng là chiến dịch này không giống với bất cứ điều gì từng xảy ra dưới thời các Chủ tịch Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Cả hai đã thực hiện các nỗ lực chống tham nhũng trong những năm đầu tiên đương chức và định kỳ trong suốt nhiệm kỳ của họ như là một phương tiện để củng cố vị trí của họ trong Đảng và bộ máy hành chính, đồng thời để nhắc nhở công chúng – dù cho có không hiệu quả – rằng Bắc Kinh vẫn quan tâm đến lợi ích của họ. Nhưng đó là chỉ là công việc giữ nề nếp trong nội bộ Đảng. Lần này dường như có sự khác biệt: kéo dài hơn, mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn và hiệu quả hơn.

Trong bối cảnh đó, câu hỏi đặt ra là: mục đích cơ bản trong chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình là gì? Việc tìm câu trả lời cho câu hỏi này sẽ không cho ta biết tương lai chính trị của Trung Quốc, nhưng nó sẽ cho chúng ta biết điều gì đó về chiến lược của Tập Cận Bình – không chỉ nhằm củng cố ảnh hưởng cá nhân trong nội bộ Đảng, chính phủ và bộ máy quân sự, mà quan trọng hơn là còn để kiểm soát các áp lực xã hội, kinh tế, chính trị và quốc tế vốn có khả năng trở nên bức bách ở Trung Quốc trong nhiệm kỳ của ông.

Việc tìm hiểu bản chất của chiến dịch chống tham nhũng – và nhờ đó hiểu được định hướng và logic bên trong của nó – đem lại những hiểu biết về tổ chức và sự triển khai quyền lực chính trị ở Trung Quốc và cách những điều đó đang thay đổi như thế nào khi Đảng cố gắng tự điều chỉnh để trở thành một thực thể có khả năng đưa Trung Quốc vượt qua quá trình chuyển đổi cũng như các cuộc khủng hoảng sắp tới một cách an toàn.

Chiến dịch tiếp diễn

Thông báo ngày 29/7 về việc điều tra chính thức đối với cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang đánh dấu sự kết thúc giai đoạn quan trọng đầu tiên của chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập. Theo những thông tin có được, Chu là một trong những người quyền lực nhất tại Trung Quốc trong suốt những năm 2000. Trong nhiệm kỳ của mình tại Ủy ban Thường vụ, Chu kiểm soát bộ máy an ninh nội địa của đất nước, một trụ cột quyền lực của chính phủ Trung Quốc. Trước đó, ông ta từng là Bí thư Đảng ủy Tứ Xuyên, một vựa lúa mì và trung tâm công nghiệp nội địa quan trọng với xu hướng địa phương chủ nghĩa mạnh mẽ trong lịch sử.Trước Tứ Xuyên, Chu làm Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, một công ty năng lượng quyền lực nhất của đất nước và là con đẻ của Bộ Dầu khí.

Chu được cho là đứng đầu ít nhất ba cơ sở quyền lực này và ảnh hưởng của ông ta có khả năng ăn sâu tại nhiều cơ quan quyền lực hơn nữa, khiến cho ông ta không chỉ là một nhà môi giới quyền lực đáng gờm mà còn là một trở ngại tiềm tàng chính yếu đối với cải cách(ít nhất là trong lĩnh vực dầu khí của ông ta).

Chắc chắn, Chu cùng mạng lưới ảnh hưởng và bảo trợ rộng lớn của ông ta không phải là mục tiêu duy nhất trong cuộc trấn áp của chính quyền Tập Cận Bình, nhưng Chu và các cộng sự của mình, bao gồm cả cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai (được nhiều người xem là một đối thủ cạnh tranh trước đây của Tập Cận Bình) hình thành nên trục trung tâm của chiến dịch trấn áp đó.

Bây giờ chiến dịch này bắt đầu sang giai đoạn khác. Có dấu hiệu cho thấy nó sẽ nhắm vào quân đội. Cũng có những dấu hiệu khác cho thấy nó sẽ nhắm đến Thượng Hải, căn cứ quyền lực chính của Giang Trạch Dân và là trọng điểm của cải cách lĩnh vực tài chính ở Trung Quốc. Việc trấn áp hơn nữa các đồng minh của Chu trong lĩnh vực năng lượng và an ninh có thể cũng sẽ cần thiết khi chính quyền Tập Cận Bình tìm cách đẩy mạnh cải cách theo định hướng thị trường trong lĩnh vực dầu mỏ – khí đốt tự nhiên và củng cố nền tảng an ninh nội địa tại các khu vực ngoại vi như Tân Cương cũng như khu vực lõi của người Hán. Nhưng cuối cùng, vẫn chưa rõ những cá nhân và mạng lưới nào sẽ định hình giai đoạn tiếp theo. Các khả năng này cũng đa dạng như chính vô số những mục tiêu chính sách ngắn hạn và trung hạn của chính quyền Tập Cận Bình.

Câu hỏi ai hoặc điều gì sẽ là mục tiêu tiếp theo ít quan trọng hơn câu hỏi về lý do tại sao. Cụ thể, câu hỏi ở đây không phải là tại sao họ lại trở thành mục tiêu bị nhắm đến mà là tại sao chiến dịch trên lại phải và sẽ tiếp tục được triển khai.

Điều này đưa chúng ta trở lại câu hỏi về mục đích cơ bản của chiến dịch chống tham nhũng. Ngoài những lời đồn đoán, có lẽ không thể nào tiên đoán được tương lai chiến thuật của chiến dịch – tức điều gì sẽ xảy ra trong thời gian 3, 5 hoặc 8 tháng tới. Tuy nhiên, định hướng của chiến dịch cho đến giờ, kết hợp với các hành động khác của Tập Cận Bình, như việc thành lập một Hội đồng An ninh Quốc gia thống nhất dưới sự lãnh đạo của ông Tập và việc cắt bớt quyền hạn cải cách kinh tế – xã hội từ tay Thủ tướng Lý Khắc Cường, cho thấy rằng một số thay đổi khác sâu sắc hơn đang diễn ra, và đo đó chiến dịch chống tham nhũng chỉ vừa là phương tiện, vừa là biểu hiện bề ngoài mà thôi. Stratfor cho rằng sự thay đổi này liên quan đến một nỗ lực lớn để chấn chỉnh lại không chỉ cách thức Đảng Cộng sản hoạt động mà cả nền tảng cho tính chính danh về mặt chính trị của Đảng.

Để hiểu lý do tại sao, chúng ta sẽ xem xét trước hết không phải bản thân ông Tập và những gì ông đã làm được cho đến nay, mà là xem xét chính Trung Quốc và những gì nước này sẽ trải qua trong thập niên tới. Điều này sẽ giúp chúng ta cảm nhận được về những khó khăn và áp lực bên ngoài mà chính quyền Tập Cận Bình chắc chắn nhận thức rõ và buộc phải giải quyết chứ không có lựa chọn nào khác. Những khó khăn và áp lực nàysẽ định hình các hành động của ông Tập cũng như sự phát triển của Đảng Cộng sản trong những năm tớinhiều hơn bất kỳ nhân tố nào khác.

Một thế giới bị giới hạn

Trong thập niên tới, những hạn chế đang định hình đối với Trung Quốc sẽ bắt nguồn từ bên trong. Những hạn chế đó cơ bản là vấn đề kinh tế, nhưng chúng không thể tách khỏi khía cạnh chính trị và xã hội.

Trung Quốc đang trong giai đoạn chuyển đổi kinh tế theo những cách thức chưa từng có tiền lệ. Cốt lõi của sự chuyển đổi này là sự thay đổi từ mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào xuất khẩu với chi phí thấp, giá trị gia tăng thấp và đầu tư của nhà nước vào lĩnh vực xây dựng sang một mô hình tăng trưởng trên cơ sở sự phụ thuộc lớn hơn vào các ngành công nghiệp, dịch vụ giá trị gia tăng cao và trên hết là tiêu dùng nội địa.

Trung Quốc không phải là quốc gia đầu tiên nỗ lực thực hiện điều này. Những nước khác, kể cả Hoa Kỳ, đã thành công từ lâu rồi. Nhưng Trung Quốc có những hạn chế đặc trưng đó là: quy mô quốc gia, hệ thống và các yêu cầu chính trị của nước này, cũng như  sự mất cân đối sâu sắc về mặt địa lý, xã hội và kinh tế giữa các khu vực của cả nước.

Những khó khăn này đang trở nên trầm trọng thêm do một giới hạn cuối cùng và có lẽ lớn nhất, đó là thời gian. Trung Quốc đang cố gắng để đạt được quá trình chuyển đổi này trong vòng chưa đầy 20 năm, trong khi các quốc gia nhỏ hơn và gắn kết hơn về mặt địa lý, xã hội và chính trị phải mất nhiều thập kỷ mới đạt được điều đó.

Phần lớn công việc này sẽ diễn ra chậm nhất là trong vòng 10 năm tới và nhiều khả năng sớm hơn, không phải vì chính quyền Tập Cận Bình muốn điều đó, mà bởi vì nó buộc phải như thế. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong năm 2007-2008 khiến cho chu kỳ bùng nổ xuất khẩu kéo dài hàng thập kỷ của Trung Quốc kết thúc sớm. Trong sáu năm qua, chính phủ Trung Quốc đã duy trì sức sống cho kinh tế bằng cách mở rộng việc tạo tín dụng một cách ồ ạt, đầu tư do chính phủ dẫn dắt vào phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và đô thị, và quan trọng nhất là vào xây dựng bất động sản.

Trong quá trình này, chính quyền địa phương, các ngân hàng và các doanh nghiệp trên toàn Trung Quốc đã tích tụ các khoản nợ lớn bất thường. Dư nợ tín dụng ở Trung Quốc hiện nay tương đương với 251% tổng sản phẩm quốc nội của nước này, tăng từ mức 147% trong năm 2008. Riêng chính quyền các địa phương nợ trên 3 nghìn tỷ đô la. Chưa rõ – rất có thể do cố ý – bao nhiêu phần trong tổng dư nợ là nợ xấu, nhưng có khả năng cao hơn nhiều so với tỉ lệ được công bố chính thức 1%.

Mặc dù có những ý kiến rằng việc thúc đẩy đầu tư của Trung Quốc đã và đang rất vô trách nhiệm – và chắc chắn có vô số ví dụ về việc phân bổ sai các khoản vốn – nhưng nó cũng giúp thực hiện vai trò thiết yếu là thúc đẩy nỗ lực của đất nước “tái cân bằng” sang một mô hình kinh tế mới dựa nhiều hơn vào tiêu dùng và khu vực đô thị. Nhưng một lần nữa, vấn đề ở đây lại là thời gian.

Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đang chậm lại. Doanh thu, giá nhà và tâm lý thị trường đang sụt giảm, thậm chí ngay cả sau khi tiếp tục tăng tổng cung tín dụng. Thời kỳ tăng trưởng cao trong lĩnh vực xây dựng nhà ở sắp qua đi và giá cả, cùng với hoạt động xây dựng nói chung, có xu hướng giảm – điều có thể và sẽ được bù đắp bằng cách tiếp tục mở rộng đầu tư và tín dụng ở mức cao, nhưng xu thế sụt giảm không thể bị chặn đứng trong thời gian dài. Bất động sản và hoạt động xây dựng liên quan sẽ vẫn là thành phần quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc trong tương lai gần, nhưng chúng sẽ không còn là động lực tăng trưởng kinh tế quốc gia như trong giai đoạn 2009 – 2011 nữa.

Điều này đồng nghĩa với việc trong vài năm tới Trung Quốc phải đối mặt với nguy cơ suy giảm có thể rất nhanh và không thể tránh khỏi trong hai lĩnh vực vốn đã làm nền tảng cho tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị – xã hội trong hơn hai thập kỷ vừa qua, đó là xuất khẩu và xây dựng. Và điều đó diễn ra trong một môi trường mà nợ của doanh nghiệp và chính quyền địa phương đang tăng nhanh, chi phí đầu vào và tiền lương tăng, chi phí vốn tăng và lợi tức đầu tư giảm (bên cạnh các biển pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường mới và các nỗ lực chống tham nhũng) cùng nhiều vấn đề khác nữa.

Bên cạnh đó còn có sự gia tăng số lượng công nhân tham gia vào lực lượng lao động và bắt đầu xây dựng sự nghiệp vào giai đoạn cuối những năm 2010 và đầu những năm 2020, thế hệ cuối cùng của thời bùng nổ dân số lớn của Trung Quốc, và sự xuất hiện hình hài một cuộc điều chỉnh kinh tế và khủng hoảng việc làm trên quy mô chưa từng thấy ở Trung Quốc kể từ khi Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền.

Giải pháp cho vấn đề dường như nằm ở tầng lớp tiêu dùng đô thị. Nhưng ở đây, một lần nữa, thời gian lại là kẻ thù của Trung Quốc. Tiêu dùng hộ gia đình của người Hoa cực kỳ yếu. Trong năm 2013, nó chỉ tương đương với 34%GDP, so với 69-70% ở Hoa Kỳ, 61% ở Nhật Bản, 57% ở Đức và 52% ở Hàn Quốc. Trong thực tế, tỉ lệ này đã giảm hai điểm phần trăm kể từ năm 2011, có thể là do chiến dịch chống tham nhũng đã kiềm chế chi tiêu của các quan chức, điều dường như đã bị tính sai là tiêu dùng cá nhân.

Có lý do để tin rằng chi tiêu hộ gia đình dường như mạnh hơn so với số liệu thống kê, nhưng nó gần như không đủ mạnh để bù đắp phần sụt giảm của khu vực xuất khẩu bị trì trệ và các ngành công nghiệp xây dựng ảm đạm của Trung Quốc. Mức độ đô thị hóa của Trung Quốc thấp so với các nền kinh tế công nghiệp tiên tiến càng nhấn mạnh sự bất lực cơ bản này.

Bất kể các mục tiêu cải cách do chính phủ Trung Quốc tuyên bố là gì thì cũng rất khó để việc tái cân bằng kinh tế hướng tới một nền kinh tế dựa vào tiêu dùng và dịch vụ có thể thành công trong vòng một thập kỷ. Việc phục hồi xuất khẩu là rất khó khăn. Và cũng rất khó khăn, dù mức độ ít hơn một chút, để chính phủ có thể duy trì tăng trưởng ổn định thông qua việc tiếp tục đầu tư vào nhà ở và cơ sở hạ tầng xây dựng, đặc biệt là khi thị trường bất động sản chắc chắn sẽ nguội lạnh.

Điều này khiến chính quyền trung ương hoặc là chấp nhận suy thoái kinh tế hoặc là cố duy trì nền kinh tế nhằm tạo công ăn việc làm nhưng có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến các sáng kiến ​​cải cách, các ngân hàng và chính quyền địa phương. Lựa chọn thứ hai là rất tệ hại và nhiều khả năng rất khó tồn tại dưới mô hình chính trị hiện nay, vốn đã xây dựng tính chính danh trong ba thập kỷ dựa trên hứa hẹn mang lại tăng trưởng, công ăn việc làm ổn định, và thịnh vượng vật chất ngày càng tăng. Còn lựa chọn thứ nhất cũng hoàn toàn không thể bền vững dưới mô hình chính trị hiện nay.

Những áp lực xuất phát từ nền kinh tế của Trung Quốc – và lan toả ra khắp xã hội và nền chính trị nước này – sẽ vẫn ở mức cao trong 5-10 năm tới. Phân tích trên đây mới mô tả chỉ một phần rất nhỏ về những khó khăn kinh tế xã hội trong nước mà chính phủ Trung Quốc phải đối mặt ngày nay. Nó hoàn toàn chưa tính đến sự bức xúc của công chúng về tình trạng ô nhiễm môi trường, vô số những khó khăn kinh tế và công nghiệp gây ra bởi cả tình trạng ô nhiễm và tham nhũng tràn lan ở cấp thấp, tác động của những thay đổi trong dòng chảy và động lực của lực lượng lao động Trung Quốc, trình độ học vấn tăng và nhiều điều khác nữa. Nó hoàn toàn bỏ qua những cách nhìn nhận trái chiều của nhiều người dân thường Trung Quốc đối với chính quyền Cộng sản.

Nó cũng bỏ qua những rủi ro và áp lực bên ngoài, về mặt kinh tế cũng như quân sự. Một cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu khác sẽ gây ra điều gì cho lĩnh vực xuất khẩu vốn đã tập tễnh của Trung Quốc? Giá dầu tăng đột biến kéo dài – có thể do cuộc khủng hoảng ngày càng xấu đi ở Nga hay Iraq – sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với ngành công nghiệp Trung Quốc và gây nên những thay đổi gì đối với đội quân tài xế xe hơi ngày càng tăng của Trung Quốc?

Những thay đổi trong cấu trúc hệ thống khu vực Đông Á và thế giới, chẳng hạn như nỗ lực phục hồi kinh tế và quân sự quốc gia của Nhật Bản, tác động như thế nào tới lợi ích kinh tế và hàng hải ở nước ngoài của Trung Quốc, hay tới niềm tin của xã hội Trung Quốc đối với sức mạnh của quân đội và chính phủ nước này?

Những rủi ro tiềm tàng, phần lớn có xác suất từ trung bình đến cao, là rất nhiều. Chỉ cần một rủi ro trở thành hiện thực thì sẽ làm giảm đáng kể khả năng Đảng Cộng sảntrong hình thái hiện tại có thể tồn tại được qua giai đoạn chuyển đổi của Trung Quốc.

Mô hình cũ thất bại

Ông Tập biết rõ điều này. Ông và các cố vấn của mình biết rõ hơn bất cứ ai về những thách thức hầu như không thể vượt qua được của Trung Quốc. Họ biết Trung Quốc đang sắp hết thời gian như thế nào, và tính chính danh–hay Thiên Mệnh – của Đảng đã trở nên mong manh đến nhường nào trong ba thập kỷ vừa qua, và hậu quả của việc không hành động sẽ lớn ra sao. Nhưng họ cũng biết những hậu quả của sự thất bại có khả năng sẽ còn lớn hơn đến chừng nào. Nắm rõ tất cả những điều này, họ đang hành động để cải tổ lại Đảng từng bước thận trọng.

Chiến dịch chống tham nhũng là một trong những bước này. Nó phục vụ nhiều chức năng chồng chéo: loại bỏ các đối thủ tiềm tàng, về ý thức hệ hay các khía cạnh khác; củng cố quyền hành pháp và giảm nạn hành chính quan liêu để dễ dàng thực hiện các cải cách; nhắc nhở người dân Trung Quốc rằng Đảng Cộng sản mong muốn mang lại lợi ích tốt nhất cho họ; và giúp tạo điều kiện cho việc đưa ra các quyết định khó khăn.

Trên cơ sở và xem xét bao quát những điều này, chúng ta thấy bóng dáng của một điều khác. Mô hình chính trị dựa trên sự đồng thuận – mô hình mà Đặng Tiểu Bình xây dựng để hợp thức hóa việc ra quyết định và tăng cường ổn định chính trị trong thời kỳ tăng trưởng cao vốn định hướng cho Trung Quốc một cách hiệu quả trong suốt thời kỳ hậu Đặng Tiểu Bình – đang thất bại.

Mô hình đó không thể tiếp tục đứng vững khi đối mặt với quá trình chuyển đổi của Trung Quốc và những cuộc khủng hoảng mà quá trình đó sẽ mang lại. Nói một cách đơn giản, hiện nay khế ước hậu 1978 với xã hội Trung Quốc – một khế ước xã hội dựa trên việc thúc đẩy tăng trưởng để có được sự ổn định – đã hết hiệu lực, Đảng có nguy cơ mất đi sự ủng hộ công chúng và tính chính danh, điều mà khế ước này giúp củng cố.

Một mô hình mới thích hợp hơn nhưng có khả năng ít ổn định hơn nhiều đang được dựng lên, hoặc tái dựng lại, từ chính mô hình cũ. Mô hình này chủ yếu dựa vào tính cách và uy tín của chủ tịch nước và có khả năng lớn hơn, ít nhất là như các lãnh đạo Trung Quốc hy vọng,trong việc giúp kiểm soát và quản lý quốc gia vượt qua giai đoạn khủng hoảng tiềm tàng.

Điều này không nhất thiết đồng nghĩa với sự quay trở lại của đế chế Trung Quốc, cũng không có nghĩa là quay trở lại với thời kỳ và phương pháp của lãnh tụ Mao Trạch Đông. Nó thậm chí cũng không có nghĩa là các mô hình mới sẽ thành công, thậm chí là ở mức tối thiểu. Ý nghĩa của nó sẽ được quyết định chỉ bởi sự tương tác cụ thể giữa cấu trúc và các sự kiện trong diễn tiến của lịch sử. Nhưng đó là sự chuyển đổi đóng vai trò như là mục đích cơ bản dù kín đáo trong chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình.

Bản gốc tiếng Anh: The End of Consensus Politics in China | Stratfor