TQ quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ và tác động đến VN

Print Friendly, PDF & Email

Compass on renminbi

Tác giả: Nguyễn Minh Khôi

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2008, Trung Quốc (TQ) đã có những bước đi mới nhằm thúc đẩy việc quốc tế hóa (QTH) đồng nhân dân tệ (NDT) và đã đạt được những bước tiến mạnh mẽ. Đến cuối năm 2014, TQ đã ký 29 thỏa thuận hoán đổi tiền tệ[1] song phương với các trên thế giới; đến tháng 10/2014, đồng NDT đã vượt qua đồng đô-la Úc và đô-la Canada để trở thành đồng tiền được sử dụng thanh toán nhiều thứ 5 trên thế giới, gần tiếp cận với đồng Yên Nhật. Mức độ sử dụng đồng NDT trong thanh toán quốc tế trong 2 năm qua (2012-2014) đã tăng trên 321%. Riêng năm 2014, mức tăng trên đạt 102% so với mức tăng chung 4,4% của tất cả các loại tiền tệ khác trong thanh toán quốc tế.[2] 

  1. Những lý do chính thúc đấy TQ thực hiện QTH đồng NDT

QTH đồng NDT sẽ buộc TQ phải từ bỏ mục tiêu kiểm soát dòng luân chuyển vốn, lãi suất và tỷ giá hối đoái. Hơn nữa, các nước có đồng tiền quốc tế đều chấp nhận mức thâm hụt ngân sách và thâm hụt tài khoản vãng lai lớn nhằm tăng cung tiền ra nước ngoài. Những yếu tố trên đều mang lại nhiều rủi ro và biến động cho nền kinh tế TQ và đó cũng chính là lý do Đức và Nhật Bản không thúc đẩy mạnh mẽ việc QTH đồng tiền của họ. Vậy có những động lực gì khiến một TQ luôn chủ trương theo đuổi các chính sách kinh tế vĩ mô ổn định nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế cao lại kiên trì mục tiêu QTH đồng NDT?

Thứ nhất, giảm thiểu rủi ro về tỷ giá cho các doanh nghiệp TQ thông qua: (1) Việc QTH đồng NDT đồng nghĩa với việc gia tăng các giao dịch và hợp đồng được thực hiện bằng đồng NDT, qua đó giảm đáng kể các rủi ro về tỷ giá cho các doanh nghiệp TQ; (2) tăng tỷ trọng các tài sản xác định bằng đồng NDT trong các tổ chức tài chính quốc tế của TQ. Khi Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) tính Tỷ lệ an toàn tối thiểu, tài sản của các tổ chức này sẽ ít bị tác động bởi tỷ giá hơn; (3) giảm rủi ro cho các nhà đầu tư TQ khi đầu tư vào các quỹ đầu tư nước ngoài; và (4) gia tăng tính độc lập của TQ trong điều hành tỷ giá, tránh khả năng phải đối mặt với vấn đề “original sin”[3] mà nhiều nền kinh tế mới nổi gặp phải.

Thứ hai, tăng khả năng cạnh tranh và sức mạnh của các tổ chức tài chính quốc tế của TQ, giúp hình thành các trung tâm tài chính quốc tế tại TQ đại lục. Nếu việc QTH đồng NDT được mở rộng, các thể chế tài chính TQ có thể tiếp cận nguồn tài sản bằng đồng NDT phong phú, theo đó, thúc đẩy sự phát triển của khu vực dịch vụ tài chính TQ. Cùng với sự lớn mạnh của các tổ chức tài chính trong nước, với sự hỗ trợ của trung tâm tài chính Hong Kong (HK), TQ có thể phát triển Thượng Hải thành một trung tâm tài chính quốc tế như Luân-đôn hay Wall Street trong tương lai.

Thứ ba, thúc đẩy giao dịch kinh tế qua biên giới. QTH đồng NDT sẽ thúc đẩy các hoạt động giao thương và du lịch qua biên giới của TQ; đồng thời cũng có tác dụng mở rộng các hoạt động trao đổi kinh tế vùng biên của TQ, hỗ trợ phát triển các khu vực dân tộc thiểu số của nước này.

Thứ tư, thu lợi thông qua thuế phát hành tiền.[4] Mặc dù đây có thể không phải là mục tiêu của TQ nhưng trong dài hạn, lợi nhuận từ việc phát hành đồng NDT ra quốc tế cũng sẽ giúp TQ bù đắp chi phí “trả thuế in tiền” mất đi từ việc nắm giữ đồng đô-la Mỹ.

Thứ năm, QTH đồng NDT sẽ giúp TQ duy trì giá trị kho dự trữ ngoại hối khổng lồ của mình. TQ hiện đang là nước có mức dự trữ ngoại hối cao nhất thế giới với trên 3.983 tỷ đô-la (31/12/2014) và hơn 70% lượng dự trữ là bằng đồng đô-la Mỹ. Nếu các khoản trên được thay thế dần bằng đồng NDT, TQ sẽ không phải lo lắng về nguy cơ mất vốn một khi chính phủ Mỹ định giá lại đồng đô-la Mỹ. Hiện tại, TQ đang nắm giữ các khoản nợ của Mỹ lên đến trên một ngàn tỷ đô-la, nếu Mỹ hạ giá đồng đô-la, số tiền thực tế nắm giữ của TQ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.[5]

Thứ sáu, gia tăng ảnh hưởng chính trị[6] của TQ tại khu vực Châu Á. TQ đang trỗi dậy và nếu TQ có thể cùng các nước trong khu vực thành lập một liên minh tiền tệ, đây sẽ là bước tiến lớn để mở rộng ảnh hưởng ra thế giới. Tuy nhiên, khác biệt chính trị, kinh tế giữa TQ với Nhật Bản và một số nước khác trong khu vực sẽ là rảo cản cho việc thành lập liên minh tiền tệ. Trong bối cảnh đó, TQ có thể thay đổi cách tiếp cận theo hướng “từ dưới lên” bằng việc QTH đồng NDT, giúp nó được sử dụng rộng rãi trong khu vực. Khi các nước trong khu vực chấp nhận đồng NDT, dần dần TQ có thể đưa ra triển vọng về một liên minh tiền tệ, hoặc một liên minh kinh tế do TQ dẫn đầu giống Đức ở Châu Âu.

Cuối cùng, nỗ lực QTH đồng NDT của TQ là bước đệm nhằm thúc đẩy cải cách kinh tế trong nước. QTH đồng NDT đòi hỏi TQ phải chấp nhận tự do hóa tài khoản vốn, tự do hóa lãi suất và không hạn chế chuyển đổi đồng NDT với các đồng tiền khác. Thực chất, đó cũng là mong muốn của TQ bởi trong những năm gần đây, đồng NDT đã liên tục tăng giá và gần với mức cân bằng tự do của thị trường. Hơn nữa, TQ cũng nhận thấy cần phải đẩy mạnh phát triển và hoàn thiện thị trường vốn trong nước nhằm tạo điều kiện để dòng luân chuyển vốn trong nền kinh tế được thông suốt, và tạo vùng đệm cho việc thực hiện chính sách tiền tệ hiệu quả hơn. Những nội dung trên chỉ được thực hiện nếu có các biện pháp cải cách kinh tế mạnh mẽ và dứt khoát hơn. Việc QTH đồng NDT sẽ kịp thời tạo động lực và yêu cầu để các nhà lãnh đạo TQ thúc đẩy các lực lượng trong nước cải cách mạnh mẽ hơn nữa nền kinh tế nội địa.

  1. Các biện pháp đã triển khai

Để thực hiện mục tiêu QTH đồng NDT, TQ đã triển khai đồng loạt nhiều biện pháp khác nhau, chủ yếu tập trung trong bốn lĩnh vực chính: (1) trong thương mại quốc tế; (2) khuyến khích đầu tư nước ngoài bằng đồng NDT; (3) phát triển thị trường giao dịch đồng NDT trên phạm vi quốc tế; và (4) ký kết các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với các nước đối tác, cụ thể:

2.1. Thúc đẩy việc sử dụng đồng NDT trong thương mại quốc tế

Thúc đẩy sử dụng đổng NDT trong thanh toán thương mại QT có lẽ là thành công lớn nhất của TQ trên cả hai khía cạnh, QTH đồng NDT và gia tăng lợi ích cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước. Năm 2009, các thỏa thuận thanh toán thương mại qua biên giới bằng đồng NDT với Hong Kong, Macau, một số nước ASEAN đã được ký. TQ bắt đầu thí điểm việc thanh toán thương mại bằng đồng NDT ở một số doanh nghiệp tại 5 thành phố với các công ty của Hong Kong, Macau, ASEAN. Đến năm 2011, TQ cho phép tất cả các doanh nghiệp của TQ được thanh toán ngoại thương với tất cả các nước trên thế giới bằng đồng NDT. Kết quả, đến cuối năm 2013, tăng trưởng sử dụng đồng NDT trong thanh toán quốc tế đạt mức tăng 58% so với năm 2012.

Tuy vậy, việc sử dụng đồng NDT trong ngoại thương của TQ và thế giới cũng vẫn đang ở giai đoạn bắt đầu. Dù đồng NDT đã vươn lên trở thành đồng tiền được sử dụng nhiều thứ 5 trên thế giới, nhưng tỷ trọng trong giao dịch toàn cầu vẫn khá nhỏ (2,17% tổng số giao dịch trên toàn thế giới)[7] so với các đồng tiền khác. Bên cạnh đó, theo thống kê của NHTƯ Trung Quốc, tổng mức thanh toán thương mại quốc tế của TQ được thực hiện bằng đồng NDT trong các năm 2011 và 2013 cũng khá khiêm tốn, lần lượt khoảng 5,5% và 11,7% tổng số giá trị thanh toán của cả nước.

2.2. Khuyến khích đầu tư nước ngoài bằng đồng NDT

Để khuyến khích dòng đầu tư nước ngoài bằng đồng NDT, vào tháng 1/2011, TQ đã có quy định về Đầu tư trực tiếp nước ngoài bằng đồng NDT (RMB Overseas Direct Investment-ODI) cho phép các doanh nghiệp TQ đầu tư ra nước ngoài bằng đồng NDT. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bằng NDT ghi nhận tại TQ (cả chiều vào và ra) đã tăng mạnh. Năm 2012, tổng đầu tư nước ngoài của TQ là 284 tỷ NDT (đầu tư vào TQ đạt 253,6 tỷ NDT; đầu tư của TQ ra nước ngoài đạt 30,4 tỷ NDT). Trong đó, có tới 36% tổng số đầu tư nước ngoài vào TQ được thực hiện bằng đồng NDT.

2.3. Phát triển thị trường giao dịch đồng NDT trên phạm vi quốc tế

Năm 2002, TQ đã có những bước đi đầu tiên hướng tới tăng cường sử dụng đồng NDT ở thị trường ngoài nước với các bước đi tuần tự và được chuẩn bị kỹ lưỡng, thông qua các biện pháp: (i) cho phép các nhà đầu tư có tổ chức nước ngoài đầu tư vào thị trường chứng khoán (TTCK) nội địa TQ; (ii) phát triển thị trường trái phiếu bằng đồng NDT ở nước ngoài; (iii) kết nối TTCK Thượng Hải và Hong Kong.

Cho phép các nhà đầu tư có tổ chức nước ngoài và các công ty TQ ở nước ngoài đầu tư vào TTCK nội địa TQ. Tháng 11/2002, TQ ban hành Chương trình QFII[8] cho phép các nhà đầu tư có tổ chức nước ngoài giao dịch có giới hạn các chứng khoán nội địa TQ thông qua việc hoán đổi đồng ngoại tệ thành đồng NDT tại TQ; tháng 12/2011, TQ tiếp tục ban hành chương trình RQFII[9] cho phép các công ty nước ngoài đầu tư trực tiếp vào các TTCK TQ bằng đồng NDT từ nước ngoài qua thị trường HK. Hiện nay, các quy định này đã được mở rộng hơn và cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư bằng đồng NDT vào TTCK TQ từ các trung tâm giao dịch NDT trên thế giới,[10] tuy nhiên, việc mở cửa vẫn có giới hạn và chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư vào TQ của các doanh nghiệp nước ngoài.[11]

Phát triển thị trường trái phiếu bằng đồng NDT ở nước ngoài. Tháng 1/2007, lần đầu tiên TQ đã thực hiện việc phát hành trái phiếu bằng đồng NDT ra nước ngoài tại Hong Kong với tên gọi chung là “trái phiếu Dim Sum”. Đúng như tên gọi của trái phiếu,[12] đây là bước thử nghiệm đầu tiên của TQ và thị trường trái phiếu Dim Sum đã thực sự hoạt động tích cực khi TQ cho phép các nhà đầu tư nước ngoài mở tài khoản bằng đồng NDT tại Hong Kong và được tự do đổi ngoại tệ. Cũng trong năm 2010, nhằm tạo thuận lợi cho các công ty nước ngoài có nhận thanh toán thương mại bằng đồng NDT đầu tư trở lại thị trường TQ, TQ cho phép các công ty TQ và một số công ty nước ngoài được phát hành trái phiếu bằng đồng NDT. Mc Donald’s đã trở thành công ty nước ngoài bên ngoài TQ đầu tiên phát hành trái phiếu Dim Sum.[13] Đến tháng 10/2014, các chính phủ nước ngoài cũng được phép phát hành trái phiếu bằng đồng NDT.

Việc phát hành trái phiếu Dim Sum tại thị trường Hong Kong là bước đi hợp lý của TQ bởi trái phiếu này phát hành theo luật Hong Kong. Điều này làm các nhà đầu tư nước không lo lắng về tình trạng thiếu các quy định pháp lý minh bạch của thị trường tài chính TQ. Hơn nữa, lãi suất phát hành trái phiếu trên thị trường Hong Kong thấp hơn trong nội địa TQ khiến các công ty phát hành của TQ có thể vay vốn từ nước ngoài với giá rẻ để đầu tư, góp phần gia tăng thương mại qua biên giới.

Kết nối TTCK Thượng Hải và Hong Kong. Một trong các nỗ lực của TQ nhằm thúc đẩy giao dịch đồng NDT trên phạm vi quốc tế là Chương trình Kết nối Thị trường Chứng khoán Thượng Hải và Thị trường Chứng khoán Hong Kong. Chương trình này cho phép các công ty đầu tư và môi giới có thể giao dịch các chứng khoán niêm yết trên hai thị trường. Dù hoạt động thử nghiệm vào tháng 4/2014 không diễn ra nhộn nhịp, vào tháng 11/2014 khi chính thức đi vào hoạt động, thị trường đã đạt kịch trần giao dịch ở mức 13 tỷ NDT chỉ sau gần 5 giờ mở cửa. Hiện nay, TTCK kết nối này đứng thứ hai thế giới về mức vốn hóa cũng như số công ty niêm yết, và đứng thứ ba thế giới về doanh thu. Đây là một bước tiến nữa của TQ nhằm nới lỏng thêm quản lý dòng luân chuyển vốn và là bước tiến quan trọng trong việc minh bạch hóa thị trường, những mục tiêu cần thực hiện để tiến tới QTH đồng NDT. TQ cũng có kế hoạch xem xét kết nối TTCK Hong Kong với TTCK Thâm Quyến trong tương lai gần[14].

Ngân hàng Phát triển mới và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á với quá trình QTH đồng NDT

Ngân hàng Phát triển mới (NDB) và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) là hai sáng kiến được TQ thúc đẩy mạnh mẽ. Vào tháng 7/2014, NDB đã được thành lập với các nước thành viên thuộc khối BRICS (Bra-xin, Nga, Ấn Độ, TQ và Nam Phi). Vào tháng 10/2014, AIIB cũng chính thức được thành lập với hơn 20 thành viên Châu Á (bao gồm Việt Nam).

Bên cạnh các khía cạnh khác, NDB và AIIB được coi một bước nữa trong quá trình quốc tế hóa đồng NDT bởi ở cả hai ngân hàng, TQ đều là người đóng góp lớn nhất với khoảng 50% số vốn. Đó sẽ là cơ sở để TQ đề xuất các khoản vay bằng đồng NDT trong tương lai.

2.4. Ký kết các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với các nước đối tác

Sau khi ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ đầu tiên với Hàn Quốc vào năm 2008, đến nay, TQ đã ký thỏa thuận hoán đổi với 29[15] nước và vùng lãnh thổ. Mặc dù giá trị của các thỏa thuận này hiện nay còn thấp, đây là một tiền đề rất quan trọng cho mục tiêu QTH đồng NDT của TQ bởi việc ký các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ sẽ khơi thông khả năng dùng đồng NDT trong thanh toán ngoại thương và trong dự trữ ngoại hối của các nước đối tác. Khi các hoạt động giao dịch của TQ với các nước trên bắt đầu chuyển sang dùng đồng NDT, quy mô của các thỏa thuận hoàn toàn có thể được mở rộng. Ngoài ra, đã có một số nước dùng đồng NDT với mục đích dự trữ ngoại hối, chủ yếu với mục tiêu đa dạng hóa tài sản dự trữ. Mặc dù IMF chưa xếp đồng NDT vào danh sách các đồng tiền dự trữ chính thức, hiện đã có hơn 50 NHTƯ[16] các nước có sử dụng NDT trong dự trữ và đồng NDT đang đứng thứ 7 trong số các đồng tiền được dùng dự trữ nhiều nhất thế giới.[17]

Mục tiêu quan trọng của TQ trong năm 2015: Đưa đồng NDT trở thành đồng tiền dự trữ chính thức của IMFNăm 2015, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ định kỳ xem xét lại cơ cấu các đồng tiền trong Quyền Rút vốn đặc biệt (SDR) hiện gồm 4 đồng tiền: Đô-la Mỹ, Euro, Bảng Anh, và Yên Nhật. TQ đang chuẩn bị tích cực ở cả hai khía cạnh, tăng cường mức độ sử dụng của đồng NDT trong các giao dịch quốc tế và tích cực vận động các nước thành viên IMF ủng hộ đưa đồng NDT trở thành một trong các đồng tiền chính thức của IMF trong giỏ tiền tệ SDR. Nếu thành công, NDT sẽ trở thành đồng tiền dự trữ chính thức của các NHTƯ trên thế giới. Mức độ sử dụng đồng NDT sẽ tăng lên nhanh chóng. Quan trọng hơn, TQ đang là nước xuất khẩu nhiều nhất thế giới. Nếu đồng NDT được đưa vào SDR, nó sẽ vượt qua đồng Bảng Anh và Yên Nhật về mặt tỷ trọng trong cơ cấu giỏ tiền tệ SDR.

Trong kỳ xem xét cơ cấu tiền tệ của SDR năm 2010, IMF kết luận đồng NDT không đáp ứng tiêu chuẩn “là đồng tiền có thể tự do sử dụng” (freely usable). Tuy nhiên, sau 5 năm, đồng NDT đã có nhiều thay đổi và được sử dụng rộng rãi hơn.

  1. Thuận lợi và khó khăn của TQ trong thời gian tới

Mặc dù nỗ lực của TQ trong việc QTH đồng NDT đã đạt được những bước tiến nhất định, tuy nhiên, triển vọng đưa đồng NDT chính thức trở thành đồng tiền quốc tế một cách đầy đủ[18] sẽ vẫn chưa rõ ràng trong ngắn hạn. Trước mắt, quá trình QTH đồng NDT của TQ tiềm ẩn cả khó khăn và thuận lợi:

3.1. Thuận lợi

(1) TQ có tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng và ngoại thương luôn thặng dư cao chính là hai động lực lớn thúc đẩy đồng NDT trở thành đồng tiền dự trữ và thanh toán quốc tế. Hai yếu tố này giúp gia tăng vai trò của TQ trong nền kinh tế thế giới và sử dụng đồng NDT trong quan hệ ngoại thương với nước ngoài.

(2) Thế giới đang ngày một hướng tới một hệ thống tiền tệ đa cực do một hệ thống như vậy sẽ giúp hệ thông tài chính quốc tế ổn định hơn. Điều này sẽ khiến các quốc gia dễ dàng chấp thuận đồng NDT hơn và tạo cơ hội cho TQ thúc đẩy QTH đồng NDT.

(3) Biến động mất giá của các đồng tiền quốc tế khác như đồng Yên Nhật và đồng Euro trong khi đồng NDT luôn giữ giá cao là một lợi thế trong quá trình phổ biến đồng NDT ra quốc tế.

3.2. Khó khăn

(1) Cân nhắc giữa ổn định và cải cách kinh tế phục vụ mục tiêu QTH đồng NDT. Để hoàn toàn thúc đẩy QTH đồng NDT, TQ cần phải thực hiện việc tự do hóa hoàn toàn tài khoản vốn, theo đuổi chính sách tỷ giá linh hoạt và tự do hóa lãi suất ngân hàng. Đây là những điều kiện khó khăn đối với TQ bởi những thay đổi chính sách như vậy rất có thể sẽ dẫn tới các xáo trộn trong nền kinh tế và thậm chí làm giảm đà tăng trưởng cao của TQ. Trong khi đó, nếu không tự do hóa tài khoản vốn, cho phép chuyển đổi tự do đồng NDT, thị trường đồng NDT ở nước ngoài sẽ không hình thành đầy đủ. Không có một thị trường đồng NDT ở nước ngoài, TQ không thể đạt được mục tiêu QTH đồng NDT.

(2) Thị trường tài chính TQ chưa phát triển đầy đủ. Đây có lẽ là khó khăn lớn nhất của TQ nhằm hiện thực hóa việc QTH đồng NDT. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy mức độ phát triển cao của thị trường tài chính đóng vai trò thiết yếu để thúc đẩy một đồng tiền trở thành đồng tiền quốc tế. Thị trường tài chính TQ hiện nay có nhiều ngân hàng tuy nhiên lại thiếu đi sự phát triển theo chiều sâu và không có một thị trường vốn đầy đủ. Điều này là một trong các nguyên nhân của tình trạng hoạt động tín dụng phi ngân hàng[19] nở rộ và không được kiểm soát của thị trường tài chính TQ. Do vậy, phát triển thị trường tài chính sâu rộng hơn là yêu cầu bắt buộc đối với TQ trong quá trình QTH đồng NDT. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi thời gian và liên quan đến các biện pháp cải cách nhiều mặt của nền kinh tế.

  1. Tác động tới Việt Nam

Trong nhiều năm qua, TQ đã trở thành đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam. Việc TQ thực hiện mục tiêu QTH đồng NDT sẽ có ảnh hưởng nhiều tới kinh tế trong nước, đặc biệt trong hai lĩnh vực ngoại thương đầu tư.

4.1. Đối với hoạt động ngoại thương

Quan hệ thương mại VN-TQ từ lâu đã mang đặc điểm Bắc-Nam, đồng thời, Việt Nam nhập siêu rất lớn từ TQ. Quá trình QTH đồng NDT sẽ có tác động tích cực trong dài hạn và có thể gây ra một số khó khăn trong ngắn hạn với ngoại thương của Việt Nam, cụ thể:

Khi TQ thực hiện mục tiêu QTH đồng NDT, đồng NDT nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng giá so với đồng tiền nước ta (VND) vì hai nguyên nhân: Thứ nhất, tỷ giá VND/NDT đã liên tục tăng trong thời gian qua;[20] Thứ hai, các nước muốn QTH đồng tiền đều phải thực hiện việc tự do hóa tỷ giá hối đoái. Một trong các nguyên nhân TQ giữ cho giá trị của đồng NDT liên tục tăng so với đồng đô-la Mỹ là cũng nhằm đưa giá trị đồng NDT về gần với cân bằng thực sự trên thị trường, tạo bước đệm cho việc thả nổi tỷ giá khi thời cơ đến. Như vậy, trong ngắn hạn, hàng hóa nhập khẩu từ TQ vào VN sẽ trở nên đắt hơn và có lợi cho hàng xuất khẩu của VN sang TQ. Tuy nhiên, do nhập khẩu từ TQ chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch nhập khẩu của VN, QTH đồng NDT thực chất sẽ làm cho các doanh nghiệp VN gặp khó khăn, đặc biệt trong ngắn hạn khi các doanh nghiệp chưa kịp điều chỉnh hợp đồng và chưa tìm được nguồn nhập khẩu thay thế.

Trong dài hạn, đây là cơ hội cho VN thực hiện hai mục tiêu: cải thiện thâm hụt cán cân thương mại với TQ và tìm nguồn hàng nhập khẩu thay thế, tránh tình trạng phụ thuộc cao vào hàng nhập khẩu TQ như hiện nay.

4.1. Đối với hoạt động đầu tư

QTH đồng NDT sẽ phần nào làm giảm lợi thế cạnh tranh của TQ trong thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) do đồng NDT sẽ tăng giá, lãi suất trong nước của TQ có thể tăng cao hơn, lương và các chi phí khác của TQ cũng đang tăng… Do vậy, Việt Nam có nhiều lợi thế thu hút được dòng dịch chuyển FDI từ TQ.

Bên cạnh đó, QTH đồng NDT cũng sẽ đi kèm theo việc TQ thực hiện tự do hóa tài khoản vốn. Với lãi suất trong nước tăng cao, lợi nhuận của việc đầu tư giảm đi, nhiều doanh nghiệp TQ cũng có thể sẽ lựa chọn đầu tư ra nước ngoài. Kết hợp với triển vọng Việt Nam gia nhập TPP, dòng vốn đầu tư từ TQ vào VN sẽ có thể tăng cao trong thời gian tới.

  1. Một số đề xuất

Thứ nhất, cân nhắc đến nhân tố đồng NDT sẽ tăng giá trong việc thỏa thuận vay và nhận viện trợ của TQ bằng đồng NDT.

Thứ hai, đồng NDT tăng giá cũng đồng nghĩa với việc xuất khẩu của TQ sẽ giảm,[21] kéo theo việc nhập khẩu nguyên liệu sẽ giảm đi, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sang TQ cũng cần lường trước tác động này.

Thứ ba, Việt Nam nhập khẩu nhiều các mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu… đây là các đầu vào quan trọng của sản xuất nông nghiệp, giá thành cao sẽ gây khó khăn cho sản xuất trong nước, do đó, cần có những điều chỉnh phù hợp về chính sách và định hướng thị trường với các mặt hàng này trong trường hợp đồng NDT lên giá.

Thứ tư, cần có biện pháp rà soát các dự án đầu tư FDI vào Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt là các dự án đầu tư FDI từ TQ và Hong Kong. Thực tế cho thấy các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài của TQ tại Việt Nam đóng góp ngân sách không lớn, tiến độ triển khai dự án chậm và công nghệ thấp. Hơn nữa, một số doanh nghiệp đầu tư của Hong Kong vào Việt Nam thực chất là các doanh nghiệp TQ. Điều này rất khó xác định và đòi hỏi quá trình thẩm định, phê duyệt dự án cẩn trọng.

Phụ lục: So sánh đồng NDT hiện nay với quá trình QTH của một số đồng tiền quốc tế khác

(đồng đô-la Mỹ từ năm 1913-1925; đồng Deutsche Mark Đức trong những năm 1970 và đồng Yên Nhật trong những năm 1990)

Giống nhau

·       Kinh tế các nước này đều tăng trưởng nhanh, có lợi thế về sản xuất và chiếm giữ vị trí dẫn đầu thế giới về ngoại thương;

·       Thị trường trái phiếu nội tệ ở nước ngoài tạo nguồn huy động vốn dồi dào với chi phí trả lãi thấp;

·       Thặng dư thương mại và kinh tế trong nước hưởng lợi nhờ chính sách đồng nội tế yếu;

·       Kiểm soát dòng luân chuyển vốn nhằm duy trì tỷ giá cùng lãi suất thấp.

Khác biệt

·       Các nước đi trước TQ khi thực hiện QTH đồng tiền của mình đều thực hiện mở cửa cho dòng luân chuyển vốn tự do;

·       Các nước đi trước ở thời điểm QTH đồng tiền có trình độ phát triển cao, GDP/đầu người thuộc nhóm dẫn đầu thế giới;

·       Trình độ phát triển của công nghệ sản xuất và thị trường vốn của các nước đi trước vượt nhiều so với TQ hiện nay;

·       NHTƯ các nước trên cũng có sự độc lập cao, giúp họ theo đuổi chính sách QTH đồng tiền một cách triệt để mà không phải cân nhắc các lợi ích chính trị khác;

·       Nhu cầu đồng NDT thực chất chỉ xuất phát từ các công ty có làm ăn với TQ. Trong cả các trường hợp có nhu cầu NDT phục vụ mục đích khác, việc trao đổi cũng chỉ diễn ra tại một số trung tâm giao dịch do TQ chưa mở cửa tài khoản vốn;

Cuối cùng, chính sách QTH đồng tiền của các nước đi trước phù hợp với nhu cầu và động lực của các lực lượng tham gia thị trường (Nhật Bản thậm chí còn chậm chạm và không thúc đẩy việc QTH đồng tiền)

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Nguyễn Minh Khôi, tốt nghiệp thạc sĩ trường Đại học Hitotsubashi, Tokyo, Nhật Bản, và hiện đang công tác tại Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài chính.

——————

Tài liệu tham khảo

Yin-Wong Cheung (2014), The Role of Offshore Financial Centers in the Process of Renminbi Internationalization, ADBI No. 472.

Liqing Zhang and Kunyu Tao (2014), The Benefits and Costs of Renminbi Internationalization, ADBI No. 48.

Gao, Haihong and Yongding Yu (2009), Internationalization of the Renminbi, Kỷ yếu hội thảo Bank of Korea-BIS Seminar, Seoul (19-20 March).

Arthur R. Kroeber (2013), China’s Global Currency: Lever for Financial Reform, The Brookings Institution.

IMF (2014) 2014 Article IV Consultation-Staff Report; Press Release; And Statement By The Executive Director For The People’s Republic Of China.

Nargiza Salidjanova (2014),  The RMB’s Long Road to Internationalization, U.S.-China Economic and Security Review Commission Economic Issue Brief No. 5.

SWIFT (2014), White paper RMB internationalisation: Perspectives on the future of RMB clearing

____________, White paper RMB Internationalisation: Implications for the global financial industry

____________, SWIFT RMB Monthly Tracker 2015

*****

Chú thích:

[1] Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ là một công cụ tài chính quốc tế phái sinh. Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ cho phép các bên tham gia có thể đồng thời bán một số lượng đồng tiền của nước mình và mua về một số lượng đồng tiền của nước đối tác. Các chi tiết về lãi suất, tỷ giá, kỳ hạn thực hiện giao dịch được quy định cụ thể trong thỏa thuận hoán đổi tiền tệ. Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ có thể được ký song phương hoặc đa phương; ở cấp độ quốc gia giữa các Ngân hàng trung ương hoặc ở cấp độ công ty, tổ chức.

[2] Số liệu từ SWIFT (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication – Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế). Đây là một hiệp hội của các ngân hàng và các tổ chức tài chính. SWIFT giúp các ngân hàng trên thế giới là thành viên của SWIFT chuyển tiền cho nhau hoặc trao đổi thông tin. Hiện nay, SWIFT đã liên kết hơn 9.000 tổ chức tài chính trên 209 quốc gia và vùng lãnh thổ.

[3] Đây là thuật ngữ được hai nhà kinh tế Barry Eichengreen và Ricardo Hausmann đưa ra lần đầu năm 1999 để chỉ tình trạng nợ nước ngoài cao của các nước đang phát triển. Do các khoản nợ được vay bằng ngoại tệ, các nước này sẽ không thể thực thi chính sách phá giá đồng nội tệ khuyến khích xuất khẩu vì như vậy sẽ làm tăng gánh nặng trả số lãi suất cao hơn cho các khoản vay nước ngoài.

[4] Thuế phát hành tiền (seigniorage) là mức chênh lệch giữa chi phí in thêm tiền và giá trị thực của đồng tiền được phát hành ra. Thuế phát hành tiền được gọi là “thuế” vì nó có tác động với nền kinh tế như khi nhà nước “đánh thuế” thông qua việc độc quyền phát hành tiền giấy. Phát hành tiền mới ra thế giới tương tự với việc đánh thuế lên các nước khác.

[5] Trên thực tế, nếu nhận thấy Mỹ có ý định hạ giá đô-la làm ảnh hưởng kho dự trữ của mình, TQ có thể bán các khoản nợ nắm giữ bằng đô-la Mỹ, do đó, đẩy lãi suất của Mỹ tăng cao và làm giảm tăng trưởng của Mỹ. Tuy nhiên, lựa chọn này cũng sẽ làm tổn hại nền kinh tế của chính TQ khi đồng NDT sẽ tăng giá so với đô-la và làm mất lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu của TQ. Việc nắm giữ nhiều dự trữ bằng đồng đô-la đang là bài toán khó với Chính phủ TQ.

[6] Theo Susan Strange, nhà lý luận quan hệ quốc tế, quyền lực về tài chính quốc tế là một loại quyền lực mang tính kết cấu, có thể được sử dụng thay đổi tình hình kinh tế, chính trị thế giới và có thể phục vụ lợi ích phát triển của một quốc gia. Với việc thúc đẩy QTH đồng NDT và tận dụng cơ hội gia tăng vai trò của mình trong các cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính của khu vực và quốc tế gần đây, TQ đang xây dựng một nền tảng quyền lực kinh tế, tài chính của mình. Quyền lực tài chính có thể sẽ trở nên rất quan trọng trong tương lai khi các cường quốc khác suy yếu.

[7] Đứng sau các đồng tiền: Đô-la Mỹ (44,64%); Euro (28,30%); Bảng Anh (7,92%); và Yên Nhật (2,67%). (Nguồn: số liệu cập nhật đến hết tháng 12/2014 của SWIFT).

[8] The Qualified Foreign Institutional Investor –  Tổ chức Đầu tư Nước ngoài đủ năng lực.

[9] The RMB Qualified Foreign Institutional Investor – Tổ chức đầu tư nước ngoài dùng đồng NDT có đủ năng lực.

[10] Tính đến hết tháng 1/2015, NHTƯ TQ đã có thỏa thuận với 14 nền kinh tế, theo đó thành lập 14 trung tâm thanh toán đồng NDT trên toàn thế giới. Trong số đó, có tới 8 trung tâm được thỏa thuận và thành lập vào năm 2014. (Nguồn: số liệu của NHTƯ TQ)

[11] Mới đây nhất, ngày 11/2/2015, Luxembourg (trung tâm tài chính có số lượng tiền gửi bằng NDT lớn nhất Châu Âu) đã có đề nghị TQ gia tăng hạn mức đầu tư bằng đồng NDT từ nước này vào thị trường TQ ngang bằng với hạn mức của Luân-đôn. (FT)

[12] Trái phiếu do Ngân hàng phát triển TQ phát hành với tên gọi là Dim Sum (Điểm tâm). Tên được đặt theo một loại hình ẩm thực TQ bao gồm rất nhiều món ăn nhẹ, thường phục vụ bữa sáng.

[13] Đến hết năm 2014, thị phần trái phiếu Dim Sum theo nhà phát hành như sau: TQ lục địa (49%); HK (20%); Đức (4%); Hàn Quốc (4%); Mỹ (3%); Các nước khác (20%). Sri Lanka là nước mới nhất đang cân nhắc phát hành trái phiếu Dim Sum trong năm 2015. (Nguồn: Hiệp hội các thị trường tài chính và chứng khoán Châu Á, ASIFMA)

[14] Phát biểu của Thủ tướng TQ, Lý Khắc Cường vào tháng 1/2015.

[15] Số liệu NHTƯ TQ

[16] Số liệu của Standard Charter Bank, Chỉ số RMB Globalisation Index.

[17] Số liệu của NHTƯ Trung Quốc.

[18] Một đồng tiền được coi là đồng tiền quốc tế cần phải thực hiện được đầy đủ ba chức năng: phương tiện trao đổi; phương tiện dự trữ; và đơn vị đo lường. Cả ba chức năng này cần được cả Chính phủ và các tổ chức tư nhân thừa nhận, vận dụng trên phạm vi toàn cầu.

[19] Tín dụng phi ngân hàng (shadow banking) chỉ hoạt động của các tổ chức “không-phải-ngân-hàng”, tuy nhiên, các tổ chức này thực hiện nhiều chức năng của một ngân hàng truyền thống, bao gồm cả hoạt động cho vay. Hoạt động của các tổ chức này nằm ngoài sự kiểm soát của hệ thống ngân hàng.

[20] Từ năm 2005-2013, với chính sách neo tỷ giá với đồng đô-la Mỹ, đồng NDT đã liên tục tăng giá. Từ đầu năm 2014-nay, đồng NDT đã có những biến động giảm giá so với đồng đô-la.

[21] Theo nhiều đánh giá khác nhau, việc đồng NDT tăng giá sẽ không có tác động lớn tới xuất khẩu của TQ. Điều này phần lớn bởi TQ là nước gia công xuất khẩu, giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu của TQ chỉ khoảng 20-30%. Đồng NDT tăng giá giúp TQ nhập khẩu rẻ hơn, do đó ngoại thương của TQ có thể sẽ chỉ bị ảnh hưởng hạn chế.