#200 – Philippines và tranh chấp Biển Đông

Print Friendly, PDF & Email

scarborough china vs phil 01

Nguồn: Renato Cruz De Castro (2013). “The Philippines in the South China Sea dispute”, in Leszek Buszynski & Christopher Roberts (eds), The South China Sea and Australia’s Regional Security Environment, National Security College Occasional Paper No. 5, pp. 30-33.>>PDF

Biên dịch và Hiệu đính: Nguyễn Thị Nhung

Cơ sở pháp lý tuyên bố chủ quyền của Philippines đối với Biển Đông

Tuyên bố chủ quyền của Philippines ban đầu dựa trên tuyên bố cá nhân của Thuyền trưởng Thomas Cloma. Vào năm 1956, ông đã tuyên bố phát hiện ra một nhóm đảo trên Biển Đông và đặt tên là Nhóm đảo Kalayaan (nghĩa là Tự do). Kể từ năm 1971, Philippines đã chiếm giữ sáu đảo trong quần đảo Trường Sa. Vào năm 1978, chính phủ Philippines chính thức tuyên bố chủ quyền đối với các đảo mà nước này kiểm soát bằng việc công bố Sắc lệnh Tổng thống số 1599, qua đó thiết lập vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Philippines trong phạm vi 200 hải lý từ đường cơ sở nước này.[1]

Vào ngày 10/3/2009, Philippines tiếp tục củng cố cơ sở pháp lý đối với tuyên bố của mình khi thông qua Luật Đường cơ sở 2009, xác định đường cơ sở quần đảo của Philippines dựa theo các điều khoản liên quan đến các quần đảo của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Vào tháng 1/2013 Philippines đã tìm cách củng cố các tuyên bố pháp lý của mình đối với quần đảo Trường Sa và những thực thể đất liền trên Biển Đông khi đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài của UNCLOS. Trong Thông báo và Tuyên bố Yêu sách gửi Tòa Trọng tài, Philippines đã tuyên bố chủ quyền đối với các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa, Bãi cạn Scarborough, bãi đá Vành Khăn (Mischief Reef), và những thực thể đất liền khác nằm trong vùng Đặc quyền Kinh tế 200 hải lý của mình dựa theo UNCLOS, đặc biệt là quyền được hưởng một khu vực Lãnh hải và Vùng tiếp giáp lãnh hải thể theo Phần II của Công ước, một vùng Đặc quyền Kinh tế theo phần V, và Thềm lục địa  theo Phần VI.[2]

Không may là từ năm 2009, Trung Quốc đã thách thức tuyên bố pháp lý của Philippines đối với các đảo, bãi cạn và bãi ngầm này dựa vào sức mạnh hải quân ngày càng hùng mạnh của mình cùng với sự hậu thuẫn của ngoại giao cưỡng ép. Tính đến nay, thái độ thách thức này đã dẫn đến hậu quả là hai tháng đối đầu căng thẳng giữa Philippines và các tàu dân sự của Trung Quốc trên Bãi cạn Scarborough.

Đối đầu căng thẳng trên Bãi cạn Scarborough

Lực lượng hải quân của Philippines thuộc loại yếu kém nhất khu vực, trong khi lực lượng không quân không đủ năng lực tuần tra và giám sát vùng lãnh hải rộng lớn của nước này. Vào năm 2012, Trung Quốc đã nhắm vào Philippines với chính sách “miệng hố chiến tranh” trên biển. Cuộc đối đầu trên bãi cạn Scarborough khởi đầu vào ngày 8/4/2012, khi một máy bay do thám thuộc Lực lượng Không quân Philippines (PAF) phát hiện tám tàu cá Trung Quốc đang hoạt động quanh bãi cạn. Trước vụ việc này, Tổng thống Aquino đã ra lệnh cho Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) và Hải quân Philippines đẩy mạnh hoạt động tuần tra giám sát và chấp pháp của mình theo luật ngư nghiệp và bảo vệ môi trường biển của nước này.

Vào sáng ngày 10/4, soái hạm Hải quân Philippines BRP Gregorio Del Pilar xác nhận sự hiện diện của tám tàu cá Trung Quốc đang neo đậu trong khu vực đầm phá bên trong bãi cạn. Sau khi theo dõi các tàu cá, tàu của Philippines đã cử một nhóm thủy thủ lên kiểm tra các tàu cá này theo đúng những quy định về giao thiệp đã có từ lâu. Đội kiểm tra báo cáo tìm thấy một lượng lớn san hô, sò tai tượng và cá mập sống bị đánh bắt trái phép trên khoang của tàu đầu tiên bị kiểm tra.

Tuy nhiên, thay vì để tàu phía Philippines bắt giữ các tàu cá tại bãi cạn, hai tàu hải giám của Trung Quốc đã đến hiện trường và chen ngang giữa chiến hạm của Philippines và tàu cá nước mình, trên thực tế là cản trở tàu Philippines thực thi việc bắt giữ đối với tàu cá. Ngày hôm sau, Manila hiểu rằng họ đã bị cuốn vào cuộc đối đầu tiềm ẩn nhiều nguy cơ với một Trung Quốc đang trỗi dậy và ngày càng quyết liệt. Tổng thống Aquino quyết định rút tàu BRP Gregorio Del Pilar khỏi hiện trường và thay thế bằng một tàu tuần duyên nhỏ hơn nhằm xuống thang căng thẳng nảy sinh từ cuộc đối đầu.

Nhưng đáp lại cách hành xử thiện chí này của Manila, Bắc Kinh đã tuyên bố họ sẽ triển khai tàu ngư chính hiện đại nhất, Yuzheng 310 (Ngư chính 310) – có kích cỡ lớn được trang bị súng máy, pháo nhẹ, và cảm biến điện – đến hỗ trợ cùng hai tàu tuần tra dân sự đang có mặt tại hiện trường. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố “việc phía Philippines cố tình thực hiện các hoạt động mà họ gọi là chấp pháp trong vùng biển thuộc đảo Hoàng Nham đã xâm phạm vào chủ quyền của Trung Quốc, và đi ngược lại thỏa thuận chung giữa hai nước về duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông.” Bắc Kinh sau đó đã cảnh cáo Philippines “đừng làm tình hình thêm phức tạp và leo thang”.[3]

Rõ ràng ngay từ ban đầu, Trung Quốc đã giành thế thượng phong khi buộc Philippines phải lùi lại để tránh đối đầu với sự hiện diện của lực lượng dân sự Trung Quốc. Nhờ có đội tàu hàng hải dân sự có vũ trang đang lớn mạnh, Trung Quốc đã có thể đẩy trách nhiệm leo thang tranh chấp lên vai Philippines, buộc đại diện của nước này phải cân nhắc lại trước khi sử dụng vũ lực để giải quyết một vấn đề về quyền tài phán trên biển. Trung Quốc đã gửi thêm một tàu ngư chính tới hiện trường hỗ trợ, kết quả là ba tàu lớn Trung Quốc đối đầu với duy nhất một tàu tuần duyên của Philippines tại bãi cạn.

Đáp lại lời phản đối ngoại giao mà Philippines đưa ra, đại sứ Trung Quốc quả quyết rằng ba tàu ngư chính của Trung Quốc trên Bãi cạn Scarborough khi đó “có mặt trong khu vực này để thực thi các nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi hàng hải của Trung Quốc”, và nói thêm bãi cạn “là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc và vùng biển xung quanh ngư trường truyền thống của ngư dân Trung Quốc”.[4] Vụ việc cho thấy mức độ của chiến lược miệng hố chiến tranh trên biển mà Trung Quốc triển khai như là một công cụ giải quyết những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Kết cục của cuộc đối đầu và hệ quả

Trong Đối thoại Chiến lược Song phương Philippines – Hoa Kỳ năm 2012 tại thủ đô Washington, lần đầu tiên Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario thành thật giãi bày về tình trạng dễ tổn thương mà Philippines đang mắc phải, cũng như việc nước này bất lực đến vô vọng khi đối đầu với một Trung Quốc có trong tay tiềm lực quân sự hùng hậu tại Bãi cạn Scarborough, nằm ở phía bắc quần đảo tranh chấp Trường Sa, cách Luzon 124 hải lý và hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này:

Quả thực quá sức đau đớn khi nghe giới truyền thông quốc tế mô tả chính xác về tình trạng yếu kém của của lực lượng vũ trang Philippines. Nhưng còn đau đớn hơn khi trên thực tế đây đúng là sự thật, và chúng tôi chỉ biết tự trách bản thân về thực trạng này. Để Philippines hạn chế tối đa việc phụ thuộc vào một đối tác khu vực của Mỹ,… chúng tôi phải có nhiệm vụ huy động toàn bộ những phương tiện khả dĩ, với mục tiêu ít nhất phải xây dựng được thế phòng thủ đáng tin cậy tối thiểu.[5]

Trong khi đó, nhờ cái cớ mùa mưa bão sắp diễn ra, hai nước đã có thể xoa dịu mức độ căng thẳng của cuộc đối đầu kéo dài suốt hai tháng. Vào ngày 16/6, Tổng thống Aquino viện lý do thời tiết đã ra lệnh tất cả các tàu của Philippines rời khỏi bãi cạn.[6] Đến ngày 18/6, ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố các tàu cá nước này hoạt động gần khu vực bãi cạn tranh chấp đang trên đường quay về cảng. Ngày hôm sau, Trung tâm Tìm kiếm Cứu hộ Biển của Trung Quốc cho biết họ đã cử một tàu cứu hộ đến bãi cạn Scarborough để hỗ trợ cho các tàu cá Trung Quốc trở về từ khu vực này do gặp phải “các điều kiện khó khăn trên biển”.[7] Hành động phối hợp rút tàu dân sự ra khỏi bãi cạn được thực thi trong bối cảnh hai nước đang tiến hành các cuộc tham vấn song phương, đồng thời căng thẳng chính trị về bãi cạn này cũng đã giảm bớt.

Dù các căng thẳng về vấn đề này đã được xoa dịu, nhưng Philippines và Trung Quốc vẫn tiếp tục giữ nguyên tuyên bố chủ quyền của mình, và khả năng đi đến một giải pháp cho tranh chấp lãnh thổ này vẫn rất mong manh, trong khi đó đối đầu kéo dài hai tháng nhưng không được xử lý triệt để sẽ là tiền lệ dẫn đến một cuộc bùng nổ xung đột khu vực trong tương lai. Thái độ nghi ngờ và mâu thuẫn còn âm ỉ giữa Philippines và Trung Quốc về bãi cạn này tại Biển Đông vẫn chưa được giải quyết. Hơn nữa, vụ việc này nhấn mạnh một thực trạng quốc tế: sức mạnh kinh tế và hải quân của Trung Quốc đang phủ một bóng đen trải rộng lên cả Philippines lẫn Việt Nam, hai quốc gia hiện nay phải đứng mũi chịu sào trong tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc.[8]

Kết luận

……..

Download phần còn lại của văn bản tại đây: Philippines va tranh chap Bien Dong.pdf

——————–

[1] Lowell Bautista, ‘International Legal Implications of the Philippine Treaty Limits on Navigational Rights in Philippine Waters’, Australian Journal of Maritime and Ocean Affairs 1, 3 (2009), 7. http://search.proquest.com/printviewfile?accountisd=28547

[2] Department of Foreign Affairs, ‘Notification and Statement of Claim to the United Nations Convention of Law of the Sea (UNCLOS) Arbitral Tribunal,’ (Manila, 22 January 2013), 12-14.

[3] Thai News Service Group, ‘China/Philippines: China Seeks Preservation of Over-All Friendly Relations with Philippines as Tension over Scarborough Shoal Ebbs Momentarily,’ Asia News Monitor (12 April 2012), 1. http://search.proquest.com/docview/993552886/138B64F7C71082

[4] James Hookway, ‘Philippine, China Ships Square Off,’ The Wall Street Journal Asia (12 April 2012), 2. http://search.proquest.com/docview/993221572/fulltext/1368A3AE

[5] Agence France Press, ‘Philippines Sends SOS to the International Community,’ Philippine Star (2 May 2012), 1-20.

[6] Jane Perlez, ‘Stand-off over South China Sea Shoal eases: Beijing and Manila pull their ships from area, but the dispute is not settled,’ International Herald Tribune (19 June 2012), 4. http://search.proquest.com/docview/1020884288/1386FC0C1134

[7] Teddy Ng, ‘Stand-Off Eases as Sides Withdraw Ships from Shoal: Beijing Follows Manila in Pulling Vessels out of Disputed Area because of Bad Weather,’ South China Morning Post (19 June 2012), 1. http://search.proquest.com/docview/1020927910/139091870A75BB1E5FF/15?accounti=2

[8] William Chong, ‘Path to Scarborough Far from Fair: South China Sea Rivals no Match for China’s Economic, Military Clout’, The Strait Times (21 April 2012), 1. http://search.proquest.com/docview/1008636649/fulltext/1368A3A