Hậu quả của cuộc Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu

Print Friendly, PDF & Email

Tea-Party

Tác giả: Nouriel Roubini | Biên dịch: Đỗ Minh Thu

Ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, thành công của các nhà hoạch định chính sách trong việc ngăn cuộc khủng hoảng diễn tiến thành cuộc Đại Suy thoái lần II[1] đã kiểm soát được đòi hỏi của những người ủng hộ bảo hộ công nghiệp trong nước và các biện pháp hướng nội. Nhưng giờ đây, những phản ứng dữ dội chống lại toàn cầu hóa đã dấy lên mạnh mẽ, đi cùng với đó là sự chống lại dòng chảy tự do hơn của hàng hóa, dịch vụ, vốn, nguồn lực, và công nghệ.

Chủ nghĩa dân tộc mới này gồm nhiều hình thái kinh tế khác nhau: rào cản thương mại, chế độ bảo vệ tài sản, phản ứng chống lại các nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, các chính sách ưu ái người lao động và doanh nghiệp trong nước, các biện pháp ngăn chặn nhập cư, chủ nghĩa tư bản nhà nước, và chủ nghĩa dân tộc về tài nguyên.

Trong lĩnh vực chính trị, con số những người theo chủ nghĩa dân túy, chống toàn cầu hóa, chống nhập cư, và trong vài trường hợp là những đảng phái công khai phân biệt chủng tộc và bài trừ Do Thái cũng đang gia tăng.

Những lực lượng này không có thiện cảm với các tổ chức quản trị siêu quốc gia – ví dụ như Liên minh Châu Âu (EU), Liên Hợp Quốc (UN), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) – những tổ chức mà toàn cầu hóa đòi hỏi. Ngay cả mạng Internet – bản sao thu nhỏ của toàn cầu hóa trong hai thập kỉ qua – cũng đang phải đối mặt với nguy cơ bị chia để trị trong bối cảnh các nước chuyên chế hơn – bao gồm Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, và Nga – đang tìm kiếm các biện pháp ngăn chặn việc truy cập các phương tiện truyền thông xã hội và đàn áp tự do ngôn luận.

Nguyên nhân chính của những xu hướng trên đều rất rõ ràng. Công cuộc phục hồi kinh tế yếu ớt đã mở đường cho sự phát triển của những phe phái dân túy vốn thúc đẩy các chính sách bảo hộ và đổ lỗi cho mậu dịch và lao động nước ngoài là nguyên nhân gây nên sự bất ổn kéo dài. Thêm vào đó, sự bất bình đẳng ngày một gia tăng về thu nhập và tài sản tại phần lớn các quốc gia, và đương nhiên là cả nhận thức rằng một nền kinh tế mà người-thắng-giành-được-tất-cả chỉ phục vụ cho lợi ích của giới thượng lưu và bóp méo hệ thống chính trị, đang ngày một trở nên phổ biến.

Ngày nay, cả những nền kinh tế phát triển (ví dụ như Mỹ, nơi mà nguồn tài chính vô hạn của những quan chức dân cử do các nhóm lợi ích doanh nghiệp kếch sù cung cấp chỉ đơn giản là sự tham nhũng được hợp pháp hóa) lẫn các thị trường mới nổi (nơi mà các đầu sỏ chính trị thường thao túng cả hệ thống kinh tế lẫn chính trị) dường như đều đang hoạt động vì lợi ích của một nhóm thiểu số.

Ngược lại, đối với đa số còn lại, chỉ có sự trì trệ muôn thuở, cùng với tình hình việc làm ảm đạm và lương tăng chậm. Sự bất ổn kinh tế tiếp đó đối với tầng lớp lao động và trung lưu đang là vấn đề cấp bách nhất ở khu vực Châu Âu hiện nay, trong khi tại nhiều nước, các đảng phái theo chủ nghĩa dân túy – chủ yếu là bên cực hữu – lại giành ưu thế trong cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu vào cuối tuần trước. Như trong những năm 1930 khi cuộc Đại Suy thoái đã làm nảy sinh các chính phủ độc tài tại Ý, Đức, và Tây Ban Nha, một xu hướng tương tự cũng đang dần được hình thành.

Nếu không cải thiện sớm thu nhập và việc làm, các phe dân túy có thể sẽ tiếp cận gần hơn tới quyền lực quốc gia tại Châu Âu, và cùng với đó, quan điểm chống EU sẽ ngăn chặn quá trình hội nhập kinh tế và chính trị Châu Âu. Tệ hơn, khu vực Châu Âu có thể một lần nữa phải đối mặt với rủi ro: một vài quốc gia (như Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len) có thể rút khỏi EU; trong khi các quốc gia khác (như Anh, Tây Ban Nha, và Bỉ) cuối cùng có thể sẽ sụp đổ.

Ngay cả ở Mỹ, có thể nhận thấy tình hình bất ổn kinh tế ở những người da trắng có thu nhập thấp – những người đang cảm thấy bị lực lượng nhập cư và hoạt động mậu dịch toàn cầu đe dọa – được thể hiện qua tầm ảnh hưởng ngày một dâng cao của phe cực hữu và phong trào Đảng Trà (Tea Party)[2] của Đảng Cộng hòa. Những nhóm này được đặc trưng bởi chính sách ưu đãi dân bản xứ về kinh tế, phong trào chống nhập cư và khuynh hướng bảo hộ, sự cuồng tín về tôn giáo, và chủ nghĩa cô lập về địa chính trị.

Một biến thể của biến động này có thể được nhận thấy ở Nga, cũng như ở nhiều khu vực Đông Âu và Trung Á, những nơi mà sự sụp đổ của Bức tường Berlin đã không thúc đẩy nền dân chủ, tự do hóa kinh tế, và gia tăng sản lượng nhanh chóng. Thay vào đó, chủ nghĩa dân tộc và chế độ chuyên chế đã nắm giữ quyền lực trong gần một phần tư thế kỉ vừa qua, theo đuổi mô mình phát triển tư bản nhà nước vốn chỉ đảm bảo mang lại một mức độ phát triển kinh tế cầm chừng. Trong bối cảnh đó, việc Tổng thống Nga Vladimir Putin gây bất ổn cho Ukraine gắn liền với giấc mơ lãnh đạo một “Liên minh Âu-Á” – một nỗ lực được ngụy trang cẩu thả để xây dựng lại Liên Xô cũ.

Tương tự như vậy, chủ nghĩa dân tộc cũng đang hồi sinh ở Châu Á. Những nhà lãnh đạo mới tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, và bây giờ là Ấn Độ đang là những nhà dân tộc chủ nghĩa về chính trị tại những khu vực mà lâu nay vấn đề tranh chấp lãnh thổ nghiêm trọng và những bất đồng lịch sử dai dẳng vẫn đang mưng mủ. Những nhà lãnh đạo đó – cùng các lãnh đạo Thái Lan, Malaysia, và Indonesia, những người đang dịch chuyển theo hướng chủ nghĩa dân tộc tương tự – phải giải quyết những thách thức chính yếu về cải cách cơ cấu nếu họ muốn khôi phục lại mức tăng trưởng kinh tế đang xuống dốc, và các thị trường mới nổi phải tránh được bẫy thu nhập trung bình.[3] Thất bại về kinh tế có thể đẩy chủ nghĩa dân tộc và xu hướng bài ngoại tiến xa hơn – thậm chí châm ngòi cho xung đột quân sự.

Trong khi đó, khu vực Trung Đông vẫn ngập chìm trong sự lạc hậu. Mùa xuân Ả Rập – làn sóng cách mạng được châm ngòi bởi sự tăng trưởng chậm, tỉ lệ thất nghiệp cao ở người trẻ, và sự tuyệt vọng về kinh tế lan rộng – đã nhường bước cho mùa đông ảm đạm tại Ai Cập và Libya, nơi mà các lựa chọn thay thế là trở về với những nhà cầm quyền độc đoán và hỗn loạn về chính trị. Nội chiến đang xảy ra tại Syria và Yemen; số phận tương tự dường như cũng đang chờ đợi Libăng và Iraq; Iran vừa bất ổn vừa nguy hiểm cho các quốc gia khác; Afghanistan và Pakistan thì đang ngày càng giống như những nhà nước thất bại.

Trong tất cả các nước này, sự thất bại về kinh tế, thiếu thốn cơ hội, và hi vọng đối với những người nghèo và người trẻ có thể thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa chính trị và tôn giáo cực đoan, gây ra sự thù ghét với phương Tây, thậm chí ở một vài nước tình trạng này sẽ trực tiếp dẫn đến chủ nghĩa khủng bố.

Trong những năm 1930, thất bại trong việc ngăn chặn cuộc Đại Suy thoái đã khiến các chế độ chuyên chế ở Châu Âu và Châu Á mạnh lên, cuối cùng dẫn tới Thế chiến II. Thời gian này, những thiệt hại của cuộc khủng hoảng 2008 là nguyên nhân dẫn tới việc những nền kinh tế tiên tiến bị trì trệ và tạo ra những thách thức lớn mang tính cấu trúc đối với sự tăng trưởng tại các thị trường mới nổi.

Đây là mảnh đất lý tưởng cho chủ nghĩa dân tộc về kinh tế và chính trị bắt rễ và sinh sôi. Những phản ứng mạnh mẽ chống lại thương mại và toàn cầu hóa ngày nay nên được nhìn nhận trong bối cảnh của những gì có thể xảy ra như chúng ta đều biết qua kinh nghiệm lịch sử.

Nouriel Roubini là giáo sư tại Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York, chủ tịch của Roubini Global Economics. Ông từng làm việc cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, và Ngân hàng Thế giới.

Biên tập: Nguyễn Huy Hoàng | Bản gốc tiếng Anh: Project Syndicate (31/5/2014)

—————–

[1] Cuộc Đại Suy thoái đầu tiên diễn ra những năm 1929 – 1933 – NBT.

[2] Phong trào chính trị bảo thủ tại Hoa Kỳ nổi bật chủ yếu vì kêu gọi giảm nợ công quốc gia và ngân sách liên bang bằng cách giảm chi phí và thuế – ND

[3] Bẫy thu nhập trung bình là tình trạng nền kinh tế khi đạt đến một mức thu nhập bình quân nhất định do những lợi thế sẵn có thì chững lại và không thể phát triển mạnh hơn – NBT