Liệu vụ Charlie Hebdo có phải là đòn thử của Al Qaeda?

Print Friendly, PDF & Email

150107120309-charlie-hebdo-620x348

Tác giả: Nguyễn Hải Vân

Nước Pháp đang trải qua những ngày tháng đen tối nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay. Vụ khủng bố vào tòa soạn tờ báo biến họa Charlie Hebdo làm 17 người Pháp thiệt mạng, 3 kẻ khủng bố bị tiêu diệt dường như đã kết thúc. Nhưng nó đã kết thúc thật chưa, hay đây mới chỉ là màn khởi đầu hay đòn thử cho một hình thức khủng bố mới mà Al-Qaeda hay IS đang chuẩn bị cho một trận chiến mới với Mỹ và các nước Phương Tây?

Trong khoảng vài năm trở lại đây, cụm từ hay được giới phân tích và chuyên gia về an ninh, chống khủng bố hay nhắc tới và cảnh báo là “những con sói đơn độc” – ám chỉ những vụ tấn công tự phát hoặc có sự chỉ đạo một phần của các tổ chức khủng bố của một kẻ cuồng tín Hồi giáo với mong muốn tham gia “thánh chiến” bằng cách “tử vì đạo”.

Trước khi vụ khủng bố tấn công tòa sạn báo Charlie Hebdo xảy ra, tại Úc vụ “Sydney Siege” còn đang để lại nhiều dư âm về lỗ hổng an ninh đối với các công dân của nước này theo đạo Hồi mang tư tưởng cực đoan và đặc biệt là đối với các phần tử trở về từ Trung Đông sau khi tham gia các nhóm thánh chiến.

Nhìn bao quát lại cuộc chiến chống khủng bố hiện nay cũng như tình hình tại Mỹ và một số nước Phương Tây có thể nhận thấy một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, vụ ám sát Bin Laden hồi năm 2011 không làm suy yếu Al-Qaeda, mà ngược lại nó đã cho thấy sự biến tướng của Al-Qaeda ngày càng trở nên nguy hiểm hơn, với sự chia nhánh tại các quốc gia khác nhau và đặc biệt là sự nổi lên của chi nhánh Al-Qaeda tại Yemen, trung tâm khủng bố mới tại khu vực Trung Đông –  Bắc Phi. Ngoài Al-Qaeda, sự nổi lên mạnh mẽ và nhanh chóng của Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS trong vòng một năm qua tại Iraq và Syria còn cho thấy tổ chức này còn nguy hiểm hơn Al-Qaeda rất nhiều. Chỉ trong vòng một năm, số lượng quân IS được cho là vào khoảng 200.000 người đến từ các quốc gia khác nhau, với mong muốn được tử vì đạo và xây dựng một Nhà nước Hồi giáo với những giá trị thuần túy không bị ảnh hưởng của Phương Tây. Thêm vào đó, nhóm Boko Haram hay nhiều nhóm theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan khác cũng đang hoạt động mạnh mẽ tại một số vùng của Châu Phi. Các tổ chức và nhóm khủng bố này ngày càng lớn mạnh cả về tổ chức, quy mô lẫn khả năng tài chính thông qua việc bán dầu lậu, bắt cóc đòi tiền chuộc…

Thứ hai, sự thiếu nhất quán trong chính sách của Mỹ đối với việc duy trì quân đội Mỹ tại Iraq, chiến sự tại Syria và việc tham gia cuộc chiến chống IS. Liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu tỏ ra thiếu hiệu quả khi chỉ tiến hành các cuộc không kích mà không đưa quân vào chiến đấu trên bộ.

Thứ ba, tình hình nội tại nước Mỹ đang gặp phải những bất ổn nhất định do liên tiếp xảy ra các vụ cảnh sát da trắng bắn chết công dân da đen. Hàng loạt các vụ biểu tình trong đó có cả biểu tình quá khích đã diễn ra tại một số bang tại Mỹ làm cho sự chia rẽ giữa cộng đồng người da trắng và cộng đồng người da đen trở nên ngày càng sâu sắc. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề lớn về an ninh trong cộng đồng người da đen khi họ bị xúi giục, lôi kéo trở nên quá khích.

Thứ tư, các nước châu Âu đang phải vật lộn đối chọi lại cuộc suy thoái và khủng hoảng tài chính kéo dài hơn 6 năm qua. EU liên tục đưa ra các gói kích cầu và thực hiện chính sách “thắt lưng, buộc bụng” nhằm cứu vãn sự suy thoái và phục hồi đà tăng trưởng. Nhưng quan trọng hơn, châu Âu đang bị chia rẽ sâu sắc bởi vấn đề Ucraina. Việc ủng hộ Ucraina, cô lập Nga bằng các đòn trừng phạt về kinh tế sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea càng làm cho nội bộ của các nước EU trở nên mâu thuẫn và chia rẽ. Đồng thời, các đòn trừng phạt về kinh tế làm cho EU vốn đang khó khăn lại càng khó khăn hơn. Do vậy, châu Âu lơ là, mất cảnh giác đối với cuộc chiến chống khủng bố.

Thứ năm, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đã và đang là công cụ đắc lực cho các nhóm thánh chiến tuyển mộ thêm quân số và chiêu mộ thành viên không chính thức ngay tại hầu hết các quốc gia có cộng đồng người Hồi giáo sinh sống. Thông qua mạng xã hội, các nhóm thánh chiến đã tuyên tuyền, lôi kéo các tín đồ đi theo lý tưởng của chúng. Hiện nay, các cơ quan an ninh đang cảnh báo về “làn sóng” gia nhập IS đối các quốc gia có cộng đồng người theo đạo Hồi sinh sống.

Như vậy, có thể nhận thấy rằng đây là thời điểm “vàng” để các tổ chức khủng bố tiến hành các âm mưu khủng bố nhằm vào Mỹ và các nước Phương Tây mà trước tiên là các nước tham gia vào Liên minh chống IS.

Những thông tin từ sau vụ Charlie cho thấy, các kẻ khủng bố đã được đào tạo và có sự hướng dẫn chỉ đạo bài bản từ Al-Qaeda Yemen. Chúng đã lên âm mưu nhằm vào tòa soạn báo này với mục tiêu là Charlie, tổng biên tập của tờ báo, người nằm trong danh sách hàng đầu cần phải giết của Al-Qaeda. Và có vẻ như “con sói đơn độc” đã không còn đơn độc khi nó đã biết liên kết với các con sói khác thành một “bầy sói”. Vụ khủng bố kép này tại Pháp đã minh chứng rất rõ cho điều đó. Khi Pháp dồn gần như toàn bộ lực lượng cảnh sát để truy tìm hai kẻ khủng bố tòa soạn báo, thu hút mọi sự chú ý của nhà chức trách cũng như truyền thông vào việc truy tìm; thì ngay sau đó, hai kẻ khác đã lợi dụng sự sơ hở chết người đó tiến hành một vụ bắt cóc con tin tại một địa điểm khác. Rõ ràng, việc nôn nóng truy bắt được hai kẻ khủng bố gây chấn động nước Pháp và thế giới đã khiến cho cơ quan an ninh của nước này mất cảnh giác khi dồn hầu hết lực lượng vào khu vực được cho là nơi chúng đang ẩn náu mà không đề phòng khả năng xảy ra một chuỗi hành động tương tự được tiến hành bởi những kẻ khủng bổ khác.

Chủ nghĩa khủng bố đang đe dọa Châu Âu

Việc các tên khủng bố này đều đã có những tiền án liên quan đến khủng bố, nhưng vẫn không bị các cơ quan an ninh Pháp theo dõi chặt chẽ cho thấy các lỗ hổng rất lớn về an ninh đối với các quốc gia Châu Âu khi mà Tình báo Pháp được đánh giá là cơ quan hoạt động hiệu quả nhất tại châu Âu. “Nếu như ngay cả người Pháp cũng không thể giám sát và ngăn chặn các phần tử Hồi giáo cực đoan, thì những đối tượng này tại các khu vực khác ở châu Âu càng chẳng cần sợ gì hết”, Reuel Gerecht, một cựu quan chức của CIA nhận định.

Vụ khủng bố và bắt cóc con tin tại Paris cho thấy dường như đã có những tính toán, chỉ đạo về một loại hình khủng bố mới mà Al-Qaeda hay IS đang chuẩn bị tiến hành trên quy mô lớn. Andrew Parker, lãnh đạo cơ quan phản gián Anh MI5, tuyên bố rằng lực lượng Al-Qaeda tại Syria đang lên kế hoạch tấn công các nước Phương Tây, đặc biệt nhằm vào cơ sở hạ tầng giao thông và điểm tham quan du lịch.

Việc chiêu mộ những kẻ cuồng tín qua các trang mạng xã hội, truyền bá tư tưởng cực đoan và sẵn sàng “tử vì đạo” ngay trong lòng các quốc gia có cộng đồng người Hồi giáo sinh sống, sau đó huấn luyện để sẵn sàng thực hiện các cuộc thánh chiến, sẽ giúp cho các tổ chức khủng bố phá vỡ được nhiều hàng rào an ninh của các quốc gia, có thể tiến hành khủng bố bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu chúng muốn một cách bất ngờ nhất, táo bạo nhất mà hầu như không phải mất nhiều chi phí. “Các con số thống kê cho thấy, hiện có ít nhất 550 người Đức, 400 người Anh, 300 người Pháp, 250 người Mỹ, 150 người Áo… gia nhập IS và đang tham chiến ở Iraq hoặc Syria. Những người này phần lớn là theo tư tưởng Hồi giáo cực đoan, từng có những phản ứng lại với chính quyền địa phương khi còn ở trong nước. Qua mạng lưới cung cấp thông tin bí mật, IS đã cử đại diện đến trao đổi, mua chuộc và lôi kéo những người này, nhồi nhét vào họ tư tưởng phải xây dựng Nhà nước Hồi giáo để đối chọi là những chính sách mà các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Đức đang áp dụng với người Hồi giáo”.

Như vậy, rất có thể vụ tấn công vào tòa soạn báo Charlie Hebdo chỉ là một đòn thử của Al-Qaeda và IS đối với châu Âu nhằm kiểm tra hệ thống an ninh cũng như cách mà lực lượng an ninh phản ứng, đối phó như thế nào. Do đó, trong thời gian tới, thay vì tiến hành những những vụ khủng bố lớn, có thể các tổ chức này sẽ đạo diễn những vụ khủng bố với quy mô nhỏ nhưng diễn ra đồng thời tại nhiều địa điểm khác nhau với các thông điệp chính trị rõ ràng hơn.

Nguyễn Hải Vân hiện là học viên cao học tại Học viện Ngoại giao Việt Nam.