Tác động của công nghệ quân sự lên dân chủ

Print Friendly, PDF & Email

cyber-soldier

Nguồn: John Ferejohn & Frances Rosenbluth, “Arms and Men: Technology’s Shadow Over Democracy”, YaleGlobal, 09/12/2014.

Biên dịch: Nguyễn Quang Khải | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Khi chiến tranh hiện đại dựa nhiều vào công nghệ hơn sức người, công dân ở các nước dân chủ nên cảnh giác.

Việc Ashton Carter, một chuyên gia vật lý và công nghệ, được đề cử làm Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ phản ánh nhu cầu công nghệ của chiến tranh hiện đại. Điều ít được chú ý hơn đó là sự đề cử này báo hiệu xu hướng suy giảm vai trò của nhân lực trong lực lượng quân đội Hoa Kỳ.

Nhiều thế kỷ trước kia, việc cắt giảm quyền công dân tạm thời trong thời chiến – bao gồm cả tự do ngôn luận và quyền không bị bắt giữ mà không qua xét xử  – thường được cân bằng bởi việc mở rộng đặc quyền cho người lính, đôi khi cho cả những người phụ nữ hỗ trợ cho họ. Nhu cầu về nhân lực trong các cuộc chiến tranh khiến các nền dân chủ thay đổi dần dần từ dưới lên.

Từ Cách mạng Mỹ, khi những người trong độ tuổi chiến đấu giành được quyền bầu cử, cho tới Chiến tranh Việt Nam khi phổ thông đầu phiếu mở rộng cho tất cả mọi công dân trên 18 tuổi, sự đóng góp của người dân vào quá trình phòng vệ tập thể (của quốc gia) đã củng cố quyền chính trị. Bây giờ thì ngược lại, số lượng binh lính cần dùng để chiến đấu trong các cuộc chiến chống nổi dậy ngày nay, vốn được đào tạo chuyên nghiệp và hoàn toàn tự nguyện, là không lớn.

Điều đó không có nghĩa là nước Mỹ nên áp dụng lại chế độ quân dịch. Trong các cuộc chiến tranh cần phải tổng động viên toàn bộ trong thế kỷ 20, nước Mỹ cần một quân đội có quy mô tương xứng với đội quân hùng hậu của đối phương. Nhưng thế giới hậu Chiến tranh Lạnh lại đặt ra những thách thức khác: một thế giới đầy rẫy các cuộc nổi dậy vốn sẽ dễ dàng được kiểm soát bởi các đội quân có quy mô nhỏ hơn, chuyên nghiệp hơn và linh hoạt hơn. Khoảng thời gian mà học sinh cấp ba bỏ học để tham gia Thế chiến thứ nhất và khoảng thời gian mà ai cũng bị bắt đi quân dịch sang Việt Nam đã xa rồi, bây giờ các quảng cáo tuyển dụng của quân đội Mỹ tập trung làm nổi bật (mô hình) cỗ máy chiến tranh thời hiện đại. Chú Sam hiện nay cần những phi công điều khiển máy bay không người lái rành rẽ công nghệ, với những kỹ năng như trong các trò chơi điện tử.

Không ai muốn quay lại thời điểm của các cuộc chiến tranh mang tính tồn vong yêu cầu quân dịch số lượng lớn với tỉ lệ thương vong cao, nhưng cũng phải thừa nhận rằng những thay đổi về công nghệ và địa chính trị đã loại bỏ một sự kiểm soát mang tính dân chủ đối với chính phủ.

Nếu như nhà nước cộng hòa dân chủ hiện đại là một sinh vật chiến tranh cần nhân lực, sự ủng hộ của dân chúng và tiền bạc để thành công, thì đã đến lúc suy nghĩ thật kỹ về nó rồi. Tư tưởng cho rằng dân chủ được định hình bởi chiến tranh cũng gây sốc y hệt như việc nhận ra rằng con người đã tiến hóa qua một quá trình tồn tại khắc nghiệt mà chỉ những sinh vật thích nghi nhất mới có thể trụ được. Nhưng cũng phải chuẩn bị tinh thần mà tìm hiểu xem thuộc tính nào của chính phủ Mỹ cần phải bị kiềm chế và thuộc tính nào cần được phát huy. Việc tìm hiểu vai trò của chiến tranh trong việc củng cố dân chủ ít nhất cũng giúp chúng ta hiểu rõ hơn một số bề nổi của dân chủ.

Các nền dân chủ hiện đại sinh ra trong một môi trường được định hình bởi địa lý, công nghệ và tài nguyên. Ngoại trừ những vùng núi non hiểm trở ở Afghanistan ra thì nói theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, các công nghệ quân sự và dân sự mới đã làm phẳng thế giới. Tuy nhiên, tại những nơi nhạy cảm như Pháp, quốc gia từng có xu hướng dễ bị cai trị bởi các hoàng tộc, vẫn duy trì được tính chất dân chủ của mình kể từ sau các cuộc chiến tranh tổng lực hồi thế kỷ 19 và 20. Ngày nay, không ai có thể nói rằng Bern (thủ đô Thụy Sĩ – NBT) không dân chủ bằng những ngôi làng quanh đèo St Gotthard (một vị trí hẻo lánh của Thụy Sĩ – NBT) hay các cử tri tại Berlin có ít quyền lực hơn các cử tri ở vùng Rừng Đen (một khu rừng tại Tây Nam nước Đức – NBT). Những công dân nắm đầy đủ thông tin, học rộng hiểu nhiều và được bảo vệ, với quyền bầu cử của mình, có thể bắt những người đại diện cho họ phải chịu trách nhiệm, tương tự như đám đàn ông sơn cước dùng súng lưỡi lê.

Cần phải theo dõi xem liệu dân chủ sẽ thích nghi với các hình thức chiến tranh hiện đại tiết kiệm nhân lực như thế nào. Nếu vai trò của quần chúng trong việc bảo vệ nhà nước suy giảm thì liệu liên minh giữa các tầng lớp trong xã hội dựa trên các quyền tham gia chính trị và sở hữu tài sản còn có thể đứng vững hay không?

Chúng ta vẫn còn ít nhiều hy vọng vì các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu thu nhập bình quân đầu người ở mức tương đối cao thì các nền dân chủ vẫn có thể trụ vững. Dân chủ có thể là một thứ hàng hóa xa xỉ mà con người tìm kiếm sau khi đạt được sự an toàn của bản thân và phát triển kinh tế. Có lẽ bản thân sự thịnh vượng cũng đủ để thúc đẩy xã hội loài người hướng tới tự quản mà không cần những cuộc chiến tranh đẫm máu nhằm hàn gắn chia rẽ giữa các xã hội ấy. Nhưng đó là một viễn cảnh tươi đẹp. Còn những viễn cảnh tồi tệ thì sao: các xã hội không giải quyết được những chia rẽ về tầng lớp, sắc tộc và tôn giáo sẽ rơi vào nội chiến.

Phần lớn thế giới đã trở thành con mồi trong guồng máy chiến tranh của các nước châu Âu hồi thế kỷ 16 và 17. Trong thế kỷ 19 và 20, tầng lớp tinh hoa chống thực dân lãnh đạo các phong trào độc lập nói chung không thể huy động được toàn bộ đồng bào mình chống lại mẫu quốc. Một phần là do họ không có kinh nghiệm trong việc xây dựng các đội quân hùng mạnh để chiến đấu. Giới quý tộc Mỹ Latinh đã thỏa hiệp về độc lập với đám thực dân mệt mỏi, nhút nhát mà không phải nuôi dưỡng và chia chác lợi ích với dân đen. Những người Boers chiến đấu chống lại nước Anh năm 1899 để giành quyền kiểm soát Nam Phi hẳn sẽ thà chịu sự cai trị của người Anh chứ không thèm liên minh với người da đen mà họ vẫn đàn áp. Xây dựng một nhà nước dân chủ từ những chia rẽ sâu sắc về tầng lớp và sắc tộc đặt ra những thách thức lớn hơn nhiều so với việc biến một nhà nước quân chủ thành dân chủ.

Trong tác phẩm kinh điển xuất bản năm 1968 Political Order in Changing Societies (Trật tự chính trị trong các xã hội đang biến đổi) của mình, Samuel Huntington lập luận rằng “Sự khác biệt về chính trị quan trọng nhất giữa các quốc gia không phải ở hình thức của chính phủ mà ở mức độ can thiệp của chính phủ.” Lập luận này, được nhiều đời chính quyền Mỹ sau này xem xét một cách nghiêm túc, đã tạo ra những con quỷ Frankenstein trên khắp thế giới – những tầng lớp quý tộc quân sự hoá hay những chế độ độc tài chẳng thấy cần phải chia sẻ quyền lực với người dân.

Không phải nhà nước nào cũng đều phải trải qua giai đoạn toàn trị trước khi trở thành một nước dân chủ ổn định, như Huntington và nhiều học giả khác lập luận. Các nền dân chủ dân cử thành công nhất khi đứng trên những chia rẽ linh hoạt (dễ giải quyết) trong lòng giới tinh hoa chứ không phải chìm nghỉm giữa những chia cắt về tầng lớp, sắc tộc và tôn giáo, những thứ có thể bị giới làm chính trị lợi dụng. Chế độ toàn trị quân sự hoá thường rút ra từ lịch sử những bài học sai lầm.

Nước Mỹ năm 2014 hoàn toàn không có nguy cơ rơi vào chế độ chuyên chế. Và những hiểu biết khoa học của ông Ashton Carter cũng không phải là dấu hiệu cho thấy nước Mỹ đang trở thành một nhà nước kỹ trị vượt ra ngoài trách nhiệm giải trình chính trị trong những vấn chiến tranh và hòa bình. Nhưng đã đến lúc người dân Mỹ phải thừa nhận rằng bộ máy chiến tranh của Mỹ, gồm lính tình nguyện và lính đánh thuê, máy móc hiện đại, chủ yếu đốt tiền từ các khoản nợ chính phủ trôi nổi ở nước ngoài (do bán trái phiếu ra hải ngoại – NBT), đang dần dần vuột khỏi tầm kiểm soát của công chúng. Chừng nào người dân Mỹ nhận ra sự thật lịch sử rằng tiếng nói chính trị của họ (bao gồm cả động lực tham gia vào tiến trình chính trị và mức độ nhà nước lắng nghe tiếng nói của họ) chủ yếu dựa vào ưu tiên quân sự cho các mục đích quốc phòng thông thường (không dựa quá mức vào công nghệ), thì chừng ấy người Mỹ mới có thể đủ tỉnh táo để giữ cho nền dân chủ Mỹ thật sự vững mạnh.

——————

John Ferejohn là Giáo sư Luật tại Đại học New York. Lĩnh vực nghiên cứu chính của ông là lịch sử các học thuyết chính trị, nghiên cứu thể chế và hành xử pháp lý và chính trị. Ông là tác giả cuốn sách Pork Barrel Politics (NXB Đại học Stanford, 1974) và là đồng tác giả cuốn The Personal Vote (viết chung với Bruce Caine và Morris Fiorina, NXB Đại học Havard, 1987) và cuốn A Republic of Statues (viết chung với William Eskridge, NXB Đại học Yale, 2010). Ông là thành viên Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ từ năm 1985 và Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ từ năm 1988.

Frances Rosenbluth là giáo sư Khoa học Chính trị ở Đại học Yale, bà viết rất nhiều về kinh tế chính trị so sánh. Bà là tác giả cuốn Financial Politics in Contemporary Japan (Cornell, 1989) và là đồng tác giả cuốn Japan’s Political Marketplace (viết chung với Mark Ramseyer, Havard, 1993); The Politics of Oligarchy: Institutional Choice in Imperial Japan (Cambridge, 1995); Women, Work and Power (viết chung với Torben Iversen, Yale, 2010); và Japan Transformed (viết chung với Michael Thies, Princeton, 2010). Bà là thành viên của Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Khoa học Hoa Kỳ từ năm 2007.