Đạo quân thứ năm của Putin tại Châu Âu

Print Friendly, PDF & Email

Putin-Merkel-Hollande

Nguồn: Yuriy Gorodnichenko, Gérard Roland & Edward Walker; “Putin’s European Fifth Column”, Project Syndicate, 15/02/2015.

Biên dịch:  Nguyễn Thị Kim Phụng | Hiệu đính: Lê Xuân Hùng

Nếu thế giới đã học được điều gì đó từ sự căng thẳng trong những tháng gần đây giữa Nga và phương Tây, thì đó là không bao giờ được đánh giá thấp tham vọng chiến lược và kỹ năng của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Phương Tây nên xem xét những lời đề nghị gần đây của Putin với một số nước trong Liên minh châu Âu theo hướng như vậy.

Cho dù Putin có thực sự tin rằng cuộc nổi dậy chống Nga năm ngoái ở Ukraine là hệ quả trực tiếp từ sự can thiệp của Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu hay không, thì một điều không thể nghi ngờ là ông ta nhận thức được rằng những lý tưởng thân châu Âu – và khả năng trở thành thành viên EU của Ukraine – đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy cuộc đấu tranh ở Ukraine và hạn chế những hành động của ông.

Mong muốn gia nhập cộng đồng các quốc gia dân chủ châu Âu của người dân là nguyên nhân chính đằng sau sự sụp đổ của chế độ độc tài cánh hữu ở Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong những năm 1970. Nó cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự tan rã của chế độ cộng sản ở Trung và Đông Âu sau sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ. Và nó chắc chắn cũng góp phần vào việc lật đổ Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych – một đồng minh quan trọng của Putin – vào năm 2014. Trên thực tế, sự tồn tại của một mô hình châu Âu vẫn đang tiếp tục dẫn dắt và khuyến khích những người theo đuổi mô hình quản trị minh bạch và dân chủ ở nhiều quốc gia hậu cộng sản.

Chắc chắn rằng Putin sẽ được hưởng lợi từ sự sụp đổ của EU. Sức hấp dẫn của châu Âu như là một mô hình quản trị dân chủ sẽ bị suy yếu rất nhiều. Các thành viên nhiều tham vọng của EU sẽ hướng đến nơi khác. Thật vậy, một số thành viên hiện tại của EU, như Hungary, nơi mà Chủ nghĩa Hoài nghi châu Âu và tâm lý phi tự do đã được phổ biến rộng rãi, có thể sẽ bị cám dỗ đi theo con đường cai trị chuyên chế như của Putin. Và các nước trong khu vực sẽ phải chịu nhiều áp lực từ phía Nga hơn cũng như những cám dỗ từ sự bảo trợ của nước này.

Putin biết điều này, đó là lý do tại sao Điện Kremlin đã tiếp cận với các đảng và các nhóm Hoài nghi châu Âu từ cả hai thái cực của phổ chính trị (tức cánh tả lẫn cánh hữu -NBT). Trong một số trường hợp, Nga có thể đã hỗ trợ tài chính cho các nhóm này. Ví dụ như vào tháng 11 vừa qua, Marine Le Pen, lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Pháp, thừa nhận rằng đảng của bà đã nhận được một khoản vay 9 triệu euro (11 triệu USD) từ một ngân hàng nhà nước Nga.

Trong khi đó, những nhà tài phiệt người Nga đã mua nhiều tờ báo châu Âu, bao gồm The Independent, The Evening Standard, và France-Soir. Tờ báo Pháp Libération gần đây đã nhấn mạnh mức độ thân Putin trong giới hàn lâm, các viện chính sách (cả cánh tả và cánh hữu), truyền thông, và mạng lưới kinh doanh cùa nước Pháp. Và tập đoàn năng lượng quốc doanh Gazprom đã bị nghi ngờ tiếp tay cho các hoạt động chống khai thác dầu từ đá phiến [fracking] tại Lít-va và Romania.

Những nỗ lực của Putin dường như rất hiệu quả. Bất chấp những căng thẳng đang diễn ra giữa Nga và phương Tây – hoặc có lẽ chính vì chúng – Putin nhận được sự ủng hộ đáng kể từ một số trí thức và chính trị gia châu Âu. Lời mô tả của Điện Kremlin về cuộc nổi dậy ở Ukraine như thể một cuộc đảo chính của chủ nghĩa phát-xít, và việc Nga sáp nhập Crimea cũng như hỗ trợ cho các phần tử ly Ukraine là hành động phòng thủ, đã được tái hiện thông qua một mạng lưới dày đặc các phương tiện truyền thông thân Nga và những người ủng hộ Putin – bao gồm: Giáo sư Đại học Princeton Stephen F. Cohen, Tổng thống Cộng hòa Séc Miloš Zeman, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán, chính trị gia cánh tả Đức Matthias Platzeck, và chính trị gia cánh hữu Hà Lan Geert Wilders.

Lối diễn giải của Putin có thể gợi nhớ về công tác tuyên truyền của Liên Xô. Nhưng điều đó đã không ngăn cản việc nó được đón nhận bởi nhiều người tại thời điểm mà dự án (hội nhập) châu Âu đã phải chịu sức ép rất lớn từ cuộc khủng hoảng kinh tế của châu lục này.

Một trận chiến của các giá trị đang dần hiện rõ. Với một bên là EU, đại diện cho dân chủ, tự do, pháp quyền, và hợp tác quốc tế được thể chế hóa; bên còn lại là Putin, đại diện cho chủ nghĩa chuyên chế, sự thiếu khoan dung, và chủ trương sử dụng vũ lực và đe dọa làm công cụ cho chính sách đối ngoại.

Thật không may, các thể chế của châu Âu không hành động đủ để phản công lại đòn chia để trị nhằm chống châu Âu của Moscow. Điều đó đặc biệt đúng ở Berlin, nơi mà chính phủ Đức tiếp tục đẩy mạnh chính sách thắt lưng buộc bụng trong khu vực đồng tiền chung châu Âu, khi phải đối mặt với tăng trưởng kinh tế yếu kém và thất nghiệp lan rộng.

Nếu Putin đã quyết tâm tiêu diệt EU thì cách tiếp cận như vậy chính là cách tốt nhất. Châu Âu đang tuyệt vọng chờ đợi tăng trưởng, và để đạt được điều đó đòi hỏi sự lãnh đạo bạo dạn từ thành viên quan trọng nhất của EU là Đức, cũng như từ lãnh đạo quan trọng nhất của nước này là Thủ tướng Angela Merkel. Công chúng Đức phải hiểu được điều gì đang bị đe dọa – và tại sao tiếp tục con đường hiện tại có thể sẽ dẫn đến việc trao EU vào tay Putin.

Yuriy Gorodnichenko là Giáo sư Kinh tế tại Đại học California tại Berkeley.

Gérard Roland là Giáo sư Kinh tế và Khoa học Chính trị tại Đại học Californi tại Berkeley.

Edward Walker là Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học California tại Berkeley, và là Giám đốc Điều hành Chương trình của Berkeley về nghiên cứu Liên Xô và Hậu Liên Xô.