27/03/1958: Khrushchev nhậm chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn:Khrushchev becomes Soviet premier,” History.com (truy cập ngày 27/03/2015.)

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Ngày 27 tháng 3 năm 1958, Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev lên giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tức Thủ tướng) thay cho Nikolai Bulganin, trở thành lãnh đạo đầu tiên đồng thời nắm giữ hai chức vụ chủ chốt của Liên Xô sau Joseph Stalin.

Khrushchev, sinh ra trong một gia đình nông dân ở Ukraina năm 1894, làm công nhân mỏ cho đến khi gia nhập Đảng Cộng sản Liên Xô năm 1918. Năm 1929, ông tới Moskva và liên tục thăng tiến trong hàng ngũ Đảng, đến năm 1938 trở thành Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Ukraina. Ông trở thành phụ tá thân cận của Joseph Stalin, nhà lãnh đạo độc tài của Liên Xô từ năm 1924. Năm 1953, Stalin qua đời, và Khrushchev đã phải vật lộn với người kế nhiệm được chọn của Stalin là Georgy Malenkov để giành vị trí Bí thư thứ nhất của Đảng Cộng sản. Khrushchev đã thắng cuộc đua quyền lực đó, còn Malenkov được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, một vị trí mang tính hình thức hơn. Năm 1955, Nikolai Bulganin, ứng cử viên do chính tay Khrushchev chọn, lên thay Malenkov.

Năm 1956, Khrushchev lên án Stalin và các chính sách độc tài toàn trị của ông tại Đại hội Đảng lần thứ 20, dẫn đến “sự thay đổi” ở Liên Xô và hàng triệu tù nhân chính trị được thả. Gần như ngay lập tức, bầu không khí tự do mới dẫn đến các cuộc nổi dậy chống Liên Xô ở Ba Lan và Hungary. Khrushchev bay tới Ba Lan để thương lượng một giải pháp ngoại giao, nhưng các cuộc nổi dậy của người Hungary đã bị quân đội và xe tăng của Khối Warszawa nghiền nát.

Chương trình phi Stalin hóa của Khruschev bị một số người theo đường lối cứng rắn trong Đảng Cộng sản phản đối, và trong tháng 6 năm 1957, ông gần như đã bị lật đổ khỏi vị trí Bí thư thứ nhất của mình. Sau một cuộc đấu tranh ngắn ngủi, ông bảo đảm việc loại bỏ Malenkov và các thành viên cấp cao khác chống đối ông và đến năm 1958, chuẩn bị nhậm chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Ngày 27 tháng 3 năm 1958, Xô viết Tối cao – cơ quan lập pháp của Liên Xô – bỏ phiếu nhất trí bầu Bí thư thứ nhất Khrushchev đồng thời giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, do đó chính thức công nhận Khrushchev là lãnh đạo tối cao của Liên Xô.

Về vấn đề đối ngoại, chính sách của Khrushchev là “chung sống hòa bình” với phương Tây. Ông nói, “chúng tôi cho các nước tư bản một sự cạnh tranh hòa bình” và khiến Liên Xô trở thành người tiên phong trong cuộc chạy đua không gian bằng cách phóng các vệ tinh và phi hành gia đầu tiên của Liên Xô lên vũ trụ. Chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Khrushchev năm 1959 được coi là một tầm cao mới trong quan hệ Mỹ-Xô, nhưng mối quan hệ giữa hai siêu cường đã xuống mức thấp đến nguy hiểm vào đầu những năm 1960.

Năm 1960, Khrushchev từ bỏ hội nghị bốn bên được chờ đợi từ lâu về vấn đề máy bay trinh sát U-2, và năm 1961, ông phê chuẩn việc xây dựng Bức tường Berlin như một giải pháp quyết liệt cho vấn đề Đông Đức. Tháng 10 năm 1962, Mỹ và Liên Xô đã tiến đến rất gần một cuộc chiến tranh hạt nhân sau khi Liên Xô triển khai tên lửa hạt nhân ở Cuba. Sau 13 ngày căng thẳng, cuộc Khủng hoảng tên lửa Cuba chấm dứt sau khi Khrushchev đồng ý rút các vũ khí tấn công để đổi lại một thỏa thuận ngầm của Mỹ là sẽ không bao giờ xâm lược Cuba.

Giải pháp ô nhục (theo quan điểm của Liên Xô) của cuộc Khủng hoảng tên lửa Cuba, một cuộc khủng hoảng nông nghiệp ở Liên Xô, và sự suy yếu của mối quan hệ Trung Quốc – Liên Xô vì các chính sách ôn hòa của Khrushchev đã khiến các lực lượng đối lập ông gia tăng trong hàng ngũ của Đảng. Ngày 14 tháng 10 năm 1964, Leonid Brezhnev, người được Khrushchev bảo trợ, tiến hành thành công cuộc đảo chính lật đổ Khrushchev, kết quả là Khrushchev lập tức thôi giữ chức vụ Bí thư thứ nhất và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô. Ông nghỉ hưu trong bóng tối bên ngoài Moskva và sống ở đó cho đến khi qua đời năm 1971.