14/07/1963: Xô-Trung bất đồng về tương lai của chủ nghĩa cộng sản

Print Friendly, PDF & Email

Chinese_stamp_in_1950

Nguồn:Rupture between USSR and China grows worse,” History.com (truy cập ngày 13/7/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1963, căng thẳng trong quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc đã lên tới đỉnh điểm khi chính phủ hai nước bị cuốn vào một cuộc tranh luận gay gắt về tương lai của chủ nghĩa cộng sản. Về phần mình, Hoa Kỳ lại tỏ ra vui mừng khi chứng kiến sự chia rẽ giữa hai cường quốc cộng sản của thế giới.

Giữa năm 1963, các quan chức của Liên Xô và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã gặp nhau tại Moskva để cố gắng hàn gắn những rạn nứt trong hệ tư tưởng của hai quốc gia. Chính phủ Trung Quốc đã công khai chỉ trích cái mà họ gọi là “những xu hướng phản cách mạng” ở Liên Xô. Đặc biệt là Trung Quốc rất không hài lòng với chính sách hợp tác với phương Tây của Moskva.

Theo tuyên bố công khai[1] của chính phủ Trung Quốc, được đưa ra vào ngày 14 tháng 6 năm 1963, một chính sách hiếu chiến và thiên về quân sự hơn là cần thiết để làm lan rộng cuộc cách mạng cộng sản ra toàn thế giới. Hơn nữa, không thể có cái gọi là “chung sống hòa bình” với các lực lượng của chủ nghĩa tư bản, và tuyên bố này cũng chỉ trích Liên Xô vì những nỗ lực đạt được sự hiểu biết ngoại giao với phương Tây và đặc biệt là với Hoa Kỳ.

Đúng một tháng sau đó, khi các cuộc họp ở Moskva tiếp tục xấu đi trong bầu không khí ngờ vực và trả đũa lẫn nhau, chính phủ Liên Xô đưa ra phản bác đầy chua cay đối với tuyên bố của Trung Quốc trước đó.[2] Liên Xô đồng ý rằng chủ nghĩa cộng sản trên thế giới vẫn còn là mục tiêu cuối cùng, nhưng những chính sách mới của Liên Xô là cần thiết. “Chung sống hòa bình” giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản là cần thiết trong thời đại nguyên tử, và Liên Xô tiếp tục tuyên bố rằng người Nga “chân thành muốn giải trừ quân bị.”

Tuyên bố của Liên Xô cũng đề cập tới những lời chỉ trích của Trung Quốc về cuộc khủng hoảng tên lửa tháng 10 năm 1962 mà trong đó Nga đã giúp thành lập các căn cứ tên lửa hạt nhân ở Cuba. Dưới áp lực của Hoa Kỳ, các căn cứ này đã được dỡ bỏ. Theo Trung Quốc, động thái này đồng nghĩa với việc Liên Xô đã “đầu hàng” Hoa Kỳ. Phía Liên Xô phản bác, cho rằng các căn cứ tên lửa đó được dựng lên để ngăn chặn một cuộc xâm lược tiềm tàng của Mỹ vào Cuba. Một khi Hoa Kỳ đã tuyên bố sẽ kiềm chế không hành động như vậy thì các căn cứ nên được dỡ bỏ để tránh một cuộc chiến tranh hạt nhân không cần thiết. Theo Liên Xô, đây là một hành động “tính toán một cách tỉnh táo” cần thiết trong thế giới hiện đại.

Tuyên bố ngày 14 tháng 7 năm 1963 của Liên Xô là chỉ dấu rõ ràng và công khai đầu tiên rằng Liên Xô và Trung Quốc đang chia rẽ sâu sắc về tương lai của chủ nghĩa cộng sản. Các quan chức Hoa Kỳ đón nhận diễn biến này với niềm vui sướng không cần che đậy, bởi họ tin rằng sự chia rẽ Xô-Trung sẽ có lợi cho những lợi ích của Hoa Kỳ, nhất là trong việc buộc Liên Xô nhún nhường trong các cuộc đàm phán ngoại giao đầy hứa hẹn về một loạt các vấn đề, trong đó có kiểm soát vũ khí và cuộc khủng hoảng sâu sắc của Hoa Kỳ ở Việt Nam.

Niềm tin của các quan chức Hoa Kỳ không hoàn toàn có cơ sở vững chắc khi quan hệ Mỹ-Xô vẫn tiếp tục lạnh nhạt trong suốt những năm 1960. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục sử dụng chiến thuật “chia để trị” này trong những năm 1970, khi nước này bắt đầu xích lại gần hơn với Trung Quốc cộng sản để giành được lợi thế trong các thỏa thuận với Liên Xô sau này.

Ảnh: Tem kỷ niệm “Hiệp ước hỗ trợ, liên minh, hữu hảo Trung-Xô,” ký năm 1950 giữa Trung Quốc và Liên Xô, in hình Mao Trạch ĐôngStalin đang bắt tay nhau, phát hành năm 1950 bởi Trung Quốc Nhân dân Bưu chính. Nguồn: Wikimedia Commons.

———————

[1] Xem thêm Thư của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc gửi tới Đảng Cộng sản Liên Xô ngày 14 tháng 6 năm 1963 – ND.

[2] Xem thêm, “Open Letter of the Central Committee of the Communist Party of the Soviet Union, to all Party Organisations, to all Communists of the Soviet Union.” [Thư ngỏ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô gửi tới tất cả các tổ chức Đảng và tới tất cả những người cộng sản của Liên Xô.] The Polemic on the General Line of the International Communist Movement. Peking: Foreign Languages Press, 1965; pp. 526-86. Bản dịch tiếng Anh của lá thư này có thể truy cập tại đây – ND.