08/04/2013: Cựu thủ tướng Anh Margaret Thatcher qua đời

Print Friendly, PDF & Email

Margaret-Thatcher-01-e1331915119731

Nguồn: “Magaret Thatcher, Britain’s first female prime minister, dies“, History.com, (truy cập ngày 7/4/2015)

Biên dịch & Hiệu đính: Lê Thanh Danh

Vào ngày này cách đây đúng hai năm, Margaret Thatcher, người phụ nữ đầu tiên và duy nhất tính đến nay nắm giữ chức vụ Thủ tướng Vương Quốc Anh, đã qua đời tại Luân Đôn ở tuổi 87 sau một cơn đột quị.

Đảm nhiệm chức vụ từ năm 1979 đến năm 1990, Thatcher cũng đồng thời là thủ tướng Anh có thời gian tại nhiệm lâu nhất thế kỷ 20. Bà đã đương đầu với sức mạnh của các công đoàn Anh, tư nhân hóa nhiều ngành công nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, lãnh đạo nước Anh giành chiến thắng trong cuộc chiến đảo Falklands và cũng là một đồng minh thân cận với tổng thống Mỹ Ronald Reagan, đóng vai trò quan trọng với quá trình kết thúc Chiến tranh Lạnh. Những thành tựu của Thatcher, người được nhắc đến với biệt danh là “Bà đầm Thép”, vẫn còn tạo nên nhiều tranh cãi. Bà vừa được những người ủng hộ mình ca ngợi với các chính sách đẩy mạnh tự do thị trường, với những chính sách bảo thủ đã khôi phục lại nền kinh tế nước Anh. Trong khi đó, vẫn có những chỉ trích lên án các sáng kiến của bà làm tổn thương các tầng lớp thấp hơn tại nước Anh.

Margaret Hilda Roberts sinh vào ngày 23 tháng 10 năm 1925, tại thị trấn Grantham phía Đông Bắc nước Anh. Cha của bà là một chính trị gia địa phương, sở hữu một tiệm tạp hóa ở ngay bên dưới căn hộ của gia đình. Sau khi tốt nghiệp đại học Oxford vào năm 1947, nữ thủ tướng tương lai của nước Anh trở thành một nghiên cứu sinh hóa học. Đầu những năm 1950, bà đã hai lần tranh cử không thành công vào nghị viện với cương vị là một ứng cử viên của Đảng Bảo thủ. Năm 1915, sau khi cưới Denis Thatcher (1915-2003), một doanh nhân thành đạt, bà bắt đầu theo học môn luật. Hai đứa con sinh đôi của bà chào đời vào năm 1953. Cũng đúng vào năm đó, bà được cấp phép hành nghề luật sư tranh tụng.

Vào năm 1959, Thatcher được bầu vào Hạ viện Anh đại diện cho quận Finchley ở phía Bắc Luân Đôn. Bà đã nhanh chóng thăng tiến trong nội bộ Đảng Bảo thủ. Khi Đảng này giành được thắng lợi dưới sự lãnh đạo của Edward Heath vào năm 1970, bà được bổ nhiệm làm Thư ký giáo dục (lãnh đạo Bộ giáo dục của Anh – NV). Trong thời gian đảm nhận cương vị này, sau khi cắt giảm chương trình phát sữa miễn phí dành cho học sinh, bà Thatcher đã bị Công Đảng đối lập bêu xấu với biệt danh “Thatcher the milk Snatcher” (tạm dịch: Thatcher Kẻ cướp sữa – NV). Vào năm 1975, khi Công Đảng trở lại nắm quyền, bà Thatcher đã gây bất ngờ lớn khi đánh bại Heath và nắm quyền lãnh đạo Đảng Bảo thủ. Bà cũng đã trở thành người phụ nữ đầu tiên nắm quyền lãnh đạo phe đối lập tại Hạ viện.

Vào năm 1979, khi nền kinh tế Anh sa sút và các cuộc đình công của công đoàn liên tiếp nổ ra, Đảng Bảo thủ đã quay trở lại nắm quyền lãnh đạo và bà Thatcher được bầu làm thủ tướng. Chính quyền của bà nhanh chóng giảm thuế thu nhập, nhưng cũng đồng thời tăng thuế đánh trên hàng hóa và dịch vụ, cắt giảm hoặc xóa bỏ hoàn toàn trợ giá chính phủ đối với các hoạt động kinh doanh và tiến hành các biện pháp khắc khổ. Thất nghiệp tăng cao làm cho mức ủng hộ đối với Thatcher sụt giảm nghiêm trọng. Ngay lúc đó, Argentina lại mở cuộc xâm lược vùng đảo Falkland của Anh vào tháng 4 năm 1982. Bà đã quyết định gửi quân đến Falkland và đến tháng 6 năm 1982 thì tái chiếm toàn bộ quần đảo. Chiến thắng này đã giúp bà Thatcher tái đắc cử Thủ tướng Anh vào năm 1983.

Trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, chính quyền của Thatcher đã chiến thắng trong lần đối đầu với một cuộc đình công kéo dài cả năm trời của giới thợ mỏ, thông qua được đạo luật hạn chế một số quyền lợi của các công đoàn, đồng thời tư nhân hóa thành công nhiều công ty quốc doanh, bán hàng loạt nhà ở công cộng và bãi bỏ các quy định ràng buộc ngành tài chính nước Anh. Vào năm 1984, Thatcher may mắn sống sót một vụ đánh bom của lực lượng khủng bố IRA (Quân đội Cộng hòa Ireland) tại một cuộc hội thảo của Đảng Bảo thủ ở Brighton (Anh). Vụ nổ làm 5 người thiệt mạng và 30 người khác bị thương, nhưng Thatcher may mắn không bị xây xát.

Trên trường quốc tế, Thatcher là một người phản đối Chủ nghĩa Cộng sản, đồng thời có mối quan hệ thân thiết với Ronald Reagan, người chủ của Nhà Trắng từ năm 1981 đến năm 1989. Hai người có nhiều quan điểm bảo thủ tương đồng nhau. Tuy nhiên, bà cũng đồng thời củng cố mối quan hệ của mình với Mikhail Gorbachev, nhà lãnh đạo Liên Xô trong giai đoạn 1985 – 1991. Sau khi gặp gỡ nhà lãnh đạo Liên Xô, bà Thatcher đã đưa ra phát ngôn nổi tiếng là: “Tôi thích ông Gorbachev. Chúng tôi có thể làm việc được cùng nhau”. Tài lãnh đạo của bà cũng đã đóng một vai trò quan trọng giúp những căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh lạnh đi đến hồi kết. Tuy nhiên, trong các vấn đề đối ngoại khác, bà Thatcher lại gây tranh cãi khi phản đối ngay từ đầu các nỗ lực quốc tế nhằm cấm vận kinh tế một nước Nam Phi phân biệt chủng tộc. Bà khẳng định rằng những biện pháp cấm vận này sẽ không mang lại hiệu quả.

Sau khi trở thành người đầu tiên được tái đắc cử thủ tướng lần thứ ba liên tiếp vào năm 1987, bà Thatcher đã phải đối đầu với những chia rẽ ngay bên trong nội bộ Đảng Bảo thủ. Các thành viên trong Đảng không đồng tình với lập trường của Thatcher phản đối hội nhập nền kinh tế Anh sâu hơn vào châu Âu, cũng như hệ thống thuế mới không đượ lòng công chúng của bà. Vào tháng 11 năm 1990, trước sự thúc ép của các thành viên trong đảng, bà đã quyết định từ chức và để cho ông John Major trở thành tân Thủ tướng Anh. Thatcher đã trở thành người nắm giữ chức vị thủ tướng Vương quốc Anh lâu nhất trong vòng 150 năm trở lại.

Bà cũng rời khỏi Hạ viện Anh vào năm 1992, được bổ nhiệm vào Thượng viện Anh với tước vị Nam tước Phu nhân Thatcher của vùng Kesteven. Bà bắt đầu viết hồi ký và chu du khắp thế giới tổ chức các buổi nói chuyện. Sau một loạt các đợt đột quỵ nhẹ vào đầu những năm 2000, bà Thatcher bắt đầu ít xuất hiện trước công chúng. Nữ diễn viên Maryl Streep mới đây đã giành được giải thưởng điện ảnh Oscar sau khi hóa thân vào vai cựu thủ tướng nổi tiếng của nước Anh trong bộ phim “Bà Đầm thép” vào năm 2011. Bộ phim đã chịu nhiều chỉ trích từ các chính trị gia Đảng Bảo thủ vì đã khắc họa hình ảnh bà Thatcher dần mất đi sự tỉnh táo của mình trong những năm cuối đời. Khi bà Thatcher qua đời vào tháng 4 năm 2013, đã có hơn 2000 người từ khắp nơi trên thế giới đến dự lễ tang của bà tại Thánh điện St.Paul tại Luân Đôn, cũng là nơi đã tổ chức đám tang của một cựu thủ tướng Anh nổi tiếng khác là Winston Churchill.