Kinh tế Trung Quốc: Thúc đẩy hay rời xa nguyên tắc thị trường?

Print Friendly, PDF & Email

dragon_2453844b

Tác giả: Phạm Sỹ Thành

Sau khi thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc mất hơn 30% giá trị vốn hóa vào tháng 7, đồng Nhân dân tệ (NDT) phá giá hơn 3% vào tháng 8 và các số liệu kinh tế vĩ mô đầy thất vọng vào tháng 9, các tranh luận về triển vọng kinh tế Trung Quốc trong ngắn và trung hạn lại trỗi dậy mạnh mẽ với hai câu hỏi phổ biến “Kinh tế Trung Quốc đang thực sự gặp vấn đề gì?” và “Liệu kinh tế Trung Quốc có sụp đổ hay không?”

Như để trả lời cho sự lo lắng của thị trường, tại Hội nghị các bộ trưởng tài chính của nhóm G20 diễn ra vào tháng 9, thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC ) Chu Tiểu Xuyên trấn an các nhà kinh tế của 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới rằng “Hiện tại, tỷ giá hối đoái của đồng NDT đang đi vào ổn định, sự điều chỉnh của thị trường chứng khoán gần như đã kết thúc, và thị trường tài chính đang cho thấy hy vọng bình ổn… mức độ vay nợ trên thị trường đã giảm nhiều, và chúng tôi nghĩ không còn rủi ro hệ thống”.

Trong khi đó, cũng tại hội nghị này, Lâu Kế Vĩ – Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc – nói rằng Trung Quốc sẽ duy trì tăng trưởng quanh ngưỡng 7% trong vòng 4-5 năm tới. Còn tại Diễn đàn Kinh tế Davos mùa hè tổ chức tại Liêu Ninh (Trung Quốc) vào ngày 10/9 năm nay, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho rằng “Trung Quốc không phải là nguồn gốc các rủi ro của kinh tế thế giới mà là một trong những động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu”. Ông Lý Khắc Cường cũng không quên nhắc lại với thế giới những cải cách quan trọng mà Trung Quốc đã và sẽ tiến hành.

Nhưng có thể thấy, những phát biểu mang tính trấn an của những vị trí lãnh đạo kinh tế chủ chốt của Trung Quốc đều trả lời các vấn đề mang tính “kĩ thuật và tức thời” của kinh tế Trung Quốc. Cùng thời điểm những phát biểu nêu trên được đưa ra, EuroCham đã gửi lên chính phủ Trung Quốc một bản “Kiến nghị của doanh nghiệp Châu Âu tại Trung Quốc” trong đó bày tỏ sự lo ngại trước tình trạng Trung Quốc “chỉ cải cách không mở cửa”. Bản kiến nghị cho rằng, những tiến triển trong lĩnh vực cải cách thị trường hóa tại Trung Quốc đã diễn ra vô cùng chậm chạp, khiến cho các doanh nghiệp châu Âu đang làm ăn tại Trung Quốc bắt đầu “khủng hoảng niềm tin”. Ông Joerg Wuttke – Chủ tịch EuroCham tại Trung Quốc – khẳng định “Liên minh Châu Âu chưa từng chứng kiến một đường hướng chính sách tràn ngập mâu thuẫn ở đó tồn tại đồng thời cả (việc tiến hành) cải cách và đóng cửa. Tôi vô cùng lo lắng về việc xu thế cải cách đã giảm đi”.

Cá nhân tác giả bài viết cho rằng, sau 3 năm dưới sự lãnh đạo của thế hệ lãnh đạo thứ 5, câu hỏi quan trọng hơn cả đối với kinh tế Trung Quốc – cũng là điều Trung Quốc cần trả lời cho thị trường – là liệu các cam kết cải cách theo hướng kinh tế thị trường có được nước này thực thi đầy đủ hay không? Những biện pháp cải cách thị trường hóa có mạnh mẽ như mức độ hùng hồn trong tuyên bố của chính phủ Trung Quốc hay không? Bởi đối với Trung Quốc việc chuyển đổi sang trạng thái bình thường mới (New Normal) không chỉ gồm một hệ các chỉ số mới mà quan trọng hơn cả, họ cần có một thể chế kinh tế mới thực sự thị trường.

Một cấu trúc chính trị đang thay đổi: Làm sao để tích hợp tập quyền chính trị với phân quyền kinh tế?  

Trong suốt giai đoạn hậu Mao Trạch Đông, các nguồn lực và quyền hạn được phân chia giữa chính quyền trung ương và địa phương theo chiều dọc (nếu trong nội bộ chính quyền) và theo chiều ngang (nếu giữa các chính quyền) nhằm định rõ kết quả của các chính sách. Trong giai đoạn Hồ Cẩm Đào – Ôn Gia Bảo, các lỗ hổng phức tạp về vấn đề hoạch định chính sách càng gia tăng, dẫn đến hàng loạt các nhân tố chính trị mới, bao gồm các nhà hoạt động chính trị, giới truyền thông và các doanh nghiệp nhà nc (DNNN) cũng bắt đầu gia nhập vào hệ thống hoạch định chính sách của Trung Quốc.

Đặc điểm rõ nét nhất của cấu trúc quyền lực này là Đảng Cộng sản Trung Quốc đóng vai trò mờ nhạt dần trong việc quyết sách, thay vào đó, vai trò của bộ máy nhà nước ngày càng nổi trội. Những nghiên cứu của Lý Thành về cấu trúc chính trị Trung Quốc trước Đại hội 18 của nước này cho thấy, số lượng ủy viên trung ương Đảng xuất thân từ lãnh đạo tập đoàn kinh tế lớn hoặc DNNN quan trọng đã tăng mạnh từ con số chưa đầy 2% vào Đại hội 12 (năm 1982 dưới thời Đặng Tiểu Bình) lên đỉnh điểm 52% vào Đại hội 15 (năm 1997 dưới thời Giang Trạch Dân). Sang thời Hồ Cẩm Đào, con số này giảm dần về mức 31,3% vào nhiệm kỳ cuối. Đến Đại hội 17, các ủy viên xuất thân từ DNNN và tập đoàn kinh tế còn chiếm tới 78% trong Bộ Chính trị và 40% trong Thường vụ Bộ Chính trị. Mặc dù, quyền lực tập trung của Tổng bí thư khiến những số liệu này không có nghĩa là các lãnh đạo xuất thân từ DNNN có thể “thao túng” được chính sách của trung ương nhưng rõ ràng, quá trình thương lượng để ra quyết sách không chỉ bị kéo dài về thời gian mà còn gia tăng cả chi phí thương lượng. Điều này càng rõ nét khi chúng ta nhớ lại rằng giai đoạn trước khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, Trung Quốc vẫn tồn tại cơ chế ra quyết định dựa trên sự đồng thuận giữa các lãnh đạo cấp cao.

Vào giai đoạn cuối dưới sự điều hành của thế hệ Hồ Cẩm Đào, sự phát triển của các nhân tố ảnh hưởng tới chính sách đã làm gia tăng sự phân tán trong quá trình ra quyết định và tạo ra nhiều rào cản mới cho việc thực thi chính sách. Các chính sách đòi hỏi phải có sự hỗ trợ và quan tâm lâu dài từ các cán bộ cấp cao mới có thể giải quyết được những tranh chấp giữa các cơ quan và đảm bảo được sự thi hành nghiêm chỉnh.

Bộ máy chính quyền mà Tập Cận Bình xây dựng đang nỗ lực hoạt động kiên quyết nhằm thay đổi xu hướng trước đây. Trong khi Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo để quá trình hoạch định chính sách kinh tế phụ thuộc nhiều vào chính phủ đồng thời để chính phủ can thiệp sâu vào các vấn đề kinh tế hàng ngày, thì Tập Cận Bình lại nhấn mạnh vai trò của Đảng trong hoạch định chính sách kinh tế và giảm bớt sự tham gia của chính phủ trong các hoạt động không cần thiết. Sự hình thành của Tiểu ban Lãnh đạo Tăng cường Cải cách Toàn diện (CDRLSG) và Tiểu ban Lãnh đạo Trung ương về Kinh tế và Tài chính (CFELSG) với quyền lực siêu Bộ đã được thành lập. Tập Cận Bình đứng đầu tất cả các tiểu ban này trong khi đó thủ tướng Lý Khắc Cường chỉ đóng vai trò phó trưởng tiểu ban.

Sự thay đổi cấu trúc quyền lực này cho thấy, dưới thời Tập Cận Bình, vai trò của Đảng đã được khôi phục và một cấu trúc chính trị tập quyền đã định hình trọn vẹn. Hàng loạt cuộc điều tra tham nhũng nhằm vào quân đội và DNNN không chỉ làm giảm số lượng các ủy viên trung ương trong quá trình hoạch định chính sách, nó còn gửi đi thông điệp của chính quyền trung ương: quân đội và các tập đoàn kinh tế  không còn là những thế lực có thể gây khó khăn cho Tổng bí thư trong việc quyết sách như trước đây.

Với những thay đổi rõ nét về cấu trúc chính trị, có hai câu hỏi đặt ra là (i) liệu khuynh hướng chính trị tập quyền mà ông Tập Cận Bình đang tiến hành có mâu thuẫn với khuynh hướng cải cách kinh tế theo hướng thị trường hóa hay không? Và (ii) Trung Quốc sẽ thực sự giao cho thị trường “vai trò quyết định” trong việc phân bổ nguồn lực đến mức độ nào – những điều đó sẽ tác động lên quyền lực và tính chính danh của Đảng Cộng sản Trung Quốc ra sao?

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, xu hướng tập quyền hiện nay ở Trung Quốc là hợp lí bởi để thúc đẩy được các cải cách “khó nhằn”, Tập Cận Bình cần có đầy đủ quyền lực, thậm chí nhiều quyền lực hơn các lãnh đạo tiền nhiệm – bởi mức độ cải cách mà ông phải đối diện cũng lớn hơn nhiều. Tuy nhiên, sẽ có một câu hỏi khác khiến các nhà phân tích dạng này lúng túng: nếu quyền lực được trao cho một cá nhân với bất kỳ lí do gì thì xã hội đó có tồn tại cơ chế để ràng buộc quyền lực của cá nhân đó hay không?

Ứng xử với thị trường tức thời

Nếu những thay đổi về cấu trúc quyền lực đặt ra những lo lắng về triển vọng Trung Quốc sẵn sàng thúc đẩy các cải cách thị trường hóa thì những gì diễn ra gần đây trong nền kinh tế Trung Quốc khiến những lo ngại này càng gia tăng.

Trên TTCK, với mong muốn nhanh chóng bình ổn TTCK đang trong cơn chao đảo, Trung Quốc đã để Bộ công an vào cuộc nhằm điều tra các giao dịch được cho là bán khống. Tuy nhiên, điều này có “bình thường” hay không khi mà việc điều tra này hoàn toàn có thể giao cho Ủy ban Quản lí Giám sát Chứng khoán Quốc gia (CSRC) tiến hành. Thông thường, việc điều tra gian lận sẽ được trao cho cơ quan quản lí thị trường tiến hành, sau đó cân nhắc các dấu hiệu hình sự mới có thể chuyển sang cho Bộ Công an. Bên cạnh đó, sự rớt giá trên TTCK Trung Quốc còn được truyền thông nước này gắn với ít thuyết âm mưu cho rằng các nhà đầu tư phương Tây đã chủ đích tấn công TTCK Trung Quốc. Việc chính trị hóa các vấn đề kinh tế không phải dấu hiệu lành mạnh đối với một quốc gia đang hướng đến điểm đích là kinh tế thị trường.  Cũng trong đợt giải cứu TTCK này, mức độ can thiệp hành chính của Trung Quốc có quy mô lớn. Sau khi TTCK Trung Quốc chao đảo, Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) có một chương đưa ra những phê phán gay gắt trước vai trò mà chính phủ Trung Quốc đã thể hiện. Nguyên văn chương này đã chỉ ra khi TTCK lao dốc, chính phủ Trung Quốc đã thể hiện các chức năng “chưa rõ ràng, trùng lặp và xung đột nhau”. Báo cáo đã phê phán mạnh mẽ việc chính phủ Trung Quốc chưa đảm nhiệm tốt vai trò quản lí vĩ mô trên thị trường tài chính tiền tệ, ngược lại “can dự một cách phổ biến và trực tiếp vào hoạt động phân bổ nguồn lực”. Chương đó về sau bị cắt bỏ. WB giải thích rằng những bình luận như vậy không phù hợp với tiêu chuẩn thông thường của tổ chức này khi nhận định về các nước thành viên.

Bên cạnh hàng loạt dẫn chứng dễ dàng cho thấy sự can thiệp “phi truyền thống” của Trung Quốc vào TTCK, điều đáng nói hơn cả từ sự can thiệp như thể giải cứu một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện này là nó cho thấy chính phủ Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng cho các biến động mạnh của thị trường, trong khi đó biến động lại là bản chất của thị trường.

Trong vấn đề tỷ giá NDT, đây luôn là một lĩnh vực thể hiện mức độ “sẵn sàng cải cách thị trường hóa” của Trung Quốc. Trong những năm qua, Trung Quốc đã tiến một bước dài trong việc thị trường hóa lãi suất và nới lỏng tỷ giá, nhưng tự do hóa tài khoản vốn vẫn là một chủ đề ít được đề cập. Trong việc PBoC phá giá liên tiếp 3 ngày (từ 11-13/8) cảm nhận chung của thị trường toàn cầu là không ai hiểu PBoC sẽ tiếp tục làm gì và thực sự muốn gì. Nếu đối chiếu với cách làm Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed), chúng ta sẽ thấy rất rõ rằng cách làm hiện nay của Trung Quốc làm gia tăng rủi ro cho kinh tế toàn cầu hơn rất nhiều chỉ bởi việc Trung Quốc đưa ra các quyết sách mang tính khó lường cao. Khi là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc có lẽ đã ý thức được rằng mỗi thay đổi chính sách của họ sẽ tác động đến nhiều nước – trước hết là các nước trong khu vực. Cho đến nay Fed chưa quyết định sẽ tăng lãi suất vào tháng 9 hay không,[1] nhưng những thảo luận này đã được ra nhiều tháng trước, qua đó giúp cho các nước xây dựng các kịch bản kinh tế phù hợp. Ngoài ra, đối với giới phân tích kĩ thuật, họ có thể dựa vào chỉ số FedWatch của CME Group,  lãi suất của các hợp đồng tương lai của Fed (futures fed funds) và đường cong lãi suất của US Treasury Bond (trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ) để nhận định về thay đổi chính sách của Fed trong vài tháng tới. Với PBoC, chúng ta không có nhiều công cụ như vậy.

Những người cho rằng việc PBoC phá giá là để tiến tới việc để thị trường quyết định tỷ giá có thể sẽ phải cân nhắc lại nhận định của mình nếu họ biết rằng vào phiên giao dịch cuối tuần trước (11/9), chỉ trong vài phút, tỷ giá đồng NDT giao dịch tại thị trường Hong Kong đã tăng 1% khi các ngân hàng có vốn Trung Quốc đẩy mạnh việc mua vào NDT.

Đã đến lúc PBoC nói riêng và Trung Quốc nói chung cần chuyển từ ứng xử theo “thuật” (thói quen cá biệt) sang theo “đạo” (luật lệ, thông lệ quốc tế). Trung Quốc đã chuyển đổi được 35 năm, quốc gia này cũng gia nhập WTO được 15 năm và đang vận động cho sự ra đời của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), nên có rất ít lí do để nói rằng Trung Quốc chưa quen thuộc với hệ thống luật quốc tế. Nếu muốn trở thành người thay đổi luật chơi (rule-maker), Trung Quốc trước hết cần là người tuân thủ luật chơi (rule-taker).

Thực thi các cam kết cải cách thị trường hóa dài hạn

Sau khi Trung Quốc đưa ra cam kết cải cách “để thị trường đóng vai trò quyết định”, chúng ta đều ít nhiều kỳ vọng các cải cách thực chất sẽ được ban hành. Tuy nhiên, bên cạnh một số cải cách khó hiểu về DNNN – lựa chọn 6 doanh nghiệp không quan trọng để thí điểm cải cách quản trị công ty – các cải cách quan trọng khác hầu như ít tiến triển. Xu hướng bảo hộ (có phần) gia tăng và cải cách chậm chạp trong lĩnh vực tài chính tiền tệ khiến nhiều nhà nghiên cứu lo ngại rằng Trung Quốc chỉ tuyên bố cải cách chứ không thực sự mở cửa.

Sự bảo hộ trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc chưa có dấu hiệu giảm xuống. Theo số liệu của ECFR (năm 2015) mặc dù Trung Quốc nhanh chóng tìm kiếm được các thị trường đầu tư tại các nước phát triển nhưng vấn đề tiếp cận và thâm nhập thị trường Trung Quốc lại là một bài toán khó đối với các công ty nước ngoài. Trong đó nổi lên hai vấn đề là bảo hộ sở hữu trí tuệ tại Trung Quốc (77% công ty châu Âu gặp phải vấn đề này) và vấn đề tiếp cận tài chính (66% doanh nghiệp vừa và nhỏ châu Âu coi đây là thách thức lớn nhất khi đầu tư tại Trung Quốc).

Vấn đề tương tự cũng xuất hiện trong quan hệ Mỹ – Trung. Mặc dù hai nước đang thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đầu tư Song phương (BIT) nhưng việc mở cửa thị trường Trung Quốc cho các doanh nghiệp dịch vụ của Mỹ vấn là một nhiệm vụ khó khăn đối với chính quyền của tổng thống Obama. Trong khi danh sách đầu tư chọn-bỏ (negative list) của Mỹ chỉ quy định khoảng 10 ngành Trung Quốc không được đầu tư thì danh sách của Trung Quốc là khoảng 1.000 ngành. Trung Quốc nói rằng họ chưa có kinh nghiệm trong việc quản lí đầu tư từ nguyên tắc chọn-cho sang chọn-bỏ nhưng Trung Quốc đã gia nhập WTO gần 15 năm và những chuyển biến trong việc hạ thấp rào cản gia nhập thị trường của nước này trong nhiều lĩnh vực vẫn tiến triển hết sức chậm chạp. Theo số liệu CFR (2015), cùng với Ấn Độ, Mexico, Trung Quốc là quốc gia có hàng rào thuế quan đối với các ngành dịch vụ cao nhất thế giới.

Cải cách thị trường tài chính cũng là một dấu hỏi khi chúng ta theo dõi trường hợp Khu thương mại tự do Thượng Hải (SFTZ). Được kỳ vọng sẽ là vườn ươm mới cho cải cách thể chế kinh tế của Trung Quốc trong bối cảnh hiện tại, SFTZ sẽ là nơi thúc đẩy các cải cách tự do hóa tài chính, thúc đẩy quốc tế hóa NDT và SFTZ đã xuất hiện đầy ồn ã.

Đến cuối tháng 12/2013, 12 bộ bao gồm các nhà quản lý tài chính cấp bộ đã công bố những quy định liên quan đến việc thực thi dự án cải cách tài chính tiền tệ, gần 3.500 công ty, bao gồm 288 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và 12 ngân hàng nước ngoài đã chấp thuận sự quản lý của SFTZ vừa được thiết lập để đăng ký vào khu vực này. Nhưng chỉ đến tháng 6/2014, nhiều công ty nước ngoài bắt đầu phàn nàn về vấn đề thiếu hụt những cải cách có ý nghĩa, và các vị đại diện từ một số công ty nước ngoài phải thừa nhận rằng quyết định đầu tư vào khu vực này của họ là do chính trị thúc đẩy hơn là động cơ thương mại. Một số lượng lớn các hạng mục cải cách được công bố trước đó bao gồm tự do hóa hệ thống tài khoản thương mại, tự do hóa lãi suất tiền gửi ngoại tệ của các công ty, và xóa bỏ yêu cầu về vốn điều lệ v.v… đã tiến triển rất chậm. Thậm chí việc Bộ Thương mại (MOFCOM) duyệt lại danh mục đầu tư chọn-bỏ được công bố vào tháng 7 /2014 “giảm 27% số lượng các mục bị cấm” cũng bị chỉ trích gay gắt. Phía Mỹ cho rằng, sự cắt giảm này chủ yếu đến từ việc xóa bỏ những mục dư thừa ở trong văn bản gốc chứ không phải sự mở cửa mới mẻ và quan trọng nào.

Trung Quốc: dẹp cả thị trưởng và thị trường? 

Khi mới tiến hành chuyển đổi nền kinh tế, ở Trung Quốc thịnh hành câu nói về trạng thái làm ăn ở nước này: “không tìm thị trường chỉ tìm thị trưởng” – ám chỉ một nền kinh tế vận hành dựa vào quan hệ giữa doanh nhân và chính giới. Trong bối cảnh chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch, giới quan chức nắm giữ nhiều quyền định đoạt, dạng quan hệ doanh nhân – chính trị gia này là dễ hiểu và có tác dụng tích cực nếu các chính trị gia cũng là những người có đầu óc cải cách. Tuy nhiên, dạng quan hệ này cũng tạo ra tham  nhũng và khiến thị trường phát triển méo mó. Sau khi trở thành chủ tịch nước, với chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”, ông Tập Cận Bình đã tấn công vào mối quan hệ “tìm thị trưởng” tồn tại phổ biến trong kinh tế Trung Quốc sau 35 năm chuyển đổi. Trung Quốc cũng tuyên bố tại Hội nghị trung ương khóa 18 rằng sẽ để “thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực”, một lộ trình cải cách dựa trên “phương án 383” đã được đưa ra.

Nhưng với những gì đang diễn ra hiện nay, nhiều người bắt đầu đặt câu hỏi, liệu ông Tập Cận Bình có đang dẹp cả thị trưởng và thị trường hay không? Liệu có phải trạng thái bình thường mới của kinh tế Trung Quốc mà ông Tập Cận Bình muốn giới thiệu cho thế giới thấy là sự kết hợp giữa tập quyền về cấu trúc quyền lực và phân quyền về kinh tế (cam kết cải cách theo hướng thị trường hóa).

Với một nền kinh tế lớn, ngày càng có ảnh hưởng toàn cầu như Trung Quốc, việc theo dõi số liệu rất quan trọng, nhưng tôi cho rằng quan trọng hơn là theo dõi khuynh hướng phát triển của nền kinh tế này, mà điều đó lại phụ thuộc vào khuynh hướng điều hành của thế hệ lãnh đạo.

Barry Naughton từng nhận định rằng, nhiệm vụ của thế hệ lãnh đạo mới tại Trung Quốc là phải cải thiện năng lực chấp chính, trong đó điểm khác biệt so với các chính phủ tiền nhiệm là họ phải thể hiện khả năng đưa ra các cam kết mà thị trường có thể kiểm chứng được. Điều này vừa giảm rủi ro cho thị trường, vừa xây dựng một hệ thống thể chế mới (cách làm mới, luật tắc mới) với “thặng dư thể chế” là “thói quen ứng xử thị trường hơn”.

Với dự trữ ngoại tệ khổng lồ lên tới 3.500 tỷ USD (7/2015), và thành quả 35 năm chuyển đổi kinh tế, Trung Quốc có thể vẫn đủ khả năng xoay sở với những khó khăn tức thời trước mắt, nhưng rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế này là trì hoãn cải cách quá lâu khi không chặt đứt được vòi bạch tuộc của chủ nghĩa tư bản thân hữu. Rủi ro này sẽ khiến nền Trung Quốc phải trả giá như thế nào? Tôi cho rằng, Nhật

Bản và Hàn Quốc sẽ trả lời cho Trung Quốc câu hỏi này thuyết phục hơn bất kỳ quốc gia nào.

Trở lại với những thảo luận về tương lai kinh tế Trung Quốc, câu hỏi nền tảng nhất cần đưa ra lúc này là: Trung Quốc sẽ xử lí mối quan hệ giữa chính phủ với thị trường như thế nào, liệu quá trình thị trường hóa kinh tế Trung Quốc có bị đảo ngược hay không?

Ngoài ra, một thảo luận khác cũng không kém phần quan trọng là cách thức cải cách “dò đá qua sông” có còn “hữu hiệu” trong bối cảnh hiện thời hay không? Để trả lời câu hỏi này cần một thảo luận chuyên sâu hơn, nhưng rõ ràng là các phương pháp tiếp cận đến cải cách kinh tế của ông Tập Cận Bình trong 3 năm đầu là mang tính gia tăng hơn mang tính bước ngoặt. Nếu ông Tập Cận Bình sau thời gian tích lũy các nguồn lực chính trị và hoạch định rõ đường hướng cải cách có thể thực hiện các “cú nhảy vọt trong cải cách”, đó sẽ là một tin vui với kinh tế Trung Quốc và thế giới.

Phạm Sỹ Thành là Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Hà Nội.

———————

[1] Ngày 17/9, Fed đã quyết định giữ nguyên mà không tăng lãi suất (NBT).