Hiến pháp Hòa bình của Nhật đang bị đe dọa?

Print Friendly, PDF & Email

p2-reaction-a-20140517

Nguồn: Katsumata Makoto, “Une Constitution pacifiste en péril”, Le Monde diplomatique, 09/2015.

Biên dịch và Hiệu đính: Lý Vân Anh

Sáu mươi năm sau kể từ khi Thế chiến II kết thúc, không ai có thể tưởng tượng người Nhật lại có lúc xuống đường mạnh mẽ đến như vậy – từ những người già nhất, đã trải qua chiến tranh, cho đến những người trẻ nhất, thậm chí còn không được chứng kiến bức tường Berlin sụp đổ. Để phản đối “cuộc đảo chính Quốc hội” của chính phủ ông Abe Shinzo, từ hơn một năm nay, ngày nào họ cũng đứng biểu tình trước Tòa nhà Quốc hội, kể cả trong mùa hè nóng nực nhất. Chỉ riêng ngày 18 tháng 7 vừa qua, hơn một trăm ngàn người đã xuống đường.

Thủ tướng Abe muốn thông qua một dự luật về an ninh cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật bản (tên gọi chính thức của quân đội) được tham gia vào các chiến dịch bên ngoài – mà ông gọi là “phòng vệ tập thể” – trong hai trường hợp sau: khi Nhật Bản hoặc một trong số các đồng minh của mình bị tấn công và khi không còn một phương cách nào khác để bảo vệ người dân.[1]

Tuy nhiên, Hiến pháp Nhật Bản đã khẳng định tại điều 9 rằng:

Nhân dân Nhật Bản vĩnh viễn từ bỏ chiến tranh như một quyền chủ quyền của quốc gia, cũng như sự đe doạ hoặc sử dụng vũ lực như công cụ giải quyết các tranh chấp quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, Nhật Bản sẽ không bao giờ duy trì các lực lượng hải, lục, không quân, hay các lực lượng chiến tranh khác. Quyền tham chiến của Quốc gia sẽ không được công nhận.

Chính phủ của ông Abe muốn tái lập lại quyền này. Nhưng Hiến pháp chỉ có thể được sửa đổi nếu có sự chấp thuận của hai phần ba số Nghị sĩ của hai Viện (Thượng viện và Hạ viện), và việc sửa đổi Hiến pháp chỉ có thể được thông qua sau trưng cầu dân ý. Nhưng trưng cầu dân ý có lẽ sẽ không thể thành công chừng nào người dân vẫn còn bị tổn thương bởi chiến tranh.

Ông Abe không tấn công thẳng vào điều 9. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông đã tìm cách đạt được sự mềm dẻo hơn của Quốc hội nhờ vào việc sửa đổi điều 96 Hiến pháp, để có thể thông qua những “điều chỉnh Hiến pháp” bằng đa số thường. Nhưng nỗ lực của ông đã không thành công. Do đó, ông tìm cách “giải thích lại” điều 9, mà thực tế sẽ dẫn tới hủy bỏ điều này, thể hiện trong dự luật của ông về an ninh. Ông Higuchi Yoichi, nhà lập hiến, cho rằng đây là “một sự phản bội lại Hiến pháp và phản bội lại lịch sử”, kết luận này dựa trên quan điểm của đa số các luật gia: theo một cuộc điều tra do tập đoàn truyền thông nhà nước Nippon Hoso Kyokai (NHK) thực hiện vào tháng 6 vừa qua, 90% luật gia chuyên về luật công được hỏi đều cho rằng dự luật về phòng vệ tập thể là “vi hiến”.[2]

Bất chấp sự phản đối nói trên, kể cả trong hàng ngũ Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng, dự luật này đã được Hạ viện thông qua ngày 16/7 vừa qua với đa số phiếu. Ngay cả khi Thượng viện không đồng ý hoặc không thông qua trong vòng 60 ngày, tức từ nay tới ngày 14/9, dự luật này vẫn có thể được Hạ viện, vốn có tiếng nói cuối cùng, thông qua với đa số 2/3.[3] Ông Abe đã kéo dài phiên họp Quốc hội cho tới ngày 27/9. Nhưng uy tín của ông lại sụt giảm chưa từng thấy. Theo một cuộc thăm dò được tờ tạp chí kinh tế Nikkei Asian Review tiến hành cuối tháng 7 vừa qua, 57% người được hỏi phản đối việc thông qua dự luật an ninh tại phiên họp thường kỳ của Quốc hội (chỉ có 26% tán thành) và 50% phản đối tổng thể chính sách của Thủ tướng (so với 38% tán thành).[4]

Mức độ và sự kiên trì của chiến dịch phản đối khiến ta nhớ lại những cuộc biểu tình năm 1960 chống lại việc phê chuẩn Hiệp ước an ninh (và tăng cường sức mạnh quân sự) Mỹ-Nhật, được thủ tướng Nhật thời bấy giờ là ông Kishi Nobusuke chắp bút. Ông Nobusuke, người sau đó đã bị buộc phải từ chức, không ai khác chính là ông ngoại của thủ tướng đương nhiệm Abe. Tuy nhiên, sự phản đối hiện nay, kể cả về hình thức lẫn nội dung, có sự khác biệt ở nhiều khía cạnh. Khác biệt đó là lần này có sự tham gia của đông đảo các tầng lớp xã hội khác nhau, ở Tokyo cũng như các thành phố lớn khác, trong khi phong trào phản đối năm 1960 chủ yếu là do các nhóm sinh viên, đặc biệt là Liên đoàn các tổ chức tự quản sinh viên Nhật (Zengakuren), tiến hành với sự hậu thuẫn của các đảng đối lập và các nghiệp đoàn lớn. Hơn nữa, các cuộc biểu tình khi đó thường xuyên dẫn tới xung đột với lực lượng an ninh, và rất nhiều người biểu tình vẫn còn tin tưởng vào tương lai tốt đẹp, vào chủ nghĩa xã hội.

Ngược lại, phong trào biểu tình hiện nay diễn ra một cách hòa bình với nhận thức sâu sắc về dân chủ, và người biểu tình thể hiện sự phản đối ở nhiều hình thức khác nhau : đánh trống khua chiêng, cải trang, giương đủ mọi biểu ngữ. Họ đấu tranh chống lại nội dung dự luật cũng như cách thức mà chính quyền muốn áp đặt dự luật đó. Giới trẻ, vốn bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tai nạn hạt nhân Fukushima ngày 11/3/2011, cuộc sống thì ngày càng bấp bênh, tạo thành một thế hệ “không hi vọng vào một tương lai tốt đẹp”, như lời ông Okuda Aki, một trong những thành viên chủ chốt của mạng lưới Hành động khẩn cấp của sinh viên vì nền dân chủ tự do (Students Emergency Action for Liberal Democracy, SEALDs).

Nhiều người cho rằng dự luật an ninh này nằm trong tổng thể dự án xã hội của thủ tướng, mà ông Abe gọi là “nước Nhật tươi đẹp”, như tiêu đề cuốn sách của ông:[5] luật cơ bản mới về giáo dục, mang đậm dấu ấn chủ nghĩa dân tộc khi nhấn mạnh tới “tình yêu quê hương, đất nước”; luật tháng 12/2013 về “bảo vệ bí mật nhà nước”, hạn chế quyền tự do dưới danh nghĩa chống lại “kẻ thù bên trong”.[6]

Tóm lại, thủ tướng muốn hiện thực hóa giấc mơ dang dở của những người bảo thủ đó là chấm dứt một bản Hiến pháp do người Mỹ, lực lượng chiếm đóng của phe Đồng minh sau thất bại của Nhật trong cuộc chiến ở châu Á – Thái Bình Dương, áp đặt. Có lẽ đây là bước đi không thể thiếu hướng tới một nước Nhật có đầy đủ chủ quyền, trở lại là một đất nước “bình thường”. Nhưng họ đã quên đi bối cảnh lịch sử. Trong cuộc chiến tranh này, nước Nhật đã mất đi 3 triệu người, trong đó có các nạn nhân Hiroshima và Nagasaki; chưa kể hàng chục triệu người chết tại các nước châu Á khác và tại các nước Đồng minh. Ngay cả khi Hiến pháp Nhật do người Mỹ viết ra đi chăng nữa, nhưng đó chính là bản Hiến pháp mà người dân mong muốn, với đòi hỏi quyền được sống trong hòa bình, như những cuộc điều tra thời đó cho thấy.[7]

Với đạo luật mới, Nhật Bản, vốn còn lâu mới thoát khỏi ảnh hưởng của Mỹ, sẽ có nghĩa vụ trợ giúp về quân sự cho đồng minh Mỹ của mình trên khắp thế giới. Ông Higuchi nhắc lại “Nếu không có điều 9, lãnh đạo Nhật Bản đã không thể nói “không” với chiến tranh Iraq”,[8] nhất là khi trong chuyến thăm Washington tháng 5 vừa rồi, Thủ tướng Abe đã chấp nhận về nguyên tắc việc “cải tổ liên minh Mỹ-Nhật” theo hướng hợp tác rộng rãi hơn.[9]

Ngược lại, Hiến pháp năm 1947, bản Hiến pháp đã được người dân Nhật Bản đồng thuận đón nhận, ghi rõ trong lời nói đầu : “Chúng tôi, nhân dân Nhật Bản (…), quyết tâm sẽ không bao giờ để mình lại trở thành nạn nhân của chiến tranh tàn bạo do những quyết định của chính phủ, tuyên bố quyền tối cao thuộc về nhân dân.”  Cũng với tinh thần đó, Hiến chương Liên Hợp Quốc, được xây dựng từ đống tro tàn của Thế chiến thứ hai, cũng khẳng định “phòng ngừa cho những thế hệ tương lai khỏi thảm hoạ chiến tranh, đã xảy ra hai lần trong đời chúng ta, gây cho nhân loại đau thương không kể xiết”.

Trong mắt một số người – kể cả người Nhật và người nước ngoài – bản Hiến pháp này tỏ ra ngây thơ và lỗi thời, thậm chí là không thực tế. Nhưng, trong bối cảnh hiện nay, chẳng phải quyết tâm hòa bình này ngược lại nên trở thành một chuẩn mực quốc tế? Châu Á sẽ được lợi từ điều này hơn là lao vào những nhiệm vụ quân sự mà không khác gì sự đối đầu vũ trang.

Katsumata Makoto là nhà kinh tế học, giáo sư hưu trí trường Đại học Meiji Gakuin (Tokyo), và là nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế vì Hòa bình.

——————-

[1]National security strategy” (PDF), Bộ quốc phòng, Tokyo, 2013.

[2] Cuộc thăm dò được tiến hành đối với 1.146 luật gia. Yahoo News Japan, 7/8/2015.

[3] Liên minh đảng LPD và đảng Komei, đảng Phật giáo chủ trương hòa bình, đã giành được 326 trên 480 ghế.

[4]Nikkei poll : Half of Japonese electorate gives Abe government thumbs down“, Nikkei Asian Review, Tokyo, 27/7/2015.

[5] Xuất bản ở Nhật năm 2006, cuốn sách đã được dịch sang tiếng Anh: Abe Shinzo, Towards a Beautiful Country : My Vision for Japan, Vertical, New York, 2007.

[6]  “State secrecy law takes effect amid protests, concerns over press freedom“, The Japan Times, Tokyo, 10/12/2014.

[7]  Xem Higuchi Yoichi, Constitutionalism in a globalizing world : Individual rights and national identity, University of Tokyo Press, 2002.

[8] “Japan security bills reveal irreconcilable divide between scholars, politicians“, The Japan Times, 12/6/2015.

[9]  Xem Jeffrey W. Hornung, “US-Japan : a Pacific Alliance transformed“, The Diplomat, Tokyo, 4/5/2015.