Tình hình lạm phát toàn cầu và tác động

Print Friendly, PDF & Email

101829689

Nguồn: Carmen Reinhart, “Inflation, the Fed, and the Big Picture”, Project Syndicate, 03/09/2015.

Biên dịch: Phạm Mai Huyền | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Lạm phát – nguyên nhân và những mối liên hệ của nó tới chính sách tiền tệ và các cuộc khủng hoảng tài chính – là chủ đề của hội nghị quốc tế của các chuyên gia ngân hàng trung ương và học giả năm nay tại Jackson Hole, Wyoming. Nhưng, dù mong muốn của các nhà hoạch định chính sách về việc chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với những rủi ro tiềm ẩn trong tương lai đối với sự ổn định giá cả là có thể hiểu được, thì họ lại không đặt những mối quan ngại này trong bối cảnh tình hình lạm phát toàn cầu hiện nay, hay trong bối cảnh lịch sử.

Tại 189 quốc gia có dữ liệu, tỉ lệ lạm phát trung bình năm 2015 vào khoảng dưới 2%, giảm nhẹ so với năm 2014, và ở hầu hết các quốc gia, đều thấp hơn so với dự đoán trong báo cáo Toàn cảnh kinh tế thế giới vào tháng 4 của Quỹ Tiện tệ Quốc tế. Theo biểu đồ dưới đây, tỉ lệ lạm phát ở gần một nửa tổng số quốc gia (phát triển và đang phát triển, lớn cũng như nhỏ) hiện nay là 2% hoặc thấp hơn (đây là mức mà hầu hết các ngân hàng trung ương dùng để định nghĩa “ổn định giá cả”).

original

Gần một nửa số quốc gia còn lại cũng đang làm khá tốt. Trong khoảng thời gian từ sau cú sốc dầu mỏ những năm 1970 đến đầu những năm 1980, gần hai phần ba số quốc gia có tỉ lệ lạm phát trên 10%. Theo số liệu mới nhất thu được vào tháng 7 hoặc tháng 8 ở hầu hết các nước, “chỉ” có 14 trường hợp có tỉ lệ lạm phát cao (đường màu đỏ trong biểu đồ). Venezuela (nước này vẫn chưa có thống kê mức độ lạm phát chính thức năm nay) và Argentina (nước này chưa cung cấp dữ liệu lạm phát đáng tin cậy nào trong vài năm nay) là 2 nước nổi bật trong nhóm này. Iran, Nga, Ukraine, và một vài nước châu Phi nằm trong số những nước còn lại.

Năm 2015, phần trăm các quốc gia ghi nhận mức giảm phát hoàn toàn về giá cả tiêu dùng (đường màu xanh) cao hơn phần trăm các quốc gia có mức lạm phát hai chữ số (chiếm 7% trong tổng số). Dù bất ngờ tồi tệ nào có xảy ra trong tương lai đi chăng nữa, thì tình hình lạm phát toàn cầu đang ở mức bình lặng nhất kể từ đầu những năm 1960 đến nay.

Thật ra, nguy cơ của nền kinh tế thế giới đang nghiêng về phía giảm phát đối với 23 nền kinh tế phát triển trong mẫu nghiên cứu nêu trên, thậm chí tám năm sau sự mở màn của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong nhóm này, tỉ lệ lạm phát trung bình là 0,2% – mức thấp nhất kể từ năm 1933. Nền kinh tế phát triển duy nhất có tỉ lệ lạm phát trên 2% là Iceland (ghi nhận trong 12 tháng vừa qua là 2,2%).

Dù chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra nếu các chính sách trong quá khứ khác đi, nhưng chúng ta có thể dễ dàng tưởng tượng ra rằng nếu không có các chính sách nới lỏng định lượng tại Hoa Kỳ, châu Âu, và Nhật Bản, thì những nền kinh tế đó đã có thể bị vướng vào tình hình giảm phát hậu khủng hoảng tương tự như tình trạng đã diễn ra vào những năm 1930. Vào đầu thập kỉ tồi tệ đó, giảm phát đã xảy ra ở hầu như tất cả các nước và đối với toàn bộ các nền kinh tế phát triển. Trong hai năm vừa qua, ít nhất sáu, và có thể là tám, trong tổng số các nền kinh tế phát triển đã giải quyết thành công nạn giảm phát.

Giá cả giảm đồng nghĩa với sự gia tăng giá trị thực của những khoản nợ đang tồn đọng và sự gia tăng gánh nặng trả nợ, vì tỉ lệ lãi suất thực tăng cao hơn. Kết quả là, các hiện tượng vỡ nợ, phá sản, và sụt giảm kinh tế xảy ra thường xuyên hơn, dẫn đến ngày càng nhiều áp lực khiến giá cả giảm thêm.

Cảnh báo sáng suốt của Irving Fisher vào năm 1933 về một vòng xoáy giảm phát – nợ như vậy đang rất sát hiện thực ngày nay, vì cả mức nợ cá nhân cũng như mức nợ công đều đạt hoặc gần đạt đến ngưỡng cao lịch sử tại nhiều quốc gia. Minh chứng đặc biệt là việc giá giảm 2,2% tại Hy Lạp trong vòng 12 tháng tính đến tháng 7 vừa qua. Đây là ví dụ nghiêm trọng nhất của tình trạng giảm phát đang tiếp diễn tại các quốc gia phát triển và đang cản trở một giải pháp có trật tự nhằm giải quyết các vấn đề của quốc gia này.

Tỉ lệ lạm phát trung bình của các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, vốn trong suốt những năm giữa thập kỉ 1990 đạt hai chữ số, bây giờ rơi vào khoảng 2,5% và vẫn đang trên đà giảm. Sự sụt giảm mạnh của giá dầu và giá cả hàng hóa cơ bản trong chu kỳ gần đây nhất đã giúp làm giảm nhẹ áp lực lạm phát, đồng thời xu hướng hoạt động kinh tế chậm lại tại các nước mới nổi nói chung cũng có thể đã đóng góp vào kết cục này.

Tuy nhiên vẫn còn quá sớm để kết luận rằng lạm phát đã trở thành vấn đề của quá khứ, bởi những yếu tố ngoại lai khác đang có xu hướng đẩy giá lên. Như Rodrigo Vergara, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Chile, đã nêu lên trong bài phát biểu được chuẩn bị trước của mình tại Jackson Hole, sự giảm giá của những đồng tiền lớn tại nhiều thị trường mới nổi (đáng chú ý nhất là một vài nhà sản xuất hàng hóa cơ bản và dầu mỏ) từ mùa xuân 2013 đến nay đã dẫn tới gia tăng áp lực lạm phát khi đối mặt với việc sản lượng đầu ra so với sản lượng tiềm năng ngày càng chênh lệch.

Bài phân tích trình bày bởi Gita Gopinath, trong đó tác giả chỉ ra mối liên hệ giữa giá cả trung gian với giá cả thay đổi do biến động tỉ giá hối đoái và đồng tiền được sử dụng trong thanh toán đã chứng minh cho hiện tượng này. Bởi vì hầu hết trao đổi thương mại tại các thị trường mới nổi được thực hiện bằng đô la, nên việc giảm giá đồng tiền sẽ làm tăng giá nhập khẩu gần như theo công thức một đổi một.

Rốt cuộc thì Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) sẽ đưa ra những quyết định về tỉ lệ lãi suất chủ yếu dựa trên tình hình trong nước. Dù tình trạng không chắc chắn về mức độ chênh lệch giữa sản lượng thực tế và sản lượng tiềm năng tại Mỹ từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính vẫn còn rất lớn, nhưng việc lạm phát trong nước bị đẩy lùi đã khiến cho sự mơ hồ này giảm đi một cách đáng kể. Các quốc gia khác trên thế giới cũng đều có tình hình lạm phát ôn hòa như vậy.

Do Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đang chuẩn bị cho hội thảo tháng 9 của mình, nên các nhà hoạch định chính sách của Cục nên cố gắng để không lờ đi điều đã bị bỏ sót ở Jackson Hole: sự cần thiết phải đặt những xu hướng trong nước trong bối cảnh quốc tế và lịch sử. Đối với hiện tại, một cách nhìn như vậy đang ủng hộ việc điều chỉnh chính sách một cách từ từ, từng bước một (tức Fed không nên nâng lãi suất ngay, và thực tế đến nay Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất – NBT).

Carmen Reinhart là Giáo sư về Hệ thống Tài chính Quốc tế tại trường Quản lý Nhà nước Kennedy trực thuộc Đại học Harvard.

Copyright: Project Syndicate 2015 – Inflation, the Fed, and the Big Picture

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]