28/09/1066: William “Kẻ chinh phạt” xâm lược nước Anh

Print Friendly, PDF & Email

Harold_dead1

Nguồn:William the Conqueror invades England,” History.com (truy cập ngày 27/9/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1066, tuyên bố mình có quyền thừa kế ngai vàng nước Anh sau khi vua Edward qua đời vào tháng 1 trước đó, William, công tước xứ Normandy, bắt đầu cuộc chinh phạt nước Anh từ Pevensey trên bờ biển phía Đông Nam đảo Anh. Thất bại sau đó của Vua Harold II trong trận Hastings đã đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong lịch sử nước Anh.

William là con ngoài giá thú của Robert I, công tước xứ Normandy, với vợ lẽ Arlette của ông, con gái một thợ thuộc da ở thị trấn Falaise (thuộc tỉnh Calvados của Pháp ngày nay). Do không có người con trai nào khác ngoài William, công tước Robert đã chỉ định ông làm người thừa kế của mình, và sau khi Robert I qua đời năm 1035, William chính thức trở thành công tước xứ Normandy từ năm bảy tuổi.

Các cuộc nổi loạn liên tiếp nổ ra trong những năm đầu William cầm quyền, và ông đã nhiều lần thoát chết trong gang tấc. Nhưng nhiều người trong số các cận thần của ông thì không. Năm lên 20 tuổi, William đã trở thành một nhà cai trị tài năng và được Vua Henry I của Pháp hậu thuẫn. Henry sau đó quay lưng lại với William (do lo sợ trước thế lực ngày một lớn của ông), nhưng William đã chống chọi lại được và đến năm 1063 đã mở rộng biên giới công quốc Normandy của mình tới tận xứ Maine.

Năm 1051, William được cho là đã tới Anh và gặp người anh họ của ông là Edward, vị vua không có con của Anh. Theo các sử gia người Normandy, Edward đã hứa nhường ngôi cho William. Tuy nhiên, trong lúc lâm chung, Edward đã trao lại vương quốc cho Harold Godwine, người đứng đầu gia tộc danh giá hàng đầu ở Anh và thậm chí còn quyền lực hơn cả bản thân quốc vương.

Tháng 1 năm 1066, Vua Edward băng hà, Harold Godwine lên ngôi Vua Harold II. William lập tức lên tiếng phản đối. Hơn nữa, Vua Harald III Hardraade của Na Uy cũng đang có mưu đồ thôn tính nước Anh, thậm chí cả em trai Tostig của Harold cũng vậy. Vua Harold đã tăng cường lực lượng để chuẩn bị cho một cuộc tấn công được trù tính trước của William, nhưng thay vào đó Tostig đã tiến hành hàng loạt trận đánh, buộc Harold phải để ngỏ và không phòng vệ Eo biển Manche.

Tháng 9 cùng năm, Tostig gia nhập lực lượng cùng Vua Harald III và xâm lược nước Anh từ phía Scotland. Ngày 25 tháng 9, Harold đụng độ với Tostig và Hararld II ở Stamford Bridge (thuộc hạt Đông Yorkshire của Anh ngày nay), đánh bại và giết chết cả hai. Ba ngày sau đó, William cập bờ lãnh thổ nước Anh ở Pevensey.

Với khoảng 7.000 binh sĩ và kỵ binh, William chinh phạt Pevensey và kéo quân tới Hastings (thuộc hạt Đông Sussex của Anh ngày nay), nơi ông đóng quân để tổ chức lại lực lượng của mình. Ngày 13 tháng 10, Harold cùng binh đoàn của ông tiếp cận Hastings, và ngày hôm sau William dẫn quân ra nghênh chiến. Sau một ngày giao chiến đẫm máu, Vua Harold II bị giết chết – tương truyền là bằng một mũi tên xuyên qua mắt – và các lực lượng của ông bị đánh bại.

Sau đó William tiến vào London và quy phục thành phố. Vào lễ Giáng sinh năm 1066, William “Kẻ chinh phạt” làm lễ đăng quang ở Tu viện Westminster, trở thành vị vua người Normandy đầu tiên của Anh và chấm dứt thời kỳ Anglo-Saxon của lịch sử nước Anh. Tiếng Pháp trở thành ngôn ngữ quý tộc và dần pha trộn với tiếng Anglo-Saxon để hình thành nên tiếng Anh hiện đại. William I tỏ ra là một vị vua có ảnh hưởng của nước Anh, và “Domesday Book,” cuốn sổ điền thổ lớn về các vùng đất và con người nước Anh, là một trong những thành tựu đáng chú ý của ông. Sau khi William I qua đời năm 1087, con trai ông là William Rufus lên ngôi William II, là vua người gốc Normandy thứ hai của Anh.

Hình: Cảnh minh họa Vua Harold II (trái, với một mũi tên xuyên qua mắt) tử trận trong trận Hastings. Nguồn: Bayeux Tapestry.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]