02/11/1963: Ngô Đình Diệm bị sát hại trong đảo chính

Print Friendly, PDF & Email

diem-nhu

Nguồn:Diem murdered during coup,” History.com (truy cập ngày 01/11/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1963, Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm cùng em trai là Ngô Đình Nhu đã bị sát hại trong một cuộc đảo chính của các tướng lĩnh bất đồng chính kiến trong quân đội miền Nam Việt Nam. Sau cuộc đảo chính này, Hội đồng Quân nhân Cách mạng miền Nam do Dương Văn Minh đứng đầu lên nắm quyền.

Đầu giờ chiều ngày mùng 1 tháng 11, các tướng lĩnh bất đồng đã chiếm được những căn cứ quân sự và hệ thống thông tin liên lạc trọng yếu ở Sài Gòn, đảm bảo Lực lượng Đặc biệt Việt Nam Cộng hòa của cố vấn Ngô Đình Nhu buộc phải đầu hàng, và yêu cầu Diệm và Nhu từ chức. Tổng thống Diệm và em trai ban đầu tin rằng cuộc tấn công này là mở màn của một cuộc phản đảo chính được thiết kế bởi Nhu và thiếu tướng Tôn Thất Đính, người kiểm soát gần như tất cả các lực lượng trong và xung quanh Sài Gòn, nhưng hóa ra tướng Đính đã tham gia cùng phe tướng lĩnh nổi dậy.

Do không thể kêu gọi được cứu viện, Diệm và Nhu trốn khỏi dinh tổng thống bằng con đường hầm dẫn tới một nhà thờ Công Giáo ở khu người Hoa của thành phố. Từ đó, Diệm bắt đầu đàm phán với các tướng đảo chính qua điện thoại. Ông đồng ý đầu hàng và được hứa là sẽ được an toàn ra nước ngoài. Tuy nhiên, chỉ sau nửa đêm, ông cùng em trai đã bị sát hại dã man trên hàng ghế sau của một chiếc xe bọc thép đến đón họ trên đường trở về dinh tổng thống.

Dù nhận thức được rằng các tướng lĩnh đang lên kế hoạch đảo chính và đã gửi lời rằng Hoa Kỳ sẽ không can thiệp, Tổng thống John Kennedy vẫn choáng váng trước vụ sát hại anh em Diệm và Nhu. Tuy vậy, có rất ít người dân miền Nam Việt Nam chia sẻ với ông cảm giác này do Diệm vốn không được ủng hộ, nhất là trong giới Phật tử. Trên thực tế, nhiều người ở Sài Gòn còn vui mừng trước cái chết của ông. Tờ Izvestia của Liên Xô bày tỏ sự hài lòng trước cái chết của Diệm trong khi khẳng định rằng “…những con rối mới của Mỹ đã lên nắm quyền.”

Sau đảo chính, đại sứ Mỹ Henry Cabot Lodge đã gọi các tướng lĩnh nổi dậy đến văn phòng của mình để chúc mừng họ và gửi điện tín cho Tổng thống Kennedy để thông báo rằng với sự ra đi của Diệm và Nhu, triển vọng cho một cuộc chiến tranh ngắn hơn của Mỹ ở Việt Nam đã được cải thiện đáng kể.

Phim tài liệu Death of a Regime nói về các sự kiện xung quanh cuộc đảo  chính, trong đó có phát biểu của Tổng thống J.F. Kennedy và bà Trần Lệ Xuân về sự kiện này. Nguồn: Youtube.

Xem thêm: Tại sao phải giết Tổng thống Ngô Đình Diệm?