Ván roulette của Putin ở Syria

Print Friendly, PDF & Email

151007165249-putin-assad-syria-exlarge-169

Nguồn: Omar Ashour, “Putin’s Syrian Roulette”, Project Syndicate, 27/11/2015.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Hai thảm kịch gần đây – vụ một máy bay dân sự Nga rơi trên bán đảo Sinai và vụ thảm sát khủng bố ở Paris hai tuần sau đó – có vẻ như đã khiến Nga và phương Tây thống nhất với nhau rằng: Nhà nước Hồi giáo (ISIS) phải bị tiêu diệt. Nhưng khi xem xét kỹ hơn các hoạt động quân sự của Nga tại Syria – chưa kể đến vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu của Nga – chúng ta lại thấy rằng vẫn còn quá sớm để kết luận Nga và phương Tây sẽ liên kết vì một mục tiêu chung.

Tất nhiên, Nga tuyên bố rằng sự can thiệp của họ vào Syria là nhằm đánh bại Nhà nước Hồi giáo và “các nhóm khủng bố khác.” Tuy nhiên, theo Bộ Ngoại giao Mỹ, hơn 90% các cuộc không kích của Nga cho đến nay đều không phải nhắm vào ISIS hay nhóm Jabhat al-Nusra – vốn được Al Qaeda bảo trợ, mà là vào các nhóm vũ trang đang chiến đấu chống lại cả ISIS và đồng minh của Nga, Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Thực tế, ISIS vẫn còn kiểm soát và chiếm ưu thế tại Aleppo kể từ khi các cuộc không kích bắt đầu.

Điều này không có nghĩa rằng tiêu diệt ISIS không nằm trong chương trình nghị sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nó gần như chắc chắn là có. Tuy nhiên, Putin cũng còn có những mục tiêu khác: bảo vệ chế độ Assad, mở rộng sự hiện diện quân sự và ảnh hưởng chính trị của Nga ở Đông Địa Trung Hải và Trung Đông, và thậm chí là để đẩy giá dầu lên cao.

Cho đến nay, các cuộc không kích của Nga chủ yếu tập trung ở Latakia, Hama và Idlib, những nơi mà họ đã giúp chế độ Assad giành được một vài ưu thế. Putin dường như đang cố gắng giúp Assad bảo vệ các “thành lũy” ven biển của mình, những nơi mà các nhóm phiến quân có vũ trang đã giành quyền kiểm soát đáng kể hồi tháng 8 và tháng 9. Những nơi này là một phần của cái gọi là “khu vực Syria hữu ích,” cùng với các vùng giáp biên giới với Li-băng, Damascus, một phần Aleppo, và các thành phố lớn ở miền Tây, miền Nam và miền Trung Syria. Assad buộc phải duy trì quyền kiểm soát các khu vực này để củng cố vị trí của mình trong bất kỳ cuộc đàm phán chính trị nào, cũng như trong giải pháp cuối cùng, bao gồm khả năng phân chia Syria.

Hơn nữa, việc Nga triển khai lực lượng phòng không tinh vi ở Syria không hề liên quan gì tới ISIS, vì tổ chức này hoàn toàn không có lực lượng không quân. Thay vào đó, hành động này đặt nền móng cho một khu vực cấm bay nhằm bảo vệ chế độ Assad và làm đối trọng chiến lược chống lại sự hiện diện của Mỹ tại căn cứ không quân Incirlik, Thổ Nhĩ Kỳ.

Thực chất, việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu của Nga – tình cờ lại là máy bay đang nhắm vào các nhóm nổi dậy Syria – đã khiến Nga đẩy mạnh những nỗ lực này. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã tuyên bố rằng một hệ thống tổ hợp tên lửa S-400 SAM sẽ được triển khai tới căn cứ không quân của Nga tại Latakia.

Tuy nhiên, chiến lược của Putin đang gặp phải những vấn đề nghiêm trọng. Đầu tiên, các cuộc không kích chiến thuật mà Nga hiện đang dựa vào không tỏ ra có hiệu quả trong quá khứ. Không quân Nga hiện đang thiếu các loại vũ khí chính xác và hệ thống nhắm mục tiêu như của phương Tây – một thực tế đã để lại nhiều hậu quả khủng khiếp trong chiến tranh Gruzia (2008) và hai cuộc chiến ở Chechenya (1994-1996 và 1999-2009). Việc chấp nhận “thiệt hại ngoài ý muốn” ở Nga cao hơn nhiều so với ở phương Tây – và điều đó đã tạo thuận lợi cho việc tuyển dụng khủng bố.

Kremlin cũng đã cố gắng thổi bùng căng thẳng sắc tộc – một chiến thuật được sử dụng từ thời các Sa hoàng – khi Ngoại trưởng Sergey Lavrov tuyên bố rằng Nga can thiệp vào Syria để “bảo vệ các nhóm thiểu số.” Putin cũng đưa ra tuyên bố tương tự khi gửi quân sang xâm lược hai vùng đất của người thiểu số tại Gruzia, Abkhazia và Nam Ossetia, và sau đó công nhận chúng là hai nước cộng hòa độc lập. Tương tự, ông cũng biện minh rằng việc Nga sáp nhập Crimea và xâm nhập các tỉnh miền đông Ukraine là để nhằm bảo vệ “nhóm người Nga thiểu số” ở đó.

Thế nhưng kết quả ở Trung Đông vẫn có thể giống như những gì xảy ra sau cuộc xâm lược Afghanistan của Liên Xô cách đây 36 năm. Các cường quốc trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ và Ả-rập Saudi cực lực phản đối việc Assad nắm quyền, vì việc Assad nắm quyền sẽ có lợi cho các đối thủ của họ là Iran và Hezbollah. 55 giáo sĩ Ả-rập Saudi đã đưa ra tuyên bố kêu gọi “thánh chiến” chống lại những kẻ xâm lược Nga. Tổ chức Anh em Hồi giáo (Muslim Brotherhood) của Syria, vốn có các lãnh đạo đang ở Thổ Nhĩ Kỳ và Bắc Syria, cũng đã thể hiện tình cảm tương tự bằng cách tuyên bố rằng thánh chiến chống lại “cuộc xâm lược của Nga” là “bổn phận tôn giáo” của “mỗi người Hồi giáo lành lặn.”

Nếu cuộc kháng chiến trong nước thành công trong việc đẩy Nga ra khỏi Syria, như chuyện đã xảy ra với Liên Xô ở Afghanistan và với Nga trong cuộc chiến Chechenya lần đầu tiên, Putin có thể sẽ phải đối mặt với rắc rối trong nước. Thất bại quân sự, cùng với tình hình kinh tế ngày một xấu đi, nhiều khả năng sẽ khiến phần lớn người dân – và một vài người thân cận – quay sang chống lại ông.

Nhưng một kết cục khác cũng có thể xảy ra. Nếu Nga giành chiến thắng một phần, như ở Gruzia và Ukraine, thì vùng phía Tây Syria sẽ được đặt dưới sự bảo vệ của liên minh Nga – Iran, và cuối cùng dẫn tới tình trạng chia cắt Syria trên thực tế. Một kết cục giống như của cuộc chiến tranh Chechenya lần thứ hai sẽ dẫn đến việc thành lập một chế độ trung thành (với Nga), dù được lãnh đạo bởi Assad hay bất kỳ ai khác, qua đó khiến tình trạng bất ổn và nổi dậy ở nông thôn tiếp tục kéo dài. Tuy nhiên khả năng này ít xảy ra hơn do có nhiều sự khác biệt giữa tình hình chiến trường Syria và Chechenya.

Kịch bản ít có khả năng xảy ra nhất là Nga dẫn đầu một quá trình đàm phán nhằm tạo ra hòa bình và ổn định lâu dài. Một “cuộc trung gian hòa giải” do Nga dẫn dắt đã giúp kết thúc cuộc nội chiến Tajikistan những năm 1992-1997, và cho phép các phong trào đối lập bàn giao vũ khí hoặc hòa nhập vào quân đội thường trực nước này dưới sự bảo đảm của Nga. Tuy nhiên, một vài năm sau đó, rất nhiều phong trào trong số đó bị cấm, và các nhà lãnh đạo cũng như thành viên của họ bị cho vào tù, lưu đày, thậm chí là bị sát hại.

Nhưng không có kịch bản nào trên đây phù hợp với khẩu hiệu của Cách mạng Syria năm 2011, hoặc phù hợp với lợi ích của phương Tây trong việc ổn định hóa đất nước, ngăn chặn các luồng người tị nạn, và cuối cùng là thúc đẩy dân chủ hóa. Thật không may là điều này lại chẳng đáng ngạc nhiên, bởi nó đã xảy ra rất nhiều lần trong quá khứ. Phương Tây hiện không có chiến lược đáng tin cậy nào để kiềm chế Putin, ngay cả khi ông ta không có chiến lược rút lui hoặc chiến lược kết thúc rõ ràng. Tất cả những gì chúng ta có thể chắc chắn bây giờ là, bất kỳ chuyện gì xảy ra ở Syria thì nó cũng sẽ không thể xảy ra nếu không có Nga.

Omar Ashour là Giảng viên cấp cao về Nghiên cứu An ninh và Chính trị Trung Đông tại Đại học Exeter, và là nghiên cứu viên liên kết tại Viện Chatham House. Ông là tác giả cuốn “The De-Radicalization of Jihadists: Transforming Armed Islamist Movements” và “Collusion to Collision: Islamist-Military Relations in Egypt.”

Copyright: Project Syndicate 2015 – Putin’s Syrian Roulette
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]