05/12/1978: Liên Xô và Afghanistan ký “hiệp ước hữu nghị”

Print Friendly, PDF & Email

taraki

Nguồn:USSR and Afghanistan sign ‘friendship treaty’,” History.com (truy cập ngày 04/12/2015).

Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1978, trong một nỗ lực chống đỡ cho chế độ thân Liên Xô không được lòng dân ở Afghanistan, Liên Xô đã ký một “hiệp ước hữu nghị” với chính phủ nước này, chấp thuận cung cấp viện trợ kinh tế và quân sự. Hiệp ước này đưa Liên Xô tiến một bước gần hơn tới sự can thiệp thất bại thảm hại của họ vào cuộc nội chiến Afghanistan giữa chính phủ cộng sản được Liên Xô hậu thuẫn và quân nổi dậy Hồi giáo, được gọi là Mujahideen, chính thức bùng nổ từ năm 1979.

Liên Xô luôn coi đất nước có chung đường biên giới Afghanistan là lợi ích sống còn đối với an ninh quốc gia của mình. Kể từ những năm 1950, Liên Xô đã nỗ lực không mệt mỏi nhằm thiết lập mối quan hệ mật thiết với nước láng giềng này bằng cách cung cấp viện trợ kinh tế và hỗ trợ quân sự. Tình hình trong những năm 1970 biến chuyển mạnh mẽ, và đến tháng 4 năm 1978, các đảng viên của Đảng Cộng sản Afghanistan đã lật đổ và sát hại Tổng thống Sardar Mohammed Daoud.

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nur Muhammad Taraki sau đó lên nắm quyền và lập tức tuyên bố thành lập chế độ cai trị độc đảng ở Afghanistan. Chế độ mới rất không được lòng dân nên Liên Xô đã tìm cách củng cố nó bằng hiệp ước tháng 12 năm 1978. Hiệp ước này thành lập một giai đoạn 20 năm “hữu nghị và hợp tác” giữa Liên Xô và Afghanistan. Bên cạnh việc tăng viện trợ kinh tế, Liên Xô hứa sẽ tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực quân sự. Nhà lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev tuyên bố rằng hiệp ước này đánh dấu một “đặc điểm mới về chất” của mối quan hệ giữa hai quốc gia.

Tuy nhiên, hiệp ước này đã không giúp ích cho Afghanistan. Taraki bị lật đổ và sát hại bởi chính những đảng viên Đảng Cộng sản bất mãn với chế độ của ông vào tháng 9 năm 1979. Tháng 12, Liên Xô xâm lược Afghanistan và thành lập một chế độ bù nhìn biết tuân theo những mong muốn của Liên Xô. Đây là khởi đầu của thời kỳ mà nhiều chuyên gia đã gọi là “[Chiến tranh] Việt Nam của Liên Xô,” bởi Liên Xô đã đổ vô số tiền bạc, vũ khí, và nhân lực vào một cuộc nội chiến dường như không có hồi kết. Mikhail Gorbachev cuối cùng đã bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan gần 10 năm sau đó.

Ảnh: Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Afghanistan Nur Muhammad Taraki.