Ảo tưởng cải cách dưới thời Tập Cận Bình

Print Friendly, PDF & Email

xi-jinping

Nguồn: Ian Johnson, “Xi’s China: The Illusion of Change”, The New York Review of Books, 29/11/2015.

Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Hiệu đính: Phạm Trang Nhung

Người ta thường nhận xét Tập Cận Bình là lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua, thậm chí từ thời của Mao. Ông được công nhận, dù đôi lúc miễn cưỡng, rằng đã đeo đuổi một chính sách ngoại giao quyết liệt, các cải cách kinh tế, và một chiến dịch trấn áp tham nhũng mang tính lịch sử.

Nhưng khi Tập kết thúc năm thứ ba cầm quyền vào tháng này, sự đánh giá trên ngày càng trở nên sai lầm, khi Trung Quốc vẫn bị cầm chân bởi những điều cấm kỵ đã giới hạn những người tiền nhiệm của Tập. Điểm cốt lõi ở đây là một chính quyền độc đảng không muốn rút khỏi vai trò lãnh đạo đời sống kinh tế, chính trị và xã hội. Lĩnh vực duy nhất mà chính quyền cho thấy sự sáng tạo thực thụ là việc tìm ra những phương thức mới để hợp thức hóa sự cai trị của họ, thông qua cách lảng tránh những vấn đề mà đất nước thực sự đối mặt.

Điều này còn đáng chú ý hơn nếu chúng ta tính đến việc Tập hiện giờ đang ở đỉnh cao quyền lực. Ông lên giữ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản và Chủ tịch Quân ủy Trung ương vào ngày 15/11/2012, đến giờ thì không thể xem Tập như một lãnh đạo mới cần thời gian để thực hiện những ý tưởng của ông nữa. Thay vào đó, chúng ta phải nhìn nhận rằng ông đã lên đến mức đỉnh cao về tầm ảnh hưởng. Đến nửa cuối năm sau, khi các bè phái tranh đấu trước thềm đại hội đảng lần thứ 19 vào năm 2017, người kế nhiệm Tập sẽ được lựa chọn – hai người sẽ làm việc với nhau trong 5 năm tiếp theo, như Tập đã làm việc dưới quyền Hồ Cẩm Đào từ 2007-2012 (Xin nói thêm ở đây là với logic thời gian cố hữu như thế này thì chúng ta phải xem lại tuyên bố thường được nhắc đến là các lãnh đạo Trung Quốc dường như được hoạt động với tầm nhìn (chính trị) dài hạn hướng tới tương lai, nhưng thực chất thì khoảng thời gian họ có ảnh hưởng chính trị chỉ tương đương với phần lớn các lãnh đạo phương Tây.)

Nhưng thay vì những đổi mới quan trọng, mục tiêu lớn nhất của Tập dường như chính là bảo vệ hệ thống cứng nhắc mà ông thừa hưởng vào năm 2012. Về cơ bản, điều này có nghĩa là nhà nước quản lý phần lớn nền kinh tế và xã hội. Nhà nước chiếm ưu thế trong các ngành công nghiệp quan trọng nhất, đặc biệt là công nghiệp nặng và tài nguyên thiên nhiên. Nhà nước quản lý đời sống chính trị và không cho phép những quan điểm trái chiều quan trọng. Nhà nước chỉ đạo đời sống xã hội. Họ cho phép các tổ chức phi chính phủ hoạt động nhưng chỉ với vai trò là nhà cung cấp dịch vụ, chứ không phải những người vận động thay đổi xã hội. Khái niệm về nền xã hội dân sự sống động và có tính phản biện là điều không thể chấp nhận được. Khi xuất hiện đổi mới công nghệ, ví dụ như là mạng xã hội, các khu vực tự do có thể xuất hiện, nhưng nhà nước sẽ làm tất cả trong quyền hạn của mình để đóng chúng lại.

http://nghiencuuquocte.net/2015/09/09/sieu-quyen-luc-cua-tap-can-binh/

Từ khi được bổ nhiệm vào vị trí quan trọng đầu tiên năm 1982, Tập đã làm việc như một người tổ chức với am hiểu chính trị sâu rộng. Mục tiêu của ông là tái tạo thời kỳ đầu của chính quyền Cộng sản vào những năm đầu và giữa thập niên 1950 khi mà cha ông là một phần của giới lãnh đạo tối cao. Vào lúc đó, theo những gì được lưu hành chính thức, đảng trong sạch và quan chức liêm khiết, và người dân hài lòng (với chế độ). Quay lại quá khứ tưởng tượng này có nghĩa là tăng cường chứ không phải làm suy yếu sự quản lý của nhà nước.

Nếu chúng ta nhìn nhận tổng thể những hành động của Tập trong 3 năm vừa qua, chúng ta có thể xem điều này là mục tiêu chính của các cải cách. Điều rõ ràng nhất và có thể xem là đáng thất vọng nhất với những người lạc quan là nền kinh tế. Một năm sau khi Tập lên nắm quyền, ông đã tuyên bố một kế hoạch cải cách kinh tế được một số người xem là nhiều tham vọng nhất kể từ khi Đặng Tiểu Bình công bố mở cửa nền kinh tế vào cuối thập niên 1970.

Nhưng sau ba năm, phần lớn những thay đổi của Tập, như là dần dần tự do hóa lãi suất ngân hàng hay là mở cửa thị trường chứng khoán rộng hơn một chút cho các nhà đầu tư nước ngoài, có lẽ nên được coi như là những chắp vá về mặt kỹ trị. Đúng thật là nhiều sửa đổi nhỏ có thể đem đến một sự thay đổi lớn, nhưng chỉ khi những thay đổi đó thuộc về một kế hoạch rộng hơn với mục tiêu rõ ràng. Vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy sự tồn tại của một kế hoạch như thế, ít nhất là một kế hoạch có thể dẫn đến một nền kinh tế mở cửa hơn.

Tập đổi hướng là điều có thể xảy ra, có lẽ tốc độ tăng trưởng chậm sẽ buộc ông phải làm vậy, nhưng các dấu hiệu hiện nay không cho thấy nhiều triển vọng lắm. Một phóng sự thực tế đáng chú ý gần đây của Wall Street Journal cho thấy rằng mặc dù Tập giận dữ vì nền kinh tế giảm tốc, tỷ lệ tăng trưởng chậm lại làm ông cẩn thận hơn và thậm chí ít sẵn sàng hơn trong việc thúc đẩy cải cách.

Về chính sách xã hội, những thay đổi thực sự cũng chỉ là ảo giác. Thay đổi từ chính sách một con đến hai con đã trở thành đầu đề cho nhiều tờ báo, nhưng điều này không có ý nghĩa với phần lớn người Trung Quốc. Trước đó, nhiều người đã có thể có hai con (vì họ lách luật, sống ở khu vực nông thôn hoặc là người dân tộc thiểu số) nhưng lại càng nhiều người thấy rằng có hai con quá tốn kém. Điều hữu ích hơn là việc nghe những lời các quan chức đã nói. Khi chính sách một con được áp dụng, người ta dự định duy trì chính sách này trong 30 năm và giờ khoảng thời gian đó đã hết. Khi nói về những thách thức về mặt dân số mà đất nước phải đối mặt, nới lỏng chính sách một chút chỉ là một sửa chữa nhỏ, chứ không phải là một cuộc cách mạng.

Trong các lĩnh vực khác, như là pháp quyền, hay đăng ký các tổ chức phi chính phủ, chính sách cũng giống như cải cách kinh tế: những sửa đổi nhỏ tăng cường hiệu quả của các hệ thống hiện tại và thu hút sự chú ý của báo đài nhưng không thách thức sự quản lý của nhà nước.

Còn việc Tập trấn áp tham nhũng? Ở một mức độ nào đó thì những thay đổi rất hiện hữu. Nhiều người, và nhiều nhân vật cấp cao, bị bắt hơn bao giờ hết. Mọi người có thể thấy (ảnh hưởng của) điều này thậm chí với những quan chức cấp thấp ở xa Bắc Kinh, họ trở nên cảnh giác khi đi dự những bữa tiệc thịnh soạn hay lái những chiếc xe mà đáng lẽ họ không có khả năng mua được. Ví dụ, một quan chức ở tỉnh Sơn Tây mà tôi biết đã ngừng đi ăn ngoài vào ngày trong tuần vì ông sợ bị buộc tội sống phung phí. Gần đây, con gái ông kết hôn và ông khăng khăng buộc cô chỉ làm một tiệc nhỏ với vài chục khách, chứ không phải hàng trăm người do ông mời như vài năm trước.

Nhưng chính thực tế rằng điều này được thực hiện bởi một “chiến dịch”, chứ không phải thông qua cải cách luật pháp hoặc việc tạo dựng các bộ máy kiểm soát chính phủ độc lập, cho thấy giới hạn của nó. Để chương trình chống tham nhũng của Tập dẫn đến một xã hội trong sạch hơn cần những cải cách để tạo nên một hệ thống tòa án độc lập. Một số cải cách đã được nhắc đến, nhưng chúng chủ yếu chỉ nhằm giúp hệ thống hiện tại hiệu quả hơn đôi chút. Sự quản lý của Đảng đối với hệ thống luật pháp vẫn còn nguyên. Điều này làm các nhà điều tra, công tố viên, và quan tòa không thể đánh tham nhũng một cách bền vững. (Và nếu không có một nền báo chí tự do dù chỉ là một phần, thì tham nhũng thường không được đưa ra ánh sáng.)

Ngược lai, chính phủ đã rất thông thạo trong việc tìm những nguồn mới cho quyền lực sâu rộng của họ. Một cách là xây dựng ủng hộ thông qua chủ nghĩa dân tộc và các cuộc phiêu lưu đối ngoại, như việc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Một cách ít rõ ràng hơn nhưng có thể hiệu quả hơn là việc bày tỏ sự đồng cảm với những bất mãn xã hội phổ biến về sự vô đạo đức, và ủng hộ những giá trị truyền thống. Họ đã cố gắng đạt được điều này thông qua việc pha trộn những giá trị tốt đẹp truyền thống và cộng sản để tạo nên một hình mẫu mới về công chức ngay thẳng và công dân đạo đức. Mô hình này đề cao những đức tính truyền thống như hiếu thảo với cha mẹ, tiết kiệm, và từ thiện, và gợi ý rằng chủ nghĩa cộng sản cũng coi trọng những giá trị này. Ví dụ, trong một chiến dịch cổ động bằng nghệ thuật truyền thống, các sản phẩm thủ công truyền thống, như tượng đất, tranh giấy cắt, và tranh phong cảnh, được kết hợp với những khẩu hiệu như là câu “Giấc mộng Trung Hoa” điển hình của Tập.

Điều này cũng rõ ràng ngay ở những tầng thấp nhất của đời sống văn hóa. Già Mã, một người bạn của tôi ở Bắc Kinh, là một người thợ mộc về hưu thường kiếm tiền uống bia bằng cách hát những bài hát xưa. Một bài giải thích vì sao các cửa ô của thành phố được đặt tên như vậy, còn một bài khác kể về lịch sử của những sản phẩm nổi tiếng của thành phố xưa: giày vải, thuốc bắc, diều, vịt quay, và rượu chưng hai lần. Một ngày nọ, ông hát một bài mới:

Trên Lư Câu Kiều

Lũ cướp Nhật đến

Để cướp đất ta

Nhưng âm mưu của chúng vô vọng.

Tôi cảm thấy lạ lùng và hỏi xem ông đã học nó ở đâu.

“Đây là một điệu nhạc xưa, nhưng lời hát thì từ cục văn hóa Tuyên Vũ Môn. Chúng tôi sẽ hát cho công chúng. Sẽ có 5-6 nghệ sĩ biểu diễn, mỗi người sẽ được 300 tệ!”

Lúc đó là tháng 6, và chính quyền sẽ mừng kỷ niệm 70 năm kết thúc chiến tranh vào tháng 9. Nhưng đến bây giờ, nhiều tháng sau lễ kỷ niệm, Trung Quốc vẫn được bao trùm bởi những khẩu hiệu tuyên truyền yêu nước. Tại sao mà một phòng văn hóa quận phải viết một bài hát cho một vài nghệ sĩ đường phố hưu trí biểu diễn trong khi cơ quan này đã bao phủ đất nước bằng những hình ảnh anh hùng?

“Còn ai để ý đến những chiến dịch tuyên truyền chính thức nữa?” Ông trả lời. “Vì thế người ta trả chút tiền để chúng tôi hát một vài bài ca yêu nước tại các nhà hát. Khi chúng tôi hát, mọi người lắng nghe vì họ không nghĩ rằng tôi sẽ hát chúng”

Càng nghĩ về nó, thì tôi càng thấy cách này thật khôn ngoan. Già Mã và đồng nghiệp của ông hát ở các hội trường nhỏ ở phố nhà hát của Bắc Kinh, hay là tại các sự kiện tư nhân ở các công ty. Ở những bối cảnh riêng tư như thế, mọi người sẵn sàng lắng nghe, và ít có khả năng họ sẽ ngăn tiếng vang của những chiến dịch tuyên truyền.

Nhưng tôi cũng thấy ảnh hưởng của chiến lược này với Già Mã. Trong quá khứ, hát là một đam mê thật sự, ông hát ở công viên và chỉ đôi khi hát để lấy tiền. Bây giờ nó đã trở thành một việc kinh doanh, với khách hàng duy nhất là bộ máy tuyên truyền nhà nước.

Trong mấy tuần gần đây, khi tôi gặp ông, ông nói về việc giành được những hợp đồng lớn có giá hàng chục ngàn đô la để biểu diễn một số bài do người của chính phủ viết. Ông đang chuẩn bị một số tác phẩm cho năm mới vào tháng hai. Rất ít bài mang màu sắc chính trị lộ liễu, nhưng như ông nói với tôi, tất cả các bài hát đều nhằm ca ngợi nhà nước.

“Tôi đoán đây là một cách để duy trì sự ổn định,” ông nói, sử dụng một thuật ngữ mà nhà nước hay sử dụng, weiwen (“duy ổn”, viết tắt của weichi wending, hay “duy trì ổn định”), và ngày càng phổ biến vào thập niên vừa qua. “Người ta nghe anh hát, họ vui mừng, anh hát rằng nhà nước tốt, nhưng chủ yếu là nhằm để họ không nghĩ đến những điều khác.”

Xem thêm:

http://nghiencuuquocte.net/2015/04/04/tap-can-binh-nam-muoi-sac-thai-cua-quyen-luc/

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]