Đằng sau quá trình bình thường hóa quan hệ Xô-Trung

Print Friendly, PDF & Email

image0091

Nguồn: Robert Service, The End of the Cold War: 1985-1991 (PublicAffairs: 2015), pp. 7243- 7462 (Kindle edition).

Biên dịch: Nguyễn Thị Nhung

Xem phần trước: Ngoại giao Liên Xô giai đoạn kết thúc Chiến tranh Lạnh

Tại khu vực châu Á, trong khi những quốc gia đối địch cũ của Liên Xô vẫn còn nghi ngờ về tính chân thành trong chính sách đối ngoại mới mà Gorbachëv đề ra, thì những nước phụ thuộc lại cảm thấy khó chịu trước những dấu hiệu cho thấy ông đang có ý định hàn gắn quan hệ với Mỹ. Và do đó, một trong những nhiệm vụ chính của Shevardnadze trong chuyến công du châu Á lần này là thuyết phục các đồng minh thân tín lâu năm rằng Moskva vẫn sẽ sát cánh bên họ. Đây có thể là lý do khiến ông không đến thăm Việt Nam, vì ban lãnh đạo Liên Xô đã đưa ra lựa chọn căn bản là ưu tiên mối quan hệ đang dần cải thiện với Trung Quốc.

Nhưng Bộ Chính trị Liên Xô cũng không muốn mất đi những đối tác ở Trung Đông. Vì vậy sau chuyến dừng chân ngắn tại Islamabad (Pakistan), Shevardnadze tiếp tục bay đến Syria để hội đàm cùng Tổng thống Hafez al-Assad. Hai năm trước đó, Gorbachëv đã từng cam kết với nhà độc tài Syria rằng Liên Xô sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước chống lại “chủ nghĩa tư bản Mỹ”. Sau màn chào hỏi trang trọng, Assad không ngần ngại bày tỏ nghi ngại rằng dường như ban lãnh đạo của Liên Xô đang không giữ đúng lời hứa của mình. Shevardnadze đã gặp phải một nhà thương thuyết không khoan nhượng. Bất chấp những dấu hiệu rõ ràng của tuổi tác và giọng nói đã run, Assad vẫn biết cách áp đặt ý định của mình với tất cả những người xung quanh. Ông sống trong một không gian thanh tịnh và có phần khổ hạnh. Trên tường của dinh thự không hề có tấm ảnh nào của ông, ngoại trừ duy nhất bức tranh vẽ một trong những trận chiến của Saladin chống lại quân Thập Tự Chinh. Ông vẫn dùng người Circass làm lính gác. (Đối với một người xuất thân từ vùng Nam Cáp-ca-dơ đa chủng tộc như Shevardnadze, điểm này quả thực thú vị.)

Assad bày tỏ thẳng thắn những lo ngại của mình. Sau khi gợi lại chuyện bản thân ông từng du học Liên Xô vào những năm 1950, Assad nhận xét mọi người bắt đầu cho rằng trật tự do Liên Xô dẫn dắt đang đứng trên bờ vực sụp đổ và vì thế không còn đủ sức hỗ trợ cho các đồng minh như Syria nữa. Ông tức giận chỉ trích Israel nỗ lực tỏ ra là một lực lượng vì hòa bình ở Trung Đông, bất bình với việc Kremlin đổi hướng chính sách rời bỏ sự nghiệp đấu tranh tại các nước Arab, và tỏ ra thất vọng với hành động của Liên Xô bỏ mặc đồng minh rơi vào số phận bi thảm ở Afghanistan, Việt Nam, Cuba, Bắc Triều Tiên và thậm chí cả các nước Đông Âu. Assad là người nóng nảy, ông không che đậy cảm xúc của mình trước thay đổi chính sách đối ngoại của Liên Xô.

Sau đó Shevardnadze đến Baghdad để cảnh báo trước cho Saddam Hussien về việc Kremlin đang hy vọng cải thiện quan hệ với Tehran, dù trước đó chính sách của nước này luôn ngả về phía Iraq hơn là Iran. Nhưng giờ đây Liên Xô muốn xây dựng mối quan hệ hữu nghị với tất cả các nước châu Á. Trước thông tin bất lợi này, Saddam tỏ ra nhẫn nhịn, cho biết ông hiểu tại sao Gorbachëv muốn giải quyết những bất đồng giữa Iraq và chính quyền Iran, dù ông căm ghét tư tưởng của Ayatollah Khomeini. Thậm chí nhà lãnh đạo độc tài Iraq còn nói đùa: “Cầu mong Allah sẽ giúp ông. Xin hãy để thánh Allah của chúng tôi chứ không phải thánh Allah của Iran che chở cho các ông!”

Điểm đến tiếp theo là Iran, quốc gia Shevardnadze hy vọng hàn gắn bất hòa. Nhưng nếu Đặng Tiểu Bình và Assad chỉ là những chủ nhà nóng giận khi đón tiếp lãnh đạo của Liên Xô, thì Khomeini thậm chí còn tỏ ra khó chịu hơn với lối tiếp khách dị thường của mình. Không đồng ý gặp Shevardnadze ở thủ đô Tehran, vị Thủ lĩnh Hồi giáo buộc quốc khách phải bay xuống Qom để gặp mình tại căn nhà nhỏ đơn sơ của ông: quyền lực đã không biến ông thành con người trọng vật chất bề ngoài. Buổi hội đàm trở thành cuộc gặp ngoại giao hết sức kỳ lạ khi vị chủ nhà lớn tuổi chỉ tỏ ra hào hứng với chủ đề niềm tin và đời sống tâm linh, ngoài ra ông không bàn luận thêm về vấn đề nào khác. Trong mắt Shevardnadze, Khomeini giống hình ảnh một ông lão góa vợ bần hàn hơn là một nhà lãnh đạo. Bản thân Khomeini dù biết rõ một mục đích duy nhất của chuyến thăm, nhưng vẫn thẳng thừng dập tắt mọi ý định chuyển hướng cuộc nói chuyện sang bàn luận chính sách đối ngoại của Shevardnadze. Hai nhà lãnh đạo sau cùng đã không thảo luận được về bất cứ phương án thực tiễn nào, và Khomeini cũng không bày tỏ thái độ rõ ràng nào, kể cả về khả năng ông có muốn cải thiện quan hệ với Moskva hay không.

Chuyến công du kết thúc trong thất bại khi Liên Xô không đạt được bước tiến nào trong quá trình hàn gắn quan hệ đối ngoại. Thành quả của cả chuyến đi là giúp Bộ Chính trị hiểu rõ hơn những vấn đề họ đang phải đối mặt ở biên giới phía nam của mình, và dẫu sao cũng phát đi tín hiệu cho người Mỹ thấy rằng giới lãnh đạo Xô-viết ít nhất vẫn có thể cố gắng thiết lập những mối quan hệ mà không bị chi phối bởi người Mỹ. Quả thực sau khi nghe báo cáo tổng kết của Shevardnadze, Gorbachëv đã nghĩ đến việc làm sao mà Liên Xô có thể bán vũ khí cho Tehran.

Chuyến công du châu Á của Shevardnadze cũng mở đường cho chuyến viếng thăm Trung Quốc của đích thân Gorbachëv. Ngày đón tiếp được ấn định là 15/5. Kế hoạch này khiến Mỹ đứng ngồi không yên. Đáp lại, Bắc Kinh đã khuyến nghị Bộ Ngoại giao Mỹ nên nhắc cho thế giới nhớ rằng “quan hệ Mỹ-Trung nói chung vẫn đang trên đà phát triển trong lĩnh vực chính trị, quân sự và kinh tế”. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ lại lo ngại Trung Quốc có thể lợi dụng động thái muốn hàn gắn quan hệ của Liên Xô để gây áp lực khiến Mỹ phải xuống nước trong chính sách về vấn đề Đài Loan. Người Mỹ cũng nhận ra các phong trào biểu tình chính trị của sinh viên Trung Quốc đang ngày một lên cao. Dù đồng tình với khao khát dân chủ của những người biểu tình, nhưng Mỹ lại tỏ ra cẩn trọng, không muốn bị tố cáo là thế lực can thiệp và kích động tình hình. Họ kêu gọi các bên “ưu tiên phương án đối thoại” thay vì bao lực.

Trung Quốc đồng ý đón tiếp Gorbachëv với điều kiện ông phải đảm bảo không gây rắc rối cho Bắc Kinh khi đến thăm. Họ đã từng chứng kiến các đám đông vây quanh lãnh đạo Liên Xô khi ông đến các nước khác, và vì vậy muốn tránh tình cảnh hỗn loạn đó. Gorbachëv chấp nhận điều kiện này của đối phương. Về phần mình, Đặng Tiểu Bình tỏ ra ngờ vực trước kế hoạch cải tổ của Liên Xô và đã từng khiến Gorbachëv phật ý khi khuyên ông không nên quá vội vàng. Bản thân Gorbachëv vốn cũng coi thường các chính sách đổi mới của Trung Quốc. Vào ngày 29/9/1986, ông từng tiết lộ với những người thân tín của mình:

Người Trung Quốc đã phát triển nông nghiệp trên nền tảng tư nhân. Đúng là họ đã đạt được những thành quả đáng ngạc nhiên, nhưng cũng không nên phấn khích đến mức kích động như thể họ đã giải quyết được mọi vấn đề vậy. Nhưng sau đó thì sao? Họ không có phân bón, công nghệ hay các biện pháp thâm canh. Chúng ta thì có tất cả những thứ ấy. Nhưng chúng ta phải gắn điều đó với lợi ích của từng cá nhân. Đó chính là bài toán chúng ta. Đó chính làm điểm hứa hẹn giúp chúng ta phát triển bùng nổ. Ilich [Lenin] từng rất trăn trở về vấn đề làm thế nào để kết hợp lợi ích cá nhân với chủ nghĩa xã hội, và đây chính là câu hỏi mà chúng ta phải suy nghĩ và tìm lời giải.

Vào tháng 8/1988, Gorbachëv đã nói với Chernyaev:

Tôi không hiểu nổi tại sao mọi người cứ tán tụng Trung Quốc thái quá. Ai ở bên đó về cũng nói rằng họ có mọi thứ bày bán trên giá kệ các cửa hàng. Ở Nam Tư cũng vậy thôi. Tôi mừng vì Trung Quốc phát triển về của cải vật chất. Đó cũng là nguồn khích lệ, hỗ trợ lớn lao đối với chúng ta, giống như Liên Xô cùng là nguồn hỗ trợ cho họ vậy. Nhưng việc gì phải phấn khích đến vậy? Ta phải nhìn vào bản chất của vấn đề: Đúng, của cải hàng hóa được bày bán trên giá kệ các cửa hàng nhưng thực tế chẳng có ai mua cả. Đó là một thị trường tư bản. Quy luật vận hành thị trường theo hướng đó là giá cả bị thổi lên đến mức hàng hóa không bán được, nằm la liệt ở cửa  hàng cho đến khi chúng bị hỏng thì người ta mới cho bán rẻ chúng đi.

Đánh giá của Gorbachëv thực chất đã cường điệu đến mức phi lý tình hình thực tế, khi ông tự thuyết phục bản thân rằng không ai mua được hàng hóa bày bán ở các cửa hàng tại các thành phố của Trung Quốc.

Khi tiếp xúc, Đặng Tiểu Bình thậm chí còn nhất quyết cho rằng hai người không nên ôm thân mật mà chỉ nên bắt ta, bởi ông muốn giữ cho cuộc gặp diễn ra nhanh gọn và mang tính chất xã giao thuần túy. Gorbachëv hiểu ngụ ý của Đặng và quyết định cư xử bằng phép kính trọng dành cho người cao tuổi. Tuy vậy, cuộc thảo luận của hai người bắt đầu trở nên gay gắt vào ngày 16/5/1989. Khi Gorbachëv ngỏ ý muốn “bình thường hóa quan hệ”, Đặng đã rao giảng với ông về những hành động cướp lãnh thổ mà Đế quốc Nga đã phạm phải. Ông tuyên bố rằng Đế quốc Nga và Nhật là những mối đe dọa nguy hiểm nhất trong lịch sử của Trung Quốc. Người Nga đã cướp 1,5 triệu km2 đất của Trung Quốc, và Trung Quốc vẫn không quên hành động này. Đặng cũng cho rằng không nên mù quáng kỳ vọng quá mức vào các học thuyết Mác-Lê; và ông không thấy cần thiết phải đẩy nhanh tiến trình cải thiện quan hệ giữa hai đảng cộng sản của Liên Xô và Trung Quốc.

Đây hẳn không phải là màn đón tiếp mà Gorbachëv mong đợi, vậy nên ông đã kỳ vọng sẽ có một cuộc thảo luận mang tính chất xây dựng hơn với Lý Bằng. Nhưng thực tế chỉ là nỗi thất vọng. Không mấy hào hứng với lời đề nghị mở rộng thương mại, ông Lý chỉ tập trung vào những vấn đề mà lãnh đạo Trung Quốc quan tâm. Ông phủ nhận việc chủ nghĩa tư bản “sáng chế” ra nhân quyền. Lý Bằng đề cập đến việc Trung Quốc đang trải qua giai đoạn khó khăn với Mỹ vì vấn đề Đài Loan và Tây Tạng, nhưng cũng rất mừng khi Thủ tướng Ấn Độ Rajib Gandhi đã đề nghị chấm dứt sự ủng hộ dành cho Đạt Lai Lạt Ma.

Ông Lý cũng nhắc lại những thiệt hại mà Nhật Bản đã gây ra cho Trung Quốc trong Thế chiến II, nhưng cũng nói thêm rằng nhu cầu thực tế hiện nay là cần hợp tác với cường quốc công nghiệp này. Đáp lại, Gorbachëv cũng nhận xét một trong những tồn tại lớn nhất hiện nay của Liên Xô là thiếu hụt nguồn vốn đầu tư, nhưng vẫn không thể khiến Lý Bằng sao nhãng khỏi câu chuyện chính. Nhà lãnh đạo Trung Quốc một mực nhấn mạnh rằng hai nước cần phải ưu tiên thống nhất phân định biên giới. Cuối cùng, không còn giữ được kiên nhẫn, Gorbachëv thẳng thắn than phiền rằng phía Trung Quốc đang tảng lờ các đề xuất hợp tác của ông trong lĩnh vực năng lượng, giao thông và luyện kim. Quá mong mỏi tìm được chút dấu hiện tiến triển trước khi rời Trung Quốc, ông đã nói với Lý Bằng rằng Moskva rất sẵn lòng phi quân sự hóa khu vực biên giới giữa hai nước.

Dù Gorbachëv và đoàn đại biểu đã cư xử đúng mực như yêu cầu của phía nước chủ nhà, nhưng cũng không ngăn được học sinh sinh viên Bắc Kinh tuần hành trên đường phố, hò reo tên nguyên thủ của Liên Xô. Những biểu ngữ được giương lên kêu gọi cải cách chính trị. Hiệu ứng Gorbachëv là hết sức rõ ràng, dù bản thân ông luôn tránh né xuất hiện gần đám đông biểu tình. Riêng Shevardnadze đã phải hết sức kìm nén thôi thúc muốn đến gặp gỡ và trò chuyện với các sinh viên ở Thiên An Môn.

Phải đến ngày 17/5 Gorbachëv mới có cơ hội phát biểu mạnh mẽ tại Đại Lễ đường Nhân dân. Trong bài nói chuyện của mình, dù thừa nhận những trở ngại lịch sự từng gây chia rẽ Liên Xô và CHND Trung Hoa, nhưng ông khẳng định cả hai nước sẽ cùng có lợi khi giải quyết những vấn đề này. Gorbachëv cũng nêu thỏa thuận đạt được với Mỹ trong việc tháo dỡ 436 tên lửa tầm ngắn và tầm trung trên những vùng lãnh thổ phía đông của Liên Xô. Ông cũng gợi ý mạng lưới đường sắt Liên Xô có thể trở thành Con đường Tơ lụa mới cho Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa của mình sang châu Âu. Khi giải thích về các ý tưởng cải cách kinh tế của mình, Gorbachëv nhấn mạnh giai cấp công nhân cũng cần có ảnh hưởng đến quá trình này. Dù khẳng định sự ủng hộ của mình dành cho “khuynh hướng dân chủ” trong chính trị, ông cũng thừa nhận tiến trình này đã dẫn đến một số vấn đề phức tạp ngoài dự tính. Ông mỉa mai những nhà bình luận châu Âu đã từng hy vọng các cải cách ở Trung Quốc và Liên Xô sẽ giúp khôi phục chủ nghĩa tư bản. Ngược lại, ông tuyên bố con đường dân chủ về chính trị và kinh tế thực chất sẽ càng củng cố các nền tảng của chủ nghĩa xã hội. Bên cạnh đó, Gorbachëv cũng trình bày các kế hoạch thiết lập hòa bình và ổn định ở các điểm nóng châu Á.

Cùng ngày hôm đó Shevardnadze cũng tiến hành hội đàm với Giang Trạch Dân, ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư thành ủy Thượng Hải. Tại đây, ông Giang đã tuyên bố Trung Quốc rất mong muốn đóng vai trò trung gian hòa giải cho các cuộc xung đột ở Nam Á. Đồng thời, ông cũng nhắc đến việc Nepal muốn Liên Xô giúp họ cải thiện quan hệ với Ấn Độ; và Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto đã đề nghị chính quyền Liên Xô bình thường hóa tình hình ở Afghanistan. Shevardnadze đã thốt lên rằng bản thân bà Bhutto cũng nên bắt đầu hành xử hướng tới mục tiêu tương tự. Tuy nhiên, việc Trung Quốc muốn làm trung gian hòa giải lại là một điểm mới đáng chú ý. Và Shevardnadze, tỏ ra rất hài lòng, đã kết luận: “Quả thực việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc là một sự kiện lịch sử.”

Chuyến thăm lần này hoàn toàn khác biệt so với những chuyến công cán trước đây của Gorbachëv. Thông thường mỗi khi ông đến thăm các nước khác, dù là cộng sản hay tư bản, ông đều tỏ ra thân mật với nguyên thủ nước chủ nhà. Nhưng riêng tầng lớp lãnh đạo tối cao của Trung Quốc lại hoàn toàn xa cách. Rõ ràng Liên Xô không phải là ưu tiên đối với Đặng Tiểu Bình và Lý Bằng, và chắc chắn họ đã nghĩ rằng mình không học hỏi được gì từ Moskva. Đặng không định đưa Trung Quốc thành tấm gương cho bất cứ nước nào trên thế giới học theo. Khi đó ông đang cải cách lại đất nước và chỉ chú trọng tính toán lợi ích cho quốc gia mình khi tiếp xúc với các lãnh đạo nước khác.

Gorbachëv đã nhận thấy quan điểm này khi phái đoàn Liên Xô được mời tham quan các nhà máy ở Thượng Hải. Họ được giới thiệu về các sản phẩm giày Nike, thiết bị bếp Teflin và một số sản phẩm đồ chơi hiện đại cùng các loại dược phẩm khác. Nếu Trung Quốc có thể hiện đại hóa đất nước và mở rộng nền kinh tế bằng cách thu hút các công ty tư bản nước ngoài đầu tư, chắc chắn họ không muốn tự trói buộc mình với gánh nặng hợp tác cùng ngành sản xuất ốm yếu của Liên Xô. Trong khi những lệnh cấm vận của Ủy ban Điều phối về Quản lý Xuất khẩu Đa phương (CoCom) của Mỹ  dành cho Liên Xô vẫn còn hiệu lực, thì nền kinh tế Liên Xô gần như không có cơ hội tự bứt phá hướng tới một cuộc cách mạng công nghiệp. Có lẽ chính thực tế này đã khiến Gorbachëv khó lòng học theo Trung Quốc. Thiếu vắng nguồn đầu tư nước ngoài trực tiếp, Đặng Tiểu Bình chắc chắn đã không thể kiến tạo được cú đại nhảy vọt kinh tế từ giữa những năm 1970. CoCom đã đóng cánh cửa này với Gorbachëv, và thậm chí nếu có cơ hội lựa chọn, ông có lẽ cũng sẽ gạt bỏ đường lối phát triển này.

Nhưng những thực tế bày ra trước mắt trong suốt chuyến thăm vẫn không đủ để xóa bỏ những thành kiến của Gorbachëv về bản chất những thành quả kinh tế của Trung Quốc. Sau khi đã tham quan bên trong các doanh nghiệp công nghiệp phát đạt này, Gorbachëv vẫn coi đó chỉ là những vỏ bọc thành công giả dối dùng để dụ dỗ các quan khách ngoại quốc cả tin. Ông đã không thay đổi ý kiến trong suốt thời gian nắm quyền. Trong cuộc trò chuyện sau này với Ngoại trưởng Mỹ bấy giờ là James Bakers vào tháng 5/1989, Gorbachëv từng khẳng định năng lực công nghệ và khoa học của Trung Quốc đã kịch trần và sẽ không thể phát triển thêm được nữa.

Đánh giá sơ bộ sai lầm này xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân. Gorbachëv đã mặc nhiên cho rằng quá trình hiện đại hóa của Liên Xô và tất cả các nước khác đều phải đi kèm tiến trình dân chủ hóa. Ông lên nắm quyền với tư tưởng này trong đầu và chưa bao giờ hoài nghi về nó, và cũng chưa từng có nhà lãnh đạo nào khác ngoại trừ Đặng Tiểu Bình và Tổng bí thư Đông Đức Erich Honecker nghi ngờ quan niệm này. Gorbachëv chỉ đơn giản tin rằng thời gian và đạo lý đứng về phía phong trào của học sinh – sinh viên Trung Quốc, và chắc chắn Đặng Tiểu Bình sẽ gặp khó khăn nếu cố tình níu giữ chế độ chuyên quyền chính trị ở Bắc Kinh. Gorbachëv cảm thông với các sinh viên biểu tình khi thấy họ giơ cao biểu ngữ yêu cầu chính quyền thực hiện cải cách giống như cuộc cải tổ (perestroika) mà ông triển khai ở Liên Xô; nhưng vì các điều kiện viếng thăm của nước chủ nhà áp đặt trước đó mà ông không thể trò chuyện với họ.

Căng thẳng giữa đoàn biểu tình và chính quyền leo thang sau khi vị lãnh đạo Liên Xô về nước. Sự hiện diện của Gorbachëv ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã góp phần kích động các sinh viên trở nên mạnh bạo hơn. Họ giơ cao những băng rôn, áp phích ca ngợi tinh thần ủng hộ quá trình dân chủ hóa của Gorbachëv. Và những biểu ngữ này tiếp tục xuất hiện trên đường phố Bắc Kinh những ngày sau đó. Quyền lực nhà nước bị thách thức trực tiếp. Giới lãnh đạo Trung Quốc chia rẽ trong cách xử trí tình huống. Trong cuộc tranh cãi sau đó, Đặng Tiểu Bình và Lý Bằng đã thanh trừng những quan chức ủng hộ việc nhân nhượng với phong trào sinh viên, trong đó điển hình là Triệu Tử Dương. Vào ngày 3 và 4/6, chính quyền đã bắt đầu thực hiện hàng loạt biện pháp đàn áp. Xe tăng tiến vào quảng trường Thiên An Môn và binh sỹ xả súng vào đoàn người biểu tình. Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến hành cuộc cải cách kinh tế của mình mà không thừa nhận các quyền chính trị và dân sự, và Đặng Tiểu Bình cũng không ngại sử dụng các biện pháp bạo lực khi cần.

Cuộc thảm sát diễn ra ngay giữa Bắc Kinh khiến lãnh đạo Moskva và Washington bàng hoàng. Đại hội Đại biểu Nhân dân Liên Xô (Congress of People’s Deputies) đã kêu gọi sử dụng biện pháp hòa bình để giải quyết căng thẳng. Nhưng Gorbachëv đã phát biểu với Hội đồng Tham vấn Chính trị của Khối Hiệp ước Vác-sa-va rằng ông quyết tâm kiềm chế không can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Đây là chủ trương chung của ông đối với các vấn đề thế giới. Ưu tiên của lãnh đạo Liên Xô lúc này là hoàn tất quá trình cải cách đất nước song song với mục tiêu cải thiện quan hệ với Mỹ.

Tất nhiên so với Liên Xô, Mỹ có lợi ích sâu xa hơn trong công cuộc chuyển đổi nội bộ của Trung Quốc. Thiếu đi những khoản đầu tư và viện trợ quân sự của nước này, Đặng Tiểu Bình chắc chắn khó có thể tạo dựng được những tiến bộ kinh tế như vậy. Câu hỏi đặt ra cho chính quyền Mỹ khi đó là dùng nước đi nào để vừa xoa dịu tình hình ở Bắc Kinh, vừa bảo toàn được lợi ích quốc gia của Mỹ. Phản ứng đầu tiên của Baker là muốn hành xử một cách cẩn trọng, không vội vàng bất kể những công phẫn lên cao sau vụ thảm sát Thiên An Môn. Ông cảnh báo với Tổng thống Bush khả năng Gorbachëv sẽ nhân tình hình này để củng cố quan hệ với Trung Quốc. Baker tìm cách ngăn Moskva lợi dụng bất cứ chia rẽ nào giữa Washington và Bắc Kinh.

Tuy nhiên, nhìn chung ý kiến chủ đạo trong chính quyền Bush thời điểm đó là Mỹ phải thể hiện thái độ bất bình về vụ thảm sát. Ngay ngày 5/6, Bush đã cho ngưng các thương vụ mua bán vũ khí giữa Trung Quốc với các công ty Mỹ trị giá lên đến 600 triệu đô-la. Khi ra quyết định này, ông có chút tiếc nuối: “Trong tương lai chúng ta chia sẻ nhiều lợi ích khổng lồ với Trung Quốc, nhưng tất cả sẽ không còn như trước dưới một chế độ áp bức và tàn bạo như vậy.” Trước đó vài tuần, Bush đã chịu áp lực chỉ trích từ phía Nghị sĩ Goldwater sau khi phê duyệt thương vụ bán máy bay chiến đấu cho Bắc Kinh, bởi Goldwater lo ngại chính quyền đại lục sẽ dùng chúng chống lại Đài Loan. Bể máu Thiên An Môn buộc chính phủ Mỹ phải cân nhắc ý kiến của ông.

Gorbachëv nhận thấy đây là thời cơ để ông ít nhất có thể tạo chút tiến triển với Trung Quốc. Hai bên đã gặp gỡ vào tháng 11/1989 để thảo luận việc cắt giảm lực lượng gần biên giới hai nước và thúc đẩy sự tin cậy lẫn nhau. Các cuộc họp được tiến hành ở cả Moskva và Bắc Kinh và kéo dài sang năm tiếp theo. Triển vọng bình thường hóa quan hệ đã dần trở thành hiện thực ở cấp nhà nước. Các cải cách kinh tế của Trung Quốc bị đình trệ khi Đặng Tiểu Bình tiếp tục tập trung vào công cuộc đàn áp và tái ổn định trật tự chính trị. Ông thậm chí còn cho rằng để chắc chắn cần phải cách chức một số nhân vật hàng đầu ủng hộ chính sách kinh tế thị trường.

Quyết định này có lẽ càng củng cố thêm niềm tin của Gorbachëv rằng đường lối của Đặng là không thực sự ưu việt. Gorbachëv khi gặp Giulio Andreotti (Thủ tướng Italia – NBT) vào tháng 7/1990 đã khẳng định với ông rằng nền kinh tế cải cách của Trung Quốc đang thoi thóp trước những đối thủ của nó. Vị lãnh đạo Liên Xô đã lầm tưởng rằng sự gián đoạn tạm thời này nghĩa là công cuộc cải tổ của Trung Quốc đã bị triệt tiêu vĩnh viễn, đồng thời Gorbachëv cũng đã bỏ qua thực tế là còn rất nhiều thay đổi lớn vẫn diễn ra. Dù chấp nhận cải thiện quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh, ông tiếp tục coi nhẹ những thành quả của Trung Quốc và cường điệu quá mức tiềm năng công – nông nghiệp của Moskva dưới các chính sách mà ông hậu thuẫn./.

Hình: Gorbachev gặp Đặng Tiểu Bình. Nguồn: Gettyimages.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]