01/01/1959: Cách mạng Cuba thành công

Print Friendly, PDF & Email

CheLaCoubreMarch

Nguồn:Cuban dictator Batista falls from power,” History.com (truy cập ngày 31/12/2015).

Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1959, khi phải đối mặt với cuộc cách mạng được lòng dân đứng đầu là Phong trào 26 tháng 7 của Fidel Castro, nhà độc tài Cuba Fulgencio Batista đã phải trốn chạy khỏi đảo quốc này. Trong khi những màn ăn mừng và hỗn loạn xen kẽ nổ ra trên khắp thủ đô Havana, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã tranh luận về cách đối phó tốt nhất với một Castro cấp tiến và thái độ chống Mỹ đáng lo ngại ở Cuba.

Chính phủ Mỹ đã hỗ trợ cho chế độ Batista thân Mỹ kể từ khi chế độ này lên nắm quyền năm 1952. Sau khi Fidel Castro cùng một nhóm người ủng hộ, trong đó có cả nhà cách mạng chuyên nghiệp Che Guevara, xâm nhập vào Cuba để lật đổ Batista tháng 12 năm 1956, Mỹ vẫn tiếp tục ủng hộ Batista. Nghi ngờ về cái mà họ tin là ý thức hệ cánh tả của Castro và lo ngại rằng những mục tiêu cuối cùng của ông có thể bao gồm cả việc tấn công các khoản đầu tư và tài sản của Mỹ ở Cuba, đa số quan chức Mỹ đều nhất trí phản đối phong trào cách mạng của Castro.

Tuy nhiên, sự ủng hộ của dân chúng Cuba dành cho cuộc cách mạng của Fidel Castro đã lan rộng và phát triển trong cuối những năm 1950, một phần do sự cuốn hút và tinh thần dân tộc chủ nghĩa của cá nhân ông, nhưng cũng do tình trạng tham nhũng tràn lan, tàn bạo, và kém hiệu quả ngày càng tràn lan trong chính quyền Batista. Thực tế này buộc các nhà hoạch định chính sách Mỹ dần dần rút sự hỗ trợ dành cho Batista và bắt đầu tìm một người thay thế cho cả nhà độc tài và Castro ở Cuba.

Những nỗ lực của Mỹ trong việc tìm kiếm một “trung lộ” giữa Batista và Castro cuối cùng đã thất bại. Ngày mùng 1 tháng 1 năm 1959, Batista và một số người ủng hộ ông trốn chạy khỏi Cuba. Hàng chục ngàn người Cuba (và hàng ngàn người Mỹ gốc Cuba tại Hoa Kỳ) đã hân hoan ăn mừng cái kết của chế độ độc tài. Những người ủng hộ Castro nhanh chóng thiết lập chính quyền của họ. Thẩm phán Manuel Urrutia được chỉ định làm chủ tịch lâm thời. Castro và nhóm chiến binh du kích của ông thắng lợi tiến vào Havana vào ngày mùng 7 tháng 1.

Trong những năm sau đó, thái độ của Mỹ đối với chính quyền cách mạng mới chuyển từ đáng ngờ một cách dè dặt sang hết sức thù địch. Khi chính phủ Castro hướng tới một mối quan hệ gần gũi hơn với Liên Xô, và Castro tuyên bố mình là người theo chủ nghĩa Marx-Lenin, quan hệ giữa Mỹ và Cuba rơi vào tình trạng đối địch nhau, và chỉ phần nào xoa dịu trong những thập niên sau đó.

Ảnh: Các nhà lãnh đạo Cách mạng Cuba tháng 3 năm 1960. Từ trái sang phải: Fidel Castro, Osvaldo Dorticós, Che Guevara, Regino Boti, Augusto Martínez, Antonio Núñez. Nguồn: Museo Che Guevara | Wikimedia Commons.