Nghệ thuật “trỗi dậy chi phí thấp” của Mỹ

Print Friendly, PDF & Email

newyork

Tác giả: Lưu Minh Phúc (Trung Quốc) | Biên dịch và chú thích: Nguyễn Hải Hoành

Bài liên quan: Lịch sử phát triển tư duy chiến lược của Mỹ

Sự trỗi dậy của Mỹ có đặc điểm là tốc độ nhanh, chi phí thấp, trả giá nhỏ, nếu so với một số nước lớn trả giá đắt nhưng “trỗi mà không dậy được” thì có thể nói sự trỗi dậy của Mỹ là sự trỗi dậy ít tốn kém nhất.

Hoàn cảnh địa lý được thiên nhiên ưu đãi là một nhân tố quan trọng khiến nước Mỹ có thể trỗi dậy một cách ít tốn kém. Hầu như ai đến Mỹ lần đầu đều cảm thấy choáng ngợp trước điều kiện thiên nhiên của nước này. Nước Mỹ ở giữa hai đại dương lớn nhất thế giới, lãnh thổ rộng hơn 9,3 triệu km2, có những con sông dài dọc ngang đất nước, những cánh rừng um tùm, đồng bằng màu mỡ, đồng cỏ bao la, các hồ nước phân bố khắp nơi, khoáng sản dồi dào, và tài nguyên biển giàu có ẩn giấu trong hai đại dương. Nước Mỹ chiếm hết mọi “địa lợi”. Lê-nin từng nói, nước Mỹ “ở vào địa vị an toàn nhất xét về điều kiện địa lý”.

Trong lịch sử loài người không có bất kỳ nước lớn nào sau khi lập quốc lại có thể bỏ ra chi phí ít như thế vào công việc đảm bảo an ninh quốc gia, hơn nữa trong một thời gian dài như vậy không phải lo ngại về việc an ninh quốc gia bị các thế lực bên ngoài xâm phạm. Kể từ năm 1865, sau khi chấm dứt cuộc chiến tranh Nam Bắc, trên đất liền nước Mỹ chưa hề xảy ra chiến tranh quy mô lớn. Trong 120 năm từ cuộc chiến tranh chống Anh cho tới khi xảy ra vụ Trân Châu Cảng, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Mỹ hầu như chưa bị đe doạ lần nào. Chỉ sau khi xuất hiện các loại vũ khí sát thương quy mô lớn như vũ khí hạt nhân thì khoảng cách an toàn của nước Mỹ mới bị mất đi, các vụ tập kích khủng bố lại làm lung lay phòng tuyến tâm lý “cảng an toàn” của người Mỹ.

Sở dĩ sự trỗi dậy của Mỹ là trỗi dậy ít tốn kém, không những nhờ vào sự ưu việt về hoàn cảnh địa lý mà điều quan trọng hơn là do trong quá trình trỗi dậy, nước Mỹ đã thể hiện một kiểu “trỗi dậy trí tuệ”, “trỗi dậy nghệ thuật”, “trỗi dậy thông minh”. Dĩ nhiên sự trỗi dậy của Mỹ cũng là một kiểu “trỗi dậy ma lanh”, thậm chí trên một số mặt còn là sự trỗi dậy bỉ ổi và tàn nhẫn. Người ta có những ý kiến khác nhau về vấn đề tính nghệ thuật hoặc tính ma lanh của sự trỗi dậy ấy.

Nước Mỹ vừa giỏi “trỗi dậy” lại vừa giỏi “ngăn chặn”

Quá trình nước lớn trỗi dậy hầu như bao giờ cũng là một quá trình ngăn chặn và vượt qua ngăn chặn. Trong lịch sử thế giới cận đại, trong cuộc giành giật quốc gia quán quân, có 3 thí dụ thành công điển hình có thể vượt qua sự ngăn chặn của quốc gia quán quân già cỗi mà trỗi dậy trở thành quốc gia quán quân mới như sau: một là Hà Lan vượt qua sự ngăn chặn của Tây Ban Nha để xây dựng đế quốc thương mại; hai là Anh Quốc vượt qua sự ngăn chặn của các quốc gia đại lục châu Âu (gồm Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha) để xây dựng đế quốc công nghiệp; ba là Mỹ vượt qua sự ngăn chặn của Anh, trở thành đế quốc mạnh nhất thế giới.

Trong quá trình trỗi dậy của Mỹ, Anh Quốc chưa có được địa vị thế mạnh nổi trội như Mỹ hiện nay. Đầu tiên Anh không thể ngăn trở sự độc lập của nước Mỹ, sau đó không thể chiếm lại Mỹ trong cuộc chiến tranh năm 1812 (vì Anh lo ngại lục địa châu Âu lại nổ ra chiến tranh); tiếp đó, Anh lại không thể làm tan rã nền kinh tế Mỹ sau chiến tranh. Nhưng cũng không thể coi là các cường quốc châu Âu như Anh đã vì thế mà thừa nhận sự trỗi dậy của Mỹ, thực ra họ vẫn chờ dịp áp chế Mỹ. Có thể nói, cuộc đấu tranh ngăn chặn và chống ngăn chặn xuyên suốt trong quá trình nước lớn trỗi dậy, và quá trình trỗi dậy của nước Mỹ là quá trình không ngừng vượt qua sự ngăn chặn của Anh.

Nước Mỹ trỗi dậy trong sự ngăn chặn đã thể hiện đầy đủ “trí tuệ kiểu Mỹ”, “khôn ngoan kiểu Mỹ”, “xảo quyệt kiểu Mỹ” và “bỉ ổi kiểu Mỹ”. Từ ngày có tình trạng cạnh tranh quốc gia trên phạm vi thế giới, Mỹ là nước trả giá ít nhất – cái giá phải trả cho sự trỗi dậy (cuộc chiến giành giật bá quyền) thấp nhất, cái giá dùng để giữ gìn bá quyền (cuộc chiến bảo vệ bá quyền) cũng là nhỏ nhất. Xét về nội dung trực tiếp thể hiện, hai cuộc Thế chiến là sự tranh giành giữa Anh, một quốc gia bá quyền thế giới già nua, với nước Đức, kẻ thách thức mới; nhưng nếu xét về giá trị và ý nghĩa của kết cục cuối cùng thì hai cuộc Thế chiến đó đã thực hiện sự thay đổi bá quyền giữa Mỹ với Anh, nước Mỹ nghiễm nhiên có thể không tranh giành mà lại được hưởng, hoặc nói đấu tranh ít mà thu lợi lớn. Đó là một nghệ thuật cạnh tranh cao siêu nhường nào! Trong thời gian 1898 – 1920 Mỹ chẳng những giành được quyền chủ đạo khu vực châu Mỹ mà còn thực hiện được sự hoà giải có tính lịch sử với quốc gia bá quyền Anh Quốc, rốt cuộc quốc gia bá quyền hiện thực kết đồng minh với quốc gia bá quyền tương lai. Sau đại chiến thế giới lần II Mỹ tiến lên vị trí quốc gia bá quyền rồi lại tiến hành cuộc chiến bảo vệ bá quyền kéo dài nửa thế kỷ với Liên Xô. Đối với Mỹ, thực chất của cuộc Chiến tranh Lạnh là một cuộc chiến bảo vệ bá quyền. Tôn Tử nói “Bất chiến nhi khuất nhân chi binh”; nước Mỹ nghiễm nhiên có thể “bất chiến nhi khuất nhân chi quốc”, một nước dùng Chiến tranh Lạnh để “khuất nhân”, làm nên kỳ tích cạnh tranh chiến lược nước lớn trong lịch sử thế giới cận đại.

Nước Mỹ có hai thành công chiến lược: một là thành công trong việc trỗi dậy; hai là thành công trong việc ngăn chặn hữu hiệu nước lớn trỗi dậy thách thức địa vị bá quyền của mình (tức ngăn chặn được Liên Xô). Mỹ là quốc gia vừa giỏi trỗi dậy lại vừa giỏi ngăn chặn, xứng đáng là tấm gương trên cả hai mặt “thực hiện nước lớn trỗi dậy” và “ngăn chặn nước lớn trỗi dậy”. Việc nghiên cứu kinh nghiệm của Mỹ trỗi dậy dưới cường quyền hay là tìm hiểu biện pháp Mỹ từng dùng cường quyền để áp chế sự trỗi dậy đều có ý nghĩa đối với việc suy nghĩ về nghệ thuật trỗi dậy của Trung Quốc. Trung Quốc cần tham khảo trí tuệ và nghệ thuật “trỗi dậy kiểu Mỹ”, ngăn cản sự xảo quyệt, bỉ ổi và tàn khốc của trỗi dậy kiểu Mỹ, tạo dựng một mô hình mới nước lớn trỗi dậy văn minh nhất thế giới – về tính chất trỗi dậy là sự “trỗi dậy phi bá quyền”, về đạo đức trỗi dậy là sự trỗi dậy cao thượng, trên con đường trỗi dậy là “trỗi dậy hoà bình”, trên mặt trí tuệ trỗi dậy là “trỗi dậy một cách nghệ thuật”.

Hạ thấp chi phí: không tự làm khổ mình

Nước lớn trỗi dậy cần có tài nguyên chiến lược, nhưng một nước dù lớn đến đâu đi nữa thì tài nguyên chiến lược nó có thể sử dụng cũng là hữu hạn. Tiêu hao lớn nhất về tài nguyên chiến lược của một quốc gia là tiêu hao “nội đấu” và tiêu hao “ngoại tranh”. Nhưng chính trên cả hai mặt “nội đấu” và “ngoại tranh”, nước Mỹ đều có thể hạ thấp một cách hữu hiệu sự tiêu hao tài nguyên. Tuyệt chiêu tiết kiệm tài nguyên chiến lược của Mỹ là “không tự hành hạ mình” trên quốc tế cũng như trong nội bộ nước mình.

Tocqueville từng nói: “Hơn 60 năm qua ….. tất cả các nước châu Âu nếu không bị chiến tranh phá hoại thì cũng bị các tranh chấp nội bộ làm cho suy tàn. Trong toàn bộ nền văn minh thế giới chỉ có nhân dân Mỹ được bình yên vô sự. Hầu như toàn bộ châu Âu đều bị các cuộc cách mạng làm cho trời long đất lở, nhưng nước Mỹ thì lại chẳng xảy ra sự rối loạn như vậy.”

Warren Cohen cũng từng nói: “Tại các nước khác, ít nhất là ở nhiều quốc gia trong đó, các biến đổi chính trị gây ra xung đột giai cấp và sự đối kháng về phân phối kinh tế, gây ra sự mất ổn định mà người Mỹ cho là phi cộng hoà chủ nghĩa. Tình hình quan hệ căng thẳng ấy cũng tồn tại ở nước Mỹ, nhưng nói chung đều được thuyên giảm tương đối. Người Mỹ không thể hiểu nổi sự tương phản ấy, tức 3-4 quốc gia như nước Pháp đấu đá với nhau liên hồi kỳ trận mà riêng một nước Mỹ thì lại hộc tốc đi về tương lai.”

So với các nước lớn khác, quá trình trỗi dậy của Mỹ có thời gian trạng thái chiến tranh ngắn nhất, thời gian xây dựng hoà bình lâu nhất; điều này tương phản rõ rệt với Anh Quốc. Trong 75 năm thời gian 1688 – 1763, Đại Anh đế quốc hầu như có một nửa thời gian đánh nhau. Trong quá trình trỗi dậy, nước Mỹ giành được môi trường phát triển hoà bình lâu dài. Sở dĩ được như vậy, một mặt do nước Mỹ có hoàn cảnh địa lý độc đáo, khiến họ có được sự bảo đảm an toàn thiên nhiên ưu đãi; mặt khác là do từ sau ngày lập quốc, nước Mỹ thi hành chính sách ngoại giao theo chủ nghĩa biệt lập, không “can dự” các công việc của châu Âu. Nhờ thế khi nội bộ các nước lớn châu Âu xảy ra đấu tranh giai cấp long trời lở đất, khi giữa các cường quốc châu Âu xảy ra những cuộc tranh giành đẫm máu thì nước Mỹ lại có thể tập trung công sức tiến về tương lai. Sự tương phản ấy giữa Mỹ với châu Âu đã dự báo châu Âu suy tàn và nước Mỹ trỗi dậy. Qua đấy có thể thấy kiên trì không tự hành hạ mình, hạ thấp sự trả giá vì các biến đổi trong nước và hạ thấp chi phí cạnh tranh quốc tế là một nguyên nhân quan trọng khiến nước Mỹ có thể trỗi dậy với chi phí nhỏ.

Trai cò giữ nhau: ngư ông được lợi

Con đường trỗi dậy của nước Mỹ được xây dựng trên đống tro tàn do các nước lớn khác cạnh tranh chém giết lẫn nhau để lại. Con đường nước Mỹ trỗi dậy đi lên bá quyền thế giới là con đường trỗi dậy có chi phí rất thấp đối với nước Mỹ, song xét về mặt những tổn thất mà thế giới phải gánh chịu, xét về chi phí thế giới phải bỏ ra vì chuyện ấy, thì sự trỗi dậy của nước Mỹ lại là sự trỗi dậy đắt giá nhất. Trong quá trình đó, nước cờ cạnh tranh của Mỹ vừa dữ dội, vừa gây tổn thất, vừa nham hiểm lại vừa độc ác, vừa quỷ quyệt.

Ngay từ năm 1941, khi Hitler tấn công Liên Xô, Tổng thống Truman ngày ấy còn là thượng nghị sĩ bang Missouri đã nói, nước Mỹ nên áp dụng chính sách đứng giữa Liên Xô và Đức, đó là “Nếu thấy Đức đang thắng trong cuộc chiến này thì ta nên ủng hộ Nga; khi Nga giành được thắng lợi thì ta nên giúp Đức; dùng phương pháp này ta có thể để họ tàn sát lẫn nhau hết mức.”

Các nhà chính trị Mỹ khi tổng kết quyền thuật của Mỹ từng nói: Mỹ là cầu thủ dự bị trên sân thi đấu bóng bầu dục chính trị thế giới, bao giờ cũng ngồi trên hàng ghế dự bị, chờ cho tới khi hai bên thi đấu mệt bã người thì mới vào sân thu dọn tàn cục. Trong hai cuộc Thế chiến, nước Mỹ đều vào cuộc sau cùng. Kẻ cuối cùng nhập cuộc chỉ có cống hiến ở chỗ là cọng rơm cuối cùng làm lưng con lạc đà khuỵu xuống nhưng lại thu được chiến lợi phẩm là cả con lạc đà.[1]

Nếu xét về kết quả cuối cùng và ý nghĩa lâu dài thì hai cuộc Thế chiến trong thế kỷ 20 thực ra chỉ phục vụ nước Mỹ mà thôi. Nhìn bề ngoài, hai cuộc đại chiến thế giới ấy là hai lần nước Đức thách thức địa vị bá chủ thế giới, là hai lần nước Anh tiến hành cuộc chiến bảo vệ địa vị bá chủ của mình. Trên thực tế, đó là sự chuyển đổi Mỹ thay thế địa vị của Anh. Thắng lợi của hai cuộc đại chiến ấy là thắng lợi của Anh Quốc, song đó là thắng lợi của kẻ suy tàn, là thắng lợi đổi lấy bằng hậu quả tăng tốc sự suy tàn của mình, là thắng lợi bi thảm. Trong chiến tranh, Anh đã thắng nước Đức, nhưng trên địa vị quốc gia thì Anh lại là kẻ thua trận, thua Mỹ. Kẻ thực sự thắng trong hai cuộc đại chiến thế giới là nước Mỹ, chính là nước Anh đã dốc toàn lực ra vì Mỹ mà đánh bại Đức; cũng chính là nước Đức đã vì Mỹ mà đánh ngã Anh. Mô hình Mỹ thay thế Anh thật khôn ngoan, xảo quyệt. Anh trả tiền để Mỹ giành được bá quyền thế giới. Nước Anh thắng hai cuộc chiến tranh có tính thế giới nhưng lại mất đi một đế quốc, mất đi địa vị số một thế giới, đưa Mỹ lên ngôi báu bá quyền thế giới. Trai cò giữ nhau, ngư ông được lợi. Mỹ là ngư ông đó.

Trong sự hợp tác và liên minh với Anh, nước Mỹ đã thay thế địa vị của Anh. Cuộc cạnh tranh chiến lược, giao tiếp chiến lược giữa Mỹ và Anh được thực hiện qua sự hợp tác chiến lược và liên minh chiến lược giữa Mỹ với Anh. Đây là sự may mắn chiến lược của Mỹ, là kỳ tích, là đặc sắc chiến lược.

Chuẩn bị chiến tranh:  Chớ có ảo tưởng

Dưới sự chỉ đạo của tư duy chiến lược “Không có kẻ địch và bạn bè vĩnh cửu, chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh cửu”, trong quá trình trỗi dậy nước Mỹ bao giờ cũng chuẩn bị đầy đủ về chiến tranh, kể cả đối với Anh Quốc vốn là đồng minh trong Thế chiến I.

Sau Thế chiến I, Mỹ đứng trước tình hình cạnh tranh bá quyền trên biển với Anh và Nhật. Năm 1919, Hội nghị các tướng lĩnh Mỹ cùng với Bộ Tác chiến hải quân thảo luận về thái độ Anh Quốc có thể áp dụng. Hội nghị cho rằng có tồn tại khả năng Mỹ Anh xung đột với nhau; khi Anh tác chiến với Mỹ thì Nhật sẽ dứt khoát đứng về phía Anh. Tháng 3 năm 1920 Mỹ ấn định hai kế hoạch tác chiến: một “Kế hoạch màu da cam” tác chiến với Nhật trên Thái Bình Dương, là sự sửa đổi lần 2 bản “Kế hoạch da cam” năm 1911, và “Kế hoạch đỏ-da cam” tác chiến với Anh và Nhật trên Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Qua kế hoạch tác chiến của hải quân Mỹ có thể thấy việc có tồn tại đồng minh với Anh hay không chẳng những ảnh hưởng trực tiếp tới sự bố trí chiến lược của Mỹ và sự so sánh lực lượng của Mỹ tại vùng Thái Bình Dương, hơn nữa còn ảnh hưởng tới địa vị chiến lược toàn cầu của Mỹ. Mỹ tất phải chia hạm đội của mình ra sử dụng trên hai đại dương.

Trong báo cáo hàng năm làm trong thời gian 1922 – 1924, Vụ Kế hoạch chiến tranh của Bộ Hải quân Mỹ đều có nhận định như sau: Anh và Nhật vẫn là hai quốc gia có thể tranh giành quyền kiểm soát biển với Mỹ, dẫn đến sự tồn tại điểm đối lập giao chiến giữa Mỹ với hai quốc gia Anh, Nhật hoặc với một quốc gia. Hải quân Mỹ chuẩn bị chiến tranh trước hết với Nhật, thứ hai là với Anh hoặc với sự liên hợp Anh-Nhật.

Xét tình hình quốc tế cuối thập niên 20 – 30 thế kỷ 20, đối tượng tác chiến có khả năng nhất của Mỹ vẫn là Nhật, “chiến tranh màu da cam được coi là cuộc chiến có khả năng xảy ra nhất”, “Da cam” cũng trở thành kế hoạch tác chiến chủ yếu nhất của quân đội Mỹ. Trong hơn 10 năm hoạch định kế hoạch này, tuy có mấy lần sửa chữa song nội dung chính của việc chuẩn bị “đơn độc tiến hành một trận tấn công Nhật trên Thái Bình Dương” thì vẫn không thay đổi.

Cuối thập niên 30 thế kỷ 20, Mỹ mới bắt đầu dần dần thay đổi tư tưởng chiến lược. Tháng 2/1938 Mỹ sửa đổi “Kế hoạch da cam”, ngoài việc giữ tư tưởng cơ bản tác chiến tấn công Nhật trên Thái Bình Dương vốn có, đã sơ bộ đánh giá sự đe doạ của Đức và Ý đến từ bên kia bờ Đại Tây Dương. Tháng 2/1939, Roosevelt đề nghị Quốc Hội tăng cường 16 căn cứ hải quân, trong đó số căn cứ ở vùng Thái Bình Dương thì gấp 3 lần số căn cứ tại vùng Ca-ri-bê. Điều đó phản ánh tư tưởng chiến lược coi Thái Bình Dương là trọng điểm vẫn chưa triệt để thay đổi. Chỉ tới tháng 3/1939, Đức chiếm toàn bộ Tiệp Khắc rồi nêu yêu cầu lãnh thổ với Ba Lan, sau đấy tháng 4/1939 Uỷ ban Liên hợp Lục Hải quân Mỹ mới đề xuất bản báo cáo vạch ra: nếu cả hai đại dương đồng thời có đe doạ thì nên giữ thế thủ trên Thái Bình Dương, giữ đủ số quân đội, lấy Hawaii làm căn cứ địa, bảo vệ “Tam giác chiến lược” (Hawaii – Alaska – Panama). Điều đó có ý nghĩa là tư tưởng cơ bản tấn công Nhật trên Thái Bình Dương đã bị huỷ bỏ, trở thành bước ngoặt chuyển biến tư tưởng chiến lược của quân đội Mỹ.

Trên cơ sở đó, tháng 6/1939 Uỷ ban Liên hợp Lục hải quân Mỹ ấn định một kế hoạch tác chiến mới – “Kế hoạch cầu vồng”, đặt ra 5 tình huống cho cuộc chiến tranh có thể xảy ra trên hai đại dương và ấn định 5 phương án tương ứng. Trong đó, phương án “Cầu vồng số 5” giả thiết Mỹ, Anh, Pháp liên hiệp tác chiến, đồng thời với việc bảo đảm an toàn cho Tây bán cầu, sẽ sớm đưa quân Mỹ tới Đại Tây Dương và xuất quân tại châu Âu và châu Phi để hiệp đồng Anh và Pháp áp dụng chiến lược tấn công Đức và Ý. Trên Đại Tây Dương sẽ giữ thế phòng ngự chiến lược cho tới khi đánh bại các nước khối Trục châu Âu thì mới triển khai phản công chiến lược đánh Nhật trên Thái Bình Dương. “Cầu vồng số 5” gần giống nhất với kế hoạch chiến tranh Mỹ đã thi hành trên thực tế trong Thế chiến II, đánh dấu sự dần dần hình thành tư tưởng chiến lược “Châu Âu trước tiên”. Mãi cho tới tháng 1/1941 khi Bộ Tham mưu liên hợp Anh và Mỹ ấn định kế hoạch “ASC – 1” thì phương châm đại chiến lược “Châu Âu trước tiên” mới được chính thức xác định.

Sự chỉ đạo chiến lược của Mỹ thể hiện trên chiến lược quân sự, tính dự kiến về chiến tranh, tính kiên quyết trong chuẩn bị chiến tranh đều rất mạnh, hơn nữa còn có thể căn cứ theo sự biến đổi tình thế quốc tế mà kịp thời thay đổi đối tượng tác chiến, kịp thời điều chỉnh phương châm chiến lược, qua đó nắm quyền chủ động chiến lược. Thành công của chiến lược quân sự Mỹ đã phát huy tác dụng đặc biệt mang lại sự trỗi dậy thành công của nước Mỹ.

Thao quang dưỡng hối: chậm xuất đầu lộ diện

Trong nghệ thuật trỗi dậy của Mỹ có một điểm là “Thao quang dưỡng hối [giấu mình chờ thời] mang đặc sắc Mỹ”, tức là cho dù hiện nay đã có điều kiện ưu việt để làm lãnh tụ thế giới thì cũng chưa vội xuất đầu lộ diện và đứng mũi chịu sào.

Warren Cohen từng nói: “Lịch sử chuyển biến thế giới thời gian 1913 – 1945 cũng là lịch sử biển đổi vai trò thế giới của nước Mỹ. Châu Âu từng đóng vai trò trung tâm mối quan hệ quốc tế tác động tới các nơi trên toàn cầu, kể cả Mỹ, từ sau Thế chiến I đã đánh mất địa vị bá quyền. Niên đại sau năm 1817 đánh dấu sự trỗi dậy của Mỹ với tư cách là lãnh tụ toàn cầu; cho dù ngay khi không lợi dụng lực lượng quân sự để thực sự phát huy tác dụng lãnh đạo (như thập niên 1920) thì Mỹ cũng cung cấp tài nguyên kinh tế và văn hoá để xác định và duy trì trật tự toàn cầu. Thực sự có một trường hợp ngoại lệ là giữa thập niên 1930, nước Mỹ né tránh quyền lãnh đạo quốc tế hoặc sự hợp tác quốc tế trên các tầng nấc và lùi về chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa đơn phương; nhưng cho dù vào hồi ấy, sử dụng ngôn từ của Joseph Nye thì vẫn có thể thấy rõ sớm muộn thì nước Mỹ đều sẽ phải nhất định lãnh đạo”.

Khi Thế chiến II sắp thắng lợi, “Roosevelt và các đồng sự hy vọng nước Mỹ sẽ trỗi dậy từ trong chiến tranh, tiến tới trở thành quốc gia mạnh nhất thế giới. Khác với Thế chiến I, sau cuộc chiến tranh này họ quyết tâm phải lãnh đạo thế giới. Lần này họ cần lập ra một trật tự thế giới có thể tăng tiến lợi ích của Mỹ, khiến cho nước Mỹ chẳng những có thể tăng được của cải và quyền thế của mình mà còn có thể phổ cập giá trị quan của mình tới bất kỳ xó xỉnh nào trên thế giới. Mỹ không thể một lần nữa lẩn tránh trách nhiệm nước lớn mà nên cung cấp một kiểu quyền lãnh đạo cần thiết cho việc lập nên trật tự kinh tế quốc tế theo chủ nghĩa tự do – lấy cơ sở là tự do thương mại và hối suất tiền tệ ổn định, tạo dựng sự phồn vinh các dân tộc chưa từng thấy. Nước Mỹ ắt phải lãnh đạo thế giới nhằm ngăn chặn sự sống lại của cường quyền Đức – Nhật, ngăn chặn sự trỗi dậy của các cường quyền khác noi gương đế quốc Hitler và Nhật.”

“Thao quang dưỡng hối” mang đặc sắc Mỹ là truyền thống chủ nghĩa biệt lập từng bén rễ sâu ở nước Mỹ. Sức mạnh của truyền thống đó lớn tới mức khi nước Mỹ có đủ lực lượng làm lãnh tụ thế giới, khi một số nhân vật tinh anh Mỹ muốn xuất đầu lộ diện và đứng mũi chịu sào trong cộng đồng xã hội quốc tế, thì họ vẫn gặp trục trặc, trắc trở. “Bi kịch Wilson” xuất hiện sau Thế chiến I là một thí dụ thực tế điển hình.

Sau khi sức mạnh kinh tế Mỹ đứng đầu thế giới, nước Mỹ trải qua nửa thế kỷ mới từ “Thao quang dưỡng hối” đi lên cương vị lãnh tụ thế giới.

Chiến tranh Mỹ – Tây Ban Nha  năm 1898 là một cột mốc quan trọng đánh dấu nước Mỹ từ chủ nghĩa biệt lập chuyển sang nền ngoại giao theo chủ nghĩa thế giới. Năm 1899 Mỹ đề xuất “chính sách mở cửa” đối với Trung Quốc và năm 1904 Roosevelt nêu “suy luận” về chủ nghĩa Monroe là hành động tăng cường sự chuyển biến đó.

Nguyên tắc 14 điểm” về việc xử lý vấn đề hoà bình sau chiến tranh do Wilson đề xuất đầu năm 1918, trên thực tế là một bản kế hoạch tranh bá quyền, cũng là bản kế hoạch nước Mỹ muốn dẫn dắt và lãnh đạo thế giới. Ba điều khoản quan trọng trong đó đều là điều khoản giành giật bá quyền thế giới: một là huỷ bỏ các hiệp ước bí mật, tức là phải ngăn chặn các cường quốc châu Âu bí mật chia chác thế giới sau lưng Mỹ; hai là nhấn mạnh dân tộc tự quyết, tức là muốn làm tan rã hệ thống thực dân cũ của các cường quốc châu Âu; ba là đề nghị xây dựng “Hội Quốc Liên”, đây là ý đồ muốn thao túng hệ thống an ninh quốc tế sau Thế chiến I. Sự phá sản của bàn kế hoạch tranh bá quyền này có nguyên nhân là: nước Mỹ hồi ấy tuy đã là cường quốc quân sự, kinh tế nhưng vẫn còn yếu về chính trị quốc tế và ngoại giao, các nước lớn khác trên thế giới chưa sẵn sàng chấp nhận Mỹ lãnh đạo và chủ đạo các công việc thế giới, mặt khác cũng do ý tưởng Mỹ lãnh đạo thế giới còn chưa trở thành dòng chính trong dư luận nội bộ nước Mỹ. Bởi vậy, tuy Wilson đã “thắng chiến tranh” nhưng lại để “mất hoà bình”, tuy đã thiết kế được bản vẽ thế giới tươi đẹp nhưng lại không thể nào thi công.

Sau Thế chiến II, Roosevelt qua việc xây dựng liên minh chống phát xít đã xây dựng thành công cơ cấu an ninh quốc tế mà Wilson chưa xây dựng được – Liên Hợp Quốc, và thông qua nguyên tắc “5 nước lớn nhất trí” và “Quyền phủ quyết của nước lớn” hình thành từ đó, đã đảm bảo được địa vị chủ đạo của Mỹ tại Liên Hợp Quốc. Trong Thế chiến II, các ngành kinh tế Mỹ nhất là công nghiệp quân sự đều phát triển nhanh. Tới năm 1945, thu nhập quốc dân của Mỹ tăng hơn gấp đôi năm 1939, tổng trọng tải của đội tàu buôn lên tới 57 triệu tấn, chiếm 2/3 đội tàu buôn toàn thế giới, lượng vàng và kim loại quý Mỹ sở hữu cũng chiếm 59% toàn thế giới, đồng dollar Mỹ trở thành đồng tiền mạnh thực sự duy nhất trên thế giới hồi ấy. Trong thương mại quốc tế Mỹ cũng chiếm địa vị lũng đoạn. Sức mạnh quân sự Mỹ chẳng những thâm nhập khắp đại lục châu Âu mà còn chiếm cứ nhiều địa điểm chiến lược quan trọng tại các vùng khác trên thế giới. Sự độc quyền vũ khí hạt nhân càng làm cho Mỹ trở thành cường quốc quân sự có sức răn đe nhất.

Sức mạnh quân sự, kinh tế, chính trị của Mỹ sau chiến tranh tạo điều kiện để Mỹ trở thành vai chính trên sân khấu chính trị thế giới và khoả lấp các khoảng trống do các nước châu Âu để lại. Thế nhưng có sức mạnh lãnh đạo thế giới còn cần có quyết sách chiến lược và dã tâm lãnh đạo thế giới – điều đó phụ thuộc vào việc nước Mỹ có thoát ra khỏi chính sách “chủ nghĩa biệt lập” hay không.

Xét thấy “chủ nghĩa quốc tế” của Wilson sau Thế chiến I từng bị thất bại, để tránh dẫm lên vết xe đổ cũ, chính phủ Roosevelt trong thời gian chiến tranh đã bắt tay chuẩn bị về chính sách và dư luận. Sau vụ Trân Châu Cảng, chính phủ Mỹ thành lập Uỷ ban Tư vấn chính sách đối ngoại sau chiến tranh, do Bộ trưởng Ngoại giao Cordell Hull và Thứ trưởng Ngoại giao Sumner Welles làm chánh, phó chủ tịch, nhằm ấn định chính sách bố trí trật tự thế giới sau chiến tranh. Tại hội nghị ba người đứng đầu (Mỹ, Anh, Liên Xô) họp trong thời gian chiến tranh, Roosevelt đã chuyển hoá các chính sách đó thành sự thu xếp cụ thể sau chiến tranh, cố gắng biến đồng minh thời chiến thành cơ chế hợp tác thu xếp thế giới sau chiến tranh do Mỹ chủ đạo. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hull và những người khác đã cố gắng làm cho công chúng Mỹ tin rằng việc tham gia thu xếp trật tự kinh tế quốc tế sau chiến tranh và khôi phục cơ chế buôn bán tự do nhiều bên là điều không thể thiếu đối với sự duy trì phồn vinh kinh tế Mỹ sau chiến tranh. Bộ trưởng Tài chính Henry Morgenthau đề xuất với Thượng viện là Mỹ cần xây dựng một hệ thống thế giới sao cho “các doanh nhân có thể tiến hành buôn bán quốc tế và đầu tư quốc tế theo nguyên tắc thương mại”.

Khi chiến tranh chấm dứt, ở Mỹ vẫn có những người chủ trương không nên can thiệp vào công việc của châu Âu. Đúng là chính phủ Mỹ từng có một thời gian định thu hẹp lực lượng Mỹ tại châu Âu, song tình hình suy yếu của các quốc gia Tây Âu đã khiến cho các nhà quyết sách Mỹ đi tới nhận định: hoặc là mặc kệ Tây Âu xảy ra các rối loạn chính trị, kinh tế nghiêm trọng, qua đó đe doạ hệ thống chủ nghĩa tư bản thế giới, hoặc là xuất đầu lộ diện tiến hành can thiệp với quy mô lớn. Sức mạnh của Mỹ và lợi ích chiến lược toàn cầu của Mỹ đã làm cho nước này lựa chọn can thiệp. Vì thế mà có “Hiệp định tài chính Anh Mỹ” tháng 12/1945 và các biện pháp khác viện trợ châu Âu.

Lưu Minh Phúc là Đại tá, Giáo sư trường Đại học Quốc phòng Trung Quốc.

Nguồn:  Trích dịch từ 《中国梦》, 作者: 刘明, 出版社: 中国友谊出版公司

———————

[1] Là cọng rơm cuối cùng làm gãy lưng con lạc đà nhưng lại thu được chiến lợi phẩm là cả con lạc đà: câu này có nguồn gốc từ ngạn ngữ “The last straw on the camel’s back”, nghĩa là cọng rơm cuối cùng chất lên lưng lạc đà làm nó khuỵu xuống vì không chịu nổi sức nặng. Đống rơm quá nặng làm nó gãy lưng tất nhiên phải có cọng rơm cuối cùng gây ra tình trạng đó (tương tự: giọt nước tràn ly). Lưu Minh Phúc ví công lao của Mỹ đối với hai cuộc Thế chiến chẳng là bao mà chiến quả Mỹ thu được lại quá lớn. Người dịch cho rằng nước Mỹ có công lớn trong hai cuộc Thế chiến, nhất là Thế chiến II, đặc biệt trên mặt trận Thái Bình Dương.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]