Nước mới công nghiệp hóa (NICs)

Print Friendly, PDF & Email

hong-kong-harbor

Tác giả: Nguyễn Thị Tố Nga

Các nước mới công nghiệp hóa (Newly Industrialized Countries – NICs), hay các nền kinh tế mới công nghiệp hóa (Newly Industrialized Economies – NIEs) là một thuật ngữ để chỉ một nhóm các quốc gia thông qua quá trình công nghiệp hóa đã có sự phát triển vượt trội về kinh tế, từ địa vị một nước đang phát triển dần tiệm cận mức độ phát triển của các nền kinh tế tiên tiến. Một số tài liệu ở Việt Nam còn gọi các nước này là “các nước công nghiệp mới”.

Thuật ngữ “các nước mới công nghiệp hóa” được bắt đầu sử dụng phổ biến từ những năm 1970. Có nhiều ý kiến khác nhau về thành phần của nhóm nước này, song đều thống nhất cho rằng nhóm bốn nước và vùng lãnh thổ Đông Á gồm Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông và Singapore là những nước mới công nghiệp hóa. Bốn nước và vùng lãnh thổ Đông Á này còn được biết đến với tên gọi “Những con hổ châu Á” (Asian Tigers).

Trong số bốn con hổ châu Á này, Hồng Kông là một trường hợp đặc biệt. Thứ nhất, Hồng Kông là một vùng lãnh thổ, không phải là một nước. (Đài Loan, chủ yếu vì lý do chính trị, cũng thường được coi là một vùng lãnh thổ chứ không phải là một quốc gia, tuy nhiên nhiều người vẫn coi Đài Loan như một quốc gia độc lập trên thực tế, đặc biệt trên phương diện kinh tế). Thứ hai, không giống như ba nước còn lại, Hồng Kông vươn lên thông qua vai trò một trung tâm tài chính và kinh doanh, nơi trung chuyển hàng hóa cho Trung Quốc nói riêng và Đông Á nói chung.

Đối với ba nền kinh tế mới công nghiệp hóa còn lại ở Châu Á, lĩnh vực sản xuất được xem là động lực cho sự phát triển kinh tế nhờ tận dụng được lợi thế so sánh về chi phí đầu vào trong tương quan với các nước công nghiệp phát triển. Có thể kể tên một số ngành công nghiệp sản xuất góp phần vào sự phát triển kinh tế của các nước này như ngành chế tạo và sản xuất ô-tô, sản xuất hàng điện – điện tử tiêu dùng, đóng tàu, công nghiệp sản xuất thép và dệt may. Ngoài ra, chế độ chính trị ổn định và nền kinh tế mở tạo điều kiện cho việc thu hút đầu tư nước ngoài cũng là những nhân tố góp phần vào sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của các nước này.

Cũng có ý kiến cho rằng hai cuộc chiến tranh ở Hàn Quốc và Việt Nam đã có tác động lâu dài đến thành công của nhóm bốn nước và vùng lãnh thổ nói trên. Gói viện trợ trị giá 8 tỷ đô-la Mỹ vào khu vực này trong thời gian từ 1953 đến 1969 đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nhóm bốn nền kinh tế này. Ngoài ra, nhóm này còn được trao các ưu đãi khi thâm nhập thị trường Nhật Bản và Mỹ, nơi mà nhu cầu đối với các mặt hàng tiêu dùng chi phí thấp là rất lớn.

Một số ý kiến khác lại tìm kiếm câu trả lời cho thành công của nhóm nước này ở chiến lược phát triển kinh tế mà chính quyền các nước và vùng lãnh thổ nói trên đã áp dụng.  Có hai chiến lược thường được nhắc đến. Một là chiến lược công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu. Theo đó, chính quyền các nước ra sức thuyết phục các công ty địa phương và các công ty con của các tập đoàn đa quốc gia xây dựng nhà máy và sản xuất phục vụ tiêu dùng nội địa. Mức thuế nhập khẩu cao cũng được áp dụng nhằm bảo vệ các ngành sản xuất nội địa còn non trẻ. Chiến lược thứ hai là phát triển dựa vào xuất khẩu. Theo đó chính quyền các nước sẽ xác định một số ngành công nghiệp mà họ tin rằng có khả năng cạnh tranh thành công trên thị trường thế giới. Các ngành công nghiệp này sau đó sẽ nhận được trợ cấp và các ưu đãi khác của nhà nước.

Một số các nhân tố khác cũng được cho rằng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của nhóm nước và vùng lãnh thổ này là tỷ lệ tiết kiệm cao, mối quan hệ mật thiết giữa chính quyền và giới doanh nhân, cam kết cao với giáo dục, các nhà nước chuyên quyền, và khả năng kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các công đoàn. Thành công của nhóm các nước và vùng lãnh thổ này còn được cho là xuất phát từ việc áp dụng thành công các nguyên tắc của chủ nghĩa tự do kinh tế và học tập thành công mô hình phát triển của Nhật Bản.

Sự lớn mạnh của các nước mới công nghiệp hóa đã thách thức mô hình phụ thuộc (dependency model) của các nước Thế giới thứ ba. Mô hình này giả định có mối quan hệ mật thiết giữa tâm và ngoại vi. Theo đó, các nước thuộc Thế giới thứ ba (ngoại vi) cung cấp nguyên vật liệu và các sản phẩm thô sơ cho các nước phát triển (tâm), trong khi các nước phát triển (tâm) cung cấp vốn, công nghệ, và các sản phẩm có giá trị gia tăng cho các nước ngoại vi với các mức giá cao hơn nhiều lần, đồng thời thu lại lợi nhuận và lợi tức từ quá trình này. Kết quả của mối quan hệ phụ thuộc này là các nước thuộc Thế giới thứ ba không thể thoát nghèo. Tuy nhiên, các nước mới công nghiệp hóa ở Châu Á đã cho thấy rằng các quốc gia ở vùng ngoại vi hoàn toàn có thể phá bỏ được mối quan hệ phụ thuộc trên.

Thành công của các nước mới công nghiệp hóa cũng gây ra những phản ứng từ những nước công nghiệp phát triển, thể hiện ở sự gia tăng các biện pháp bảo hộ mậu dịch với lý do các mặt hàng nhập khẩu “giá rẻ” đang tấn công thị trường nội địa của họ. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, nhiều nước mới công nghiệp hóa không nên tiếp tục được đối xử như những nước đang phát triển.

Bốn con hổ Châu Á được xem là những nước mới công nghiệp hóa thuộc thế hệ thứ nhất. Các nước và vùng lãnh thổ này ngày nay đều được xếp vào nhóm các nước có thu nhập bình quân đầu người cao. Hàn Quốc hiện đã là thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Hiện nhiều ý kiến cho rằng các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Brazil, Mexico và Trung Quốc cũng có thể được coi là các nước mới công nghiệp hóa.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).