Quốc hữu hóa (Nationalization)

Print Friendly, PDF & Email

chav

Tác giả: Nguyễn Thị Tố Nga

Quốc hữu hóa là việc chuyển quyền sở hữu tài sản của một hoặc một số cá nhân hoặc một hoặc một số tổ chức thành tài sản công (tài sản thuộc quyền sở hữu của quốc gia). Cá nhân và tổ chức có tài sản bị quốc hữu hóa có thể là công dân hoặc pháp nhân của nước thực hiện việc quốc hữu hóa hoặc có thể là công dân hoặc pháp nhân của một nước khác.

Quốc hữu hóa được luật pháp quốc tế thừa nhận là hành động bảo vệ chủ quyền xác đáng và phù hợp với điều kiện việc bồi thường cho chủ sở hữu cũ được tiến hành một cách công bằng và nhanh chóng. Trong trường hợp nước tiến hành quốc hữu hóa không thực hiện việc bồi thường hoặc việc bồi thường không đáp ứng được các điều kiện trên, hành động quốc hữu hóa lúc đó được hiểu là tịch thu hoặc sung công.

Quốc hữu hóa không nhất định gắn với cam kết về chủ nghĩa xã hội/ chủ nghĩa cộng sản và sở hữu tập thể, mặc dù có những trường hợp đây được xem là việc hiện thực hóa lý thuyết về một nhà nước xã hội chủ nghĩa, ví dụ như trường hợp của Nga sau Cách mạng tháng Mười năm 1917, Cuba sau Cách mạng năm 1959 và Việt Nam sau năm 1975. Thay vào đó, quốc hữu hóa thường được coi như một biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc, mà ở đó các quốc gia muốn hạn chế và kiểm soát quyền lợi của các cá nhân, tổ chức và/hoặc chính quyền nước ngoài.

Việc quốc hữu hóa hoặc đe dọa quốc hữu hóa được một số nước xem là cách kiểm soát có hiệu quả hoạt động của của các công ty đa quốc gia. Một số ví dụ điển hình liên quan đến quốc hữu hóa gồm sự kiện Mexico quốc hữu hóa ngành công nghiệp dầu mỏ vốn đa phần nằm trong tay các công ty Mỹ năm 1938, Iran quốc hữu hóa các tài sản của Anh năm 1951, Ai Cập quốc hữu hóa kênh đào Suez năm 1956, và gần đây nhất là một loạt các sự kiện liên quan đến quốc hữu hóa diễn ra tại Venezuela dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Hugo Chavez. Một số nhà kinh tế học cũng cho rằng việc Mỹ trong cuộc Khủng hoảng tài chính năm 2008 gần đây đặt các công ty như Fannie Mae, Freddie Mac, Citigroup, General Motors dưới sự giám sát của chính phủ là một biểu hiện của quốc hữu hóa một phần, một hình thức kiểm soát mang tính tạm thời và có phần lỏng lẻo hơn quốc hữu hóa.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]