Một trật tự thế giới mới về dầu lửa

Print Friendly, PDF & Email

dau

Nguồn: Jean-Michel Bezat, “Le nouvel ordre pétrolier mondial“, Le Monde, 31/01/2016.

Biên dịch: Hương Trà

Trong chưa đầy 2 năm, một trật tự thế giới mới về dầu lửa đã được thiết lập, áp đặt luật chơi thuần túy về cung-cầu thay cho hệ thống lâu nay vốn bị Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) chi phối. Tuy nhiên, chỉ có một điều dường như chắc chắn: nhiều cú sốc mới về dầu hỏa vẫn đang ở phía trước.

Các nước sản xuất dầu lửa lớn như Ả-rập Xê-út và Nga đang lao vào cuộc chiến dữ dội để giành thị phần bằng việc giảm giá dầu. Nước Mỹ, sau 40 năm vắng bóng, đã trở lại là một nhân tố chủ chốt trong lĩnh vực năng lượng. Các tiểu vương quốc xuất khẩu dầu lửa ở Vùng Vịnh vẫn sống “ổn” nhờ kho dự trữ ngoại tệ dồi dào, trong khi các nước xuất khẩu dầu lửa đông dân (Nigeria, Algeria, Venezuela, Iran, Iraq…) đang phải vật lộn và thắt chặt ngân sách. Tuy nhiên, thế giới dầu lửa mới này đang có 6 câu hỏi cốt yếu.

1. Mỹ sẽ là một nhân tố chính yếu?

Điều này là không mấy nghi ngờ, ít nhất trong những năm tới. Cuối năm 2014, Chính quyền Mỹ đã ước tính họ có trữ lượng dầu mỏ tới 39,9 tỷ thùng (con số này của Ả-rập Xê-út là 265 tỷ thùng). Chính Mỹ là nguồn gốc làm sản lượng dầu thô tăng vọt. Năm 2008, khi giá dầu tăng cao (148 USD), các hãng dầu lửa Mỹ đã quyết định khai thác tất cả mọi tiềm năng, kể cả dầu đá phiến, đưa sản lượng của Mỹ trong năm 2015 lên tới hơn 10 triệu thùng/ngày. Ngoài ra, không như các nước OPEC, các tập đoàn dầu lửa của Mỹ, chủ yếu là tư nhân, không nghe theo lệnh của Chính quyền hay Quốc hội nếu được yêu cầu giảm sản lượng dầu.

2. Trò chơi của Ả-rập Xê-út.

Lâu nay, Ả-rập Xê-út đã tập trung nhiều nỗ lực để cân bằng thị trường: tăng sản lượng để làm giảm giá dầu hoặc ngược lại, mặc dù làm như vậy là bất lợi cho họ. Nhưng từ năm 2014, Ả-rập Xê-út đã để mặc sức cung-cầu định đoạt trên thị trường, vì nếu họ giảm sản lượng dầu thì sẽ mất thị phần khi mà các nhà sản xuất Mỹ không hề có ý định giảm sản lượng. Khi đó, Ả-rập Xê-út tin rằng những nước sản xuất dầu với giá thành cao hơn (Mỹ, Nga…) cuối cùng sẽ phải hạ sản lượng và như vậy giúp cân bằng lại thị trường. Nhưng điều cơ bản hơn là những nhà lãnh đạo Ả-rập Xê-út lo ngại thế giới sẽ từ bỏ dầu lửa nhanh hơn dự kiến, khi khí hậu trái đất ngày một nóng lên và các nguồn năng lượng cổ lỗ sĩ đang dần bị xa lánh, ghét bỏ. Sắp tới thùng dầu còn nằm dưới lòng đất chỉ là thùng dầu bỏ đi, chẳng có giá trị gì. Tại Riyadh, một câu hỏi đang được đặt ra: liệu Ả-rập Xê-út sẽ sản xuất tất cả dầu lửa của họ trong những thập kỷ tới? Nếu sản xuất bằng mọi giá, Ả-rập Xê-út sẽ rơi vào “chiến lược của sự thất vọng”, khi nước này không có chiến lược nào khác để đối chọi với những công nghệ mới và với những nguồn cung dầu thô mới như dầu đá phiến của Mỹ…

3. OPEC vẫn còn tương lai?

Các căng thẳng giữa các nước xuất khẩu dầu lửa ở Vùng Vịnh và các nước khác muốn giảm sản lượng dầu là rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự tồn tại của OPEC dường như không bị đe dọa. Ngay cả vào lúc cuộc chiến tranh Iran – Iraq (1980 – 1988) căng thẳng nhất hoặc như khi xảy ra cuộc chiến tranh Vùng Vịnh (1990 – 1991), thì OPEC vẫn trụ vững. Sẽ là sai lầm nếu nói rằng OPEC sẽ khai tử, khi mà tổ chức này đã rất hiệu quả và sẽ hiệu quả trở lại. 13 nước thành viên OPEC chỉ sản xuất 1/3 dầu thô của thế giới và do vậy không thể một mình điều phối được thị trường.

Nhưng nước đứng đầu tổ chức này, Ả-rập Xê-út lại có khả năng bơm nhiều hoặc ít dầu tùy ý để điều chỉnh cung-cầu. Tuy nhiên, trước mắt các căng thẳng Iran – Ả-rập Xê-út khó có thể cho phép OPEC giữ được tính kỷ luật như đã từng có trong quá khứ. Về cơ bản, OPEC nắm trong tay tới 60% trữ lượng vàng đen. Dầu thô của các nước xuất khẩu dầu lửa ở Vùng Vịnh, của Iran, Iraq và Venezuela chiếm một phần đáng kể. Thủ lĩnh của họ, Ả-rập Xê-út thì cùng với Kuwait được hưởng chi phí khai thác dầu thấp nhất thế giới. Ngoài OPEC, người ta chưa thấy tổ chức nào có thể tác động tới giá dầu.

4. Tiêu thụ dầu thế giới và giá dầu sẽ tăng trở lại?

Trong những năm qua, lượng tiêu thụ dầu của thế giới chưa bao giờ giảm sút, nhưng đà tăng vọt của những năm 2000-2012 đã chậm lại rõ rệt do nhu cầu dầu của Trung Quốc đang giảm đi. Trong khi đó, những dự báo mới nhất của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF chỉ ra rằng kinh tế thế giới chỉ tăng 3,4% trong năm 2016 và 3,6% năm 2017, thậm chí có nguy cơ “trật đường ray” và gây ra tình hình “nguy hiểm” cho nhiều nước mới nổi.

Trước mắt, Tổ chức Năng lượng Quốc tế (AIE) dự báo nhu cầu dầu mỏ năm 2016 sẽ tăng 1,2 triệu thùng/ngày, tức ít hơn 600.000 thùng so với năm 2015. Vấn đề là cầu vẫn thấp hơn nhiều so với nguồn cung 2 triệu thùng/ngày.

5. Bức tranh của ngành công nghiệp dẩu lửa sẽ được vẽ lại?

Các thời kỳ khủng hoảng gay gắt, dù trong lĩnh vực nào, cũng luôn kéo theo các vụ phá sản và sáp nhập. Việc sụp đổ của giá dầu những năm 1990 (xuống còn dưới 10 USD) dẫn đến những cuộc “hôn nhân” vĩ đại trong những năm 1999 – 2002 (Total-Fina-Elf, Exxon-Mobil, BP-Amoco, Chevron-Texaco, Conoco-Phillips…) đã cho ra đời những tập đoàn dầu khí quốc tế khổng lồ.

Ngày nay, những vụ sáp nhập khủng đã không còn thuận lợi bởi những công ty đã có quy mô khá lớn, trừ trường hợp sáp nhập giữa Shell và BG (trị giá lên tới 64 tỷ Euro) hoặc vụ sáp nhập Halliburton-Baker Hughes. Tuy nhiên, ngành công nghiệp dầu lửa sẽ chứng kiến sự biến mất của những công ty nhỏ ở Mỹ, vốn bị bóp nghẹt khi giá dầu xuống dưới 30 USD/thùng.

6. Thế giới không chuẩn bị cho khả năng thiếu dầu trong tương lai?

Năm 2015, các công ty dầu mỏ đã phải hoãn thực hiện 68 dự án dầu và khí với khoản đầu tư 380 tỷ USD. Thậm chí các tổ hợp ở Châu Á cũng phải giảm quy mô như Petronas của Malaysia và China National Offshore Oil Corporation của Trung Quốc. Theo dự tính, trong giai đoạn 2015 – 2020, các công ty dầu mỏ sẽ phải hủy bỏ đầu tư 1.800 tỷ USD cho các dự án dầu.

Việc đầu tư ít sẽ dẫn đến căng thẳng mới về cung vào cuối thập kỷ này, và như vậy sẽ kéo giá dầu tăng lên. Tuy nhiên, không có gì chỉ ra rằng hình thái mới này sẽ kéo dài trong những năm tới và quy luật của thị trường vẫn sẽ tác động tới loại nguyên liệu rất cơ bản của nền kinh tế này. OPEC có thể sẽ tìm lại được vai trò điều phối của mình khi Mỹ đã khai thác nhiều trữ lượng dầu của họ. Tình hình bất ổn ở Trung Đông (Libya, Yémen, Syria, Irak…) cũng có thể làm giá dầu tăng trở lại. Tuy nhiên, chỉ có một điều dường như chắc chắn: nhiều cú sốc mới về dầu hỏa vẫn đang ở phía trước.

Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]