Chuyên chế là bản sắc dân tộc của nước Nga?

Print Friendly, PDF & Email

b1182a6f94ec49bec895818256d3fcc4

Nguồn: Robert J. Shiller, “Is Russia’s National Character Authoritarian?Project Syndicate, 14/03/2016.

Biên dịch: Chu Tuấn Việt | Biên tập: Nguyễn Huy Hoàng

Việc Nga xâm lược Ukraine và sự phục tùng của công chúng nước này đối với sự kiểm soát trực tiếp báo chí của chính phủ đã khiến nhiều người tự hỏi có phải người Nga có thiên hướng chuyên chế hay không. Cách đặt vấn đề này có vẻ hợp lý. Nhưng từ kinh nghiệm bản thân, tôi cho rằng chúng ta phải rất thận trọng khi kết luận về bản sắc của một dân tộc trên cơ sở những sự kiện riêng lẻ.

Năm 1989, tôi được mời tham dự một hội nghị kinh tế tại Moskva, khi đó thuộc Liên Xô, được đồng tài trợ bởi cơ quan nghiên cứu IMEMO (hiện có tên là Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế Primakov) của Liên Xô và Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia của Hoa Kỳ. Những hội nghị chung kiểu này là một phần của bước đột phá lịch sử bắt nguồn từ sự tan băng trong quan hệ Mỹ – Xô. Các nhà kinh tế Liên Xô có vẻ hồ hởi với việc chuyển tiếp sang nền kinh tế thị trường, và tôi đã ngạc nhiên về thái độ cởi mở của họ khi nói chuyện với chúng tôi những khi nghỉ giữa giờ hay trong bữa tối.

Nhưng điều đáng nói là tại hội thảo, các học giả Liên Xô bày tỏ nghi ngờ một cách nghiêm túc là liệu công chúng Liên Xô có cho phép nền kinh tế thị trường hoạt động hay không. Họ cho rằng công chúng sẽ coi các hoạt động kinh tế tư nhân là sai lầm, bất công, và không thể dung thứ.

Tôi đã gặp một trong những nhà kinh tế trẻ của IMEMO tên là Maxim Boycko và ấn tượng trước sự chân thành và kiến thức của anh ta. (Người này về sau giữ chức Phó Thủ tướng Nga và Bộ trưởng Bộ Tài sản Nhà nước dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin, rời bỏ chính phủ trước khi Vladimir Putin lên nắm quyền, và gần đây chuyển đến Mỹ làm giảng viên kinh tế tại Harvard và Brown.) Chúng tôi đã có một cuộc trao đổi sôi nổi. Tôi nói với anh ta là nhiều người Mỹ cũng đánh giá chủ nghĩa tư bản là bất công. Phải chăng thái độ của hai đất nước thực sự khác nhau?

Hóa ra là chưa ai từng tiến hành khảo sát về những thái độ như vậy. Tuy nhiên, trong năm 1989 chúng tôi đã có cơ hội làm điều đó. Ngay lúc đó chúng tôi quyết định làm một bảng câu hỏi khảo sát cẩn thận để so sánh thái độ ở mỗi nước về thị trường tự do.

Sau khi vật lộn với những khó khăn để dịch thật chuẩn xác và loại bỏ những suy diễn có thể gây định kiến cho người được hỏi, chúng tôi dựng được một bộ câu hỏi gần như giống nhau hoàn hảo trong cả tiếng Anh và tiếng Nga. Chúng tôi thực hiện khảo sát (với sự giúp đỡ của chuyên gia khảo sát người Ukraine là Vladimir Korobov) ở New York và Moskva năm 1990, rồi công bố kết quả trên American Economic Review năm 1991 và trên tập san MEIMO của IMEMO năm 1992.

Chúng tôi tìm thấy ít sự khác biệt trong thái độ về thị trường tự do, và khó có thể dựa vào đó để phân biệt giữa chuyên chế và dân chủ. Ví dụ, chúng tôi hỏi, “Vào kỳ nghỉ, khi nhu cầu mua hoa cao, giá hoa thường tăng. Vậy có hợp lý không khi người bán hoa tăng giá như vậy?’’ Đúng như các nhà kinh tế của IMEMO dự đoán, đa số (66%) người được hỏi ở Moskva trả lời là không. Nhưng thật ngạc nhiên: ở New York, chúng tôi cũng thu được kết quả giống hệt (68% trả lời là không).

Vậy nên năm ngoái, chúng tôi quyết định kiểm tra xem hiện tại, sự giống nhau đó giữa New York và Moskva có còn tồn tại hay không, hay là với sự phục hồi của chủ nghĩa chuyên chế tại Nga, thái độ của công chúng nước này về thị trường đã trở nên tiêu cực hơn. Chúng tôi đã hỏi những câu tương tự tại hai thành phố trong năm 2015. Chúng tôi đã trình bày kết quả khảo sát tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Kinh tế Hoa Kỳ hồi tháng 1 vừa qua.

Với câu hỏi về hoa, chúng tôi thấy có rất ít sự thay đổi ở Moskva (67% trả lời việc tăng giá hoa trong kỳ nghỉ là không hợp lý). Ngược lại, công chúng New York phần nào ủng hộ quy luật thị trường tự do hơn (chỉ 55% cho rằng việc tăng giá là không hợp lý).

Trong khảo sát 2015, Boycko và tôi quyết định kiểm tra thái độ đối với bản thân chế độ dân chủ. Chúng tôi may mắn tìm thấy một nghiên cứu từ năm 1990 của các nhà chính trị học James Gibson, Raymond Duch, và Kent Tedin (GDT). Các học giả này đã hỏi công chúng ở Moskva theo đúng cách chúng tôi đã làm, bỏ qua các câu khẩu hiệu để đánh giá các giá trị cơ bản. Mặc dù họ không làm so sánh với công chúng ở New York, chúng tôi đã cân nhắc bổ sung so sánh này trong năm 2015.

Đáng ngạc nhiên là phần lớn kết quả liên quan đến các giá trị dân chủ đã không ủng hộ quan niệm cho rằng người Nga thích một chính phủ chuyên chế mạnh. Ví dụ, năm 1990, GDT hỏi người tham gia khảo sát có đồng ý hay không với ý kiến “Báo chí nên được pháp luật bảo vệ khỏi sự đàn áp của chính phủ’’. Năm 1990, chỉ 2% người được hỏi không đồng ý; đến năm 2015, một số nhiều hơn đáng kể người Nga (20%) phản đối ý kiến này, cho thấy sự suy giảm trong các giá trị dân chủ. Nhưng thực sự bất ngờ khi ở New York, chúng tôi nhận được kết quả là 27% không đồng ý. Xem ra người New York ngày nay ít cổ xúy cho tự do báo chí hơn dân Moskva!

Sự khác biệt lớn nhất giữa Moskva và New York đến từ ý kiến của GDT rằng “Sống trong một xã hội có trật tự nghiêm ngặt tốt hơn là trao cho người dân nhiều quyền tự do đến nỗi họ có thể phá hủy cả xã hội.” Năm 1990, 67% người Moskva đồng ý, và năm 2015 là 76%, trong khi ở New York năm 2015, chỉ 36% đồng ý. Có thể chi tiết này quan trọng, nhưng nó chỉ là một điểm bất thường (outlier) – khác biệt lớn nhất giữa Moskva và New York mà chúng tôi tìm được trong cả cuộc khảo sát.

Tóm lại, dù cho thấy một số khác biệt, kết quả khảo sát này không ủng hộ quan điểm cho rằng những sự kiện gần đây có thể được giải thích một cách đơn giản là do sự khác biệt trong thái độ đối với thị trường tự do hay chủ nghĩa chuyên chế. Sẽ là sai lầm nếu gạt nước Nga sang phía khác biệt về cơ bản so với phương Tây. Năm 1991, chúng tôi đã kết luận rằng bản sắc dân tộc Nga không phải là cản trở đối với việc tạo dựng nền kinh tế thị trường tại Nga – và đã được chứng minh là đúng. Chúng tôi hy vọng lần này chúng tôi lại đúng, và hy vọng bản sắc dân tộc sẽ không cản trở nước Nga trở thành một xã hội dân chủ thực sự trong một ngày nào đó.

Robert J. Shiller, chủ nhân giải Nobel Kinh tế năm 2013, là giáo sư ngành kinh tế học tại Đại học Yale và là đồng tác giả của Chỉ số Case-Shiller về giá cả nhà ở tại Mỹ.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Is Russia’s National Character Authoritarian?
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]