Nhạc rock và các chế độ độc tài

Print Friendly, PDF & Email

1225778_1280x720

Nguồn: Ian Buruma, “Gimme Shelter From Dictatorship,” Project Syndicate, 07/04/2016.

Biên dịch: Thái Khánh Phong | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Sau chuyến thăm  lịch sử của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Cuba thì một buổi biểu diễn miễn phí của ban nhạc Rolling Stones ở Havana có vẻ chỉ là một sự kiện tương đối nhỏ. Obama đã hồi sinh mối quan hệ với Cuba sau hơn một nửa thế kỷ thù địch sâu sắc. Chỉ là các thành viên tuổi bảy mươi của ban nhạc chơi mấy bài nhạc ầm ĩ.

Tuy nhiên, về mặt biểu tượng, buổi biểu diễn này không nhỏ chút nào. Để hiểu được tầm quan trọng của việc ban nhạc Rolling Stones biểu diễn trước hàng trăm ngàn người Cuba hâm mộ, ta phải hiểu nhạc rock and roll có ý nghĩa như thế nào đối với những người sống dưới các chế độ chuyên chế cộng sản.

Ví dụ, trong những năm 1970, Tiệp Khắc, như các quốc gia cộng sản khác, là một nơi ảm đạm, buồn chán và bị áp bức, nơi các cán bộ Đảng tầm thường quyết định tất cả, và sự sáng tạo bị bóp nghẹt khi người dân buộc phải tuân thủ các quyết định của đảng. Rock and roll bị coi là một biến tướng độc hại của sự suy đồi tư bản chủ nghĩa. Một ban nhạc rock địa phương hát bằng tiếng Anh có tên Plastic People of the Universe đã bị bắt vào cuối những năm 1970 vì tội làm “xáo trộn hòa bình một cách có tổ chức.” Băng đĩa của Rolling Stones và các nhóm nhạc phương Tây khác đều bị cấm.

Nhưng những băng đĩa đó vẫn được bí mật tuồn vào Tiệp Khắc và các nước Đông Âu khác, nơi chúng được những người hâm mộ nhạc rock trẻ trân quý, trong đó có cả nhà viết kịch bất đồng chính kiến Václav Havel, người sau này trở thành tổng thống Tiệp Khắc. Những âm thanh bị cấm đoán – ồn ào, hỗn loạn, sexy – mở ra lối thoát cho sự vô hồn của một cuộc sống bình thường bị kiểm soát chặt chẽ. Rock and roll cho phép mọi người tưởng tượng ra tự do là thế nào, dù chỉ trong khoảnh khắc thoáng qua. Vì lý do đó, các nhà cầm quyền xem nó là một loại thuốc kích động chống đối.

Người hâm mộ nhạc rock ở các nước dân chủ phương Tây nghe các ban nhạc như Rolling Stones, Velvet Underground, hay Mothers of Invention của Frank Zappa, để giải trí. Dĩ nhiên, cũng có một số ngôi sao nhạc rock thể hiện thái độ chính trị của mình, nhưng điều này thường được coi là cử chỉ phù phiếm. Nhưng điều đó không đúng ở những nước như Tiệp Khắc, nơi âm nhạc – thay vì quan điểm – là một biểu hiện của sự nổi loạn nghiêm trọng. Quả thật, việc bảo vệ ban nhạc Plastic People of the Universe đã trở thành một lý tưởng chung cho nhiều nhà bất đồng chính kiến như Havel, cuối cùng dẫn đến phong trào Hiến chương 77 của Tiệp Khắc.

Khi Havel đề nghị Zappa giữ một vị trí chính thức trong chính phủ dân chủ của mình sau khi chế độ Cộng sản sụp đổ, Zappa đã hết sức ngạc nhiên giống như mọi người khác. Nhưng điều đó cho thấy âm nhạc của ông đã có ý nghĩa như thế nào đối với những người như Havel, khi họ phải nghe nó một cách bí mật để tránh bị bắt giữ.

Vai trò của nhạc rock ở những nước nằm sau Bức màn sắt được thể hiện xuất sắc trong vở kịch Rock ‘n’ Roll năm 2006 của Tom Stoppard, trong đó một nhân vật giống Havel, tên là Ferdinand (lấy tên theo một nhân vật trong những vở kịch của chính Havel), đã đề cao âm nhạc như một hình thức tối cao của sự phản kháng chính trị. Những người khác trong vở kịch lại chế giễu quan niệm này, coi phản kháng bằng âm nhạc thật tầm thường. Nhưng Stoppard, giống như Havel, rõ ràng không đồng ý như vậy. Vở kịch kết thúc với màn hòa nhạc lịch sử của Rolling Stones ở Praha năm 1990.

Rock là một loại âm nhạc gây ảo giác. Ảo giác cho phép mọi người bộc lộ bản thân mình. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng lành tính. Những cơn kích động tập thể tại các cuộc biểu tình của Đức Quốc xã cũng là một hình thức ảo giác. Hành vi của đám đông cổ vũ bóng đá cũng vậy nên đôi khi có thể biến thành bạo lực.

Tôi từng chứng kiến một nhóm người Singapore đáng kính thả mình trong một buổi lễ nhà thờ Phúc âm. Kích động trước một nhà giảng đạo đầy khí thế người Nhật Bản, những người đàn ông mặc comple xám bắt đầu quằn quại trên sàn nhà, miệng sùi bọt mép, và lảm nhảm những điều vô nghĩa. Đó không phải là một cảnh tượng khai trí. Trên thực tế, nó thật đáng sợ. Nhưng nhà truyền giáo người Nhật đã không sai khi cho rằng mọi người – đặc biệt là với giáo đoàn của ông, những người Nhật Bản và Singapore thượng lưu – đôi khi cần được giải phóng khỏi khuôn sáo thường ngày.

Ảo giác do âm nhạc gây ra không giống như ảo giác do tiếng nói trong các buổi thuyết giáo mê loạn. Nhưng trải nghiệm thì tương tự nhau. Đó là lý do tại sao những người muốn giữ nguyên trật tự xã hội thường rất muốn cấm những hành vi gây ảo giác như vậy.

Quả thật, từ năm 380 TCN, Plato đã cảnh báo những loại âm nhạc khác với âm nhạc truyền thống. Đổi mới âm nhạc, ông viết trong cuốn Cộng hòa, và nhất là những âm thanh mới gây kích động, là mối nguy hiểm cho thành bang. Ông tin rằng tình trạng vô pháp khởi nguồn từ các loại âm nhạc giải trí phi chính thống, và khuyên chính quyền nên chấm dứt ngay những thứ như vậy.

Tháng trước, Mick Jagger nói với những người hâm mộ Cuba của ông bằng tiếng Tây Ban Nha rằng “cuối cùng thì thời cuộc cũng đang thay đổi.” Có lẽ đúng như vậy. Obama cũng nói một ý tương tự trong bài phát biểu từ biệt của ông ở Havana. Ông nói về một kỷ nguyên mới, “một tương lai của hy vọng.” Ông nói với Raúl Castro – nhà lãnh đạo chuyên quyền của Cuba, già hơn Jagger hơn chục tuổi và hơn Obama gần ba chục tuổi – rằng ông không nên lo sợ quyền tự do ngôn luận.

Chúng là những mỹ từ. Tự do chính trị thực sự ở Cuba có thể còn lâu mới tới. Và Trung Quốc là một ví dụ cho thấy chủ nghĩa hưởng lạc cá nhân có thể vẫn song hành với chủ nghĩa chuyên chế chính trị.  (Ban nhạc Rolling Stones từng biểu diễn ở Thượng Hải, cho dù chính quyền Trung Quốc khăng khăng đòi kiểm duyệt những bài hát của họ.)

Nhưng đó là một khởi đầu. Rock and roll đã chính thức đến với Cuba. Jagger đã thể hiện sự tôn trọng thích hợp đối với âm nhạc truyền thống ngây ngất của Cuba. Người Cuba đã biết nhảy như thế nào. Bước tiếp theo, quan trọng hơn nhiều, là nhà cầm quyền cần phải ra khỏi sàn nhảy.

Ian Buruma là Giáo sư về Dân chủ, Nhân quyền, và Báo chí tại Bard College. Ông là tác giả nhiều cuốn sách, bao gồm Murder in Amsterdam: The Death of Theo Van Gogh and the Limits of ToleranceYear Zero: A History of 1945.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Gimme Shelter From Dictatorship
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]