Đấu đá quyền lực giữa Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường?

Print Friendly, PDF & Email

xili

Nguồn: AFP, “President Xi’s allies taking pot shots at Premier Li’s power base”, The Straits Times, 30/04/2016.

Biên dịch: Phan Nguyên

Các đồng minh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có những động thái chống lại một tổ chức cộng sản vốn là cơ sở quyền lực của Thủ tướng Lý Khắc Cường trong những diễn biến mà các nhà phân tích cho rằng có thể là dấu hiệu của một cuộc chiến phe phái ở thượng tầng của đảng cầm quyền.

Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc (CYL) từ lâu đã là một nơi để các cán bộ trẻ và đang lên chứng minh tài năng chính trị của mình, đặc biệt là với những người – không giống như ông Tập – không phải là “thái tử Đảng” với lợi thế có cha mẹ là cán bộ cấp cao. Đoàn đã từng là nơi đào tạo một số các nhà lãnh đạo hàng đầu của đất nước, bao gồm cả người tiền nhiệm của ông Tập là Hồ Cẩm Đào cũng như ông Lý Khắc Cường, và các cựu cán bộ xuất thân từ Đoàn Thanh niên được xem như là một nhóm hàng đầu trong Đảng Cộng sản.

Nhưng khi ông Tập có các động thái để củng cố quyền lực, nhóm này đã thường xuyên bị tấn công, bao gồm cả những lời khiển trách trực tiếp từ vị chủ tịch.

Cơ quan giám sát tham nhũng nội bộ của đảng, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI), tuần này đã phê bình tổ chức này vì đánh mất tầm nhìn về nhiệm vụ cốt lõi của nó là định hướng sự phát triển tư tưởng của giới trẻ.

Trên website của mình, CCDI công bố một bản tự kiểm điểm chi tiết của Ban chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên, trong đó Ban thừa nhận là phải có một “ý thức lớn hơn về trách nhiệm và nghĩa vụ” trước lãnh đạo đảng và thanh niên của đất nước.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi một cuộc thanh tra về Đoàn cho thấy bằng chứng về biển thủ công quỹ và tranh giành ảnh hưởng, theo tờ Thời báo Hoàn cầu thân cận với đảng cầm quyền.

Đứng đầu CCDI là ông Vương Kỳ Sơn, người được nhiều người coi là phụ tá hàng đầu của ông Tập.

Các nhà phân tích nói rằng những cáo buộc này, mặc dù có thể là có cơ sở, nhưng cũng có thể là một bức bình phong thuận tiện cho mục tiêu thực sự của CCDI: giúp ông Tập thiết lập vị trí trước Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 vào năm tới, nơi sẽ quyết định hành ngũ mới của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị của Đảng.

“Việc điều tra Đoàn Thanh niên là một nỗ lực cao về chính trị”, giáo sư Jean-Pierre Cabestan của Đại học Baptist Hồng Kông cho biết. “Hoạt động này chắc chắn sẽ góp phần củng cố vị thế của ông Tập.”

Năm trong số bảy thành viên Thường vụ Bộ Chính trị hiện tại được dự kiến sẽ nghỉ hưu tại Đại hội tới, và nhiều chuyên gia tin rằng ông Tập và ông Lý đang tham gia vào một cuộc đấu tranh để lấp đầy các vị trí này bằng những người ủng hộ mình, đó là chưa kể tới việc tìm cách giữ ghế cho chính họ.

“Tất cả các dấu hiệu cho thấy Tập Cận Bình đang cố gắng để làm giảm ảnh hưởng của Đoàn Thanh niên” trước sự kiện này, chuyên gia về Trung Quốc Willy Lam của Đại học Trung Văn Hồng Kông (CUHK) cho biết.

Người đứng đầu nhà nước coi nhóm này “như là một mối đe dọa chính trị”, tiến sĩ Lam nói và cho biết thêm rằng trong tương lai, Đoàn “sẽ tập trung vào việc thúc đẩy ý thức hệ và tư tưởng chính trị đúng đắn trong giới trẻ và không còn đóng vai trò như một nơi cung cấp tài năng nữa”.

Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc được thành lập vào năm 1920 để thúc đẩy ý thức hệ cộng sản trong thanh niên độ tuổi từ 14 đến 28, và trong lịch sử có xu hướng cải cách hơn là bảo thủ. Đoàn cũng có hơn 88 triệu thành viên vào năm 2013, theo tờ Nhân dân Nhật báo, làm cho nó có quy mô tương đương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Chính trị cấp cao của Trung Quốc nổi tiếng là không minh bạch, khiến các chuyên gia và các nhà phân tích phải chú ý tới các chi tiết nhỏ nhất trong các hoạt động của lãnh đạo – từ những thay đổi nhỏ trong phát biểu trước công chúng tới việc sắp xếp chỗ ngồi tại các buổi lễ chính thức – để phát hiện các chỉ dấu cho tương lai. Ngược lại, hoạt động của Đoàn Thanh niên lại được minh bạch hóa một cách bất thường, với việc tổ chức này phải chịu một đợt công kích dường như liên tục trong những tháng gần đây.

Bản thân ông Tập cũng chỉ trích tổ chức này hồi cuối tháng Bảy, phê phán các lãnh đạo Đoàn là quá “quý tộc”, mặc dù gốc gác của ông Tập cũng là “quý tộc đỏ”.

Hồi tháng Hai, theo Tân Hoa Xã, CCDI cũng đã chỉ trích Đoàn Thanh niên vì đã không theo sát ban lãnh đạo Đảng, nói rằng tổ chức này đã “không quán triệt tinh thần của các hội nghị Đảng về cải thiện các tổ chức quần chúng”.

Trong tuyên bố của Đoàn Thanh niên vào hôm thứ Hai, các lãnh đạo Đoàn cam kết sẽ “nghiên cứu sâu và nắm vững tinh thần của các bài phát biểu quan trọng của Bí thư Trung ương Đảng Tập Cận Bình”, và ghi nhận rằng Đoàn chỉ có thể hy vọng đạt được cải cách thông qua nâng cao hiểu biết của mình về những chỉ đạo của Chủ tịch Tập.

Xem thêm:

Mổ xẻ siêu quyền lực của Tập Cận Bình

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]